Hơn 1.500 người tại trụ sở Google khắp thế giới xuống đường phản đối việc xử lý các hành vi quấy rối tình dục không thỏa đáng.
Theo The Verge, dự kiến, vào 11h10 sáng tại văn phòng Google trên khắp thế giới, nhân viên, chủ yếu là phụ nữ, sẽ rời khỏi văn phòng trên khắp thế giới để xuống đường đi bộ.
“Chúng tôi không muốn mình không được tôn trọng nữa”, Claire Stapleton, Giám đốc tiếp thị sản phẩm của YouTube, chia sẻ với New York Times. Cô là một trong những người đứng ra tổ chức sự kiện này với tên gọi Google Walkout for Real Change. “Google nổi tiếng về văn hóa công ty, nhưng thực tế, họ thậm chí không đáp ứng được các khái niệm cơ bản về sự tôn trọng, công lý và công bằng”, nữ giám đốc này chia sẻ.
Nhân viên Google tại Singapore bắt đầu tập trung để xuống đường đi bộ. |
Do khác múi giờ, việc đi bộ biểu tình đã diễn ra tại các nước châu Á. Chiều nay, hình ảnh về buổi đi bộ từ văn phòng Google tại Tokyo và Singapore đã được đăng lên tài khoản mạng xã hội Twitter và Instagram của Ban tổ chức. Các nhân viên cũng chia sẻ thông tin với hashtag #GoogleWalkout.
Theo những người tổ chức, một danh sách yêu cầu thay đổi chính sách đã được trình lên cho đại diện công ty với nội dung bao gồm: Chấm dứt tình trạng quấy rối và phân biệt đối xử; Cam kết trả tiền bồi thường cho các cá nhân bị quấy rối hoặc đối xử bất bình đẳng; Đưa ra báo cáo minh bạch về các trường hợp quấy rối tình dục, đồng thời có một quy trình thông báo các hành vi quấy rối một cách an toàn và ẩn danh.
Một nữ nhân viên chia sẻ hình selfie với bản danh sách yêu cầu Google thay đổi chính sách. |
Trong hai năm qua, Google cho biết đã sa thải tổng cộng 48 nhân viên vì hành vi quấy rối tình dục, trong số đó có 13 quản lý cấp cao. Những người này buộc phải rời công ty mà không nhận được bất cứ khoản bồi thường nào bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Năm 2014, Andy Rubin, cha đẻ của hệ điều hành Android cũng phải rời Google do những cáo buộc về hành vi bạo lực tình dục từ nhân viên cũ, người ông này từng hẹn hò.
Trong những năm qua, nhiều phụ nữ, những người thuộc giới LGBT, người khuyết tật… đã lên tiếng về các hành vi quấy rối và đối xử không công bằng khi làm việc tại Google. Tim Chevalier, cựu nam kỹ sư Google, còn bị đuổi việc vào năm 2016 sau khi lên tiếng chống lại hành vi phân biệt đối xử, quấy rối và trả đũa tại công sở.
Nạn quấy rối tình dục không chỉ xảy ra tại Google mà nó còn trở thành vấn đề của Thung lũng Silicon (Mỹ), nơi tập trung nhiều “gã khổng lồ” công nghệ mà ở đó tỷ lệ nhân viên nam luôn áp đảo nữ. Theo khảo sát của Elephant năm 2016, khoảng 60% phụ nữ làm việc tại Thung lũng Silicon phải chịu những thiệt thòi liên quan đến giới tính. Có tới 60% trong số đó cảm thấy cách giải quyết vấn đề của lãnh đạo không hợp lý, 39% giữ im lặng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, và 30% không muốn nhắc tới vì xấu hổ.
Đứng tìm việc trên phố, chàng trai vô gia cư được Google và 200 công ty khác mời làm
Google có 88.100 nhân viên trên toàn thế giới, chỉ 31% số đó là nhân viên nữ.
Theo Vnexpress