Home Cộng Đồng Khám phá và trải nghiệm “Chợ trời” của người Việt ở Úc
Cộng Đồng

Khám phá và trải nghiệm “Chợ trời” của người Việt ở Úc

www.Alouc.com – Tại Australia cũng như một số quốc gia khác có người Việt sinh sống vẫn thường mọc lên những khu “chợ trời” tự phát. Đặc biệt như tại Melbourne, những khu chợ đồ cũ họp vào cuối tuần như chợ tại Camberwell, Frankston hay chợ cảng Docklands hoàn toàn không hiếm. Tuy nhiên đáng chú ý hơn cả là “chợ trời” Laverton.

Một góc “chợ trời” Laverton Laverton là “chợ trời” hoạt động từ hàng chục năm qua, tập trung vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Hầu hết người buôn bán và khách đi chợ đều là người Việt đang định cư, sinh sống và làm việc tại Melbourne.

Chợ họp ngoài trời trên khuôn viên rộng khoảng vài héc-ta. Nếu như trước đây, người ta chỉ buôn bán những món hàng đã qua sử dụng (second hand) thì giờ đây chợ bày bán cả các loại hàng mới với mức giá khá rẻ. Theo thời gian, dù có không ít sự đổi thay nhưng mức giá vé vào chợ bao năm nay vẫn vậy, người lớn 1 AUD (đô-la Úc) còn trẻ em được miễn phí.

Ở “chợ trời” Laverton, khách hàng có thể tìm thấy đủ các thứ hàng hóa cần dùng như đồ điện máy, đồ gia dụng: ghế, tủ, giường, máy điều hòa nhiệt độ, bàn là, ấm đun nước thậm chí cả những chiếc đinh tán hay ốc vít… Phần lớn đồ cũ do những chủ hàng thu gom từ nhiều nguồn rồi mang tới chợ bán, còn hàng mới giá rẻ xuất xứ từ nhiều nước, phổ biến nhất là các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam.

Nguồn hàng cũng rất phong phú, bao gồm hàng nhập theo đường chính ngạch có khai thuế hải quan, hàng tới Australia theo đường tiểu ngạch còn gọi là hàng xách tay, kể cả những loại hàng “lụi” không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Giá đồ cũ thì tùy vào mặt hàng, còn đồ mới thường có giá chỉ bằng một nửa thậm chí chưa đến 1/3 so với ở các shop, siêu thị bên ngoài. Riêng những “món ăn tinh thần” thì cũng có đủ phim “Tây” dạng “bom tấn”, rồi phim “Tàu”, phim “Ta” như Âm tính, Cảnh sát hình sự, Bước nhảy Xì-tin, Đẹp từng Centimét, Những nụ hôn rực rỡ…

Đĩa ca nhạc, tấu hài trong nước và hải ngoại cũng tràn ngập đáp ứng mọi nhu cầu thưởng thức của “thượng đế”. Để đáp ứng nhu cầu phim hay giá rẻ, hầu hết các DVD, CD ở đây đều là đĩa sao chép trái phép. Cũng cần biết thêm ở Australia, việc sao chép băng đĩa trái phép là việc làm phạm pháp và người bản xứ xem ra cũng không mấy ai dám kinh doanh hay tiêu thụ các sản phẩm này.

Chị Thủy, một khách hàng “ruột” của chợ Laverton, cho biết: “Vào thứ bảy hoặc chủ nhật, tôi thường cùng mấy đứa nhỏ đi chợ với mục đích mua sắm các thứ đồ dùng cho gia đình, vì ở đây giá rẻ hơn bên ngoài nhiều. Ví dụ kem và bàn chải đánh răng 3 AUD, đĩa phim chỉ 2 AUD/chiếc, nhìn chung giá cả ở đây phù hợp với túi tiền gia đình người lao động”.

Tương tự, ẩm thực thường thể hiện nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Và với những khách đi “chợ trời” Laverton khi đói bụng, các quầy phục vụ ăn uống tại chỗ sẵn sàng phục vụ. Đồ ăn ở chợ này cũng có đủ món, từ các quầy bán đồ ăn “Tây” như sandwich, hot-dog, mỳ Ý, đến đồ ăn “Ta” như bánh mì thịt, hủ tiếu bò viên, bún bò Huế, phở… luôn chật ních thực khách.

Có thể nói khu “chợ trời” Laverton nhiều năm nay đã là nơi mưu sinh của nhiều thế hệ người Việt sống xa quê hương, trong đó không ít người là sinh viên sang Australia học muốn kiếm thêm thu nhập.

Một bạn trẻ tên Nam, du học sinh đang theo học tại Trường Đại học Công nghệ Swinburne tâm sự: “Chuyện buôn bán có lúc được lúc không, nhưng với sinh viên xa nhà như mình thì sạp bán băng đĩa là nguồn thu nhập chính nơi đất khách quê người”.