Tin Tức Nước Úc – Ozwear khẳng định giày Classic UGG họ bán là từ nguyên liệu Úc 100%, nhãn mác cùng đầy đủ màu vàng xanh của Úc, và họ là đại lý cao cấp do chính người Úc sở hữu, thế nhưng, ACCC phát hiện những đôi giày họ bán lại là MADE IN CHINA.
Đúng dịp Lễ Halloween, thì cách đây vài ngày mục Cơm áo gạo tiền chúng tôi cũng đã thưa chuyện các sản phẩm dành cho Lễ hội Haloween bị thu hồi vì “sản phẩm giả nhưng gây nguy hiểm thật”.
Trong đó, một số loại máu giả rồi đồ hóa trang bị làm giả với phẩm chất kém đã tuồn vào tiểu bang Victoria.
Cũng về chuyện sản phẩm giả hiệu, kém phẩm chất đang gây mất uy tín cho các sản phẩm Úc thì tối nay, mục Cơm áo gạo tiền sẽ cùng quý vị tìm hiểu về một loạt các sản phẩm rất nổi tiếng nhưng bị cáo buộc là bị nhái, bán ngang nhiên tại Úc.
Theo báo The Age, ACCC (Cơ quan cạnh tranh và tiêu thụ Úc) đã ra phán quyết phạt một nhà bán lẻ các loại giày lông cừu UGG tại Úc về tội cố tình gắn mác Made in Australia cho các sản phẩm thực sự được làm tại Trung Quốc.
Thế nhưng, sau đó thì công ty này bây giờ lại bác bỏ án phạt đó và cho rằng ACCC đang bắt nạt công ty họ.
Hết chuyện công ty sản xuất Vitamin Trung Quốc những gắn mác làm tại Úc, giờ thì đến sản phẩm UGG.
Giày Classic UGG treo hàng Úc bán hàng ‘Tàu’
Theo The Age, chủ sở hữu một công ty bán lẻ sản phẩm UGG đã phải nộp hơn $25,000 tiền phạt vì cáo buộc ghi sai xuất xứ hàng hóa, này đã từ chối cáo buộc lừa dối khách hàng với loại giày ‘Classic Ugg’ của họ.
Công ty Ozwear Connection đã trả tiền phạt tổng cộng 25,200 đô la sau khi ACCC tuyên bố công ty đã tạo ra một ấn tượng sai lầm rằng giày dép “Classic Ugg” của Ozwear được sản xuất tại Úc.
Thực chất thì loại giày mà công ty này bán UGG thuộc dòng sản phẩm ‘Classic Uggs’ được sản xuất tại Trung Quốc.
Theo ACCC thì nấn đề nằm ở chỗ là trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2018, Ozwear tuyên bố trên trang web của mình rằng họ là công ty 100% thuộc sở hữu của Úc “Aussie” và các loại sản phẩm thuộc dòng giày Classic UGG của họ được sản xuất bằng những những vật liệu tốt nhất có sẵn tại Úc.
Và cho đến trước tháng 5 năm 2018, Ozwear cũng vẫn đính kèm một thẻ xanh và vàng, có hình dạng giống như một bản đồ của Úc và trên đó ghi rằng “Nhãn hàng cao cấp độc quyền này là thương hiệu độc quyền của Úc dành cho giày Ugg Úc đích thực”.
Thậm chí những tuyên bố như vậy vẫn còn xuất hiện trên trang Facebook của thương hiệu này.
Theo đó Ozwear cũng mô tả chính họ là “một trong những nhà sản xuất hàng đầu tại Úc”, với “quyền được sử dụng các nguyên liệu từ những con cừu tốt nhất tại các trang trại có đồng cỏ nguyên sơ nhất trên vùng đất màu mỡ của nước Úc.”
Quảng cáo sai lạc nghiêm trọng
Tuyên bố như thế thì có lẽ ít ai đặt ngược vấn đề là sản phẩm giày UGG do Ozwear cung cấp lại không phải từ lông cừu Úc.
Và ACCC đã khẳng định rằng cách hiển thị thông tin về xuất xứ hàng hóa của Ozwear đã tạo ra một ấn tượng sai lầm rằng giày hiệu ‘Classic Ugg’ của họ được sản xuất tại Úc, nhưng trên thực tế, chúng được sản xuất tại Trung Quốc.
Phó chủ tịch ACCC, Mick Keogh cho biết hành vi của nhà bán lẻ này là “không thể chấp nhận được”.
“Việc hiển thị xuất xứ sản phẩm từ quốc gia nào đó có thể được coi là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, vì nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm của Úc,” ông Keogh nói.
Ông Keogh nói thêm khi các công ty bán lẻ giả mạo hoặc gây nhầm lẫn về một sản phẩm được sản xuất tại Úc, người tiêu dùng có thể sẽ phải trả thêm nhiều hơn mà không hề hợp lý và các doanh nghiệp thì thực sự làm mất đi danh tiếng của các sản phẩm đặc trưng của Úc.
Nộp phạt nhưng không ‘tâm phục khẩu phục’
Ông chủ của Ozwear là Jason Zhang cho biết, thông tin về quốc gia sản xuất giầy đó đã được đóng dấu trên giày dép và bao bì rồi.
Mặc dù đã trả tiền phạt, nhưng Jason Zhang vẫn khăng khăng giữ lập trường là thương hiệu của mình làm đúng và không chấp nhận việc xác nhận của ACCC rằng công ty của ông đã lừa dối người tiêu dùng.
Ông cho biết công ty có trụ sở tại Sydney, và dòng sản phẩm ‘Classic Ugg’ sử dụng da cừu có nguồn gốc từ Úc và thôgn tin về quốc gia sản xuất đã được đóng dấu trên giày dép và bao bì.
Thậm chí, ông này đã cáo buộc cơ quan giám sát cạnh tranh và tiêu thụ Úc đã “bắt nạt” công ty ông ta.
“Chúng tôi thực sự đã thay đổi các tấm mác rời của sản phẩm và cả một số từ ngữ trên nhãn mác của công ty để xoa dịu ACCC, mặc dù chúng tôi không đồng ý với quan điểm của họ,” ông Zhang nói.
Ông nói rằng ACCC đang đi săn phù thủy và tìm cách bắt nạt một doanh nghiệp nhỏ của Úc, để buộc họ phải trả tiền phạt.
Theo SBS Vietnamese