Home Tin Nước Úc Cuộc điện đàm nảy lửa giữa Trump và lãnh đạo Australia
Tin Nước Úc

Cuộc điện đàm nảy lửa giữa Trump và lãnh đạo Australia

(www.Alouc.com) – Trong các cuộc điện đàm hồi tháng một với lãnh đạo Mexico, Australia, Tổng thống Mỹ đã khiến không khí trở nên căng thẳng với những phát ngôn cứng rắn.

Báo Washington Post ngày 3/8 đăng bản ghi chép đầy đủ nội dung các cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Mexico Enrique Pena Nieto và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hồi tháng một, không lâu sau lễ nhậm chức của ông.

Theo New York Times, dựa vào ngôn từ được sử dụng, cuộc đối thoại giữa ông chủ Nhà Trắng và lãnh đạo Australia, Mexico, dường như khá căng thẳng. Nó cho thấy một tân tổng thống Mỹ đang nỗ lực thực hiện các lời hứa ông nêu ra trong chiến dịch tranh cử nhưng không mấy quan tâm tới việc phát triển mối quan hệ với các đối tác nước ngoài.

cuoc-dien-dam-nay-lua-giua-trump-va-lanh-dao-australia-mexico

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mexico Pena Nieto, ông chủ Nhà Trắng liên tục đe dọa đánh thuế cao nhằm ngăn hàng hóa Mexico vào Mỹ, đồng thời phàn nàn về việc “những kẻ ranh mãnh” tuồn quá nhiều ma túy qua biên giới, đến mức biến thành phố New Hampshire, Mỹ, trở thành “hang ổ nghiện ngập”.

Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi Tổng thống Mỹ yêu cầu người đồng cấp Mexico ngừng tuyên bố công khai rằng ông nhất quyết không trả tiền cho bức tường ngăn cách biên giới hai nước.

Trong thời gian tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ xây bức tường ngăn biên giới để hạn chế người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico vào Mỹ và chặn đứng tội phạm ma túy. Lời hứa trên là một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng của nhà tài phiệt New York trên đường đua tới Nhà Trắng.

“Nếu ông còn nói Mexico không trả tiền cho bức tường, tôi không muốn gặp các ông nữa vì tôi không thể chịu nổi điều ấy”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Cuộc gọi giữa Tổng thống Mỹ với Thủ tướng Australia thậm chí còn “nảy lửa hơn”, cây bút Peter Baker từ NYTimes nhận xét. Trump phàn nàn về cái mà ông gọi là “thỏa thuận kinh khủng” Australia đã ký với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, theo đó Mỹ đồng ý cân nhắc việc tiếp nhận 1.250 người tị nạn kinh tế. Trump cho rằng ông sẽ “rất ngu ngốc” nếu làm vậy sau khi ra quyết định ngăn người tị nạn từ các nơi khác vào Mỹ.

“Tôi thực hiện các cuộc gọi như thế này mỗi ngày và đây là cuộc gọi tệ nhất. Cuộc gọi với ông Putin còn thoải mái hơn. Thật vớ vẩn”, Tổng thống Trump nói lúc chuẩn bị kết thúc cuộc điện đàm.

Bản ghi các cuộc đối thoại giữa tổng thống Mỹ và các lãnh đạo thế giới hiếm khi được đăng tải công khai. Việc nội dung cuộc nói chuyện giữa ông Trump với lãnh đạo Mexico, Australia bị tiết lộ tiếp tục nêu bật lên vấn đề rò rỉ thông tin Nhà Trắng phải đối mặt lâu nay.

“Việc ghi chép điện đàm bị rò rỉ là vấn đề an ninh quốc gia”, Lindsay Walters, phó thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết.

Tuy nhiên, nội dung các cuộc đối thoại đã góp phần cho thấy cách Tổng thống Mỹ tương tác với những lãnh đạo thế giới. Phút trước, ông tán tụng, ca ngợi họ nhưng ngay sau đó ông lập tức “dội gáo nước lạnh” vào đối phương. Trump luôn nhận thức được các chính sách đang thảo luận có liên hệ gì với những lời hứa mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử cũng như chúng ảnh hưởng thế nào tới vị thế chính trị của ông.

Căng thẳng

Nhậm chức xong chưa lâu, tâm lý hân hoan vì chiến thắng vẫn còn, ông Trump khoe với người đồng cấp Mexico rằng “chưa ai có đông người đến dự các buổi vận động tranh cử như tôi”. Với Thủ tướng Australia, ông tự hào khoe về việc mình nhận được 306 phiếu bầu từ đại cử tri đoàn.

Trump khen Tổng thống Mexico nói tiếng Anh tốt hơn mình, ngụ ý rằng ông Pena Nieto thực sự được yêu mến đến nỗi người dân sẵn sàng thay đổi hiến pháp để ông tiếp tục tranh cử, đồng thời nhắc nhở người đồng cấp Mexico: “Enrique, chỉ có tôi và ông đương đầu với thế giới, đừng quên”.

Nhưng không khí hòa nhã này chỉ tồn tại trong chốc lát và mọi chuyện dần trở nên căng thẳng khi ông Trump bắt đầu tìm cách hiện thực hóa những lời hứa trong chiến dịch tranh cử.

Cuộc đối thoại với Tổng thống Mexico diễn ra vào ngày 27/1. Trước đấy, ông Pena Nieto vừa hủy một cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ vì tranh cãi xung quanh vấn đề bên nào chi tiền cho bức tường biên giới. Suốt quãng thời gian điện đàm, ông Trump và ông Pena Nieto vẫn không thể giải quyết vấn đề bởi cả hai rõ ràng đều chỉ lo lắng về những tác động chính trị mà họ có thể gặp phải ở trong nước.

“Chúng tôi thấy việc yêu cầu người Mexico phải trả tiền cho bức tường mà ông muốn xây dựng là điều không thể chấp nhận được”, ông Pena Nieto nói. “Tổng thống Trump, tôi muốn ông hiểu, với tư cách Tổng thống Mexico, tôi không có cơ sở để chấp nhận tình thế này”.

Ông Trump trong khi đó không chịu nhượng bộ. “Về bức tường, tôi và ông đều có những vấn đề chính trị riêng. Người dân nước tôi đứng lên và nói ‘Mexico sẽ phải trả tiền cho bức tường’, người dân nước ông có thể nói điều tương tự nhưng với ngôn ngữ khác biệt đôi chút. Nhưng thực tế là chúng ta đều có những ràng buộc chính trị, bởi vậy tôi phải khiến Mexico trả tiền cho bức tường. Tôi phải làm thế. Tôi đã nói về nó suốt hai năm qua”.

Tổng thống Mỹ gợi ý người đồng cấp Mexico cần cẩn thận trong các bình luận công khai. “Ta nên nói ‘chúng tôi đang làm việc với nhau’. Vấn đề rồi sẽ được giải quyết bằng cách nào đó, chứ không phải ông nói ‘chúng tôi không trả’ và tôi cũng nói ‘chúng tôi không trả'”, ông Trump nhấn mạnh.

Đáp lại, Tổng thống Pena Nieto cho rằng Tổng thống Trump đã đặt ông vào thế khó xử. “Ngài tổng thống, liên quan đến việc ai chi trả cho bức tường, ông khiến chúng tôi vô cùng khó xử”, ông Nieto nói qua điện thoại. “Đây là điều chúng tôi đề nghị, ngài tổng thống: Chúng ta hãy ngừng bàn về bức tường”.

Tổng thống Mexico thêm rằng ông hiểu tất cả các quốc gia đều có quyền bảo vệ biên giới nhưng ông vẫn giữ quan điểm “Mexico không thể chi trả cho bức tường”.

“Nhưng ông không thể nói với báo chí”, Tổng thống Trump phàn nàn. “Truyền thông sẽ khai thác nó và tôi không thể chịu nổi điều đó”.

Tổng thống Mexico lặp lại rằng họ nên ngừng thảo luận về bức tường. “Tôi hiểu những ảnh hưởng chính trị mà việc này gây ra cho đất nước ông cũng như đối với bản thân ông, ngài tổng thống”, ông Pena Nieto nói. “Hãy tìm cách khác sáng tạo hơn để vượt qua trở ngại”.

Cuộc gọi giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Australia được thực hiện vào ngày tiếp theo, 28/1. Nó thậm chí còn căng thẳng hơn, theo NYTimes.

“Hôm qua tôi được thông tin rằng có gần 2.000 người (tị nạn) sắp tới Mỹ và đó thực sự là vấn đề”, ông Trump phàn nàn với ông Turnbull. “Điều này khiến chúng tôi trông rất tệ. Tôi đang kêu gọi cấm người nhập cư vào Mỹ vậy mà lại đi tiếp nhận gần 2.000 người. Thật sự, họ giống như 2.000 người mà Australia không muốn giữ. Mặt khác, tôi không đổ lỗi cho ông, nhưng Mỹ đang ngày càng giống một bãi rác”.

Thủ tướng Australia giải thích thỏa thuận giữa ông với cựu tổng thống Obama không yêu cầu Mỹ phải tiếp nhận tất cả 2.000 người, song Mỹ cần tuân thủ cam kết. “Đây là một thỏa thuận lớn. Tôi nghĩ chúng ta nên tôn trọng các thỏa thuận”, ông Turnbull nói.

“Ai ký thỏa thuận”, ông Trump đáp. “Obama ư?”.

“Đúng vậy”, Thủ tướng Australia trả lời. “Nhưng hãy để tôi giải thích về nó đã”.

Ông Turnbull cho hay Mỹ chỉ đồng ý cân nhắc việc chấp nhận 1.250 người tị nạn. Họ đều phải được kiểm tra và có thể bị từ chối. Họ chủ yếu là người tị nạn kinh tế, đến từ Iran, Pakistan và Afghanistan, không phải tội phạm hay khủng bố.

“Vậy tại sao ông không để họ gia nhập xã hội Australia?”, ông Trump hỏi.

“Không phải vì họ là người xấu”, Thủ tướng Australia đáp. “Chúng tôi làm vậy để ngăn nạn buôn người”. Theo ông Turnbull, Australia đang thực hiện chính sách từ chối tiếp nhận người tị nạn đến bằng thuyền để hạn chế việc những kẻ buôn người đưa họ đến Australia thông qua con đường nguy hiểm này.

“Đó là một ý hay”, ông Trump nói. “Chúng tôi cũng nên làm vậy. Ông xấu hơn tôi đấy”.

Thủ tướng Australia khẩn cầu Tổng thống Mỹ tuân thủ thỏa thuận. “Tôi nhờ cậy ông, với tư cách một người bạn tốt. Đây là một thỏa thuận lớn. Chúng ta phải thực hiện nó. Điều này rất rất quan trọng”.

“Ngài Malcolm, sao nó lại quan trọng đến thế? Tôi không hiểu. Nó sẽ giết chết tôi. Tôi là người không muốn việc người nước khác nhập cư vào nước tôi nhất trên thế giới”, Tổng thống Trump đáp và khẳng định việc tuân thủ thỏa thuận sẽ đặt ông vào tình thế bất lợi.

Ông Turnbull nhắc lại rằng chỉ có 1.250 người và họ đều phải qua kiểm tra trước khi nhập cư vào Mỹ.

“Tôi sẽ trung thực với ông, tôi ghét việc tiếp nhận người khác”, Tổng thống Trump quả quyết. “Tôi đảm bảo với ông rằng họ đều xấu xa. Đấy là lý do vì sao họ phải ngồi tù. Họ không phải những con người tuyệt vời, đến để làm việc cho người dân địa phương”.

“Tôi không chắc về điều đó”, ông Turnbull đáp.

“Vậy có lẽ ông nên thả họ khỏi tù. Tôi làm điều này bởi ông Obama đã đồng ý trước một thỏa thuận tồi tệ”, Tổng thống Mỹ nói.

“Nhưng tôi phải nói với ông, đối với kinh doanh hay chính trị, không điều gì quan trọng hơn việc tôn trọng thỏa thuận”, Thủ tướng Australia nhấn mạnh.

“Đây là một thỏa thuận ngu ngốc”, ông Trump đáp. “Nó khiến tôi trông vô cùng tồi tệ”.

“Ngài tổng thống, tôi nghĩ nó sẽ khiến ông trông như một người đàn ông biết tôn trọng cam kết của Mỹ”, ông Turnbull nói.

Song Tổng thống Trump vẫn không bị thuyết phục. “Được rồi, tôi không thích thỏa thuận này nhưng tôi phải thực hiện. Tôi sẽ làm theo nó, nhưng tôi chẳng thích thú gì”.

Trump cho biết ông lo sợ các phần tử khủng bố sẽ tràn vào nước Mỹ. “Tôi sẽ bị giết vì làm điều này mất”, ông nói.

“Ngài sẽ không bị sao hết”, ông Turnbull khẳng định.

“Có đấy. Tôi sẽ bị miêu tả như một nhà lãnh đạo yếu đuối và kém hiệu quả ngay trong tuần đầu tiên làm tổng thống vì những người này”.

Theo Vũ Hoàng – Vnexpress

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...