(www.Alouc.com) – Bảo hiểm sức khỏe dành cho sinh viên quốc tế OSHC là một điều kiện cần có khi nộp hồ sơ xin visa du học Úc. Số tiền mua OSHC không nhỏ, nhưng không ít bạn chưa tận dụng tốt những quyền lợi mà bảo hiểm này mang lại.
Anh Nguyễn Đức Quyết – Giám đốc Điều hành Công ty Du học Rightway (Melbourne), đồng thời cũng là agent cho nhiều công ty bảo hiểm có cung cấp các gói bảo hiểm sức khỏe dành cho du học sinh trò chuyện với SBS Vietnamese về cách mua OSHC và tận dụng các gói bảo hiểm này cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
SBS Vietnamese: Du học sinh và người thân của họ cần mua những loại bảo hiểm nào? Và phải mua khi nào với độ dài ra sao?
Theo quy định của chính phủ Úc thì du học sinh và người thân đi kèm bắt buộc phải mua bảo hiểm. Loại bảo hiểm này được gọi tắt là OSHC. Ở Úc hiện tại chỉ có 5 công ty bảo hiểm được chính phủ công nhận dành cho du học sinh. Tuy nhiên, phải mua đúng gói là OSHC mới chính xác vì trong 5 công ty mình đã nêu trên thì họ có bán khá nhiều loại bảo hiểm khác ngoài bảo hiểm cho du học sinh ví dụ bảo hiểm OVHC (thường dành cho người đi làm, du lịch), hay bảo hiểm tài sản…
SBS Vietnamese: Hiện trên thị trường có rất nhiều công ty bảo hiểm khác nhau. Có phải tất cả các sản phẩm OSHC của họ đều thoả mãn yêu cầu về bảo hiểm mà Bộ Di trú đưa ra?
Chỉ có gói bảo hiểm OSHC của 5 công ty mình nêu phía trên mới đảm bảo yêu cầu bắt buộc về bảo hiểm dành cho du học sinh mà bộ di trú quy định.
SBS Vietnamese: Có sự chênh lệch to lớn giữa sản phẩm của OSHC của các hãng hay không?
Về căn bản chỉ có vài sự khác biệt:
- Thứ nhất là về giá cả: Gói bảo hiểm rẻ nhất hiện tại là AHM với giá 438$/1 năm. Còn các bảo hiểm đắt tiền hơn là Medibank, Bupa, Allianz thì khoảng 550$/1 năm, tính ra là đắt hơn khoảng 100$/1 năm.
- Thứ nhì về văn phòng dịch vụ: Theo ý kiến chủ quan của mình thì các công ty bảo hiểm lớn như Medibank, Allianz thì văn phòng hỗ trợ cho du học sinh khá nhiều, khá thuận tiện cho du học sinh khi muốn claim lại tiền khám, thắc mắc về bảo hiểm…
Có một số trường còn có văn phòng của các công ty bảo hiểm ở ngay trong trường khoảng 2 ngày/1 tuần; các bạn du học sinh muốn claim lại tiền có thể tới văn phòng đại diện nộp các giấy tờ cần thiết để claim lại tiền.
SBS Vietnamese: Làm thế nào để mua được bảo hiểm cho du học sinh với giá tốt nhất?
Hiện nay việc tra cứu thông tin khá dễ dàng, các bạn có thể tra cứu giá cả qua chức năng tìm kiếm google. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ một số đại diện của các hãng bảo hiểm nhờ mua giúp hoặc có thể ủy quyền mua bảo hiểm cho trường mình sẽ học.
Theo kinh nghiệm vốn có của mình thì mình có một số tip sau:
- Mua bảo hiểm gói single, nếu thời gian học dưới 3 năm thì nên mua bảo hiểm AHM là tiết kiệm nhất, vì giá bảo hiểm AHM tăng theo năm. Ví dụ năm đầu là 438$/1 năm thì 2 năm là 885$, tức là hơn gấp đôi một chút. Nếu thời gian học dài hơn 3 năm thì nên mua Nib.
- Nếu bố mẹ là single parent (mẹ đơn thân): Nên mua Allianz Single, sau đó nâng lên thành Dual Policy vì giá bảo hiểm cho 2 người thì Allianz là rẻ nhất.
- Nếu mua cho cả gia đình: Thì gia đình cần mua bảo hiểm gói gia đình (tức family); giá bảo hiểm rẻ nhất dành cho gói là là Nib.
SBS Vietnamese: Dường như du học sinh chỉ mua bảo hiểm để thoả mãn nhu cầu xin visa, trên thực tế họ ít khi sử dụng hết các quyền lợi mà bảo hiểm này mang lại. Anh nghĩ sao về việc này?
Thực tế là rất nhiều học sinh không biết hoặc không quan tâm đến loại bảo hiểm này và quyền lợi nó mang lại mặc dù nghĩa vụ đóng tiền, mua bảo hiểm mình đã thực hiện từ khi chưa được cấp visa tịa Việt Nam.
SBS Vietnamese: Có những quyền lợi gì của OSHC mà anh thấy du học sinh ít khi biết/ ít khi dùng?
Quan điểm của mình thì thích du học sinh không cần dùng tới bảo hiểm.
Tuy nhiên, các bạn cần biết rằng, việc đi khám bác sĩ gia đình (GP) thì các bạn vẫn có thể claim lại số tiền này nhờ bảo hiểm. Nhiều bạn có thể không biết vấn đề này nên nhiều lúc rất ngại đi khám kể cả ốm đau, cảm cúm.
Ngoài ra, hầu hết các hãng bảo hiểm này đều cho phép du học sinh đi khám mắt 1 năm một lần miễn phí; có nghĩa là các bạn có thể đi khám mắt trả tiền, rồi claim bảo hiểm số tiền đó. Tuy nhiên mình xin nhắc lại là chỉ một năm một lần.
SBS Vietnamese: Việc tự mua bảo hiểm (qua website/ đến văn phòng cty bảo hiểm) so với mua qua các agent có gì khác nhau?
Việc mua bảo hiểm trực tiếp hay qua agent đại diện về giá tiền căn bản là giống nhau trừ khi agent tự ý tăng giá bảo hiểm hơn so với giá của các hãng đưa ra. Tuy nhiên, việc này nếu học sinh thắc mắc chỉ cần lên mạng tìm hãng rồi đối chiếu thì sẽ ra ngay.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt đó là agent nếu có kinh nghiệm thường họ biết được cần mua bảo hiểm đến khi nào theo quy định của bộ di trú để việc mua bảo hiểm với độ dài phù hợp, không thiếu, không thừa tránh dẫn tới bị chậm trễ hồ sơ xin visa.
Theo SBS