Sự tập trung của chính phủ vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 tạo thời cơ cho các tổ chức tội phạm ma túy đẩy mạnh hoạt động ở Úc cũng như toàn châu Á.
Du lịch quốc tế bị cấm với phần lớn người dân Úc. Chỉ các thành viên chính phủ, phi hành đoàn các hãng hàng không, thủy thủ tàu biển mới được phép ra nước ngoài. Một số ít ngoại lệ với lý do y tế và nhân đạo. Mọi thứ được cân nhắc rất kỹ lưỡng, việc đi lại của người dân Úc chưa bao giờ bị hạn chế như vậy, South China Morning Post cho biết.
Đó là lý do tại sao các quan chức Úc và Papua New Guinea tuần trước đã vô cùng sửng sốt khi một người đàn ông Úc đến trình diện tại Đại sứ quán Úc ở Port Moresby, Papua New Guinea với những vết bầm tím, mất phương hướng và không có lý do chính đáng.
David John Cutmore đã vượt quãng đường hơn 1.000 km trên chiếc máy bay phản lực tư nhân Cessna 402C từ sân bay gần Cairns, Bắc Queensland. Ông làm việc cho một gia đình tội phạm có trụ ở tại Melbourne. Gia đình này bị cáo buộc có liên hệ với mafia Calabria.
Công việc của Cutmore khá đơn giản: trả tiền, nhận hàng và trở về nhà. Ông lái chiếc máy bay cất cánh trên một sân bay hẻo lánh cách khoảng 30 km bên ngoài Port Moresby. Tuy vậy, chiếc máy bay chở theo 500 kg ma túy đã bị rơi giữa rừng. Vào thời điểm nhà chức trách đến hiện trường, Cutmore và ma túy đã biến mất.
Giá tăng gấp đôi vì đại dịch
Cutmore không hề biết rằng kế hoạch của ông ta đã bị lộ. Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Úc phối hợp với cảnh sát Papua New Guinea đã phục sẵn ở địa điểm mà ông sẽ hạ cánh ở Úc. Tuy vậy, máy bay của Cutmore đã gặp nạn trước khi về nước.
Sự tập trung của chính quyền Úc vào Covid-19 đã tạo điều kiện cho tội phạm ma túy gia tăng hoạt động. Ảnh: Getty. |
Sau khi tin tức về vụ tai nạn được phát đi, cảnh sát liên bang Úc cùng các mật vụ cài vào trong tổ chức của Cutmore đã đột kích vào hang ổ của tổ chức ở Queensland, Victoria, New South Wales và Papua New Guinea. Cutmore sau đó đã tự đến Đại sứ quán Úc để đầu thú.
Cutmore đang bị giam ở Papua New Guinea, trong khi 5 người khác bị buộc tội và đối mặt với án chung thân ở Úc.
Một tuần trước, cảnh sát liên bang Úc đã bắt giữ 1,8 tấn ma túy, ngoài khơi bờ biển Newcastle, ngay phía bắc Sydney. Với giá trị tới 615 triệu USD, đây là vụ bắt giữ ma túy lớn nhất ở Úc.
Ai cũng biết rằng người Úc sẵn sàng trả giá ma túy cao hơn so với phần lớn người mua khác trên thế giới. Đại dịch Covid-19 khiến sự chênh lệch này gia tăng. Cơ quan Chống ma túy của Mỹ gần đây ước tính giá ma túy đá ở Úc đã tăng gần gấp đôi từ 110.000 USD/kg trước đại dịch, lên 200.000 USD/kg ở thời điểm hiện tại.
Tỷ lệ dân số Úc nghiện ma túy cũng bắt đầu tăng dần. Theo một báo cáo mới được công bố vào tháng 6, khoảng 16,4%, tương đương với 3,5 triệu người Úc nghiện ma túy. Đại dịch Covid-19 khiến cơn khát thuốc của các con nghiện tăng đột biến.
Thị trường béo bở
Trong khi nhu cầu tăng cao, việc sản xuất lậu ma túy ở Úc vẫn tương đối thấp. “Úc chính là mục tiêu. Quốc gia này có thị trường dồi dào, nhưng việc sản xuất ở địa phương rất khó khăn vì sự săn lùng ráo riết của cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật”, Henry Ivarature, giảng viên từ Trường Cao đẳng An ninh Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Úc, cho biết.
Một xe chở ma túy bị cảnh sát Úc bắt giữ. Ảnh: Reuters. |
Ivarature, người đã nghiên cứu kỹ lưỡng hoạt động buôn lậu ma túy và vũ khí xuyên biên giới trong khu vực, cho biết Covid-19 đã chỉ ra một điểm yếu mà tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang tìm cách khai thác.
“Covid-19 buộc các quốc đảo Thái Bình Dương phải chuyển ngân sách và nguồn lực vào cuộc chiến với đại dịch. Điều đó tạo điều kiện cho các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia tăng cường hoạt động. Họ thường tận dụng các điểm yếu trong việc thực thi pháp luật ở các quốc đảo để buôn lậu ma túy, dù có đại dịch hay không. Tuy nhiên, chắc chắn sự tập trung của các chính quyền vào đại dịch mang tới cơ hội cho các băng đảng tội phạm này”, ông Ivarature nói.
Jose Sousa-Santos, giám đốc điều hành tập đoàn Strategika châu Á, tổ chức chuyên nghiên cứu về các vấn đề châu Á, đồng ý rằng Covid-19 và các tác động đến kinh tế của nó đã tạo cơ hội cho các tập đoàn tội phạm trên khắp châu Á – Thái Bình Dương.
“Ở một khu vực đang bùng nổ dân số trẻ, nhiều bằng chứng cho thấy những người trẻ tuổi đang được các tổ chức tội phạm địa phương và quốc tế chiêu mộ. Việc tội phạm khai thác lỗ hổng pháp luật không phải là mới. Tuy nhiên, nó kết hợp với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tạo thêm áp lực cho các cơ quan chính phủ”, ông Sousa-Santos nói.
Cuộc săn lùng El Chapo châu Á
Một tổ chức đang được cảnh sát Úc nhắm đến mà các thành viên của nó gọi là “Company”. Tổ chức này được thành lập từ một liên minh gồm 5 nhóm, trong đó có Hội Tam Hoàng, một tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Company là một tổ chức buôn ma túy đa quốc gia với thị phần trải khắp thế giới.
Trong khi chưa có bằng chứng về sự tham gia của Hội Tam Hoàng ở Papua New Guinea, một số sự kiện kỳ lạ gần đây đã được đưa ra ánh sáng. Theo Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng Úc, chiếc máy bay mà Cutmore lái được đăng ký dưới tên Geoffrey Paul, người đã bị sát hại vào tháng 8/2019 ở Port Moresby.
Chân dung trùm ma túy châu Á Tse Chi Lop. Ảnh: Sky News. |
Tình báo Papua New Guinea nghi ngờ Hội Tam Hoàng có liên quan đến vụ giết người và hiện điều hành công ty của ông ta cũng như sở hữu chiếc máy bay.
Tse Chi Lop, người Canada, gốc Trung Quốc bị nghi ngờ là lãnh đạo của Company. Ông ta là mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch Kungur, cuộc điều tra chống ma túy quy mô lớn do cảnh sát Úc dẫn đầu.
Theo hồ sơ của cảnh sát liên bang Úc, Company có liên quan hoặc trực tiếp đến ít nhất 13 vụ buôn lậu ma túy từ tháng 1/2015 đến tháng 10/2019. Chiến dịch Kungur có sự tham gia của 20 cơ quan từ châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Đây là chiến dịch hợp tác quốc tế lớn nhất nhằm chống lại tội phạm ma túy ở châu Á.
Tse Chi Lop, được ví von là “El Chapo của châu Á”, nhưng trên thực tế, các quan chức chống ma túy tin rằng ông ta điều hành một tổ chức tội phạm tinh vi và kỷ luật hơn nhiều so với bất kỳ băng đảng nào ở Mỹ Latin.
Theo Tiến sĩ John Coyne, trưởng bộ phận chính sách chiến lược và thực thi pháp luật tại Học viện Chính sách chiến lược Úc, thành công của Company một phần nhờ sự hợp tác của các nhóm tội phạm địa phương trong các lĩnh vực mà Company tìm cách hoạt động, cho phép họ thống lĩnh ở cấp địa phương và quốc tế.
“Tổ chức này có hai mô hình kinh doanh, tập trung vào các thị trường số lượng ít, nhưng lợi nhuận cao như Úc, Nhật Bản và New Zealand, trong khi vẫn kinh doanh trên các thị trường số lượng lớn, lợi nhuận thấp chủ yếu ở Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia”, tiến sĩ Coyne nói.
Sự độc quyền của Company trên toàn khu vực cho phép họ khai thác nguồn cung ở các thị trường giá rẻ để bán cho các thị trường giàu có. Ví dụ họ mua 1 kg ma túy đá ở Myanmar với giá chỉ 1.800 USD, nhưng có thể bán lẻ tới 300.000 USD/kg tại Úc.
Một quan chức chống ma túy Trung Quốc từng nói với phóng viên Reuters rằng nếu họ bị bắt 10 tấn hàng, nhưng chỉ cần tiêu thụ được 1 tấn họ vẫn kiếm được lợi nhuận khổng lồ. Điều này cho chúng ta thấy cần phải có cái nhìn khác về quan điểm cho rằng các vụ bắt giữ lớn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động buôn lậu ma túy của các tổ chức.
Năm ngoái, tờ The Age của Úc đã giải thích chi tiết về cách Company rửa tiền buôn lậu ma túy thông qua sòng bạc Melbourne Crown. Theo hơn một chục nguồn tin từ các quan chức phục vụ trong chính quyền, Company đã gây ra nhiều tác hại về mặt xã hội ở Australia hơn bất kỳ tổ chức buôn lậu ma túy nào trong 30 năm qua.
Ông Sousa-Santos cho biết buôn lậu ma túy đã trở thành vấn đề an ninh con người và an ninh quốc gia. Nếu chúng ta không hành động nhiều hơn nữa để chống ma túy và xử lý con nghiện, các băng nhóm tội phạm có tổ chức sẽ tận dụng cơ hội do đại dịch tạo ra để vươn xa hơn nữa trong khu vực.
Theo Zing
Leave a comment