Home Tâm Sự - Chia Sẻ Những ‘cú sốc’ văn hóa nàng dâu Việt gặp phải ở trời Tây
Tâm Sự - Chia Sẻ

Những ‘cú sốc’ văn hóa nàng dâu Việt gặp phải ở trời Tây

Báo Úc – ‘Nhiều lúc tôi chỉ mong chồng đi vắng để được ăn mắm tôm. Lúc nào vợ chồng giận nhau, muốn chọc tức, tôi lại lôi mắm ra ăn’, chị Nhi hài hước kể.

Chị Hương Nhi, một đầu bếp, hiện sinh sống tại đảo Guadeloupe (thuộc Pháp), có nhiều sự cố hài hước với anh chồng người Pháp của mình do thói quen ăn uống khác nhau. Hồi mới cưới, khi nấu ăn cho chồng, chị vẫn giữ phong cách của quê nhà là nấu chín tới, các món đều giòn giòn, dai dai. Chị không ngờ anh phải cố gắng nhai nuốt một cách khổ sở.

“Lần đầu tôi vào bếp, chồng nghĩ tôi không biết nấu ăn, nhưng không nói gì, vì cứ nghĩ là tai nạn thôi. Nhưng cả tuần tôi đều nấu như vậy nên anh ấy mới góp ý là tăng thời gian nấu một chút vì rau củ ăn cứng quá. Anh giải thích là hầu hết người phương Tây thích ăn nhừ, mềm, những món thịt hay rau củ phải ninh vài tiếng, đến khi ăn thì phải tan ngay trong miệng”, chị Nhi kể lại.

Cũng như nhiều người Việt, chị Nhi ăn uống rất tiết kiệm theo kiểu không vứt đi thứ gì. Chồng rất phục chị về tài gặm xương sạch và thích ăn những thứ xương xẩu và ăn một cách rất kiên nhẫn như cánh gà, chân gà…

Chị chia sẻ thêm, những thứ với người Việt coi là ngon như thịt chân giò hoặc tai, mũi, lưỡi heo thì ở đây họ không ăn đến, vì theo họ những thứ đó không có giá trị dinh dưỡng, ngoài da và sụn thì không có gì đáng ăn. “Thế nên, ở đây mua những thứ đó rất rẻ, đôi khi thấy mình dễ thương thì người bán hàng còn cho không”, chị kể.

su-co-bi-hai-cua-co-dau-viet-o-troi-tay

Chị Nhi thường làm các món ăn truyền thống Việt Nam trong các ngày lễ Tết.

“Một việc mà dù vợ chồng có ở với nhau lâu năm, thấu hiểu mọi tâm tư của nhau thế nào chăng nữa thì vẫn không thông cảm cho nhau được là việc tôi ăn mắm tôm, mắm tép. Lần đầu tôi ăn mắm tôm, chồng phải ra phòng khách ăn, còn tôi ngồi cách ly trong bếp. Sau này mỗi khi chồng vắng nhà tôi mới ăn, đôi khi cứ mong chồng không ăn cơm ở nhà để được ăn mắm. Hoặc lúc nào vợ chồng giận nhau, muốn chọc tức chồng tôi lại lôi mắm ra, vừa thỏa mãn nhu cầu của mình và ‘tra tấn’ được chồng”, chị Nhi hài hước cho biết.

Để giảm bớt khoảng cách văn hóa với gia đình chồng, dù ở xa quê hương, nguyên liệu đồ Việt thiếu thốn, chị vẫn cố gắng thực hiện các nghi lễ cúng bái vào dịp lễ Tết. “Ngày Tết ông Công ông Táo, không tìm được cá chép, tôi phải nặn bánh hình cá để cúng. Cô giáo tôi ở Toulouse còn làm bánh gato và vẽ hình cá chép lên mặt bánh, gọi là có chút tượng trưng. Mỗi đợt Tết nguyên đán, tôi cũng tự tay gói bánh chưng, giò…”.

Không gặp rắc rối với khác biệt trong cách ăn uống, nhưng chị Ngọc Diệp, 40 tuổi, đã sang Bỉ định cư gần 15 năm, lại có trục trặc với mẹ chồng do hai người có những suy nghĩ, quan điểm rất khác nhau. Chị kể mẹ chồng chị là mẫu người phụ nữ truyền thống Bỉ, ở nhà nấu nướng, chăm lo cho chồng con, sống rất sạch sẽ và tiết kiệm… Bà không muốn chị sinh con vì sợ chồng chị (hơn vợ 20 tuổi, khi đó đã 45 tuổi) vất vả vì anh là con út trong nhà. Đến khi con chị sinh ra, bà cũng không muốn chị đặt tên cháu có từ tiếng Việt mà phải thuần Bỉ.

Vốn là một người phụ nữ độc lập, tính cách khá mạnh mẽ nên chị Diệp lắng nghe nhưng vẫn làm theo ý mình. Khi con trai đầu được một tuổi, chị đăng ký học khóa huấn luyện nuôi dạy trẻ và mất hơn 3 năm học tập, thi cử vất vả để lấy chứng chỉ này. Sau đó, chị xin được làm việc ở một trường mẫu giáo đến nay. Chị muốn mình tự chủ về tài chính, không còn phải quá phụ thuộc vào chồng.

su-co-bi-hai-cua-co-dau-viet-o-troi-tay-1

Chị Diệp vất vả chăm sóc 3 cậu con trai đáng yêu.

Công việc ổn định, chị Diệp tiếp tục sinh 2 bé trai nữa. 3 đứa con của chị đều có tên tiếng Việt là Tim Vinh, Daan Quang và Stijn Minh. Lần lượt trái ý mẹ chồng hết lần này đến lần này, có những cuộc nói chuyện giữa hai người mà chị phải lặng lẽ khóc thầm nhưng chị vẫn cố gắng hiếu nghĩa với bố mẹ. Chứng kiến con dâu một mình sinh 3 cháu trai, tự tay chăm sóc các cháu chu đáo, mẹ chồng dần xóa đi những hiềm khích với chị, mối quan hệ hai mẹ con giờ đã tốt đẹp hơn nhiều.

Chị Kim Chinh, 32 tuổi, đang sống tại tỉnh Friesland, Hà Lan cùng chồng và hai cậu con trai, cũng gặp phải “sự cố” ngày mới theo chồng về làm dâu. Ngày đầu sau kết hôn, cứ nghĩ như ở Việt Nam, dâu mới phải dậy sớm cơm nước, dọn dẹp nhà cửa nên 5 giờ sáng chị đã dậy để làm mọi việc trong nhà.

“Tôi hì hục kéo máy hút bụi đi khắp nhà. Nghe thấy tiếng ồn, mẹ chồng giật mình từ trên gác vội vã chạy xuống hỏi tôi đang làm gì. Khi nghe tôi nói, mẹ bảo tôi không làm nữa, về phòng ngủ tiếp vì mọi người thường 8-9 giờ mới dậy, lúc đó dọn dẹp và nấu ăn sau. Đến lúc thấy mẹ nấu cơm, tôi cũng xông vào giúp nhưng mẹ nói để mẹ làm thôi”, chị Chinh kể lại.

13 năm sống ở xứ người, chị Chinh cho biết “làm dâu ngoại thấy được tự do hơn, hầu như không có khái niệm làm dâu như ở Việt Nam mình”. Khi sang nhà bố mẹ chồng, con dâu y như khách. Bố mẹ nấu ăn, mang đồ đến tận nơi, đến khi ăn xong chị có muốn rửa bát họ cũng không cho làm.

su-co-bi-hai-cua-co-dau-viet-o-troi-tay-2

Chị Kim Anh và anh chồng người Anh.

Chị Kim Anh, 46 tuổi, hiện định cư ở Anh, từng rất xấu hổ khi khiến em chồng khó chịu vì không hiểu rõ văn hóa tặng quà ở đây. 

Hồi đầu khi mới sang, không biết nên tặng cho em chồng cái gì, tôi mua cho cô ấy một lọ kem dưỡng chống nhăn. Lúc nhận quà, tôi thấy sắc mặt cô ấy tỏ ra không vui, nhưng không nói gì. Chồng tôi thấy vậy thì thầm ngay với tôi là ở bên này, người ta không bao giờ tặng món quà kiểu này. ‘Khi nhận được kem chống nhăn, cô ấy sẽ nghĩ em thấy da cô ấy nhăn xấu xí nên mới tặng’. Tôi gọi điện xin lỗi. Từ đó đến nay, tôi không bao giờ tặng kem bôi cho bất cứ ai nữa”, chị Kim Anh chia sẻ.

Chị cũng cho biết một văn hóa rất đặc biệt ở Tây là mọi người hầu như không chia sẻ đồ ăn trong đĩa cho bất kỳ ai, đặc biệt rất cấm kỵ việc thò dao dĩa vào đồ ăn của người khác: “Chỉ trừ khi chồng hỏi ’em có muốn thử miếng này trong đĩa của anh không’, nếu mình thích mới nói đồng ý, mà cũng phải đợi chồng lấy miếng thức ăn đó chuyển qua đĩa của mình, chứ không bao giờ tự thò tay lấy thức ăn trong đĩa của chồng. Đòi chia sẻ trong đĩa thức ăn và với tay lấy thức ăn trong đĩa của chồng sẽ bị cho là mất lịch sự, thô lỗ”.

Cuộc sống vợ chồng ở Tây dù rất yêu thương nhau nhưng có những thứ họ lại rất rạch ròi, ví như chuyện tiền nong. Chị Kim Anh cho biết, tiền ai làm ra thì người đó giữ. Hầu như không có chuyện quản lý tiền của nhau. Bản thân chị cũng không đòi hỏi chồng phải đưa tiền cho mình, vì vợ chồng chị chung sống trên quan điểm để cho nhau tự do, thoải mái và tôn trọng lẫn nhau. Anh không đưa tiền cho chị, nhưng anh là người chi mọi khoản từ đi chơi, du lịch, ăn uống hay vé máy bay cho chị về Việt Nam.

Theo Vnexpress