Home Cộng Đồng Tai nghe không dây bị nghi ngờ gây ung thư
Cộng Đồng

Tai nghe không dây bị nghi ngờ gây ung thư

Một số nhà khoa học cảnh báo việc tiếp xúc thường xuyên với tai nghe Bluetooth và các công nghệ không dây khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở con người.

Hồi năm 2016, Apple đã thu hút sự chú ý của dư luận khi ra mắt thế hệ tai nghe không dây AirPods đầu tiên của hãng, đồng thời tuyên bố loại bỏ cổng cắm tai nghe trên iPhone.

Hầu hết các đối thủ khác, bao gồm Google và Samsung, sau đó cũng lần lượt chuyển sang sử dụng công nghệ Bluetooth để kết nối với tai nghe không dây, thay vì tai nghe truyền thống.

Tuy nhiên, trong một bài viết được công bố gần đây trên trang Medium, tác giả Markham Heid đã bày tỏ mối quan ngại về sức khỏe đối với công nghệ không dây này.

Ông Jerry Phillips, giáo sư sinh hóa thuộc Đại học Colorado, nói: “Mối quan tâm của tôi đối với AirPods là việc đặt chúng vào ống tai có thể khiến các mô trong đầu tiếp xúc với mức độ bức xạ vô tuyến tương đối cao.”

Ông cho biết một số nguy cơ tiềm ẩn có thể bao gồm các khối u và những hoạt động tế bào bất thường khác.

Những rủi ro này không chỉ giới hạn ở AirPods, mà còn có thể xảy ra với bất kỳ thiết bị công nghệ nào hoạt động ở tần số vô tuyến, bao gồm điện thoại di động, radio và Wi-Fi.

Một phát ngôn nhân của Apple từng khẳng định tai nghe không dây AirPods tuân thủ các nguyên tắc an toàn hiện hành.

The truth behind claims Airpods cause cancer.

Khoảng 250 nhà nghiên cứu từ hơn 40 quốc gia đã ký một thỉnh nguyện thư gửi đến Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm bày tỏ mối quan ngại về bức xạ điện từ không ion hóa (non-ionizing electromagnetic field, gọi tắt là EMF) phát ra từ các thiết bị không dây, kể cả công nghệ Bluetooth.

Theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Hoa Kỳ, EMF là “những trường năng lượng vô hình, thường được gọi là bức xạ, có liên quan đến việc sử dụng năng lượng điện và các hình thức chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo khác nhau.”

Thỉnh nguyện thư cảnh báo rằng các tác dụng phụ tiêu cực của việc tiếp xúc với EMF bao gồm “tăng nguy cơ ung thư, gây căng thẳng tế bào, tăng các gốc tự do có hại, tổn thương di truyền, thay đổi cấu trúc và chức năng của hệ thống sinh sản, suy giảm trí nhớ và khả năng học hỏi, rối loạn thần kinh và tác động tiêu cực về sức khỏe nói chung ở con người.”

“Nhiều công trình khoa học gần đây đã chỉ ra rằng EMF ảnh hưởng đến các sinh vật sống ở mức độ thấp hơn rất nhiều so với hầu hết các hướng dẫn quốc tế và quốc gia,” nhóm tác giả cho biết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại không đồng ý với tuyên bố này.

Ông Kenneth Foster, giáo sư kỹ thuật sinh học thuộc Đại học Pennsylvania, nói rằng WHO và các tổ chức y tế cộng đồng khác đã phân tích ảnh hưởng của Bluetooth và công nghệ không dây, và không tìm thấy bất kỳ bằng chứng rõ rệt nào về các rủi ro sức khỏe khi tiếp xúc với EMF dưới giới hạn quốc tế.

Tóm lại, bạn không nhất thiết phải ngừng sử dụng tai nghe không dây, trừ khi bạn muốn cảnh giác.

Tiến sĩ Michael Schulder, Giám đốc Trung tâm Ung thư não thuộc Northwell Health, Lake Success, New York, nói với Men’s Health: “Chúng ta không thể tránh khỏi bức xạ trong cuộc sống, ngay cả khi chúng ta hoàn toàn không sử dụng bất cứ thiết bị công nghệ nào.”

Ông nói thêm rằng tai nghe không dây thậm chí còn phát ra ít bức xạ hơn các thiết bị di động khác.

Theo sbs.com.au

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *