Home Tin Nước Úc Tổng hợp những nghề có mức thu nhập “KHỦNG” tại Úc
Tin Nước Úc

Tổng hợp những nghề có mức thu nhập “KHỦNG” tại Úc

(www.Alouc.com) – Nhiều người hay nói: ‘Văn hay chữ tốt không bằng người đốt đèn hàn’. Câu này chỉ là nói vui nhưng thực tế ở nước Úc hiện nay, người thợ hàn có thể kiếm… 2.000 đô-la (40 triệu đồng Việt Nam) trong một ngày!

Thợ xây, thợ kiếng, thợ lót gạch hay thợ điện tại các dự án xây dựng nhà cửa ở Úc
có thể kiếm 2.500 đô-la (50 triệu đồng Việt Nam)/tuần (ABC).

1. Thợ hàn không nghèo

Hiện nay, nhiều hãng xưởng khai thác mỏ ở nước Úc đang trong giai đoạn làm ăn khấm khá, sản xuất vội, làm giàu nhanh… hệt như cơn sốt vàng ở bang Victoria hồi thế kỷ 18.

Sự bùng nổ các dự án khai mỏ cộng với tình trạng thiếu thợ lành nghề và các tổ chức nghiệp đoàn thương thảo thành công mức lương cho công nhân là những yếu tố giúp cho một số thợ nghề tại Úc hiện nhận được các khoản lương hậu hĩnh bậc nhất thế giới.

Theo nhật báo The Australian, lương trả cho các nhân công lao động ở tiểu bang Tây Úc, vốn có rất nhiều các dự án khai mỏ, đã lên tới 100.000 đô-la Úc/năm. Thợ hàn nối ráp dàn khoan ngoài biển nhận lương 2.000 đô-la/ngày. Thợ nề, thợ sắt tại dự án nhiệt điện được trả 4.000 đô-la/tuần.

Người thợ hàn làm việc tại dàn khoan được trả công 50 đô-la/giờ cộng phụ cấp 88 đô-la/ngày vì làm việc xa bờ, 500 đô-la tiền vé để về lại đất liền. Mỗi tuần công ty còn cho người thợ 1.000 đô-la bỏ túi gọi là để ‘động viên tinh thần’.

Nhiều giám đốc các dự án lắp ráp dàn khoan ngoài biển còn ‘méo mặt’ khi phải trả thêm nhiều phụ cấp cho công nhân. Ví dụ thợ hàn do phải sống trong các nhà hộp kiểu container đặt trên xà lan xây dựng, không có toilet và phòng tắm riêng nên được bồi dưỡng thêm 90 đô-la/ngày. Công nhân hàn tại dự án dầu khí ngoài khơi Tây Úc của hãng ExxonMobil vì phải ở những cabin có hai người được trả thêm 30 đô-la/ngày ‘bù đắp’ cho sự ‘thiếu riêng tư’.

2. Thợ nề: Thu nhập 210.000 đô-la/năm!

Theo nhật báo Herald Sun, công nhân xây dựng, thợ lành nghề tại một số dự án xây dựng ở tiểu bang Victoria như dự án nâng cấp nhà máy xử lý nước thải ở Eastern, xưởng lọc nước biển ở Wonthaggi, nhà máy nhiệt điện chạy gas ở Mortlake… hiện đang nhận mức lương và phụ cấp hậu hĩnh có thể lên đến 210.000 đô-la Úc /năm.

Tại các dự án này, thợ nề và lao động chân tay được trả lương cơ bản trung bình 1.600 đô-la/tuần. Có người được trả nhiều hoặc ít hơn tùy theo bằng cấp và kinh nghiệm.

việc làm

Các công nhân này được hưởng nhiều phụ cấp như phụ cấp độc hại khi phải làm trong môi trường dơ bẩn, nhiều thán khí, tiền làm thêm giờ, tiền ăn trưa, tiền đi lại, tiền mua bandage cấp cứu,tiền tàu xe nếu phải sống xa nhà… Cộng các khoản phụ cấp này lại thì lương của thợ xây sẽ tăng… gấp đôi.

Trong thời gian thi công dự án, thường kéo dài từ 2 đến 3 năm, khối thợ xây sẽ đuợc tăng lương để chủ thầu có thể giữ thợ giỏi làm việc đến lúc dự án hoàn tất.

Theo Herald Sun, hai nguyên nhân chính khiến thợ được trả lương cao “chót vót” là do tình trạng thiếu thợ lành nghề (phải trả lương cao để thu hút người giỏi) và vai trò lớn mạnh của nghiệp đoàn trong chuyện thương thảo tập thể, nâng lương cho các thành viên.

Mỗi khi nghiệp đoàn đưa ra yêu sách về lương bổng, giám đốc dự án chỉ có nước ‘gật đầu’ vì sợ công nhân đình công gây đình trệ tiến độ xây cất.

3. Bạn chọn ‘lao động chân tay’ hay ‘lao động trí óc’?

Nhận định thời điểm này đang là thời hoàng kim của nhóm thợ xây và thợ lành nghề (trong lãnh vực điện, nuớc, gas, hàn xì) và nhóm thợ khai mỏ được nhiều độc giả của báo Herald Sun tán thành.

Kristoff Nicholas từ Newcastle thừa nhận thợ Úc trong lãnh vực xây cất đang sống rất khỏe. “Đúng rồi. Thợ xây, thợ kiếng, thợ lót gạch hay thợ điện tại các dự án xây dựng nhà cửa có thể kiếm 2.500 đô-la/tuần dễ dàng. Họ chỉ cần làm 40 giờ/tuần thôi”.

Jenin Chicotta từ Victoria thì cho rằng việc trân trọng thợ giỏi nghề bằng cách trả lương cao cho họ là điều xác đáng. “Tôi không thấy gì là dị ứng cả. Muốn kiếm đuợc nhiều tiền, mỗi ngày đến công trường người thợ phải làm đến nơi đến chốn. Không có tình trạng lập lờ. Nó khác với mấy tay giám đốc điều hành (loại CEO đấy) lương rất cao nhưng đôi khi kết quả kinh doanh lại rất tệ”.

Jenin cho rằng bình thường người thợ làm việc nặng nhọc hơn một giám đốc. “Họ xứng đáng hưởng lương cao quá đi chứ”, Jenin kết luận.

Baker Samuel từ Melbourne ca ngợi nước Úc công minh, dám trả lương cao cho những người chịu khó làm việc. “Chúng ta nên cảm thấy may mắn khi sống ở quốc gia trả lương sòng phẳng cho những ai lao động hết mình. Trả 200.000 đô-la/năm cho người thợ làm ở nơi bụi bặm, hôi hám, đôi khi còn làm thêm ngoài giờ thì âu cũng công bằng thôi”.

4. Những trăn trở

Vấn đề lương bổng cho những người thợ khá cao so với mặt bằng chung ở xã hội Úc có thể tạo ra một số trăn trở.

Giới chủ công trình, các nhà thầu than thở họ bị sức ép về chi phí nhân công đội lên một cách không cần thiết. Chi phí dự án xây cất có thể tăng cao và người tiêu dùng buộc phải gánh chịu.

Năm 2010, công nhân dàn khoan tại dự án Kipper Tuna Turrum thuộc công ty BHP Billiton, vùng eo biển Bass Strait (giữa lục địa Úc và đảo Tasmania) hưởng lương cao hơn năm 2009 tới 30% khiến chi phí của dự án cuối cùng bị đội giá thêm khoảng 160 triệu đô-la.

Những thành phần thuộc ‘lao động trí óc’ trong xã hội thì so sánh và cảm thấy chút ‘tủi thân’ khi dù được học hành đầy đủ, có bằng cấp, kiến thức ngon lành nhưng thu nhập lại không bằng nhiều người khác làm việc chân tay.

Rõ ràng nhiều người thuộc nhóm lao động trí thức, những người có bằng đại học tại Úc nhưng thu nhập ít đã không lấy gì làm vui.

Một bạn trẻ tên Steve Chiles vừa tốt nghiệp đại học nhưng cảm thấy muốn đổi nghề vì: “Khi còn nhỏ ba mẹ dặn tôi là hãy ráng học, kiếm tấm bằng đại học, sau này đi làm cho đỡ cực. Sau bốn năm đại học, với hai văn bằng, nay dù có việc làm, tôi vẫn luôn kẹt tiền”.

“Sau này tôi sẽ nói với con tôi là đừng có dính đến đại học nữa. Hãy học một nghề nào đó. Như thế mới kiếm được nhiều tiền. Nhưng quan niệm như vậy có nghĩa là xã hội Úc đang thụt lùi chăng?”, Steve nói.

Một người khác tên là Alan Parsons kể láng giềng của anh là một người làm thợ điện và khá giàu có. “Tôi tôn trọng việc làm của anh ta nhưng nhìn lại mình thì tôi không hiểu tại sao một người trí thức, tốt nghiệp đại học, có việc đàng hoàng như tôi đây mà vẫn phải vật lộn với cuộc sống khó khăn?”, Alan than thở.

Anh cho rằng đó là lý do tại sao mỗi khi có cơ hội thì dân trí thức ở Úc sẽ bỏ đi các nước khác kiếm việc làm, dẫn đến tình trạng nước Úc bị ‘chảy máu chất xám’.

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...