Nỗ lực trẻ hoá nhân sự ở các chính quyền địa phương của Bắc Kinh đang khiến cộng đồng mạng Trung Quốc chia rẽ, sau khi một phụ nữ 28 tuổi được bổ nhiệm làm phó thị trưởng thị xã 1,4 triệu dân ở tỉnh Phúc Kiến.
Cô Viên Lâm, 28 tuổi, đến từ tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đang đứng trước hàng loạt câu hỏi và ánh mắt nghi ngại của cư dân mạng sau khi được bổ nhiệm trở thành phó thị trưởng Phúc Thanh – thị xã thuộc thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, hôm 25-12.
Việc cô Lâm trở thành lãnh đạo một thị xã ở tuổi 28 đã làm dấy lên những tranh cãi trái chiều trong dư luận Trung Quốc, theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong.
Một số người ủng hộ việc thăng tiến của Lâm, cho rằng đây là động thái cho thấy nền chính trị Trung Quốc đang ngày càng cởi mở hơn với người trẻ tuổi, nhất là phụ nữ.
Tuy nhiên, số khác lại phản đối quyết định, cho rằng không có cơ sở để cất nhắc một người dành quá nhiều thời gian trên ghế nhà trường và không có kinh nghiệm chính trị như cô Lâm.
“Cô ấy chỉ có hai năm làm việc trong một công ty tư nhân và hiện cô ấy là một phó thị trưởng mà không phải làm công chức một ngày. Làm thế nào cô ấy có thể thuyết phục những người đã làm việc chăm chỉ suốt nhiều năm qua như các công chức và quan chức quận?” – một người tỏ ra hoài nghi trên trang tin tức Btime.com.
Theo phân công của Hội đồng nhân dân địa phương, cô Lâm, người có bằng thạc sĩ về thống kê của Đại học Rice ở Houston (Mỹ) sẽ phụ trách mảng khoa học và công nghệ của Phúc Thanh.
Nữ phó thị trưởng hiện đang bảo vệ luận án tiến sĩ tài chính tại Đại học Bắc Kinh.
Lý lịch trích ngang cho thấy sau khi trở về Trung Quốc năm 2013, cô làm cho một quỹ đầu tư tư nhân ở Thiên Tân trong 2 năm. Năm 2015, cô nghỉ việc và chuyển đến Bắc Kinh để theo đuổi việc học.
“Tôi không hiểu vì sao mọi người lại chua chát về điều này – nền tảng học vấn của cô ấy phù hợp với công việc được phân công” – một cư dân mạng phản bác các ý kiến chỉ trích cô Lâm.
Một quan chức tỉnh Phúc Kiến xác nhận đã liên hệ với Đại học Bắc Kinh để tìm kiếm người tài cho địa phương và họ đã được giới thiệu cô Lâm.
“Lâm sẽ có những kinh nghiệm sâu sát, gần gũi với thực tế, không chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu mà còn giúp địa phương có những lời khuyên hữu ích” – vị này tỏ ra hồ hởi.
Nữ nghiên cứu sinh 28 tuổi sẽ giữ ghế phó thị trưởng trong 10 tháng. Cô không được vào biên chế nhưng sẽ được hưởng một số phụ cấp, chỗ ở và ăn uống.
Đây không phải là lần đầu tiên các chính quyền địa phương Trung Quốc tìm đến các trường đại học ưu tú trong nước cho nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các thành phố hạng hai và ba như Phúc Châu, Phúc Kiến bổ nhiệm phó thị trưởng trẻ nhất vào năm 2014, các tỉnh khác như Sơn Đông, Giang Tây cũng có những chính sách thu hút nhân tài tương tự.
Dù những người được bổ nhiệm đều tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng như Bắc Kinh, Thanh Hoa, họ cũng không tránh được sự nghi kị.
Một giáo sư giấu tên của Đại học Renmin (Trung Quốc) nhận định dù thu hút nhân tài là điều nên làm, các chỉ trích là không thể tránh khỏi và các công chức, cán bộ đã làm lâu nhưng chưa được cất nhắc sẽ coi cách tiếp cận mới là không công bằng.
Theo Tuổi Trẻ