Home Cộng Đồng Hỏi đáp : Các loại visa và thẻ medicare ở Úc
Cộng ĐồngHỏi ĐápTin Nước Úc

Hỏi đáp : Các loại visa và thẻ medicare ở Úc

Hỏi đáp : Các loại visa và thẻ medicare ở Úc
Hỏi đáp : Các loại visa và thẻ medicare ở Úc

www.Alouc.com – Trong bài viết tuần này, Chúng tôi xin trả lời các câu hỏi của quý độc giả liên quan đến một số vấn đề về di trú bao gồm visa thường trú hết hạn, visa hôn thêvisa di dân theo diện tay nghề chuyên môn

Câu hỏi của chị Hạnh Nguyễn ở St Albans, Melbourne: Thưa luật sư, em sang Úc theo diện hôn thê được gần 6 tháng. Em nghe mấy chị bạn cũng sang Úc theo diện đoàn tụ với chồng nói là sau khi sang Úc sẽ được làm thẻ Medicare như những người dân Úc khác. Tuy nhiên khi em ra Medicare hỏi, thì họ nói là trường hợp của em không được. Xin luật sư cho biết vì sao em lại không có được thẻ Medicare như những người đoàn tụ theo diện vợ chồng khác?

Trả lời: Chị Hạnh thân. Nếu chị sang Úc theo diện hôn thê từ Việt Nam, thì visa của chị là loại visa 300. Loại visa 300 này là loại visa dành cho những người đã đính hôn tại nước ngoài, và được phép đoàn tụ với vợ hay chồng tại Australia. Nhưng điều kiện của Visa 300 này là người có visa phải kết hôn trong vòng 9 tháng kể từ ngày đến Úc, tức là phải kết hôn trước khi visa 300 này hết hạn.

Với loại Visa 300 này thì chị không thể xin được thẻ Medicare. Muốn được có thẻ Medicare ngay sau khi sang Úc thì những người đoàn tụ theo diện vợ chồng phải sang Úc theo Visa 309. Tức là họ sang Úc theo diện đã kết hôn hay diện sống chung không hôn thú. Những người đi theo diện này thì khi đến Australia, họ có thể xin thẻ Medicare ngay trong khi chờ đợi hai năm trước khi được xét cho vào thường trú.

Nếu chị sang Úc theo Visa 300, và chị đã kết hôn, thì trước khi có thể xin thẻ Medicare chị phải làm đơn xin chuyển Visa 300 thành Visa 820, tức là loại visa tạm thời cho vợ hay chồng trong khi chờ đợi được Bộ Di Trú cấp visa thường trú.

Nếu chị có thể sử dụng internet, thì chị hay gia đình có thể tự lên internet và vào trang mạng của Bộ Di Trú và tự mình đệ trình hồ sơ xin chuyển Visa 300 thành Visa 820 và phải đóng lệ phí xin visa này theo quy định của bộ di trú. Đồng thời phải gửi kèm theo giấy kết hôn hay hôn thú hợp lệ.

Câu hỏi của Nguyễn Hoàng Nam du học sinh tại Sydney: Em sắp học xong chương trình cử nhân và hiện em đang thực tập với một công ty của Úc. Xin luật sư cho biết nếu công ty này chịu đứng ra bảo lãnh cho em, thì em có thể xin thường trú tại Úc không ạ? Nếu được thì mình phải bắt đầu làm những gì thưa luật sư?

Trả lời: Em không nói rõ là công ty bão lãnh em ở lại làm việc trong những điều kiện như thế nào. Tuy nhiên có thể Visa 457 là loại visa mà em có thể xin nếu công ty của em đang làm việc, đứng ra nhận bảo lãnh em.

Để nộp đơn xin Visa 457 này, em cần phải có những điều kiện như sau. Thứ nhất nghề nghiệp chuyên môn của em phải có trong danh mục các nghề nghiệp mà nước Úc cần. Em phải có trình độ tiếng Anh theo yêu cầu, hay được miễn xét trình độ tiếng Anh theo quy định của bộ di trú. Thứ hai, công ty của em phải chứng minh cho bộ di trú thấy rằng họ đã từng tìm kiếm để tuyển dụng một người có chuyên môn giống như em tại nước Úc này, mà tìm không ra.

Hồ sơ xin Visa 457 này có 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là công ty của em nộp hồ sơ xin bảo lãnh công nhân ngoại quốc. Sau khi được bộ di trú cho phép bảo lãnh công ty này sẽ nộp đơn cho bộ di trú biết là họ sẽ bảo lãnh em. Nếu được bộ di trú đồng ý thì bước qua giai đoạn ba là em có thể nộp hồ sơ xin visa.

Thông thường nếu một hồ sơ xin Visa 457 làm đúng theo hướng dẫn thì từ khi khởi sự cho đến khi em có visa 457 thì từ 6 tháng cho đến 9 tháng.

Tuy nhiên Visa 457 không phải là visa thường trú, mà chỉ là visa cho làm việc tạm trú. Sau hai năm làm việc nếu công ty vẫn tiếp tục tuyển dụng em dài hạn, thì em có thể làm hồ sơ xin chuyển từ visa 457 tạm trú sang một loại visa thường trú, thường là visa 186.

Thủ tục xin Visa 457 này khá rắc rối. Em nên tìm gặp một chuyên viên di trú hay một luật sư di trú có kinh nghiệm để được tư vấn thêm.

Câu hỏi của Minh Nguyễn ở Inala Queensland: Thưa luật sư tôi nghe nói điều kiện tiếng Anh để xin vào thường trú theo diện tay nghề chuyên môn, ví dụ như bằng tiếng Anh IELTS có hai loại. Một loại là IELTS thường còn một loại gọi là Academic IELTS. Xin luật sư cho biết trong trường hợp nào thì cần bằng thường và trường hợp nào thì cần bằng Academic?

Trả lời: Nếu anh xin định cư tại Úc theo diện tay nghề chuyên môn mà trước đó anh đã có bằng đại học tại Úc hay tương đương, thì thường bộ di trú yêu cầu anh phải có bằng Academic IELTS. Bởi vì thông thường khi anh có nghề nghiệp từ bằng cấp đại học, ví dụ như kỹ sư hay kế toán, thì anh phải đăng ký và được cấp giấy phép hành nghề bởi các tổ chức này. Và khi cần phải đăng ký hành nghề với một tổ chức mà thành viên có trình độ đại học trở lên thì họ yêu cầu trình độ tiếng Anh cao hơn, tức là Academic IELTS.

Còn nếu người xin vào thường trú chỉ học xong trường TAFE hay cấp tương đương thì thông thường chỉ cần bằng IELTS thường, tức là General IELTS.

bang-lai-
Các loại visa và thẻ medicare ở Úc

Câu hỏi của chị Thu Huyền ở Canberra: Em có hai cháu nhỏ 10 tuổi và 5 tuổi và đã ly dị chồng được ba năm. Chồng em trước đó được phép lui tới thăm con nhưng vì mấy đứa con thấy ba nó thường hay uống rượu say xỉn khi đến thăm nó và quát nạt chúng, nên cả hai đứa không thích ba nó đến thăm nữa. Sau khi biết vậy, chồng cũ của em rất giận dữ và cắt liên lạc hoàn toàn với hai đứa con em. Ông ta cũng tuyên bố là sẽ không bao giờ ký giấy làm passport cho mấy đứa con em để em có thể đưa hai cháu về Việt Nam thăm ông bà và người thân.

Xin luật sư cho biết nếu chồng em không chịu ký giấy xin cấp passport cho hai đứa con em thì em phải làm thế nào, để có thể đưa hai cháu đi Việt Nam hay đi du lịch các nước khác được?

Trả lời: Chị Thu Huyền mến. Nếu trong giấy khai sinh của hai đứa nhỏ chỉ có tên của chị mà không có tên của người cha, thì chị có thể tự mình làm đơn xin cấp visa cho hai cháu bình thường.

Tuy nhiên nếu trong khai sinh có cả tên cha và mẹ, thì bắt buộc đơn xin cấp visa cho hai đứa nhỏ phải có chữ ký đồng ý của người cha. Nếu người cha không chịu ký giấy xin cấp passport cho hai đứa nhỏ thì chị có hai cách:

Cách thứ nhất là làm đơn gửi trực tiếp cho Bộ ngoại giao Úc để xin đặc cách cấp passport cho hai cháu trong trường hợp đặc biệt. Dĩ nhiên trong đơn chị phải trình bày những lý do chính đáng cần phải có passport cho hai đứa nhỏ để đi ra nước ngoài. Trong đơn chị đồng thời cũng phải nói rõ quan hệ giữa hai cháu với người cha và hoàn cảnh hiện tại của chị, nêu rõ ngày giờ định đi ra nước ngoài, thời gian bao lâu, mục đích là gì. Nếu Bộ Ngoại Giao Úc xét thấy đúng, họ sẽ đồng ý cấp passport cho hai cháu với một số điều kiện nào đó mà chị phải tuân theo.

Cách thứ hai là nếu như Bộ Ngoại Giao Úc đã từ chối thì chị có thể nộp đơn ra tòa án gia đình xin một án lệnh cho phép hai cháu được cấp passport để đi ra nước ngoài.

Xin lưu ý là đã có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì một trong hai bậc bố mẹ đã giả chữ ký người kia trong khi làm đơn xin cấp passport cho con và khi ra phi trường đã bị chận lại, vì người cha hay người mẹ đã có xin một án lịnh cấm người kia mang con ra khỏi nước Úc. Hành động nói trên có thể được xem như là bắt cóc trẻ em là một tội hình sự nặng.

visa

Câu hỏi của chị Trang ở Yenora NSW: Cha mẹ tôi đến Úc đã gần năm năm theo diện bảo lãnh cha mẹ đóng tiền. Do sống tại Úc không có trợ cấp gì cả và ông bà của tôi già yếu còn sống tại Việt Nam, nên cha mẹ tôi thường đi về giữa Việt Nam và Úc nhiều lần trong năm năm qua. Tổng cộng lại thời gian cha mẹ tôi sống tại Úc chỉ hơn một năm. Nay visa thường trú năm năm của cha mẹ tôi sắp hết hạn. Xin luật sư cho biết việc sống tại Úc chỉ hơn một năm trong năm năm qua, có ảnh hưởng gì đến việc xin gia hạn visa thường trú của cha mẹ tôi không?

Trả lời: Visa cha mẹ định cư theo diện đóng tiền bảo lãnh không quy định rằng người có visa phải sống thường trực tại nước Úc trong thời gian có hạn ghi trong visa ( năm năm). Do đó cha mẹ của chị hoàn toàn có thể nộp đơn xin gia hạn visa thường trú. Lưu ý khi gia hạn visa thường trú này người xin gia hạn phải nộp lệ phí cho bộ di trú theo đúng quy định.

Ls Lê Đức Minh | Alô Úc | ALOUC.COM

hoi-dap