Home Cộng Đồng Trung Quốc bị nghi “nhúng tay” vào cuộc điều tra can thiệp chính trường Úc
Cộng Đồng

Trung Quốc bị nghi “nhúng tay” vào cuộc điều tra can thiệp chính trường Úc

Ông Yang Jun (Ảnh: ABC)

Truyền thông Úc đưa tin các đặc vụ Trung Quốc được cho là đã gây sức ép buộc hai người Úc gốc Trung phải cung cấp các thông tin về cuộc điều tra nghi vấn Bắc Kinh can thiệp vào chính trường Canberra.

Theo hãng tin AFP, Yang Jun, một tiểu thuyết gia và là nhà ủng hộ dân chủ, cùng Feng Chongyi, một giáo sư đại học tại Sydney và từng là một chủ báo, được cho là đã bị đặc vụ Trung Quốc thẩm vấn về cuộc điều tra bí mật do Úc tiến hành nhằm làm rõ nghi vấn Trung Quốc can thiệp vào chính trường Úc.

Ông Yang Jun (Ảnh: ABC)

Cả hai người Úc gốc Trung này đều là bạn của John Garnaut, một cựu nhà báo từng dẫn đầu cuộc điều tra nói trên.

AFP đưa tin các báo The Sydney Morning HeraldThe Age và đài truyền hình quốc gia Úc ABC đã tiến hành một cuộc điều tra chung và công bố báo cáo vào ngày hôm nay 8/4.

Báo cáo cho thấy Trung Quốc từng phát động một chiến dịch tình báo nhằm tiếp cận những thông tin chi tiết về cuộc điều tra đặc biệt theo chỉ thị của cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hồi năm 2016. Cuộc điều tra này nhằm làm rõ nghi vấn Bắc Kinh can thiệp vào công việc nội bộ của Úc.

Ông Yang, một công dân Úc lấy bút danh Yang Hengjun, đã bị bắt tại Trung Quốc sau khi đặt chân tới nước này với cáo buộc gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Báo cáo của nhóm truyền thông được công bố cùng thời điểm vợ của ông Yang kêu gọi chính quyền Úc giúp đỡ để chồng bà sớm được trả tự do. Truyền thông Úc cũng đưa tin ông Yang từng là một nhà ngoại giao Trung Quốc, song Bắc Kinh bác bỏ thông tin này.

Đài ABC cho biết các đặc vụ Trung Quốc trước đây từng tiếp cận và thẩm vấn ông Yang tại Sydney hồi năm 2018 khi ông này đang trên đường tới gặp cựu nhà báo John Garnaut.

“Một quan chức Trung Quốc đã hỏi Yang về tôi, về những gì tôi đang làm, về những gì tôi đang triển khai”, ông Garnaut nói với ABC.

Bà Xiaoliang Yuan, vợ ông Yang, bị cấm rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, bà vẫn trao đổi với ABC từ Thượng Hải để kêu gọi chính quyền Úc giúp tìm cách thả chồng bà.

“Tôi nghĩ ít nhất các quan chức chính phủ Úc cũng nên quan tâm tới sự sống còn của công dân nước mình khi họ đang ở nước ngoài”, bà Yuan nói.

Trong khi đó, giáo sư Feng Chongyi, một công dân thường trú Úc, nói với ABC rằng ông từng bị thẩm vấn về cựu nhà báo Garnaut khi ông bị bắt giữ vài ngày trong chuyến đi tới Trung Quốc vào năm 2017.

“Họ biết nhiều về ông ấy (Garnaut). Khi thẩm vấn tôi, họ không giấu thái độ giận dữ với ông ấy”, ông Feng kể lại.

Theo chia sẻ của Chủ tịch ủy ban an ninh và tình báo Úc Andrew Hastie với ABC, chính quyền Úc đã nhận được nhiều báo cáo từ cơ quan tình báo nội địa và các cơ quan khác, trong đó nói rằng “các hoạt động tình báo nước ngoài đang được tiến hành tại Úc với cấp độ chưa từng có tiền lệ”.

“Có một số quốc gia tham gia vào hoạt động gây ảnh hưởng trên toàn thế giới. Tuy nhiên tại Úc, Trung Quốc là nước hoạt động mạnh nhất. Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng lên giới tinh hoa, đặc biệt là giới tinh hoa chính trị và kinh tế, nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của họ”, ông Hastie nhận định.

Chính quyền Úc gần đây đã tiến hành hàng loạt cải cách về luật chống gián điệp và can thiệp nước ngoài, trong đó Trung Quốc bị coi là mối lo ngại chính với Úc.

Theo Dân Trí

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *