Chỉ còn vài tuần nữa, người dân Úc bắt đầu được chủng ngừa vắc xin chống COVID-19, với ưu tiên cho những người có nguy cơ dễ bị lây nhiễm nhất. Thế nhưng nhiều người quan ngại rằng phải mất thêm nhiều tháng nữa mới tiêm chủng cho đủ số người, để thấy được mức độ hiệu quả của việc bảo vệ chống lại coronavirus tại Úc. Vậy việc chủng ngừa sẽ tiến hành ra sao?
Chính phủ Úc hy vọng sẽ bắt đầu chủng ngừa qui mô chống lại coronavirus, bắt đầu vào khoảng giữa tháng 2.
Thế nhưng để được tiêm chủng không đơn giản, như chỉ việc chỉ đến gặp bác sĩ và nhận mũi tiêm vắc xin.
Việc chủng ngừa sẽ diễn ra trong 5 giai đoạn ưu tiên khác nhau.
Nhóm đầu tiên được tiêm chủng, sẽ là các nhân viên thuộc Lực lượng Bảo vệ Biên Giới, nhân viên các viện dưỡng lão và chăm sóc khuyết tật cùng các cư dân tại đây, cộng thêm các nhân viên y tế ở tuyến đầu.
Kế tiếp sẽ là các vị cao niên trên 70 tuổi, các nhân viên y tế khác, người Thổ Dân và dân bán đảo Torres trên 55 tuổi, những người trẻ hơn nhưng mắc bệnh kinh niên hay khuyết tật, cũng như các công nhân quan trọng gặp rủi ro cao, làm việc trong các dịch vụ khẩn cấp.
Nhóm thứ ba bao gồm những người tuổi từ 50 đến 69, người Thổ Dân và dân bán đảo Torres trung niên và các công nhân gặp rủi ro cao.
Giai đoạn 4 sẽ là nhóm cuối cùng, là những người còn lại trong thành phần dân số Úc.
Thế nhưng nhóm cuối cùng sẽ là trẻ em dưới 18 tuổi, mặc dù chỉ được chủng ngừa nếu có đề nghị y tế để được tiêm chủng.
Tại viện dưỡng lão Huntingdon Gardens ở phía nam Sydney, nhân viên và cư dân hiện phấn khởi khi được xem là những người Úc đầu tiên được chủng ngừa.
Giám đốc viện dưỡng lão là ông Feng Chen hay Trần Phong cho biết, nhân viên và các cư dân có thể được bảo vệ cho chính họ, khi được chủng ngừa nay mai.
“Vâng thật rất phấn khởi, năm 2020 quả là một năm đầy khó khăn, đặc biệt cho những người cao tuổi mà nhân viên chúng tôi cùng các cư dân trong nhà dưỡng lão đã làm theo những gì có thể được”.
“Chúng tôi đã làm mọi chuyện trong việc tìm chắc chắn ngăn chận virus lây nhiễm, thế nhưng với tình trạng tại các nước khác, quả thật quá tệ hại”.
“Vì vậy nếu chúng ta có vắc xin, nó sẽ giúp rất nhiều để bảo vệ mọi nhân viên và các cư dân nữa”, Trần Phong.
Trong số những người đầu tiên được chủng ngừa tại nhà dưỡng lão Huntingdon Gardens là cụ bà Joan Myles 92 tuổi, vốn bị bệnh bại liệt từ nhỏ.
Bà hy vọng có nhiều người Úc được chủng càng tốt, để giúp chấm dứt việc lây nhiễm.
“Chúng tôi đã thấy bệnh bạch hầu, bại liệt và những bệnh khác đã bị trị dứt”.
‘Quả là thiếu suy nghĩ, khi một số người không tìm cách để được bảo vệ”.
‘Họ rõ ràng không thấy rằng trong quá khứ, mọi người không thể làm gì được với những điều mà chúng ta thường làm hiện nay, như chúng ta muốn làm để sinh nhai hàng ngày và tôi thấy có nhiều người chết rồi”, Joan Myles.
Vì vậy một khi quí vị đủ điều kiện để được chủng ngừa, thì việc tiêm chủng sẽ được thực hiện ở đâu?
Tất cả việc nầy tùy thuộc vào điều kiện, khi nào việc chủng ngừa xảy ra.
Những người thuộc 2 nhóm ưu tiên, sẽ được chủng tại 50 bệnh viện khắp vùng đô thị và địa phương ở Úc.
Những người sống và làm việc trong các cơ sở chăm sóc cao niên và khuyết tật, sẽ được tiêm chủng tại chỗ.
Sau khi 2 giai đoạn đầu tiên hoàn tất, việc chủng ngừa chuyển sang một thành phần rộng rãi hơn trong xã hội, khi có 1 ngàn địa điểm tiêm chủng được thêm vào danh sách.
Việc nầy bao gồm văn phòng bác sĩ gia đình của quí vị, bệnh viện hô hấp, bệnh viện chủng ngừa khác, các dược phòng trong cộng đồng và dịch vụ y tế Thổ Dân.
Bác sĩ Colin Madeley cho biết, ông tin rằng văn phòng các bác sĩ gia đình như ông, là một nơi căn bản cho việc thực hiện việc tiêm chủng.
“Chúng tôi rất mong đợi được góp phần trong đó”.
“Theo ý tôi, các thủ tục đã được sẵn sàng để chủng ngừa vắc xin và đây là việc chúng ta làm trong năm nầy qua năm khác, với các chương trình chủng ngừa thường lệ, qua việc tiêm chủng cúm hàng năm”.
“Vì vậy cơ cấu đã sẵn sàng và các chuyên gia có sẵn”.
“Là một bác sĩ gia đình, thật vui mừng khi những gì chúng tôi làm mang lại sự hữu hiệu”, Colin Madeley.
Tuy nhiên kế hoạch chủng ngừa nầy, tùy thuộc vào Cơ quan Quản trị Dược phẩm Úc hay TGA, chấp thuận một loại vắc xin nào đó.
Vì vậy, tại sao chuyện đó lại chưa xảy ra?
Được biết nước Úc đã ký kết đến 3 công ty dược phẩm khác nhau, đó lả Oxford/AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Novavax.
Cả hai loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer đã được sử dụng tại hải ngoại và nước Úc bảo đảm có 53,8 triệu liều và 10 triệu liều của hai vắc xin, theo thứ tự nói trên.
TGA đã cấp phép tạm thời cho cả hai loại vắc xin, vốn là bước đầu tiên trong tiến trình, thế nhưng việc nầy không chắc chắn trong việc chấp nhận vắc xin.
Điều đó có nghĩa là, TGA có thể bắt đầu qua việc nghiên cứu các dữ kiện lâm sàng, trong các giai đoạn khác nhau để thử nghiệm vắc xin.
Đồng thời TGA cho biết, hiện theo dõi thật sát tính chất hữu hiệu và an toàn của các vắc xin, khi chúng được chủng ngừa tại các quốc gia khác trước tiên.
Giáo sư Mike Toole là một chuyên gia về dịch tễ học tại Viện Burnet cho rằng, nước Úc rất may mắn khi tỷ lệ lây nhiễm thấp.
“Vào lúc nầy đó là đang giữa trận đại dịch, tôi nghĩ nước Úc có lợi thế khi có ít các trường hợp, hiện nay chỉ là một vài vụ tại các khu ngoại ô của Sydney”.
“Vì vậy chúng ta có thể nhìn ra thế giới và học được kinh nghiệm của họ”.
“Do đó quả là đúng đắn khi họ tiến hành việc chủng ngừa rất nhanh chóng và họ có thể gặp một ít rủi ro, thế nhưng đó không phải là trường hợp của nước Úc”, Mike Toole.
Được biết TGA hy vọng sẽ chấp thuận vắc xin Pfizer-BioNTech đầu tiên, với việc chuẩn thuận dự trù sớm nhất là ngày 31 tháng 1.
Khi được chấp thuận, việc nầy sẽ mất 2 tuần lễ để các liều vắc xin đầu tiên đến được nước Úc.
Leave a comment