Tờ Guardian phát hiện đại học Oxford của Anh đã trao giải thưởng danh dự cho một doanh nhân Hong Kong có mối liên hệ với giới chức Bắc Kinh với hy vọng nhận được tiền tài trợ.
Trong buổi lễ long trọng được tổ chức tại Thượng Hải vào năm 2019, một học giả của đại học Oxford đã trao bằng tốt nghiệp đại học “vô giá trị” cho một doanh nhân ở Hong Kong có quan hệ với chính quyền Bắc Kinh
Đây là vụ việc mới nhất trong số những diễn biến gây lo ngại về sự ảnh hưởng của Bắc Kinh lên hệ thống giáo dục đại học của Anh.
Doanh nhân Hong Kong Chan King Wai được tặng tấm bằng “Viện sĩ Vành đai và Con đường” từ đại học Oxford trong buổi lễ tổ chức tại Thượng Hải hồi năm 2019. Ảnh: Guardian. |
Không đi học, vẫn có bằng
Ông Alan Hudson, học giả từ đại học Oxford đã trao tấm bằng “Viện sĩ Vành đai và Con đường từ đại học Oxford” cho Chan King Wai – người là thành viên của cơ quan cố vấn cho quốc hội Trung Quốc, trong một buổi lễ có sự tham dự của quan chức từ lãnh sự quán Anh và nhiều người khác.
Sáng kiến Vành đai & Con đường là dự án chính sách kinh tế đối ngoại và phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện quốc tế của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đại học Oxford chỉ trao một số ít bằng tốt nghiệp danh dự tại buổi lễ Encaenia hàng năm. Ông Hudson, người hiện đã nghỉ hưu sau quãng thời gian làm việc tại trường, thừa nhận rằng ông tự tạo ra danh hiệu để trao tặng cho ông Chan, và tấm bằng này không có bất cứ giá trị thực tế nào.
“Tôi đã tra cứu từ ‘viện sĩ’ và nó hoàn toàn vô nghĩa, nó có nghĩa là bất cứ một ai có liên hệ với nhà trường, dưới bất cứ sự mô tả nào. Vì vậy tôi nói rằng chúng ta có thể sử dụng từ đó trên tấm bằng để công nhận những đóng góp của ông ấy với chương trình”, ông Hudson nói.
“Động lực của việc này là để có một khoản tài trợ tiềm năng dành cho trường đại học, hoặc các phòng ban hay một số chương trình”, ông Hudson cho biết và nói thêm rằng ông không có kế hoạch về việc buổi lễ sẽ diễn ra hoành tráng và được chụp ảnh như vậy.
Ông Hudson từ lâu đã có mối quan hệ sâu rộng với Trung Quốc và đặc biệt là Thượng Hải. Ông từng được trao Giải vàng Magnolia cho những đóng góp của mình với thành phố vào năm 2013, đồng thời được phong chức giáo sư thỉnh giảng của Học viện Lãnh đạo Hành pháp Trung Quốc ở Phố Đông, một trường tập trung vào “trao đổi và hợp tác quốc tế”.
Tại Oxford, với tư cách là giám đốc các chương trình về lãnh đạo và chính sách công, ông Hudson đã tổ chức các khóa học ngắn hạn, thường kéo dài vài tuần, cho các quan chức của nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc, nơi thương hiệu Oxford được công nhận rộng rãi.
Những người tham gia nhận được chứng chỉ tham dự thay vì một loại bằng cấp có giá trị, và một người tham gia khóa học đã đề xuất trao bằng danh dự cho ông Chan, bất chấp việc doanh nhân này chưa từng đến Oxford học.
Đại học Oxford là cơ sở giáo dục uy tín và lâu đời tại Vương quốc Anh. Ảnh: Alamy. |
Ông Chan sinh ra ở Trung Quốc đại lục trước khi chuyển tới Hong Kong vào năm 1979, nơi ông xây dựng đế chế kinh doanh của mình. Tập đoàn của ông giờ đây làm ăn trong đủ mọi lĩnh vực từ bảo hiểm cho đến bất động sản. Ông cũng có mối quan hệ thân hữu với các tổ chức ở đại lục.
Bên cạnh việc làm cố vấn cho Quốc hội Trung Quốc, ông Chan cũng là phó chủ tịch của một cơ quan thương mại có liên hệ với chính quyền Trung Quốc. Ông cũng là thành viên hội đồng quản lý một số trường đại học của Trung Quốc.
Các trường đại học Anh cần cảnh giác
Ông Neil O’Brien, nghị sĩ vùng Harborough và là thành viên sáng lập nhóm China Research Group, tổ chức gồm các chính trị gia của đảng Bảo thủ thường phê phán Bắc Kinh, cho rằng các trường đại học của Anh nên cẩn trọng hơn trong việc tìm nguồn gây quỹ ở Trung Quốc.
“Các trường đại học cần gây quỹ, nhưng điều đáng lo là nếu các học giả sẵn sàng trao tặng bằng cấp vô nghĩa để theo đuổi tiền bạc, thì họ còn có thể làm những điều tệ hơn thế. Đã có lo ngại về việc các trường đại học ở Anh dễ dàng bị ảnh hưởng chính trị chỉ vì một chút tiền mặt”, ông O’Brien nhận định.
“Tôi hoan nghênh Bộ Giáo dục điều tra kỹ lưỡng về nguồn tiền tài trợ cho các trường đại học từ các cá nhân và tổ chức, cũng như những tác động chính trị của việc này”, ông nói thêm.
Bằng danh dự dành cho ông Chan King Wai cũng bị chỉ trích bởi Benedict Rogers, đồng sáng lập và chủ tịch của nhóm vận động Hong Kong Watch.
“Vụ việc đáng tiếc này là một ví dụ khác cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc với các cơ sở giáo dục hàng đầu của chúng ta, mà phần lớn họ không bị giám sát”, ông Rogers nói thêm.
Tháng trước, các sinh viên tại Jesus College thuộc đại học Cambridge, đã kêu gọi cắt đứt quan hệ với Trung Quốc sau khi tạp chí Times tiết lộ rằng trường này đã nhận 200 nghìn bảng Anh (260 nghìn USD) từ một cơ quan chính phủ Trung Quốc và 155.000 bảng từ hãng viễn thông Huawei.
Hội sinh viên trường cáo buộc Jesus College đã “không hoàn toàn minh bạch về tài chính”, đồng thời cảnh báo rằng trường “sẽ luôn gặp rủi ro từ các chiến dịch thông tin và quyền lực mềm từ Trung Quốc”.
Một trường khác trực thuộc Cambridge là Wolfson College cũng bị chỉ trích vì học bổng danh dự mà cơ sở này trao cho Trưởng đặc khu Hành chính Hong Kong Carrie Lam hồi năm 2017.
Trưởng đặc khu Hành chính Hong Kong Carrie Lam từng được Wolfson College thuộc đại học Cambridge trao tặng học bổng danh dự vào năm 2017. Tuy nhiên, mới đây bà Lam đã chủ động cắt đứt quan hệ với trường. Ảnh: AP. |
Washington cũng ngày càng lo ngại về tầm ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc với các cơ sở giáo dục của Mỹ khi quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi.
Tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã coi Viện Khổng Tử – các trung tâm dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc được Bắc Kinh tài trợ trên khắp thế giới – là cơ quan đại diện của Trung Quốc ở nước ngoài và là một phần của “nỗ lực tuyên truyền nhiều mặt từ Bắc Kinh”.
Theo Zing
Leave a comment