Trong một phúc trình quan trọng của HRW, nước Úc bị chỉ trích trong nhiều lãnh vực, từ cách đối phó với COVID-19, đối xử với người tầm trú cho đến người Thổ Dân và chính sách ngoại giao cũng như chống khủng bố.
Phúc trình về Tình trạng Nhân quyền Thế giới năm 2021 xem xét các khuynh hướng về nhân quyền tại hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới.
Giám đốc Human Rights Watch phụ trách Úc Châu là bà Elaine Pearson cho biết, phúc trình nhắm vào nước Úc trong các lãnh vực người tỵ nạn tầm trú, quyền hạn của người Thổ Dân, quyền của trẻ em, của người khuyết tật và cao niên, cũng như chính sách ngoại giao, và vấn đề chống khủng bố.
“Tôi nghĩ phúc trình nầy thực sự cho thấy cách thức mà thanh danh trên toàn cầu của Úc bị tổn hại, là do các vấn đề vi phạm nhân quyền dai dẳng, đặc biệt chống lại người Thổ Dân, tiếp tục vi phạm đối với người tầm trú và chúng ta cũng đề cập đến một loạt các vấn đề, bao gồm quyền tự do ngôn luận”, Elaine Pearson.
Các lạm dụng liên quan đến việc nước Úc đối phó với đại dịch COVID-19, cũng được xác định là mối quan ngại trong phúc trình.
“Rõ ràng nước Úc đã làm tốt trong việc kiểm soát COVID-19, tuy nhiên chúng tôi quan ngại về một số hạn chế quá đáng về việc đi lại và một số việc sử dụng sai trái quyền lực cảnh sát tại Victoria”, Elaine Pearson.
Phúc trình cũng chỉ trích nhà cầm quyền Victoria, trong việc phong tỏa cư dân trong các chung cư của chính phủ, trong thời gian tiểu bang nầy đối phó với vụ đại dịch bùng phát hồi năm rồi.
Phúc trình cũng nêu bật con số người Thổ Dân chết trong khi bị giam giữ tại Úc và tỷ lệ quá đông đảo người Thổ Dân và dân bán đảo Torres trong các nhà tù trên khắp nước.
Bà Pearson cho biết, đây là những vấn đề dai dẳng chưa được giải quyết.
“Không thể chấp nhận được việc chính phủ nói rằng, chúng tôi đang làm việc đó trong khi thực tế là chúng tôi thấy sự bất bình đẳng có hệ thống và phân biệt chủng tộc, thực sự dẫn đến việc giam giữ quá nhiều người Thổ dân”.
“Chúng ta đã có một Ủy ban Điều tra Hoàng gia, đối với những cái chết của người Thổ Dân bị giam giữ 30 năm trước, năm nay và năm ngoái”.
“Chúng ta đã chứng kiến thêm 7 trường hợp tử vong của người bản địa chết bị giam giữ, vì vậy tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự phải đặt câu hỏi cho chính phủ, về lý do tại sao các phản ứng mà họ đang thực hiện để bảo vệ nhân quyền, cuối cùng lại thất bại”, Elaine Pearson.
Kể từ khi Ủy hội Điều tra Hoàng gia về cái chết của người Thổ Dân trong khi bị giam giữ, đã trình ra khám phá trong 30 năm trước, đã có hơn 440 người Thổ Dân chết sau song sắt nhà giam.
Được biết một cuộc điều tra của Quốc Hội New South Wales, về hậu quả các cái chết của người Thổ Dân trong tù và tỷ lệ tù tội quá cao, sẽ được công bố các khám phá vào cuối tháng 5.
Human Rights Watch cũng kêu gọi nên có các biện pháp thay đổi, cho những người vi phạm với mức độ thấp, thay vì phải ở tù.
Các khám phá khác nhắm vào chính phủ Mỹ của Tổng Thống Donald Trump, về các vi phạm nhân quyền, giữa lúc việc đối phó của cảnh sát trong các cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter, cũng như khuynh hướng bài ngoại ngày càng gia tăng, đối với các nhóm di dân.
Giám đốc Human Rights Watch là ông Kenneth Roth, kêu gọi Tổng Thống đắc cử Joe Biden, hãy vãn hồi thanh danh của nước Mỹ.
“Ông Donald Trump là một thảm họa cho nhân quyền”.
“Một điều ông Joe Biden rõ ràng có thể làm được, là cho phép nền tư pháp đi đúng hướng liên quan đến ông Trump, để cho thấy rằng không ai đứng trên luật pháp, hay như ông Biden mới đây nói rằng, Tổng Thống Mỹ không phải là một vị vua”.
“Ông Biden nên khẳng định là, việc cổ xúy cho nhân quyền không chỉ là một thành phần trong chính sách ngoại giao của Mỹ, mà còn là một nguyên tắc hướng dẫn”.
“Điều đó không có nghĩa là nó luôn luôn thắng lợi, thế nhưng đó là một yếu tố hết sức quan trọng và ông nên tôn trọng nguyên tắc, ngay cả khi đó là một khó khăn về mặt chính trị”, Kenneth Roth.
Trung Quốc cũng bị lên án về việc trì hoãn trong báo cáo vụ bùng phát dịch bệnh coronavirus tiên khởi tại Vũ Hán, cũng như ước lượng có một triệu người Duy Ngô Nhỉ theo Hồi Giáo trong các trại tập trung, cùng với việc đàn áp các cuộc biểu tình đòi độc lập của người dân Hong Kong.
Bà Maya Wang là nghiên cứu gia cao cấp về Trung Quốc, của Human Rights Watch.
“Quí vị có thể thấy đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày càng không khoan dung với bất kỳ loại hoạt động độc lập nào, cho dù đó là trong học thuật, trên báo chí, trên internet”.
“Quí vị biết các nhóm xã hội dân sự, ngày càng có ít cơ hội cho bất kỳ loại hoạt động độc lập nào, độc lập với những gì nhà nước muốn”, Maya Wang.
Phúc trình đưa các vụ vi phạm nhân quyền ra trước ánh sáng, vào một thời điểm mà sự chú ý của thế giới nhắm vào đại dịch đang gia tăng cường độ.
Theo SBS
Leave a comment