Home Tâm Sự - Chia Sẻ Cuộc sống ở Úc không là thiên đường như nhiều người Việt vẫn tưởng
Tâm Sự - Chia Sẻ

Cuộc sống ở Úc không là thiên đường như nhiều người Việt vẫn tưởng

Một cô gái Việt ở Canberra bị người chồng nghiện ngập đánh đập đến sảy thai, lần đầu tiên chia sẻ cuộc sống khắc nghiệt ở Úc. Trẻ người non dạ, cô đến Úc tay trắng khi vừa qua tuổi 20. Tất cả những điều cô biết được về người chồng Úc của mình vỏn vẹn trong một vài chữ “em thấy ảnh khá nóng nảy, chứ cũng không biết gì nhiều”.

Phương Đào đến Úc bằng một cuộc hôn nhân chóng vánh qua sự giới thiệu của những người bạn vào năm 2016.

“Tụi em quen biết qua một nhóm bạn, đi uống nước chung cùng với nhau rồi quen. Quen khoảng 2 năm, thì chồng em đưa em qua Úc.”

Nhắm mắt đưa chân

Trẻ người non dạ, Phương đến Úc tay trắng khi vừa qua tuổi 20. Tất cả những điều cô biết được về người chồng Úc của mình chỉ vỏn vẹn trong một vài chữ “em thấy ảnh khá nóng nảy, chứ cũng không biết gì nhiều”.

Em chỉ làm giấy tờ qua đây diện bạn trai bạn gái, chứ không có đám cưới. Qua đây rồi, tụi em chỉ ký giấy với một người chủ hôn thôi. Gia đình nhà chồng không ai tham dự, ngay từ đầu cha mẹ chồng đã phản đối. Họ muốn chồng em làm đám cưới giả với một người nào đó để kiếm tiền. Vậy mà chồng em lại làm giấy tờ với em.

Phương kể lại với SBS câu chuyện đời cô đã bắt đầu như thế nào.

Chân ướt chân ráo đến Úc, nước Úc với cô là một trang giấy trắng, khác xa với vùng Cần Thơ “gạo trắng nước trong”- nơi cô sinh ra và lớn lên.

“Em chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đi xa đến vậy. Cha mẹ em không đồng ý, nhưng không cản em được”.

Dứt áo ra đi mà không nhận được sự ủng hộ của cha mẹ, thứ duy nhất Phương nghĩ trong đầu lúc bấy giờ là “mình còn trẻ, yêu nhau thì đến với nhau thôi”.

Phương như con chim nhỏ lạc đàn trong những ngày đầu ở Canberra, tiếng không biết, người không quen, lại chẳng thấy bóng dáng của bất kỳ đồng hương nào nói được tiếng Việt.

“Chồng của em không muốn em đi làm và tiếp xúc với thế giới bên ngoài, em cũng không biết tại sao nữa”.

Sau một năm ru rú ở trong nhà, Phương quyết định ra ngoài tìm việc.

“Em thấy người ta tuyển nhân viên làm nail nhiều nên em đi làm nail. Lương không được bao nhiêu vì em không có kinh nghiệm. Em mới qua không biết gì, người ta cho bao nhiêu lấy nhiêu”, Phương hồi tưởng lại với SBS.

“Chồng em không bình thường”

Cô nhanh chóng phát hiện chồng mình là một người cực kỳ nóng tính, với những cơn cãi vả, nổi nóng thường xuyên không có lý do. Hơn hết, chồng cô có những biểu hiện “không bình thường”.

“Chồng em thức sáng đêm từ ngày này qua ngày khác, mà không thấy mệt gì hết, có khi thức cả tuần. Em cứ thấy lạ. Em hỏi thì chồng em nói không có gì hết. Sau đó em mới phát hiện chồng em hút chích, chơi [ma túy] đá với mấy người bạn”.

Hay tin chồng mình sử dụng ma túy cùng lúc với việc mang thai đứa con đầu lòng khiến trời đất trong Phương như chao đảo.

Em phát hiện mình có thai và nói chuyện với chồng em. Em nói với chồng mình sắp có con rồi, phải thay đổi đi. Nhưng chồng em mê thuốc quá nên không có nghe.

Phương chỉ biết chôn nỗi buồn vào tim, mà không bao giờ dám chia sẻ với cha mẹ ở quê nhà, càng thương hai người đã “nước mắt ngắn nước mắt dài” vì không thể ngăn cô đi lấy chồng xa.

“Em không biết nói chuyện với ai hết. Ngày nào cũng đi làm về rồi thui thủi một mình. Ở với nhà chồng cũng không thoải mái chút nào. Em ở xa, không muốn để gia đình biết, cha mẹ em lớn tuổi lắm rồi”.

Mối quan hệ với gia đình chồng, mẹ chồng nàng dâu cơm không lành canh không ngọt khiến Phương rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài.

Love shouldn't hurt

Ác mộng ban ngày

Khi hồi tưởng lại những ký ức kinh hoàng bị chồng đánh đập, Phương cảm thấy những cơn lạnh luồn qua sống lưng.

Tháng 10 năm 2017, cô bị chồng đánh đập cô tàn nhẫn, thương tích đến chảy máu. Trong cơn hoảng loạn, Phương không biết làm gì hơn ngoài việc bỏ chạy qua nhà hàng xóm để cầu cứu. Những người hàng xóm tốt bụng cho cô nương nhờ và gọi cảnh sát.

“Chồng em ngày nào về cũng kiếm chuyện, cãi nhau, thượng cẳng hạ chân, đánh em nặng đến nỗi em sợ chạy qua nhà hàng xóm. Hàng xóm phải gọi cảnh sát để cứu em”.

Một mình ở xứ người, chỉ biết có chồng, sợ hãi mọi thứ, Phương đã chọn không tố cáo chồng với Cảnh sát, không nói chuyện với Domestic Violence Crisis Service (DVCS – Dịch vụ trợ giúp Khủng hoảng Bạo hành Gia đình).

Cảnh sát khuyến khích Dao lập lời khai và tiếp xúc Family Violence Evidence in Chief (FVEIC) tuy nhiên cô liên tục từ chối cho lời khai, nói rằng “Tôi không muốn làm gì hết. Tôi không muốn khiến anh ấy gặp rắc rối”.

Cảnh sát ACT viết trong báo cáo về sự kiện ngày 27 tháng 10 năm 2017.

Cô cho SBS biết mình vẫn còn yêu chồng nên đã tha thứ và quay trở lại. Chỉ vì một lời hứa hẹn “anh yêu em”, cô đem lòng tin của mình một lần nữa gửi vào người chồng hút chích.

Đó cũng là lúc những chuỗi ngày bi kịch của cô bắt đầu, và ngày càng đau thương. Chồng Phương vẫn chứng nào tật nấy và đối xử với cô vô cùng tệ bạc.

Cô phát hiện mình có thai vào tháng 5 năm 2018, khi vào bệnh viện điều trị thương tích vì sự đánh đập của chồng.

“Em phát hiện có điều khác thường xảy ra. Em đang đi làm thì bụng đau quằn quại và chảy máu dữ dội. Trời đất như sụp đổ khi em biết mình bị sảy thai, sau khi bác sĩ siêu âm và làm xét nghiệm máu cho em,” Phương nói với SBS.

Em bị sảy thai vì trầm cảm quá nặng và mất sức quá nhiều, ngày nào cũng đi làm, bảy ngày một tuần, không ăn, không uống, buồn mà không thể tâm sự với ai.

“Muốn giết chết bản thân mình”

Bi kịch dồn bi kịch, mâu thuẫn chồng mâu thuẫn, tháng 6 năm 2018, chồng cô cướp đi số tiền nhỏ bé mà cô ráng dành dụm định gửi về Việt Nam cho cha mẹ để đánh bạc.

“Đó là số tiền mà em nhịn ăn nhịn uống, dành dụm để gửi về cho cha mẹ. Em quá mệt mỏi, đói khát. Chồng em đối xử với em tàn nhẫn, mặc cho em gào khóc thảm thiết,” Phương chia sẻ trong nước mắt.

“Lúc đó em ngồi ở trong xe hơi cùng với ảnh. Em khóc dữ quá, chồng em đuổi em xuống xe. Em quá tức giận và tuyệt vọng nên đập đầu vào mũi xe hai lần để tự vẫn,” Phương nhớ lại.

Chồng em không những không can ngăn mà còn dí đầu em vào xe, đập mạnh nhiều lần, vừa đập vừa thét “mày muốn chết thì tao cho mày chết”.

Trong hoàn cành thừa sống thiếu chết, Phương đưa tay lên để van xin chồng thì bị chồng đánh mạnh hơn.

Khi những người đi đường nhận thấy chuyện bất thường và dừng lại, chồng cô vội lái xe chở cô về nhà, nhốt cô một mình rồi bỏ đi.

Trong hoàn cảnh cùng quẫn và tuyệt vọng nhất của cuộc đời, suy nghĩ duy nhất của Phương là kết thúc tất cả.

“Em tìm thấy một bịch thuốc ở trong nhà. Em tiến tới tủ lanh và lấy một chai bia để nốc cạn mớ thuốc.

“Em gửi một tin nhắn cho một người bạn nói rằng nếu có chuyện gì xảy đến với em, thì hãy lấy tiền lương ở chỗ làm của em gửi về cho mẹ em ở Việt Nam.

“Sau đó em gửi tin nhắn vĩnh biệt chồng mình và nói ảnh hãy về nhà, vì em cảm thấy thuốc khiến mình chao đảo…”

Bây giờ mới sáng mắt

Cô không biết mình ngất xỉu lúc nào và chồng cô về nhà vào thời điểm nào.  Khi Phương mở mắt, cô đã ở trong phòng cấp cứu của bệnh viện.

“Em nhìn thấy bác sĩ xung quanh mình. Em không còn nhớ những gì đã xảy ra. Họ đưa em vào phòng sức khỏe tâm thần.

“Trong ngày đầu tiên, em chỉ biết buồn và khóc. Không ai trong gia đình chồng đến thăm em cả.

“Chồng em đến thăm em một lần một ngày. Ảnh lúc nào cũng bỏ đi rất nhanh và nói là bận công chuyện. Em không biết ảnh bận cái gì, ảnh cứ nói bận và phải đi.

“Em ở trong phòng chăm sóc sức khỏe tâm thần một thời gian, đến khi bác sĩ chẩn đoán em đã ổn định thì cho em xuất viện vào tháng 6 năm 2018.”

Phương rơi vào tình trạng vô gia cư, không nhà cửa khi bị chồng cô từ bỏ. Những người y tá của bệnh viện, các nhân viên xã hội liên tục gọi điện cho chồng cô nhưng anh không nhấc máy.

Phương không thể quay trở lại công việc trước đây.

“Không ai đón em, em cũng không còn chỗ nào để đi. Nhân viên xã hội của bệnh viện hỏi em muốn thế nào đễ giúp đỡ em. Lúc đó em chỉ có visa tạm trú mà chưa có thường trú nhân, nên họ cũng không thể giúp gì được em.”

Tiến sĩ Anita Huchison là người đã trực tiếp làm việc và tiếp tục điều trị cho Phương sau khi cô xuất viện.

Bằng chứng rõ ràng từ các cuộc tư vấn của tôi với cô ấy, cô là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình, cả về cảm xúc, tài chính và thể chất, và điều này đã dẫn đến tình trạng sức khỏe tâm thần hiện tại của cô ấy, và hoàn cảnh vô gia cư sau đó.

“Cô ấy có các dấu hiệu và triệu chứng của sự lo lắng thái cực độ, và trầm cảm nghiêm trọng, cô ấy đang được điều trị,” bác sĩ Huchison nói.

Phương không thể nhớ những gì đã xảy ra với mình trong suốt quãng thời gian này. Mỗi lần nhớ về ký ức đau thương đã trải qua, cô lại gặp ác mộng trong đêm, giật mình thức dậy. Phương phải dùng thuốc an thần để có thể ngủ được mỗi đêm

Cuộc sống ở Úc không phải lúc nào cũng là thiên đường. Mọi người cứ nghĩ qua Úc là sướng, là hạnh phúc, mọi thứ đều tươi sáng. Em muốn mọi người đừng đi vào vết xe đổ của cuộc đời em.

Đó là những gì Phương nói với SBS vào cuối câu chuyện. Cô cho biết trí nhớ của mình đã bị sứt mẻ trong khoảng thời gian nằm viện.

“Các bác sĩ giải thích cho em rằng đó là khoảng thời gian thê thảm với em, nên não của em tự động muốn quên đi…”

Phương sau đó sống ở Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu niên Canberra – Youth Residential Service, và nhận được sự hỗ trợ của Woden Community Service và Domestic Violence Crisis Service. Hiện Phương đang đi học tiếng Anh và tiếp tục điều trị tâm thần.

Vì sự riêng tư và an toàn của nạn nhân, SBS đã đổi tên nhân vật.

  • Bộ Dịch vụ Nhân sinh của Chính phủ Liên bang có một tài liệu chi tiết bằng tiếng Việt giúp người Việt tìm hiểu và tìm kiếm trợ giúp ở đây.
  • 1800RESPECT Gọi số 1800 737 732 — có dịch vụ thông dịch — hoặc truy cập 1800RESPECT.org.au 1800RESPECT là dịch vụ toàn quốc về tư vấn bạo hành trong gia đình và xâm phạm tình dục. Dịch vụ này miễn phí và bảo mật. Làm việc 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày một tuần.

Theo SBS

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *