Nước Úc đang thành công trong việc làm phẳng biểu đồ lây nhiễm covid-19 khi số lượng người tử vong do coronavirus tại Úc hiện vẫn chưa vượt quá con số 100, tỷ lệ tử vong cũng chỉ hơn 1%. Vì sao?
Người dân vẫn đang quan tâm đến những con số kể từ khi đại dịch covid-19 bùng phát.
Và đột nhiên, những con số lại đóng một vai trò đáng kể trong cuộc sống người dân.
Mỗi ngày chúng ta được nghe về con số các ca nhiễm, số người tử vong, số người bình phục.
Tất cả những con số đó góp phần tạo nên tỷ lệ – như tỷ lệ lây nhiễm, tỷ lệ tử vong.
Nhưng tại sao tỷ lệ tử vong – tức số lượng người chết vì covid-19 so với tổng số dân quốc gia đó – lại khác biệt tùy vào mỗi quốc gia?
Chuyên gia về dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng, tiến sỹ Tony Blakely, cho rằng vị trí địa lý và khả năng lãnh đạo chính là tác nhân góp phần giúp cho tỷ lệ tử vong ở mức thấp.
“Xem xét cách để hiểu vì sao tỷ lệ tử vong thấp là phải tìm hiểu cả quá trình. Nước Úc rất may mắn vì đã có thể sử dụng một chiêu thức cũ phổ biến. Là một quốc gia ở cách xa với thế giới, chúng ta có thời gian để lên kế hoạch đối phó, chúng ta có những sự chỉ đạo tốt – tôi nói điều này bao hàm cả Úc và New Zealand, New Zealand cũng rất tương đồng với Úc. Một ví dụ điển hình về sự chỉ đạo tốt đó là chúng ta đã chặn dòng người từ Trung Quốc đổ về Úc ngay từ những ngày đầu, đó là điều rất quan trọng. Và điều may mắn khi là một quốc gia ở cách xa và có khả năng lãnh đạo đã giúp nước Úc có được tình trạng hiện nay.”
Giáo sư Carola Vinuesa đến từ Trung tâm Nghiên cứu các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, cho biết, việc quản lý biểu đồ lây nhiễm và để có được tình hình như hiện nay là rất khả quan, nhưng người Úc vẫn còn cả một chặng đường phía trước.
“Nước Úc rõ ràng là đã kiểm soát được biểu đồ lây nhiễm, và đây là tin tốt lành cho hệ thống chăm sóc y tế. Chúng ta không bị quá tải phòng chăm sóc đặc biệt, nhưng điều này cũng có nghĩa là căn bệnh sẽ tiếp tục lây lan trong một thời gian dài nữa và chúng ta phải tiếp tục cảnh giác, để bằng mọi cách giữ con số lây nhiễm ở mức thấp.”
Giáo sư Catherine Bennett, trưởng khoa Dịch tễ học tại Đại học Deakin, đồng thời là thành viên trong nhóm theo dõi số liệu tử vong do Covid-19 của Úc và thế giới. Bà nói nước Úc đã đặt ra một tiêu chuẩn cho các nước khác
“Đây là kết quả rất tuyệt vời cho dù được tính theo số lượng hay tỷ lệ phần trăm đi nữa, chúng ta đang làm tốt hơn rất nhiều quốc gia khác dù ban đầu có số ca nhiễm đủ để khởi phát đại dịch. Nhưng cho đến nay chúng ta đã giữ được con số tử vong dưới 100, thì quả là tuyệt vời.”
Chỉ mới hơn một tháng trước, mỗi ngày nước Úc có hàng trăm ca nhiễm mới, giờ đây chỉ có thêm vài ca nhiễm mỗi ngày. Một số nơi thậm chí không xuất hiện ca nhiễm mới nào trong vài ngày liên tiếp.
Archie Clements, giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Curtin, cho biết, hệ thống chính phủ Úc cũng góp phần đáng kể vào kết quả này
“Lý giải cho điều này là vì chúng ta có lãnh đạo vững mạnh và hợp tác. Chính phủ Úc đã thiết lập một nội các quốc gia, trong đó những người đứng đầu mỗi tiểu bang hay vùng lãnh thổ, bất kể thuộc đảng phái chính trị nào cũng đều có thể hợp tác cùng nhau giải quyết đại dịch ở cấp quốc gia. Đây chính là điểm mà Hoa Kỳ và châu Âu đã không làm được, họ thiếu một chính phủ cởi mở và hợp tác, và còn chính trị hóa trong việc phản ứng với đại dịch.”
Do đó tất cả những nhân tố trên đã góp phần làm đẹp số liệu cho nước Úc, vậy vì sao tỷ lệ tử vong lại khác nhau ở mỗi quốc gia?
Các chuyên gia lý giải là do phương thức xét nghiệm, tốc độ xử lý của chính phủ, dân số già và hệ thống y tế của quốc gia đó có tốt hay không.
Ở trường hợp nước Úc, tỷ lệ tử vong hiện là 1.3%, thấp hơn so với Pháp, nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất – 19%.
Có một số nguyên do dẫn đến tỷ lệ tử vong khác nhau ở mỗi quốc gia: không phải quốc gia nào cũng làm xét nghiệm tử vong, một số quốc gia chỉ tính số người chết trong bệnh viện, một số khác không tiến hành xét nghiệm coronavirus sau khi chết.
Do đó, theo lời giáo sư Bennett, phúc trình về tử lệ tử vong thế giới là không chính xác.
“Những quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất thường bị quá tải đến nỗi họ khó có thể ước tính số người bị nhiễm bệnh thực sự. Trên thực tế số người nhiễm bệnh nhiều hơn, nhưng đã bị bỏ qua, và còn những người bị bệnh những chưa xuất hiện triệu chứng cũng không được ước tính đủ, và điều đó khiến cho virus lây lan trong cộng đồng. Và khi số người nhiễm bệnh quá nhiều như ở Tây Ban Nha, Anh quốc, Pháp hay đặc biệt là Hoa Kỳ, hệ thống y tế lúc đó bị quá tải và sẽ khiến cho mọi việc trở nên rất khó khăn để tất cả người bệnh nhận được sự chăm sóc y tế tối ưu nhất.”
Tiến sỹ Blakely thì nói thậm chí dự đoán về tỷ lệ tử vong của chính phủ cũng không hoàn toàn đáng tin cậy, và điều này càng khiến cho bức tranh về khủng hoảng coronavirus thêm phần ảm đạm.
“Tỷ lệ người bị nhiễm bệnh trên thế giới có sự khác biệt rất lớn. Ở Hoa Kỳ, theo biểu đồ cho thấy có gần 80,000 ca tử vong và thực sự là như thế, nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì chúng ta thấy có khoảng 2.5% dân số bị nhiễm virus. Một khi bị nhiễm virus, người đó sẽ được ghi nhận bởi những hệ thống y tế khác nhau, và khi người đó tử vong thì đó là tỷ lệ tử vong dựa trên tổng số người bị nhiễm bệnh, tức là 1% người bệnh sẽ tử vong.”
Cần phải ghi nhận thêm rằng có sự khác nhau giữa chuyện tử vong vì coronavirus và tử vong có liên quan đến coronavirus.
“Nếu người chết có liên quan đến coronavirus, có nghĩa là họ bị nhiễm virus nhưng chết vì một nguyên do khác, có thể là do đột quỵ chẳng hạn, do đó theo lý thuyết họ chết vì đột quỵ nhưng vì trong người có mang virus covid nên nó đã góp phần khiến cho đột quỵ xảy ra. Trong khi có người chết vì thiếu oxy thì nguyên nhân trực tiếp của cái chết đó là do covid. Khi đó họ sẽ tính là người này chết do covid. Nhưng dù sao đi nữa, để rạch ròi nguyên nhân dẫn đến cái chết cũng rất khó để khẳng định.”
Tất cả chuyên gia đều khuyến cáo những phương thức xét nghiệm mạnh hơn, xét nghiệm kháng thể, tiến hành rà soát những người tiếp xúc, sử dụng các phương pháp như ứng dụng Covid-Safe mới được chính phủ tung ra gần đây và đã có hơn 5 triệu lượt tải về.
Leave a comment