Trong một nỗ lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống rác thải, Chính phủ Úc sẽ chi 20 triệu AUD (tương đương 13,5 triệu USD) để hỗ trợ ngành tái chế trong nước phát triển.
Phát biểu ngày 13/8, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố quyết định này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là sau khi chính phủ liên bang và các tiểu bang đã ký cam kết ngừng xuất khẩu rác thải nhựa, giấy, kính, thủy tinh và lốp xe ra nước ngoài.
Với khoản đầu tư này, ngành công nghiệp tái chế trong nước sẽ có thêm nguồn lực để hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ tái chế rác thải ở mức cao hơn, cho ra đời những sản phẩm tái chế phù hợp đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, việc thúc đẩy hoạt động tái chế trong nước sẽ không những giúp bảo vệ môi trường mà còn góp phần tạo thêm việc làm cho người dân.
Úc cam kết ngừng xuất khẩu rác thải sang các nước châu Á. Ảnh: AFP
Hiện ngành công nghiệp xử lý rác thải của Úc mới chỉ tái chế được 12% lượng rác thải nhựa trong nước.
Chỉ riêng trong tài khóa 2018, Úc đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn rác thải có thể tái chế ra nước ngoài, trong đó phần lớn là tới các nước châu Á. Tổng chi phí để trả cho các hoạt động này lên đến 2,8 tỷ AUS (1,88 tỷ USD).
Trong bối cảnh các nước đang phát triển như Trung Quốc, Malaysia và Indonesia bắt đầu hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa từ Úc và các nước phát triển, xử lý rác thải trở thành vấn đề cấp bách đối với chính phủ của Thủ tướng Morrison.
Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), khoảng 300 triệu tấn nhựa đang được sản xuất ra hằng năm, và hầu hết các vật dụng làm bằng nhựa đều bị đưa đến các hố chôn hoặc gây ô nhiễm các đại dương. Tình trạng này đã trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế ngày càng nghiêm trọng./.