Home Tâm Sự - Chia Sẻ Tâm sự: Nước Úc là nhà – Câu chuyện của các thuyền nhân vượt biên tới Úc
Tâm Sự - Chia Sẻ

Tâm sự: Nước Úc là nhà – Câu chuyện của các thuyền nhân vượt biên tới Úc

(www.Alouc.com) – Câu chuyện của những thuyền nhân – Họ đến từ nhiều nơi trên thế giới, có những cảnh đời khác nhau – Nhưng tất cả đều xem nước Úc là nhà của mình.

Vào tháng 4/1976, một chiếc thuyền đánh cá méo mó dài 15 mét đã cập cảng Darwin, chở theo 5 thanh niên trẻ tuổi người Việt Nam. Họ đã trở thành những thuyền nhân đầu tiên của Úc.

screenshot_1

40 năm sau, ông Lam Tac Tam, 57 tuổi, vẫn gọi Darwin là nhà.

Ông Lam Tac và anh trai của ông là Lam Binh đã lên kế hoạch thoát khỏi miền Nam Việt Nam trong 6 tháng trước khi khởi hành vào tháng 1/1976. Trong hành trình tìm kiếm nơi tị nạn, họ đã bị từ chối ở Thái Lan, Malaysia, Singapore, Sarawak và Sabah.

Anh em ông đã làm công trong vòng 4 ngày, trước khi được chính phủ Úc giúp tìm việc làm. Anh em ông được cung cấp thức ăn trong một vài ngày cho đến khi nhận được tiền lương đầu tiên. “Sau đó chúng tôi tự trả.”

Đến năm 1980, anh em ông đã tích lũy được 45.000 đô để mua một chiếc thuyền đánh cá, một kỳ công được thực hiện nhờ việc ông Lam Tac làm 3 công việc. Chẳng bao lâu, ông đã là chủ sở hữu của một nhà hàng Trung Quốc làm ăn phát đạt.

Ông Lam Tac vẫn sống ở Darwin, nơi con thuyền đầu tiên của ông cập cảng. “Tôi là thế hệ đầu tiên tới Úc”, ông tự hào nói. Bây giờ là 3 thế hệ: con gái và cháu gái, di sản Úc của ông.

“Chúng giống người Úc hơn, một trăm phần trăm, như người Úc thuần vậy. Giờ Úc là đất nước của tôi, là nhà của tôi. Tôi sống ở đây lâu hơn so với ở đất nước tôi. Tôi là người tị nạn, và giờ là người Úc.”

Câu chuyện của ông Lam Tac là một phần trong chiến dịch mới của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Chiến dịch này nêu bật lên sự đóng góp của những người tị nạn cho xã hội Úc và vận động để bảo vệ quyền lợi của họ.

Chiến dịch này được khởi động khi quốc hội đang sắp đưa ra tranh luận về một dự luật “cấm cửa” vĩnh viễn đối với những người tị nạn từ Manus và Nauru, kể cả đối với kinh doanh và đi du lịch.

nuoc-uc-la-nha-cau-chuyen-cua-cac-thuyen-nhan-2

Cô Najeeba Wazefadost cũng là người xin tị nạn ở Úc. Cô là người tị nạn Afghanistan tới Úc bằng thuyền khi mới chỉ 10 tuổi.

“Mọi thứ ở đất nước của tôi đều leo thang, không hề có hòa bình lâu dài”, cô nói. “Chúng tôi đã không thể thấy an toàn, không cảm thấy yên tâm. Chúng tôi đã luôn trong tình trạng lo sợ có thể bị giết chết bất cứ lúc nào.”

“Tôi nhớ rằng mỗi khi cha tôi đi ra khỏi nhà, chúng tôi đã tạm biệt ông như thể ông sẽ không bao giờ quay trở lại.”
Cô Wazefadost biết rất ít về Úc khi cô và gia đình vượt biển đến đây. Cô đã không dám kỳ vọng gì nhiều ngoài việc mong được an toàn. Cô cũng không biết gì về việc giam giữ người nhập cư của Úc.

Giờ đây, niềm vui sướng và bất ngờ của cô khi nhận được sự chào đón sau khi được thả vẫn còn đọng lại rất rõ trong trí nhớ.

“Người phụ nữ Úc tuyệt vời đầu tiên mà tôi đã gặp tại sân bay, cô ấy mỉm cười, cô ấy nắm lấy tay tôi và nói: ‘Chào mừng đến với nước Úc!'”

Sau khi không được tiếp cận với giáo dục trong suốt thời gian ở Afghanistan, cô Wazefadost đã tốt nghiệp với bằng Cử nhân Khoa học y tế tại Úc. Đối với cha mẹ cô, việc được nhìn thấy cô đứng cùng hàng loạt các sinh viên tốt nghiệp khác đã nhấn mạnh lý do tại sao họ bất chấp hành trình biển đầy nguy hiểm để tới đây.

Giờ đây, là nhân viên phụ trách giải quyết tị nạn, cô Wazefadost đã quyết tâm giúp đỡ những người tị nạn như mình.

“Họ không phải là một vấn đề,” cô khẳng định. “Họ là con người.”

“Tôi nghĩ rằng tại thời điểm này toàn bộ vấn đề người tị nạn đã bị vô nhân đạo hóa. Úc cũng phải có trách nhiệm chăm sóc những người tị nạn.”

Cô Wazefadost nói với Fairfax Media rằng, cô đã “rất thất vọng” trước những nhận xét của Bộ trưởng Di trú Peter Dutton vào tuần trước. Ông đã liên kết những người nhập cư Libăng-Hồi giáo với các hành vi khủng bố.

Cô không đồng ý với xu hướng diễn ngôn chính trị hiện nay là luôn gộp vấn đề tìm kiếm tị nạn và tôn giáo lại, trong khi chúng không phải luôn liên quan với nhau.

“Úc cũng là một bên ký kết Công ước của Liên Hợp Quốc và là một phần của cộng đồng quốc tế. ” Cô tái khẳng định rằng tìm kiếm tị nạn cũng là một quyền con người. “Úc đã làm rất tốt điều này trong lịch sử và có thể làm tốt hơn.”

nuoc-uc-la-nha-cau-chuyen-cua-cac-thuyen-nhan-3

Bác sĩ phẫu thuật tái tạo Munjed Al Muderis đã tới Úc từ Iraq vào năm 1999. Ông đã rời khỏi đó sau khi khoa trong bệnh viện của ông đã được giao cho số lượng lớn người đào ngũ quân đội và ra lệnh cắt tai của họ. Ông đã không thể làm điều đó.

May mắn là ông Al Muderis vẫn có thể được làm công việc bác sĩ, hai tháng sau khi được thả ra khỏi trại giam.

Niềm đam mê ông dành cho phẫu thuật tái tạo đã được nuôi dưỡng bởi những vết thương khủng khiếp mà bệnh nhân của ông đã phải hứng chịu trong chiến tranh tàn phá ở Baghdad. Giờ đây ông chuyên về lắp chân tay giả cho người tàn tật.

nuoc-uc-la-nha-cau-chuyen-cua-cac-thuyen-nhan-4

Anh Saeid Safavi đã cập bến bờ biển Úc vào năm 2001. Anh đã điều hành một doanh nghiệp vải ở Iran trong 12 năm, nhưng sau đó tài sản đã bị Chính phủ thu giữ và anh buộc phải chạy trốn.

Trong thời gian ở trung tâm giam giữ Woomera, một người bạn đã thuyết phục Safavi gặp một người phụ nữ đến thăm anh. Safavi đã rất lo lắng về cuộc gặp gỡ vì anh không biết tiếng Anh.

“Và tôi gặp bà ấy, bà ấy trông giống như mẹ tôi vậy,” anh nhớ lại. “Bà ấy ôm chầm lấy tôi và tôi đã khóc. Bà ấy nói với tôi: ‘Đừng lo, tôi sẽ chăm sóc bạn.'”

Sau khi được thả vào năm 2003, Safavi tìm thấy một ngôi nhà ở Port Pirie. Sự đón tiếp nồng hậu anh nhận được sau nhiều năm bất ổn khiến anh thề rằng không bao giờ rời bỏ nơi này.

Giờ đây, Safavi sở hữu một quán cà phê với 25 nhân viên. Anh có hai người con trai. Triết lý sống của anh rất đơn giản: “Làm việc chăm chỉ, suy nghĩ tích cực, và chắc chắn [bạn sẽ có] một cuộc sống thành công.”