Home Tin Nước Úc Thường dân bỗng thành ông chủ nhiều công ty lớn và vấn nạn lừa đảo mới ở Úc
Tin Nước Úc

Thường dân bỗng thành ông chủ nhiều công ty lớn và vấn nạn lừa đảo mới ở Úc

(www.Alouc.com) – Chương trình 7.30 ABC hôm 17/10 cho hay giới chức an ninh liên bang đang theo dõi một người đàn ông tại Melbourne vì những cáo buộc cho rằng người này đã giúp các công ty làm ăn thua lỗ tránh đóng thuế đối với một khoản lợi tức lên đến hơn $20 triệu đôla.

Điều đáng nói là khoản tiền này xuất phát từ việc các công ty vừa kể lừa đảo các nhà đầu tư địa ốc mà ra.

Ôm tài sản, chuyển nợ cho người vô tội

Các nhà điều tra ATO – Sở Thuế Úc, ASIC – Uỷ ban giám sát Đầu tư và Chứng khoán, và AFP – Cảnh sát Liên bang đã bố ráp một văn phòng tại Cremorne, thuộc vùng ngoại ô Meloburne hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Trong một bản thông cáo báo chí, ATO cho biết những cuộc bố ráp tương tự cũng được tiến hành tại nhiều căn nhà khác ở Queensland và Victoria.

Bản thông cáo báo chí của ATO viết:

“(Những vụ bố ráp này) nằm trong khuôn khổ một cuộc điều tra dài hạn về hoạt động của một tổ chức tư vấn cho các công ty trước khi những công ty này bị vỡ nợ, cùng việc tổ chức này khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để những khách hàng này có những hoạt động phi pháp như tránh đóng thuế GST, và trốn trả thuế đối với một khoản lợi tức không được khai báo lên đến $22 triệu  đôla.”

Ngoài ra tổ chức tư vấn vừa kể còn bị cáo buộc dính líu đến một loại hoạt động phi pháp khác bị gọi nôm na là “Hoạt động Phượng hoàng” – “Phoenix activity” .

Phoenix activity là hình thức cố ý chuyển tài sản từ một công ty vỡ nợ sang một công ty mới để trốn thuế, để khỏi trả nợ cho công nhân hoặc cho các chủ nợ.

Giám đốc của những công ty dính líu vào hoạt động phi pháp này sẽ chuyển hết tài sản qua công ty mới, chỉ để lại toàn bộ nợ nần cho các công ty cũ, rồi đặt chúng vào tình trạng thanh lý hay phá sản.

Nói chung là Phoenix activity giúp các công ty vỡ nợ có thể thoát được việc trả nợ một cách rất hợp pháp.

ATO cho biết các nhà điều tra khi lục soát các căn nhà vửa kể đã tịch thu tất cả những văn bản tài liệu liên quan đến một số công ty và cá nhân, thì người đàn ông vừa bị bắt ở Melbourne này nằm trong số những cá nhân đó.

Người này tên là Philip Whiteman, ngoài ra anh còn dùng đến 3 tên khác là Philip White, Philip Graham and Philip Damen.

Như vậy là Philip Whiteman đang trong tầm ngắm của giới chức trách Úc.

Nhiều nhân viên và khách hàng trước đây của Whiteman đã nói với chương trình 7.30 của đài ABC là dù người này không nắm giữ chức vụ giám đốc một cách chính thức, nhưng ông ta kiểm soát một số các công ty có văn phòng đặt tại một địa chỉ ở Cremorne, trong đó có cả những công ty có tên trong danh sách bị theo dõi của Sở Thuế.

Đi khai thuế và bị lừa gánh nợ  

Kết quả hình ảnh cho Cảnh báo lừa đảo mới: Thường dân bỗng thành ông chủ nhiều công ty lớn

Một cá nhân khác cũng bị ATO liệt kê trong thư là Christopher Somogyi đã nói với Chương trình 7.30 là ông ta đã đến văn phòng ở Cremone vừa kể hồi năm ngoái để nhờ khai thuế.

Theo lời ông thì một nhân viên tư vấn thuộc tổ chức A&S Services (mà sau này được biết là Philip Whiteman) đã yêu cầu anh làm giám đốc của một công ty và đổi lại, ông sẽ được trả một ít tiền hàng tháng.

Nhân viên này cũng bảo đảm với ông rằng việc trao đổi này không có gì là phi pháp hay vô đạo đức.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, ông Somogyi bắt đầu nhận những giấy phạt của Sở thuế với lý do ông ta đã không trả một khoản thuế và một khoản tiền hưu liễm cho công nhân lên đến hàng trăm ngàn  đôla.

Những giấy phạt này đã khiến Somogyi hoảng kinh và ông bắt đầu tiến hành điều tra. Đến lúc đó ông mới biết ông đã được bổ nhiệm, à không, phải nói là bị bổ nhiệm làm giám đốc của một số công ty mà ông không hay biết gì cả, trong đó có chính công ty A&S Services đã yêu cầu ông trước đây, và một công ty luật khác mang tên Bolton and Swan cũng được đặt chung văn phòng ở Cresmone.

Trong một số trường hợp, trên giấy tờ, việc bổ nhiệm ông Somogyi còn được ghi nhận từ 5 năm về trước thay vì chỉ từ năm ngoái như anh đã nói.

Anh đã cố tìm cách liên lạc với Philip Whiteman, nhưng người này luôn tránh gặp mặt và cũng không bao giờ trả lời điện thoại của ông.

Tuy nhiên cuối cùng Somogyi cũng bắt được Whiteman ở một bãi đậu xe gần văn phòng ở Cremone và đuợc y hứa hẹn đủ điều.

Somogyi cho biết:

“Hôm đó Whiteman hứa với tôi rằng hắn sẽ giúp tôi thoát khỏi mớ bòng bong đó, và cũng sẽ giúp tôi lấy lại nhà”.

Tuy nhiên kết quả đến nay vẫn là Somogyi phài sống trong chiếc xe hơi, tài sản duy nhất còn lại sau khi ông đã bị mất sạch nhà cửa và trắng tay vì những món nợ theo kiểu tình ngay lý gian đó.

Đi tư vấn bị lừa gánh nợ

Kết quả hình ảnh cho Cảnh báo lừa đảo mới: Thường dân bỗng thành ông chủ nhiều công ty lớn

Một trong những nạn nhân khác của các vụ lừa đảo kiểu mới này là bà Marisa Sampieri.

Sampieri biết Philip Whiteman và công ty A&S Services sau khi thương vụ của bà bắt đầu làm ăn thua lỗ và được một nhân viên tư vấn của A&S chủ động điện thoại giới thiệu dịch vụ.

Bà Sampieri đã phải trả $30 ngàn  đôla lệ phí cho A&S, bà mô tả dịch vụ của A&S như sau:

“Philip Whiteman là nơi cung cấp tất cả dịch vụ (cho các doanh nghiệp đang bị thua lỗ). Họ có luật sư, kế toán, nhân viên tài chánh, quý vị cần dịch vụ gì là họ có dịch vụ đó và họ rất nhiệt tình giúp quý vị bởi vì trước sau gì họ cũng bóc lột quý vị.”

Bà Sampieri nói tiếp:

“Đến khi công ty này bị thanh lý thì một tháng hay thậm chí một vài tuần trước đó, Whiteman sẽ đưa một giám đốc khác vào, và những giám đốc bất đắc dĩ này thường là người vô gia cư, hoặc những người cao niên, không có gì để mất.”

Bà cũng bị Whiteman yêu cầu đứng tên giám đốc cho một vài công ty, nhưng sau đó nạn nhân này cũng phát hiện được tên mình trong danh sách Giám đốc của một số công ty khác mà bà không hề hay biết.

Thậm chí có lúc bà Sampieri còn bị Whiteman buộc phải chủ động gọi điện thoại cho các công ty thua lỗ để gọi là chài mồi họ sử dụng dịch vụ của A&S.

Tương tự như Chris Somogyi, bà Marisa Sampieri cũng nhận giấy phạt của Ủy ban Giám sát Đầu tư và Chứng khoán ASIC và căn nhà của bà cũng bị bố ráp cùng ngày với văn phòng của ông Whiteman.

Được biết Somogyi và Sampieri đã báo cáo với cảnh sát Victoria về những vụ lừa đảo tinh vi của Philip Whiteman, nhưng cảnh sát Victoria cho biết cả hai người có thể bị nhiều tội danh theo Đạo luật Công ty.

Cho nên nay cả hai nạn nhân phải khiếu nại vụ này lên ASIC.

Khó mà kiện khi đụng phải lừa đảo… quá chuyên nghiệp

Kết quả hình ảnh cho Cảnh báo lừa đảo mới: Thường dân bỗng thành ông chủ nhiều công ty lớn

Kẻ lừa đảo Philip Whiteman là một người ghê gớm và ‘có hồ sơ’.

Cách đây 6 năm, y đã dính líu vào một vụ gian lận tài chánh và đã bị một số người đầu tư tiền bạc cho y thưa kiện.

Trong số này có một cặp vợ chồng Robert và Helen Barr đã mất đến hơn $1 triệu đôla sau khi Whiteman thuyết phục được họ đầu tư một số doanh vụ và nhà cửa cho hắn với lời hứa hẹn là họ sẽ thu được những khoảng lợi nhuận lớn.

Sau đó thì y biến mất. Đôi vợ chồng này đã đâm đơn kiện Whiteman, nhưng sau đó họ buộc lòng phải bỏ cuộc vì y khai phá sản và thoát được $28 triệu đôla phải trả cho các chủ nợ.

Sau đó ông bà Barrs cùng nhiều nhà đầu tư khác đã khiếu nại lên cảnh sát Victoria, và kết quả là cảnh sát cũng chào thua.

Trong một bản tuyên bố gởi cho chương trình 7.30, cảnh sát Victoria cho biết lý do là vì họ không có đủ bằng chứng để truy tố Philip Whiteman.

Về phía nghi phạm Whiteman, y không đưa ra nhận định gì khi bị đài ABC chất vấn về những cáo buộc này, nhưng đến chiều hôm qua 17/8, Whiteman đưa ra một bản tuyên bố nhấn mạnh rằng y chưa hề bị truy tố.

Whiteman nói: “Tôi biết là một số người đã đưa ra nhiều lời cáo buộc về tôi với đài ABC, nhưng tôi không rõ động lực của họ là gì. Và vì không biết rõ ràng nội dung của những cáo buộc đó nên tôi không thể bình luận gì thêm.”

Và trong khi Sở Thuế tiếp tục cuộc điều tra dài hạn liên quan đến các hoạt động gian lận của Philip Whiteman và các dịch vụ của y, Ủy hội ASIC khuyến cáo:

người gặp khó khăn về tài chánh nên suy nghĩ thật cẩn trọng khi thương lượng bất cứ hợp đồng nào với các công ty hứa hẹn sẽ giúp họ khắc phục được tình trạng đó

những người tin rằng mình đã bị làm giám đốc bất đắc dĩ và không hề hay biết , nên báo ngay chuyện này cho Ủy ban Giám sát Cạnh tranh và Tiêu thụ ASIC.

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...