Home Cộng Đồng Chàng trai giao bánh mì khổ luyện 6 năm giành học bổng toàn phần Úc
Cộng Đồng

Chàng trai giao bánh mì khổ luyện 6 năm giành học bổng toàn phần Úc

(www.Alouc.com) – Chỉ học hết lớp 12, Minh Hiếu từng phải dậy từ lúc 4h đi giao bánh và sống tạm bợ cùng mẹ trong ngôi miếu hoang.  

Sáu năm sau ngày Nguyễn Minh Hiếu, 26 tuổi, rời vùng quê nghèo ở Vạn Ninh, Khánh Hòa lên TP HCM nhập học, anh vẫn không quên quãng thời gian thức khuya dậy sớm giao bánh mì và sống tạm bợ trong ngôi miếu hoang. Tháng hai năm nay, chàng trai Khánh Hòa sẽ lên đường sang Australia bằng học bổng toàn phần của trường TAFE New South Wales (Australia). Trước khi đi, Hiếu kịp cất cho mẹ căn nhà nhỏ trên miếng đất rộng 40 m2 bằng số tiền dành dụm suốt hai năm làm việc. 

Hiếu sinh ra trong một gia đình nghèo, bố và anh trai mất sớm, một người anh khuyết tật bỏ nhà đi, chỉ còn hai mẹ con sống nhờ trong căn miếu hoang cuối làng. Hiếu chào đời không biết mặt bố. Ông mưu sinh bằng nghề vào rừng nhặt bom, cưa mìn lấy chất nổ bán cho dân chài rồi qua đời trong một tai nạn. Mẹ Hiếu làm thuê đủ nghề kiếm tiền nuôi con nhưng cuộc sống vẫn túng thiếu. Năm lớp 7, Hiếu xin mẹ nghỉ học đi làm nhưng bà một mực phản đối. Chàng trai Khánh Hòa học hết cấp ba rồi bắt đầu làm thuê trong xưởng bánh mì của nhà mợ họ.

Chàng trai Khánh Hòa Nguyễn Minh Hiếu.

Chàng trai Khánh Hòa Nguyễn Minh Hiếu.

Mỗi ngày, Hiếu dậy từ 4h, mang bánh mì đi giao cho các hàng trong xã. Trở về xưởng, anh tất bật chuẩn bị mẻ bột mới, nặn bánh, đưa vào lò. Hiếu chỉ có vài chục phút nghỉ trưa trước khi bắt đầu ca làm việc buổi chiều. Lúc anh trở về nhà cũng là khi trời tối muộn. Công việc vất vả, thu nhập chẳng đáng kể, Hiếu vẫn nuôi giấc mơ đi học. Nhiều lần vừa làm bánh, chàng trai Khánh Hòa vừa hình dung ra khung cảnh giảng đường với những kiến thức giúp anh “đổi đời”. 

Một lần, khi đang xếp bánh mì, Hiếu tình cờ nghe trên ti vi chương trình dạy nghề miễn phí cho học viên có hoàn cảnh khó khăn. Đêm hôm đó, anh thức trắng để tìm kiếm thông tin về KOTO – tổ chức đào tạo nghề nhà hàng phi lợi nhuận được một người Australia gốc Việt thành lập và điều hành. Biết nơi đây là một “Training restaurant” (Nhà hàng đào tạo), luôn đón nhận những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, dạy nghề và giới thiệu việc làm có thu nhập ổn định, Hiếu “đánh liều” nộp hồ sơ.

Một tháng sau, khi đang lúi húi với những mẻ bánh mì, Hiếu nhận được cuộc gọi báo tin mình trúng tuyển. Trước ngày vào TP HCM nhập học, anh trao cho mẹ mấy triệu đồng tiền tiết kiệm khi làm việc tại xưởng bánh mì rồi yên tâm lên đường.

Từ học hết lớp 12 đến học bổng toàn phần Australia

Chàng thanh niên Khánh Hòa lên thành phố nhập học nghề khách sạn, du lịch với đôi bàn tay trắng. Những ngày đầu, Hiếu hay trốn vào một góc ngồi khóc vì nhớ nhà. “Cậu trai quê” hay buồn vì chưa thể thích nghi với cuộc sống hối hả chốn Sài thành. Đôi lúc, anh lúng túng vì không biết cách ứng xử với những người bạn học đến từ nhiều vùng miền, có văn hóa địa phương khác nhau. 

Suốt 1,5 năm học nghề, Hiếu chịu nhiều áp lực mỗi đợt thi cử, thực tập nhưng anh chưa từng muốn bỏ cuộc. Mỗi khi chán nản, anh nghĩ về cuộc sống tạm bợ của mẹ ở quê, về vợ chồng người anh trai cả chật vật mưu sinh mỗi ngày để tiếp tục cố gắng. Chàng trai Khánh Hòa dành trọn thời gian cho việc học. Anh học nghề, học ngoại ngữ, kỹ năng sống và cả cách thích nghi với mọi môi trường. Càng học, Hiếu càng say mê với những kiến thức mới mẻ, vượt qua thế giới nhỏ bé của anh nơi quê nhà. Ước mơ được học lên cao tại một môi trường hiện đại hơn đã lớn lên trong Minh Hiếu từ đó.

Quãng thời gian khổ luyện biến Hiếu từ cậu bé giao bánh mì vụng về thành một người vững nghiệp vụ ngành nhà hàng, khách sạn. Anh rời TP HCM về Nha Trang làm việc trong một resort có tiếng với vai trò bartender (nhân viên pha chế).

Hiếu nhận giải Nhân viên xuất sắc trong buổi tổng kết của trung tâm dạy nghề.

Hiếu nhận giải ‘Nhân viên xuất sắc’ trong buổi tổng kết của trung tâm dạy nghề.

Không chỉ có mức thu nhập ổn định hơn trước, công việc mới cho Hiếu những trải nghiệm thú vị khi được phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Những kiến thức học được ở trung tâm dạy nghề giúp anh giao tiếp tự tin với du khách nước ngoài, nhẫn nại và khéo léo trong những tình huống khó xử. Kết thúc một năm làm việc tại resort, Hiếu quyết định trở về trung tâm dạy nghề làm việc. Điều anh muốn là cống hiến một phần sức lực xây dựng nơi này trở thành cái nôi cho nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Tiếp nữa, Hiếu muốn nuôi dài thêm con đường học.

Năm 2014, Minh Hiếu trở về nơi cũ với vai trò Captain (tổ trưởng phụ trách quản lý nhân viên), sau đó nâng cấp thành Restaurant Assistant (trợ lý quản lý nhà hàng) và hiện tại là Reservation officer (nhân viên đặt phòng). Hiếu kinh qua nhiều vị trí với mong muốn tích lũy thêm kiến thức, trở thành một nhân lực đa năng trong lĩnh vực của mình. Ở cương vị nào, chàng thanh niên Khánh Hòa cũng làm việc bằng sự tâm huyết. Cuối năm 2017, trường Đại học TAFE New South Wales (Australia), đối tác của trung tâm dạy nghề, đã dành cho Hiếu suất học bổng toàn phần ngành Hospitality Management (Quản trị khách sạn).

Tới thời điểm này, khi cầm trên tay tấm visa du học, Hiếu vẫn không tin đó là sự thật. Người mẹ 68 tuổi của anh khóc nghẹn, thương cậu con trai sinh ra trong hoàn cảnh thiệt thòi, có đường học lận đận. Hiếu dành phần lớn số tiền tích cóp được cất cho mẹ căn nhà nhỏ, phần còn lại để bà trang trải trong những ngày anh đi học.

“Từ lúc làm ở xưởng bánh mì tới khi có thu nhập ổn định, tôi luôn canh cánh việc phải xây được cho mẹ một mái ấm nho nhỏ. Đó là tâm nguyện của bố lúc còn sống. Mẹ tôi khổ quá rồi. Lúc tôi lên thành phố, mẹ sống nhờ nhà dì rồi nhà họ hàng, mỗi nhà vài ngày”, Hiếu nói.

Hiếu và mẹ bên căn nhà mới xây.

Hiếu và mẹ bên căn nhà mới xây.

Minh Hiếu sẽ sang Australia vào ngày 15/2 để tiếp hiện thực hóa giấc mơ du học. Trên trang cá nhân, anh viết: “Chẳng dám gọi đó là thành công, chỉ đơn giản làm được vài điều nhỏ nhoi mình hằng ước, mang đến hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Mong rằng sẽ có đủ nghị lực để tiếp tục thực hiện giấc mơ trên con đường tìm kiếm những tri thức ấy”.

Theo Ngôi Sao