Home Tin Nước Úc Du lịch Úc Thành phố Melbourne có thực sự đáng sống?
Du lịch ÚcTin Nước Úc

Thành phố Melbourne có thực sự đáng sống?

(www.Alouc.com) – Thành phố Melbourne năm lần liên tiếp được bình chọn là thành phố đáng sống nhất trên thế giới, theo kết quả của cuộc khảo sát uy tín mang tên Global Liveability Survey.

Xem thêm: Du lịch Melbourne – Kinh nghiệm tham quan, ăn ở và đi lại từ A đến Z

Lần này quay trở lại Melbourne, tôi đi cùng với ông xã và hai đứa nhóc của chúng tôi. Để “phượt” cho tới nơi tới chốn, chúng tôi thuê một chiếc xe ô tô tự lái: lấy xe ngay tại sân bay Melbourne khi xuống máy bay và trả xe tại sân bay Sydney, trước khi lên máy bay về nước.

10-29-29_8_melbourne-co-kinh

Melbourne cổ kính

Vì nước Úc rộng tới 7.617.930 km2, chúng tôi quyết định “khoanh vùng” ba tiểu bang mà mình sẽ khám phá lần này (Victoria, Australian Capital Territory và News South Wales với thủ phủ là ba thành phố lớn Melbourne, Canberra và Sydney). Thật may, cả ba tiểu bang đó đều cho phép khách du lịch lái xe nếu có bằng lái nước ngoài hợp lệ và bằng lái đó được dịch sang tiếng Anh.

Chúng tôi thức dậy thật sớm để ăn sáng, trò chuyện và lên phố dạo chơi. Vì các điểm du lịch chính của thành phố Melbourne nằm gần nhau, nên thay vì lái xe và phải loay hoay tìm chỗ đỗ xe, chúng tôi quyết định bắt tàu điện lên trung tâm thành phố. Từ nhà ông Jim, sau khi đi bộ vài phút qua những con đường lúc lỉu các loại hoa, tôi trở lại bến xe điện nơi tôi đã từng bao lần chờ đợi. Chỉ một phút sau, một chuyến tàu điện leng keng chạy đến, đưa tôi ngược về quá khứ.

Con đường St Kilda nơi tôi hay qua hôm nay vẫn không thay đổi nhiều. Vẫn những người chạy bộ trên phố, những bà mẹ đẩy con thơ trong xe nôi đi dạo, vẫn những toà nhà cổ kính hiền từ, thấp thoáng ẩn hiện bên rặng cây xanh.

10-29-29_6_chieu-nghieng-o-bien-st-kild
Chiều nghiêng ở biển St Kilda

Gần đến trung tâm thành phố, những chiếc xe ngựa chợt hiện ra, song hành cùng chúng tôi. Nếu chịu chi một khoản tiền kha khá, bất cứ ai cũng có thể thuê những cỗ xe ngựa này để thong dong dạo phố. Hai bên đường nơi tôi đang qua là những hàng cây tỏa bóng, và dưới gốc chúng, đủ các loại hoa khoe sắc trong nắng. Thật may vì trời hôm nay đẹp. Melbourne được mệnh danh là thành phố của bốn mùa trong ngày, với thời tiết như một cô gái tuổi mới dậy thì, có thể nóng lạnh bất cứ lúc nào mà chẳng cần có lý do.

Xem thêm: Ấn tượng & lưu luyến trước vẻ đẹp của bãi biển St Kilda ở Melbourne

Bên trái của tôi, một ngọn tháp trắng vút lên trên những tàng cây xanh rì. Chúng tôi bấm chuông ra hiệu cho người lái tàu điện, rồi nhảy xuống ở trạm xe điện kế tiếp. Bên kia đường là tháp hình chóp của trung tâm nghệ thuật Victoria – một trong những biểu tượng của thành phố Melbourne. Trắng muốt, cao 162 m, chiếc tháp đang vòng tay ôm lấy một dãy những tòa nhà, nơi những buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc nhất của Melbourne diễn ra hàng đêm.

Sau khi chụp ảnh và ngắm nghía những người khách du lịch khác đang tung tẩy tạo dáng bên tháp, chúng tôi lang thang đến Bảo tàng nghệ thuật ở gần đó và thả sức chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Bộ sưu tập ở đây thật đáng nể và phản ánh sự đa sắc tộc của nước Úc. Ấn tượng nhất là những bức tranh sơn dầu về miền quê xứ sở này, với những cây bạch đàn thân trắng vút lên lộng lẫy trên nền trời mênh mang nắng gió. Nhìn tranh, tôi thấy mình đang hít đầy lồng ngực mùi thơm phức của thảo nguyên.

Thường khi nghĩ tới người Úc, người ta lập tức liên tưởng đến những người da trắng, tóc vàng. Nhưng không, người da trắng chỉ đặt chân đến Úc vào năm 1788, khi Anh chiếm lĩnh Úc làm thuộc địa. Các nghiên cứu cho thấy, ít nhất 40.000 năm trước đó, Úc là đất nước của thổ dân (Aboriginal people) – những người có nước da ngăm đen, sống theo bộ lạc, sở hữu hơn 250 loại ngôn ngữ khác nhau, cùng nhiều phong tục lạ lẫm.

Hiện nay, thổ dân Úc chỉ chiếm khoảng 3% tổng dân số. Các tác phẩm nghệ thuật của họ thường rất sặc sỡ và khác biệt – chúng kể những câu chuyện về giấc mơ của tác giả, về nguồn gốc của loài người, hoặc đối thoại với tổ tiên. Ngày xưa, khi tôi mới sang Úc, một số người Úc da trắng vẫn còn xem thổ dân là mọi rợ. Vì thế hôm nay tôi thật vui những bức tranh của những nghệ sĩ thổ dân đang chiếm một phần đáng kể trong bảo tàng, và được trân trọng theo đúng giá trị của chúng.

Bạn tôi, chị Nguyễn Hồng Nga cho tôi biết rằng hiện nay trong các sự kiện long trọng, người Úc đều bày tỏ sự tôn trọng dành cho nguồn gốc thổ dân của xứ sở này. Ở các sự kiện quan trọng đó, người ta thường đọc văn bản “Acknowledge of the Country.” Văn bản này có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng nội dung đều công nhận rằng mảnh đất nơi họ đang hiện diện là của người thổ dân. Chị Nga còn nói thêm rằng, tại trường học của con trai chị, trước khi hát quốc ca, các bạn học sinh cũng phải nói lời “Acknowledge of the Country.” Hoặc trong buổi lễ tốt nghiệp mẫu giáo của con gái chị Nga, các cháu bé 5 tuổi cũng đọc “Acknowledgement of the Country.”

Rời Bảo tàng nghệ thuật, chúng tôi đi dọc theo sông Yarra và thả sức chiêm ngưỡng những kiến trúc vạm vỡ, trẻ trung đang vươn lên bầu trời trong văn vắt. Những tòa nhà cao, thanh mảnh kiêu hãnh đứng cạnh những khối nhà vuông, được điểm trang bằng những lùm cây xanh và màu vàng rực rỡ của tháp chuông nhà thờ và kiến trúc của nhà Ga Melbourne (Melbourne Central). Bên tôi, dòng sông Yarra trong vắt chảy qua, không một gợn rác. Những chiếc thuyền du lịch chở khách chầm chậm trôi cạnh những chiếc thuyền độc mộc nhỏ đang nhịp nhàng lướt qua cùng với các tay chèo.

Qua sông Yarra, tôi hướng về nhà Ga Melbourne, rồi ngồi bệt xuống ở bậc thang nơi cửa chính. Không khí nơi đây thật nhộn nhịp, với những bước chân người, những nụ cười, những cái ôm choàng, những cái bắt tay… Là một trong những nơi gặp gỡ lý tưởng của rất nhiều người, bậc thang này đã từng chứng kiến biết bao cuộc hẹn hò thời tuổi trẻ của tôi.

Nhìn từ bên ngoài, Ga Melbourne là một kiến trúc trang nhã và đẹp mắt, nhưng bên trong là một thế giới vô cùng nhộn nhịp. Được xây dựng vào những năm 70 và ẩn sâu trong lòng đất, đây là một trong ba nhà ga ngầm, đón hàng nghìn chuyến tàu xuyên dưới lòng đất mỗi ngày. Từ nơi đây, những chuyến tàu vùn vụt chở khoảng 50.000 lượt khách mỗi ngày túa đi khắp nơi trong thành phố. Đứng trên một con phố nào đấy ở trung tâm Melbourne, bạn cũng có thể đứng trên một con tàu đang hộc tốc chạy qua dưới lòng đất, mà hoàn toàn không hề hay biết.

Đang ngắm nghía nhà ga, nghe thấy tiếng hò reo, chúng tôi vội băng qua đường. Đám đông hàng trăm người đang vỗ tay phấn khích, hướng lên phía một người đàn ông ở trần đang đứng trên một chiếc ghế rất cao. Cạnh ghế là một bệ đỡ kim loại cao hơn 2 mét, trên đặt một bàn chông, tua tủa hơn 100 chiếc chông thép to hơn ngón tay cái, nhọn hoắt, trông đến rợn người.

10-29-29_1_neu-toi-co-chet-thi-moi-nguoi-cung-phi-bo-tien-vo-mu-chu-dung-bo-chy-nhe
Nghệ sĩ đường phố đang thực hiện màn biểu diễn mạo hiểm ngoài trời

“Tôi đang dâng hiến tính mạng mình cho các bạn đấy. Vỗ tay ủng hộ tôi nào, các bạn ơi!” Từ trên cao, người đàn ông ở trần nói với đám đông. Tất cả vỗ tay rần rần, reo hò cổ vũ. Hóa ra đây là một nghệ sĩ đường phố đang thực hiện màn biểu diễn mạo hiểm ngoài trời. Tôi vỗ tay theo, rồi nín thở khi người đàn ông ra hiệu cho tất cả im lặng. Từ chiếc ghế, anh khom người, chống hai tay lên kệ, rồi úp bụng xuống bàn chông. Thoắt chốc, anh đưa hai tay và hai chân lên không trung, để cả thân người vạm vỡ của mình chông chênh trên những chiếc chông đang ấn sâu vào bụng.

Xem thêm: 7 khu chợ nổi tiếng nhất Melbourne mà bạn nên đến & khám phá

“Nếu tôi có chết thì mọi người cũng phải bỏ tiền vào mũ, chứ đừng bỏ chạy nhé,” người đàn ông vừa nhăn mặt nói, vừa chỉ tay xuống chiếc mũ đen đang để trên mặt đất. Dù đang hồi hộp lo sợ cho tính mạng của anh, tất cả mọi người bên dưới đều cười ồ.

Tưởng màn biểu diễn ngoạn mục đã kết thúc, nhưng người đàn ông nhờ một khán giả kéo ghế của anh ra xa, và đưa cho anh ba con dao phay khá to đang nằm cạnh chiếc mũ. Anh úp bụng trên chông, vừa tung hứng ba con dao, vừa xoay người trên bàn chông, nhờ một trục xoay ở phần giữa kệ. Vừa thực hiện các động tác mạo hiểm đến nghẹt thở, anh vừa lặp đi lặp lại “Nếu tôi chết cũng đừng bỏ tôi lại rồi chạy nha. Phải nhớ đến chiếc mũ của tôi nha.”

Tôi phải lè lưỡi cảm phục sự dũng cảm của anh, và thả vào mũ của anh một ít tiền xu. Hầu như quanh tôi ai cũng làm thế, nhất là sau khi thấy anh đã trở lại mặt đất, bụng chi chít những vết đỏ rướm máu do những mũi chông nhọn hoắt ấn vào. Thật kỳ lạ khi anh không hề bị thương nặng. Và thật sự, kiếm tiền bằng nghề biểu diễn đường phố ở Úc không dễ chút nào.

Chúng tôi tiến đến khu mua sắm ở gần góc phố Swanton và Bourke Street. Bỗng nhiên, có một tiếng hát thanh mảnh, trong vắt vút lên, làm tôi xoay phắt người, cứ tưởng mình vừa được chạm vào giọng ca Lê Cát Trọng Lý. Thật may, Lê Cát Trọng Lý không bỏ xứ qua đây, nhưng có một cô gái châu Á tóc tém xinh xắn với chiếc ghita thùng ngồi hát giữa dòng người lại qua. Cạnh cô là hộp chiếc ghi-ta để mở. Ai thích thì dừng lại lắng nghe cô, ai thích nữa thì có thể bỏ vào hộp chiếc ghi-ta vài đồng xu lẻ, hoặc một tờ bạc. Đĩa nhạc của cô cũng để ở đó, có niêm yết giá sẵn. Người mua có thể để tiền lại đó cho cô, không cần hỏi han, trao đổi. Còn cô cứ hát như chưa từng hát, như chưa từng quan tâm đến cuộc đời này. Giọng cô thánh thiện quá đỗi giữa phố đông người.

Cách cô ca sĩ một con phố, tôi rơi tõm vào một thế giới khác: thế giới của những nghệ sĩ múa flanmenco Tây Ban Nha. Các chàng trai với quần da đen bó, áo trắng chật căng, các cô gái với váy xoè bồng bềnh cùng chiếc áo không thể ngắn hơn, khoe làn da rám nắng và chiếc bụng phẳng lì. Họ vừa nhảy vừa nện giày mãnh liệt xuống đất, làm người đứng xem cũng phải vỗ tay rầm rập theo điệu nhạc. Xa xa là một ban nhạc rock gồm ba chàng trai trẻ râu tóc đầm đìa như chưa hề tắm gội sau mấy tháng ở trong rừng. Người thì ghi-ta, người thì trống, người thì bass, họ đang sôi sùng sục cùng với những điệu nhạc nóng bỏng, khiến một đám đông tụm lại xung quanh, cuồng nhiệt lắc lư.

10-29-29_9_melbourne-tre-trung
Melboune trẻ trung

Nếu nước Úc có những chuyện kỳ lạ thì tôi cho rằng Ned Kelly là một trong những câu chuyện kỳ lạ nhất. Là con của một tù nhân được được đưa từ Ailen đến Úc lưu đày, Ned Kelly sinh năm 1855 tại Úc. Khi mới 15 tuổi, anh chàng đã tham gia cướp bóc và cùng anh trai của mình lập ra một băng đảng, tấn công những người giàu, và nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì đã giết chết ba cảnh sát. Đối với một số người lúc đó (và đến tận bây giờ), Ned Kelly được xem như một người anh hùng, đấu tranh giành công lý cho người nghèo và chống lại người giàu.

Để bảo vệ mình, Ned Kelly đã sáng chế ra một bộ áo giáp dày cộp, bao gồm cả mũ, và tin rằng súng đạn không thể giết được anh ta. Nhưng thật không may (và cũng khá ngu ngốc), Ned Kelly đã quên rằng, vẫn còn một khoảng chân tay trống trải. Trong một cuộc đụng độ với cảnh sát trên tàu, Ned Kelly bị bắn vào chân, bị đem ra xét xử và bị treo cổ ở nhà tù Melbourne khi mới 25 tuổi.

Đến thăm nhà tù Melbourne, bộ áo giáp của Ned Kelly khiến tôi tròn mắt: rất hoành tráng, phủ kín cả thân mình và cả phần đầu và cổ. Nhưng hỡi ôi, bộ áo giáp vẫn còn hở chân tay và khi mặc bộ này, làm sao anh chàng có thể chạy nhanh cho được? Chắc cũng vì sự ngốc nghếch đến buồn cười đó mà Ned Kelly vẫn nổi danh cho đến hôm nay.

Đã từng có một bộ phim tiểu sử làm về cuộc đời anh chàng, bộ phim ấy do ca sĩ Mỹ nổi tiếng Mick Jagger thủ vai Ned Kelly. Các nghệ sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng như Johnny Cash và Waylon Jennings cũng đã từng sáng tác các bài hát về Ned Kelly và băng cướp kỳ lạ của anh chàng.

Rời thành phố, chúng tôi hướng về phía biển St Kilda. Bầu trời trong vắt yên bình đang được hoàng hôn sơn phết một màu vàng rực rỡ. Những tia sáng lóng lánh ôm choàng lấy lòng biển miên man sóng vỗ. Những cây cọ xoè những chiếc ô tròn. Những chàng trai cô gái lướt qua trên những đôi giày ba-tanh. Gió hát trên tóc tôi, nắng mơn man trên môi tôi. Dù bây giờ là mùa hè, trời cũng còn quá lạnh để có thể tắm biển, nhưng lác đác vẫn có những đứa con trai dạn dĩ cởi áo chạy ùa xuống nước, rồi mau chóng lên bờ, xuýt xoa vì lạnh.

Chúng tôi chọn cho mình một chiếc bàn dưới bóng cây cọ cao lớn trong một nhà hàng hải sản ven biển. Biết là sẽ đi toi một số tiền lớn, tôi vẫn phải gọi cho mình một đĩa chem chép (mussel) hấp cùng rượu vang trắng, sau đó là món cá barramundi nướng nổi tiếng của nước Úc.

Hôm đó, ngồi bên cạnh bờ biển lộng gió bên cạnh những người thân yêu, nhâm nhi những con chem chép ngọt lịm, thơm lừng, để lưỡi mê man trong vị ngọt trong trẻo của món cá barramundi trắng nõn nà, tôi tự nhủ “Đúng, Melbourne là một trong những thành phố đáng sống nhất trên thế giới”.

Xem thêm: Melbourne – Thành phố có sức lôi cuốn nhất đối với người dân bản địa

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...