Ở các nước trên thế giới, phụ nữ thường dễ bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm và muốn tự tử. Nhưng tại sao tỷ lệ tự tử ở nam giới vẫn cao hơn nữ giới nhiều lần?
Đáng buồn là việc tự tử không hiếm như người ta tưởng. Năm 2016, dữ liệu toàn cầu của Tổ Chức Y Tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 793.000 vụ tự tử trên toàn thế giới. Hầu hết là nam giới.
Ở Anh, tỷ lệ tự tử ở nam giới là thấp nhất kể từ năm 1981 – 15,5 người chết trên 100.000. Nhưng tự tử vẫn gây ra cái chết nhiều nhất ở đàn ông dưới 45 tuổi. Và sự khác biệt rõ rệt về giới tính vẫn còn. Đối với phụ nữ Anh, tỷ lệ này bằng 1/3 của nam giới: 4,9 vụ tự tử trên 100.000.
Ở nhiều nước khác cũng vậy. So với phụ nữ, đàn ông có nguy cơ chết vì tự tử gấp 3 lần ở Úc, 3,5 lần ở Mỹ và nhiều hơn 4 lần ở Nga và Argentina. Dữ liệu của WHO cho thấy gần 40% các quốc gia có hơn 15 vụ tự tử trên 100.000 nam giới; chỉ 1,5% cho thấy tỷ lệ này là cao đối với phụ nữ.
Xu hướng này có từ lâu. “Kể từ khi có số liệu thống kê, ta vẫn thấy sự chênh lệch này,” nhà tâm lý học Jill Harkirl-Friedman, phó chủ tịch nghiên cứu của Tổ chức Phòng Chống Tự vẫn Hoa Kỳ, một tổ chức y tế hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi tự tử, nói.
Tự tử là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm và phức tạp với vô số nguyên nhân rối rắm – và chính bản chất của cái chết vì tự tử làm ta không bao giờ có thể hoàn toàn biết được lý do sâu xa của nó.
Tuy nhiên, khi nhận thức về sức khỏe tâm thần đã tăng lên thì sự hiểu biết chung về các yếu tố tiềm năng đóng góp là nhiều hơn. Tuy nhiên, một trong những câu hỏi vẫn tồn tại là sự chênh lệch về giới tính. Nó là đặc biệt lớn vì phụ nữ thường hay bị trầm cảm hơn.
Phụ nữ thậm chí còn dễ toan tính tự tử hơn là nam giới. Ví dụ ở Mỹ, số phụ nữ trưởng thành mưu toan tự tử gấp 1,2 lần nam giới. Nhưng phương pháp tự tử của nam giới thường hung bạo hơn, nên họ thường kết thúc việc này trước khi người khác kịp can thiệp. Việc tiếp cận với phương tiện là một yếu tố đóng góp lớn: ví dụ ở Mỹ, 6/10 người sở hữu súng là đàn ông – và tự tử bằng súng chiếm hơn 1/2 số vụ.
Đàn ông có thể cũng chọn những phương pháp này vì họ quyết tâm tự tử hơn. Ví dụ một nghiên cứu trên hơn 4.000 bệnh nhân đã tự vẫn cho thấy đàn ông có ý định tự tử cao hơn phụ nữ.
Vì sao đàn ông phải cố gắng vật lộn – và ta phải làm gì?
Các yếu tố rủi ro
Một yếu tố quan trọng là giao tiếp dãi bầy. Điều đơn giản là phụ nữ sẵn sàng dãi bầy các khó khăn và đàn ông thường giữ kín. Nhưng sự thật là trong nhiều thế hệ, nhiều xã hội, đã động viên đàn ông phải “mạnh mẽ” và không thừa nhận rằng mình đang phải vất vả.
Việc này thường bắt đầu từ thời thơ ấu. “Chúng ta thường bảo trẻ em trai ‘con giai không được khóc’,” Colman O’Driscoll, cựu giám đốc điều hành và phát triển của Lifeline, một tổ chức từ thiện của Úc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chống khủng hoảng và ngăn ngừa tự tử suốt 24 giờ, nói. “Chúngta huấn luyện các bé trai từ rất nhỏ là không được thể hiện cảm xúc, bởi vì như thế là ‘yếu đuối’.”
Mara Grunau, giám đốc điều hành tại Trung Tâm Phòng Chống Tự Tử ở Canada, chỉ ra rằng đó là cách mà chúng ta nói chuyện với con cái và cách chúng ta khuyến khích chúng nói về bản thân mình: Các bà mẹ nói chuyện với con gái nhiều hơn với con trai … và họ chia sẻ và xác định cảm xúc của mình” nhiều hơn, bà nói. “Chúng ta đều mong đợi phụ nữ có nhiều cảm xúc.”
Nhưng đàn ông có thể ít muốn thừa nhận khi họ cảm thấy bị tổn thương, cho dù với bản thân, với bạn bè hoặc với bác sỹ. Họ cũng ít muốn gặp bác sỹ hơn phụ nữ. Một nghiên cứu của Tạp Chí Y Khoa Anh Quốc cho thấy tỷ lệ khám sức khỏe ban đầu nói chung ở nam giới thấp hơn 32% so với phụ nữ. (Tỷ lệ khám bệnh trầm cảm, để xem có phải dùng thuốc chống trầm cảm hay không, ở đàn ông thấp hơn 8% so với phụ nữ).
“Đàn ông ít cầu viện đến hỗ trợ sức khỏe tâm thần hơn so với phụ nữ,” Harkavy-Friedman nói. “Không phải vì đàn ông không có những cùng vấn đề như phụ nữ- mà vì họ ít được biết là mình đang bị bệnh tâm thần gì hoặc căng thẳng gì có nguy cơ dẫn đến tự tử.”
Nếu một người thậm chí không nhận thức được mình có bệnh đang làm cho mình đau khổ, thì người đó không biết bất cứ điều gì phải làm để chữa khỏi. Chỉ 1/3 số người tự tử là đang điều trị về sức khỏe tâm thần khi xảy ra sự việc, Harkirl-Friedman nói.
Thật nguy hiểm, thay vì tìm kiếm sự điều trị thông qua các kênh đã được thiết lập, một số đàn ông có thể lại tự điều trị lấy.
“Ở nam giới dễ có xu hướng sử dụng chất gây nghiện và rượu vì họ cảm giác cùng quẫn- nhưng chúng tôi biết rằng chúng gia tăng thúc đẩy việc tự vẫn,” Harkirl-Friedman nói.
Thật vậy, đàn ông dễ bị nghiện rượu hơn đàn bà gấp 2 lần. Nhưng uống rượu có thể làm trầm cảm hơn lên và làm tăng các hành vi bột phát và nghiện rượu là một yếu tố được biết rõ về nguy cơ gây tự tử.
Các yếu tố rủi ro khác có thể liên quan đến gia đình hoặc công việc. Ví dụ, khi suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng thì có sự gia tăng tự tử – thường là 18-24 tháng sau khi có suy thoái. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy mức thất nghiệp cứ tăng 1% thì tỷ lệ tự tử tăng 0,79%.
Việc phải lo lắng nhiều hơn về tài chính hoặc cố gắng tìm được việc làm có thể làm trầm trọng thêm các vấn sức khỏe tâm thần của bất cứ ai. Nhưng cũng có cả những yếu tố của áp lực xã hội và ‘khủng hoảng danh tính’. “Chúng ta được dạy dỗ suốt đời là tự đánh giá mình so với những người ngang hàng và qua việc thành công về kinh tế,” Simon Gunning, giám đốc Chiến dịch Chống Sống Khổ (Calm), một tổ chức từ thiện giành giải thưởng ở Anh phòng chống tự vẫn ở đàn ông, nói. “Khi có các yếu tố kinh tế thì ta không thể kiểm soát được nữa, vì sẽ rất khó.”
Cũng có thể có một hiệu ứng xoắn ốc. Ví dụ, ở Mỹ bảo hiểm y tế thường gắn với việc làm. Nếu một người đang được điều trị trầm cảm hoặc sử dụng chất gây nghiện, người đó có thể mất bảo hiểm mất việc làm.
Một yếu tố rủi ro khác là cảm giác bị cô lập, như bác sĩ Thomas Joiner viết trong cuốn sách ‘Tại Sao Người Ta Chết Vì Tự Tử’. Điều này có thể được thể hiện trong mọi nghề nghiệp. Người chuyên gia thành công vẻ ngoài, đặt ưu tiên việc thăng tiến nghề nghiệp lên trên tất cả, bất chấp mọi thứ khác kể cả quan hệ xã hội, có thể lên được đỉnh cao, nhưng cô đơn một mình,” Grunau nói.
Tất nhiên, điều quan trọng cần nhớ là trong khi một yếu tố bên ngoài có thể đẩy nhanh hành vi tự tử ở một người đã có săn nguy cơ này, nó không bao giờ là nguyên nhân duy nhất.
“Hàng triệu người mất việc làm, gần như tất cả chúng ta đều đã từng mất một người thân và không vì thế mà tự tử,” Harkirl-Friedman nói.
Sẽ không có sự sửa chữa đơn giản cho một vấn đề phức tạp đến thế này. Nhưng một số chương trình, chính sách và tổ chức phi lợi nhuận đang được triển khai.
Ví dụ, ở Úc các nhóm phòng chống tự tử và sức khỏe tâm thần đang cố gắng để thay đổi mô hình văn hóa này. Một sáng kiến đã đạt được động lực là ‘RU OK?’ (Bạn có ổn không?), nó khuyến khích người ta hỗ trợ những người khó khăn trong cuộc sống bằng cách bắt đầu một cuộc trò chuyện với họ. Một cách tiếp cận khác là ‘nguyên tắc vai kề vai’ – tức khuyến khích đàn ông nói chuyện trong khi họ đang bận, thí dụ như, xem đá bóng hoặc đi xe đạp. ‘Bạn Công Trường’, một chương trình đào tạo và hỗ trợ, nâng cao nhận thức về tỷ lệ tự tử cao trong ngành này và cho các công nhân xây dựng thấy cách để họ trở thành một phần của giải pháp.
Nhìn chung, có một sự nhấn mạnh vào việc “làm cho người đàn ông nói về cảm giác của mình – và điều đó được công nhận là một dấu hiệu của sức mạnh,”
Công nghệ cũng đang đưa ra các lựa chọn mới. Không phải ai cũng muốn thổ lộ nỗi niềm với một người khác, ngay cả qua điện thoại trợ giúp. Nhưng trí tuệ nhân tạo – như chương trình ‘chatbot’ – có thể cho phép một người bị tổn thương giao tiếp và nhận được sự giúp đỡ mà không sợ bị đánh giá.
Một chiến lược khác là tập trung vào tác động của một vụ tự tử đối với những người thân yêu của họ. Dự án 84 của chiến dịch ‘Calm’ – được đặt tên như vậy để đại diện cho con số 84 người đàn ông chết mỗi tuần vì tự tử ở Anh – nhấn mạnh sự tàn phá do hậu qua để lại.
Các giải pháp khác chỉ đơn giản là làm cho việc tự tử trở nên khó hoàn thành hơn. Thí dụ sau khi các rào chắn được lắp đặt trên cây cầu treo Clifton ở Bristol, Anh, một nghiên cứu cho thấy các trường hợp tử vong do nhảy cầu này giảm một nửa – và không có bằng chứng nào cho thấy các vụ tự tử nhảy từ các địa điểm khác trong khu vực tăng lên.
Tuy nhiên, rõ ràng còn nhiều việc phải làm.
O’Driscoll có so sánh làm thế nào mà người ta chú ý nhiều hơn đến việc giảm tử vong trong giao thông hơn là việc phòng ngừa tự vẫn, mặc dù tự vẫn lấy đi nhiều sinh mạng hơn. Ví dụ, tại Úc, tỷ lệ tự tử tổng thể trong năm 2015 là 12,6 trên 100.000 người – tỷ lệ cao nhất trong hơn một thập kỷ- so với 4,7 trên 100.000 chết vì giao thông đồng bộ.
Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa. “Rõ ràng là,” Harkavy-Friedman nói, “có sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà về sinh học, về cấu trúc hoóc môn và về cách mà não ta phát triển và hoạt động.” Nhưng đàn ông và đàn bà thường được nghiên cứu cùng nhau, và mặc dù có ý định kiểm soát sự khác biệt về mặt thống kê, nhưng việc đó chưa đủ. Bà nghĩ chúng ta cần nghiên cứu nam và nữ tách biệt nhau.
Nhưng có những dấu hiệu tích cực. Harkirl-Friedman ghi nhận có sự thay đổi rất lớn về mặt chuyên môn, và bà kể lại khi bà mới vào nghề, khó có thể có một bài nghiên cứu về tự vẫn được chấp nhận vì người ta cho rằng tự vẫn là không thể ngăn cản được, bà nói. Bây giờ, chúng ta đều biết điều đó là sai.
Bà cũng chỉ ra sự tham gia của chính phủ nhiều hơn bao giờ hết. Vào Ngày Sức Khỏe Tâm Thần Thế Giới năm 2018, chính phủ Anh đã công bố Bộ Trưởng Phòng Chống Tự Tử lần đầu tiên. “Nước Anh là nước đi trước ở từng bước của quá trình này,” bà nói và cho biết thêm rằng bà tin rằng tỷ lệ tự tử ở Anh đã giảm vì một chiến lược quốc gia đang được thực hiện.
Đối với Grunau cũng vậy, tình hình chắc chắn sẽ tốt hơn. “Chúng ta đang chứng kiến đà phát triển chưa từng thấy,” bà nói. “Bạn có thể nói về tự tử và người ta vẫn còn thấy nao núng, nhưng người ta đã sẵn sàng hơn để trao đổi.”
Điều đó đã có tác động tích cực, như sự suy giảm các vụ tự tử ở Anh cho thấy. Tuy nhiên, thế vẫn chưa đủ. Bất kỳ cuộc sống nào bị mất đi vì tự tử – dù là của nam hay nữ – đều làm cho số tử vong thêm nhiều quá.
Theo bbc.com
Leave a comment