Tôi ngoái nhìn Hà Nội thêm một lần nữa thật lâu, chỉ ước giá như xếp được cả Hà Nội vào hành lý. Những ngày cuối năm khi nhà nhà tấp nập đón Tết, những người con xa xứ rộn ràng bắt những chuyến tàu xe trở lại quê hương thì tôi cặm cụi sắp xếp hành lý đến một đất nước xa xôi phía trước. Chuyến đi tới Australia xa xôi sau 4 năm nỗ lực kiếm tìm học bổng, chờ đợi và lo lắng. Những giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ khiến tôi không khỏi day dứt. Thế nhưng những khát vọng của tuổi trẻ cứ thôi thúc tôi phải thực hiện chuyến đi đó.
Gia đình thứ 2 của tôi tại Australia. |
Những cảm xúc về mẹ dần được thay thế bằng cảm giác hồi hộp khi máy bay cất cánh. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa đi máy bay bao giờ. Lần đầu tiên tôi ngồi máy bay và đi xa nhất, lo lắng, hồi hộp, mọi cảm xúc cứ lẫn lộn trong tôi. May sao tôi gặp Paul, hành khách ngồi bên cạnh và hướng dẫn tôi suốt chặng bay dài. Rạng sáng, khi tôi còn đang mơ màng, Paul đánh thức tôi dậy ngắm mặt trời mọc khi sắp tới Melbourne, và đó là ánh bình minh rạng rỡ và đẹp đẽ nhất mà tôi từng thấy.
Melbourne đón tôi trong một sáng trong veo, với thời tiết mát lành và mùi hương ấm áp của cây cỏ, cảm giác nhẹ bẫng dù vừa trải qua một chặng bay dài. Bác lái xe với tấm biển TO-GO-TO đón tôi ở sân bay do trường cử. Bác đưa tôi về phố Court – nơi bạn tôi sống và giúp thuê nhà. Thế là cuộc sống du học sinh của tôi bắt đầu.
Melbourne trong tôi đôi khi là cơn mưa chiều mùa hạ lạc lõng vì nỗi nhớ nhà da diết. Tôi nhớ Hà Nội, nhớ đồ ăn và nỗi xúc động khi lần đầu đi chợ Việt nhìn thấy cái biển “gà chạy bộ”, bánh mì Như Lan, để từ đó tôi thêm yêu căn bếp của mình, yêu quê hương hơn qua từng món ăn tự tay mình nấu. Tôi tự hào khi được tặng những món ăn rất Hà Nội cho bạn bè quốc tế thưởng thức, để rồi những câu chuyện về ẩm thực và văn hoá Việt Nam truyền tải tới các bạn một cách thật bình dị với nem rán Hà Nội, bún dọc mùng, bún chả… Vậy mà khi còn ở Hà Nội, tôi thấy sao chúng bình thường đến thế.
Lễ trao giải sinh viên quốc tế xuất sắc 2013. |
Cuộc sống sinh viên của tôi không phải chỉ trong thư viện hay giảng đường, mà còn nhiều hơn thế nữa, bởi chữ học được cắt nghĩa rất rộng đối với tôi. Đó là những ngày tháng làm tình nguyện viên cho các tổ chức khác nhau, tự mình đứng lên nấu món Việt gây quỹ hỗ trợ một vài doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam. Tuy có những công việc đã vắt kiệt sức tôi ở một thời điểm nào đó, nhưng chúng lại giúp tôi hiểu rằng đó không phải là làm từ thiện, mà là trách nhiệm xã hội của một con người bình thường. Qua đó, tôi không chỉ thấy rằng mỗi ngày trôi qua là một ngày học hỏi và đáng sống, mà còn là sự chia sẻ, lan toả và kết nối và yêu thương.
Tôi nhớ những ngày say sưa nói về Việt Nam trong các bài phát biểu tại các hội thảo lớn, với niềm tự hào về con người và đất nước. Tôi nhớ những ngày tha thẩn đi bộ quanh nhà hát con sò ở Sydney, về trường Healthfield làm tiệc gây quỹ. Khi đó, một mình tôi làm 300 cái nem rán Hà Nội, để rồi cuối buổi tiệc, bác hiệu trưởng tiến gần và nói một câu không thể dịch đúng nghĩa “cháu là nữ hoàng nem rán – The queen of spring rolls”. Và tôi nhớ cả những đêm được ru ngủ bằng tiếng sóng biển rì rào như một bản tình ca lãng mạn, nhớ lần được vinh dự đại diện cho hàng nghìn sinh viên Việt Nam nhận giải thưởng sinh viên quốc tế xuất sắc của năm do Thủ hiến bang trao tặng. Tôi lại chợt nhớ về những ngày tháng nỗ lực không ngừng nghỉ từ khi 13,5 tuổi, nhớ những con đê dài hun hút và dáng mẹ hao gầy chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch. Để rồi khi được ngài Thủ hiến trao giải thưởng kèm theo lời chúc “Chúc mừng cháu và chúc mừng Việt Nam”, tôi lại thấy tự hào hơn bản tính cần cù chăm chỉ của những người Việt.
Tôi nhớ lắm những yêu thương của các gia đình cô chú người Australia đã cưu mang và cô chú người gốc Do Thái đã cho tôi cảm nhận sâu sắc nhất về văn hoá của họ. Họ đã cho tôi thấy được vì sao họ có cuộc sống sung túc như vậy, không phải chỉ nhờ vào sự thông minh vốn có, mà còn bởi sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng của họ. Những ngày tháng ấm áp sống với gia đình cô chú người Australia, nhìn cách cô chú yêu mến Việt Nam, cách cô chú ăn cơm bằng đũa, những bữa cơm thuần Việt với nước mắm, canh chua hay thịt kho… luôn khiến tôi trào dâng một nỗi xúc động nghẹn ngào.
Tiệc gây quỹ hỗ trợ mạng lưới ung thư Việt Nam. |
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Còn tôi nhớ Melbourne ngay khi đang còn sống trên mảnh đất này, không phải chỉ vì 4 năm liền Melbourne được xếp hạng là thành phố đáng sống nhất thế giới, mà đơn giản vì nơi đây có những người tôi yêu thương. Và hơn tất cả, Melbourne giữ của tôi một phần tuổi trẻ nhiệt huyết, đầy cảm hứng và những trải nghiệm mà không có thứ của cải nào mua được.
Tôi biết ơn mẹ vì đã đánh đổi nỗi nhớ của mình và những ngày tháng xa cách để tôi được tự do thực hiện ước mơ của mình. Và tôi biết ơn Melbourne vì đã cho tôi thêm một nơi mà tôi gọi là nhà.
Đặng Thị Hương