Home Tin Nước Úc Rắc rối vấn đề tước quốc tịch tại Úc
Tin Nước Úc

Rắc rối vấn đề tước quốc tịch tại Úc

Du học Úc - báo úc

Trong bài viết tuần này, tôi xin trình bày cùng quý vị độc giả “Alo Úc” một trong những vấn đề quan trọng có liên quan đến di trú hiện đang được thảo luận tại quốc hội liên bang. Đó là vấn đề tước quốc tịch của những người Úc song tịch.

Từ lâu vấn đề tước quốc tịch của công dân Australia đã được nhiều dân biểu và nghị sĩ đưa ra bàn thảo tại quốc hội liên bang. Tuy nhiên đây là một vấn đề rất tế nhị và đã từng gặp phải sự chống đối từ phía đại diện các cộng đồng sắc tộc.

 

Cho đến khi nổ ra cuộc chiến với những thành phần Hồi Giáo cực đoan, thì vấn đề tước quốc tịch của những công dân Australia tham gia thánh chiến Hồi Giáo ở nước ngoài, mới nhận được sự ủng hộ đáng kể ở Quốc Hội và được mang ra thảo luận trở lại.

 

Theo đạo luật Công Dân Australia (AUSTRALIAN CITIZENSHIP ACT 2007), từ điều 32A đến điều 36 thì một công dân Australia có quyền xin trả quốc tịch hay bộ trưởng di trú có quyền tước quốc tịch của một công dân trong một số trường hợp.

 

Điều 34 và 34A quy định rằng những công dân Australia không có tư cách công dân theo các điều khoản 11A đến 15, thì có thể bị bộ trưởng tước quốc tịch trong các trường hợp phạm tội hay gian lận hay vi phạm luật di trú. Nói chung là nếu những công dân Australia không phải sinh ra tại Australia và mang hai quốc tịch thì đều nằm trong diện có thể bị tước quốc tịch theo các điều khoản nói trên.

 

Điều 35 của đạo luật này cũng quy định nếu một công dân Australia chiến đấu trong quân đội đang có chiến tranh với Australia, thì cũng có thể bị bộ trưởng tước quốc tịch.

 

Theo dự luật chống khủng bố mới của thủ tướng Tony Abbott thì bộ trưởng di trú có quyền tước quốc tịch của những công dân Australia có hai quốc tịch, và đã tham chiến với các tổ chức khủng bố Hồi Giáo ở nước ngoài.

 

Tuy nhiên như các tổ chức xã hội dân sự tại Australia từng lo ngại, nếu dự luận mới này được thông qua, thì có thể có cả những công dân Australia có hai quốc tịch, mặc dầu  không tham gia các tổ chức khủng bố, vẫn có thể bị tước quốc tịch. Đây là những đối tượng tội phạm phạm những tội hình sự nghiêm trọng mà chính phủ Australia từ lâu tìm cách trục xuất mà chưa được.

Hiện nay dự luật cho thấy những người vi phạm những hoạt động khủng bố nghiêm trọng mới có thể rơi vào diện bị tước tư cách công dân. Nhưng vấn đề là liệu những định nghĩa về những “hoạt động khủng bố nghiêm trọng” sẽ được pháp luật diễn dịch  như thế nào.

 

Trước mắt có những nguồn tin rằng dựa vào đạo luật chống khủng bố mới, có hơn 140 tên tội phạm nguy hiểm có hai quốc tịch, trong đó có một số thành phần Á Châu, sẽ bị bộ trưởng di trú tước tư cách công dân và trục xuất về nước mà những người này đang có quốc tịch.

 

Nếu có những người Australia gốc Việt trong số những tội phạm nguy hiểm nói trên, mà bộ trưởng di trú Australia có thể trục xuất, thì việc đầu tiên phải xác định là liệu những người này có phải còn mang quốc tịch Việt Nam hay không. Do đó những người Việt Nam nào quan tâm đến tư cách song tịch của họ nên làm rõ vấn đề liệu họ còn mang quốc tịch Việt Nam hay không và nếu cần thì phải làm đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam trước khi dự luật chống khủng bố mới của thủ tướng Tony Abbott được thông qua.

 

Trở lại với vấn đề dự luật chống khủng bố mới, trong thời gian vừa qua dư luận khá lưu ý đến đề nghị của thủ tướng Tony Abbott rằng chính phủ liên bang Australia sẽ không cho phép những công dân Australia, từng tham gia chiến đấu với lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq hồi hương. Nếu lời đề nghị của thủ tướng Tony Abbott có được sự ủng hộ của đông đảo dư luận, thì lời đề nghị của ông có thể trở thành dự luật và rồi có thể sẽ được quốc hội thông qua để biến thành luật.

 

Luật tương tự đã từng được thông qua tại Anh, Na Uy. Khi đưa ra thảo luận về dự luật này điều làm các chính trị gia lẫn dư luận quan tâm là, nếu không được phép hồi hương, những công dân Australia này sẽ đi đâu.

 

Trong những năm 1980s có hàng ngàn những chiến binh trên khắp thế giới tìm đến chiến đấu ở Afghanistan để chống lại cuộc xâm lăng của Liên Xô.  Có rất nhiều những chiến binh này đến từ Trung Đông. Thậm chí Ai Cập còn cổ vũ cho những thanh niên nước mình đến chiến đấu với hy vọng sẽ hy sinh tại Afghanistan để trở thành tử đạo tại đó.

 

Tuy nhiên sau khi cuộc chiến tại Afghanistan chấm dứt, thì những quốc gia Ả rập trong đó có Ai Cập đã tìm cách không cho những công dân của họ hồi hương. Và nhân vật nổi tiếng nhất, công dân của Ả rập Saudi, là Osama bin Laden đã không được Ả rập Saudi cho phép hồi hương.

 

Điều đáng lưu ý là các chế độ độc tài thế tục tại nhiều quốc gia Hồi Giáo từng cho rằng những chiến binh Hồi Giáo cực đoan là những người gây rắc rối cho chế độ. Những chiến binh này sau khi được CIA huấn luyện vài năm ở Pakistan để chống Liên Xô, nay quay về nước sẽ trở thành những công dân nguy hiểm cho an ninh quốc gia vì họ có khả năng chiến đấu, tình báo, sử dụng thuốc nổ.

Khi không được cho hồi hương, những chiến binh Hồi Giáo này không còn con đường nào khác là trở thành những chiến binh đánh thuê chuyên nghiệp. Một số ở lại Afghanistan để tiếp tục chiến đấu với những sứ quân của Afghanistan. Đa số còn lại tham gia lực lượng của Osama bin Laden ở Sudan hay nhận lời mời của Ali Abdullah Saleh để qua chiến đấu chống lại chính quyền thế tục ở Yemen.

 

Những chiến binh thánh chiến chuyên nghiệp này đã là những nhân tố nòng cốt hình thành lực lượng Al Qaeda của Osama bin Laden. Những người này đã gây ra những vụ tấn công tòa đại sứ Mỹ tại Kenya và Tanzania, cũng như vụ đánh bom chiến hạm Cole ở vịnh Aden ở Yemen, và những vụ tấn công khác.

 

Tình hình tương tự diễn ra tại Iraq. Trong năm 2007 tướng Hoa Kỳ David Petraeus tuyên bố rằng Al Qaeda đã bị đánh bật ra khỏi tất cả mọi vị trí cố thủ kiên cố của bọn chúng tại Iraq. Tuy nhiên sau đó thì người ta mới nhận thấy là bọn chiến binh Al Qaeda này đã chạy hết sang Syria và cuối cùng trở thành những thành phần nòng cốt của các tổ chức đáng sợ như Jabhat al-Nursa và IS.

 

Như thế bài học lịch sử mà nước Úc có thể học gồm có hai phần. Thứ nhất những chiến binh Hồi Giáo không may mắn trở thành liệt sĩ tử đạo thì bọn chúng sẽ dạt đến một nơi nào đó. Thứ hai là những chiến binh này không thể cải hóa được nhưng bọn chúng có thể bị tước vũ khí.

 

Tổng cộng hơn 20, 000 chiến binh của IS có thể gọi họ là những chiến binh cô đơn, vì bọn này có bạn thì ít, mà có nhiều kẻ thù, toàn những kẻ thù nguy hiểm. Đại đa số những chính phủ các nước Trung Đông đều coi những chiến binh này là những mối nguy đến từ bên ngoài. Thêm nữa lực lượng IS này còn bị đại đa số những phong trào nổi dậy và những nhóm khủng bố Trung Đông coi là kẻ thù không đội trời chung.

 

Sau hết có thể thấy rằng những chiến binh Hồi giáo đến từ những quốc gia phương Tây là khó có thể tồn tại lâu dài với IS, vì trước sau gì thì những chiến binh này cũng sẽ chọn con đường quay về nước.

 

Nếu những người này về nước thì các tổ chức tình báo của Australia có thể tóm cổ họ ngay tại phi trường. Một số có thể bị truy tố tội phạm chiến tranh trước tòa án của Australia. Cũng như bất cứ quân đội nào, một binh sĩ chiến đấu cần có đến 10 binh sĩ khác phục vụ trong những lĩnh vực khác từ quân nhu, tiếp vận, tình báo, công binh…

 

Bất chấp sự thật rằng tất cả những chiến binh IS đều là những kẻ chủ trương khủng bố, không có nghĩa rằng tất cả bọn chúng đều có thể truy tố tội phạm chiến tranh, vì những người này không trực tiếp cầm súng hay đi đặt chất nổ. Nếu không có một căn cứ nào để truy tố và kết tội những chiến binh hồi hương này thì phải thả họ ra và giám sát chặt chẽ.

 

Theo dõi sát những cá nhân nguy hiểm loại này đó là công việc của cơ quan tình báo quốc gia ASIO và nhân viên cơ quan này đã chứng tỏ là họ làm rất tốt. Nói chung cơ quan tình báo ASIO suốt ngày đêm lo lắng về những nhân vật mà họ chưa có trong danh sách, chứ không phải họ lo sợ về những cá nhân đã có trong danh sách theo dõi.

Do đó nếu Australia kiên quyết cấm cửa tất cả những công dân Australia từng chiến đấu cho các tổ chức khủng bố ở Trung Đông, thì có thể Australia sẽ lập lại lỗi lầm của những quốc gia khác trong lịch sử. Cho nên một luật cấm chung chung sẽ không phân biệt được ba loại chiến binh gồm loại có lý do ra đi chiến đấu, loại tham gia những công việc gì tại Trung Đông và loại có lý do để rời bỏ IS và quay trở về.

 

Nếu không được trở về, những chiến binh công dân Australia sẽ cố tìm ra một nơi nào đó có thể dung dưỡng họ, thường là một quốc gia thứ ba nào đó. Những quốc gia đó thường là Yemen, Somalia, Lybia hay bọn này có thể gia nhập Al Qaeda ở vùng bán đảo Ả Rập. Những người này sau đó sẽ càng mang tư tưởng khủng bố nặng nề hơn và sẽ trở thành những chiến binh thánh chiến chuyên nghiệp cho đến lúc trở thành liệt sĩ tử đạo.

 

Về lâu dài những c hiến binh thánh chiến này sẽ là mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Australia hơn là nếu họ được trở về, trở lại cuộc sống bình thường và nằm dưới sự quản lý của cơ quan tình báo Australia.

Thế Anh – Theo Ls Lê Đức Minh / Vietluan

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...