Home Tin Nước Úc Phát hiện mối quan hệ mờ ám giữa bác sỹ Úc và bệnh viện bị lên án mổ cướp nội tạng của TQ
Tin Nước Úc

Phát hiện mối quan hệ mờ ám giữa bác sỹ Úc và bệnh viện bị lên án mổ cướp nội tạng của TQ

(www.Alouc.com) – Trong khi thế giới chấn động trước báo cáo mới nhất cho thấy chính quyền Trung Quốc mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm, thì lãnh đạo của Hiệp hội Cấy ghép (The Transplantation Society – TTS), một tổ chức đại diện cho ngành phẫu thuật cấy ghép thế giới, lại không bày tỏ sự quan ngại, thậm chí còn nhận xét thô bạo về báo cáo.  

7e9356a18b9dcd81f46bd615504eaf1b

Bất chấp sự tẩy chay của nhiều bác sỹ, Hiệp hội TTS vẫn tổ chức mộtHội nghị tại Hồng Kông, tạo cơ hội cho Trung Quốc tô vẽ hệ thống ghép tạng vốn đã bị lên án của nước này. Điều đó đã dấy lên nghi vấn về mối quan hệ lợi ích giữa TTS và Trung Quốc. Một chuyên gia người Đức đã phát hiện những bí mật mờ ám giữa lãnh đạo Hiệp hội và hoạt động cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.

Ông Arne Schwarz, một nhà nghiên cứu độc lập người Đức, được biết đến rộng rãi vì khám phá ra vụ hãng dược phẩm khổng lồ Roche của Thụy Sỹ tiến hành những thử nghiệm cấy ghép phi đạo đức ở Trung Quốc. Ông cũng điều tra về những sai phạm trong hoạt động cấy ghép ở Trung Quốc suốt nhiều năm qua.

Nhưng chỉ đến tháng 6 vừa qua, ông Schwarz mới bắt đầu tìm hiểu mối quan hệ giữa lãnh đạo Hiệp hội Cấy ghép và Trung Quốc. Căn nguyên của việc này là khi ông biết đến nhận xét thô bạo của cựu lãnh đạo Hiệp hội Cấy ghép về báo cáo cho thấy chính quyền Trung Quốc mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm, phần lớn là các học viên Pháp Luân Công.

Đây là kết quả điều tra của ba chuyên gia độc lập: cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, nhà báo điều tra Ethan Gutmann và luật sư nhân quyền David Matas. Báo cáo dài gần 700 trang, với hơn 2.000 chú thích nguồn, hơn 90% trong số đó được truy dẫn đến các trang web của bệnh viện ở Trung Quốc, và một loạt bằng chứng cho thấy quy mô của hoạt động cấy ghép nội tạng vượt xa so với những gì được biết trước đó.

Tuy nhiên, bác sỹ Jeremy Chapman, cựu Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép (TTS), phát biểu trong một cuộc phỏng vấn đăng trên The Globe and Mail ngày 22/6 rằng báo cáo này “chỉ là tưởng tượng dựa trên ý đồ chính trị“.

Khi đọc bình luận của ông Chapman, ông Schawarz choáng váng: “Tôi không thể tin vào mắt mình!“. Điều đó khiến ông tò mò rằng ông Chapman và các lãnh đạo Hiệp hội có mối quan hệ thế nào với hoạt động cấy ghép tạng tại Trung Quốc. Sau một thời gian tìm hiểu, ông đã phát hiện ra bí mật mà ít người biết đến: Bác sĩ Chapman và chủ tịch đương nhiệm của Hiệp hội cấy ghép, bác sĩ Philip O’Connell, đều có mối quan hệ mờ ám với Trung Quốc.

Mối quan hệ không được tiết lộ

Hai bác sỹ trên đều làm việc tại bệnh viện Westmead, thuộc Trường Y khoa Sydney, Đại học Sydney (Australia). Họ trở thành đầu mối cho quan hệ giữa Bệnh viện Westmead và Bệnh viện Tương Nhã (Xiangya) số 3 có liên kết với Đại học Trung Nam ở Trường Sa, Hồ Nam, miền trung Trung Quốc.

Bác sỹ Philip O'Connell, Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép (trái) và người tiền nhiệm - bác sỹ Jeremy Chapman. Cả hai đều có mối quan hệ không được tiết lộ với một bệnh viện cấy ghép ở Trung Quốc. (Ảnh: Đại học Sydney; Đại Kỷ Nguyên Australia)
Bác sỹ Philip O’Connell, Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép (trái) và người tiền nhiệm – bác sỹ Jeremy Chapman. Cả hai đều có mối quan hệ không được tiết lộ với một bệnh viện cấy ghép ở Trung Quốc. (Ảnh: Đại học Sydney; Đại Kỷ Nguyên Australia)

Mối quan hệ bắt đầu từ năm 2005 khi một nhà nghiên cứu chủ chốt của Bệnh viện Westmead tới Bệnh viện Tương Nhã làm giáo sư thỉnh giảng. Hoạt động này được tiếp tục vào năm 2008 với một tuyên bố chung về tiêu chuẩn nghiên cứu. Vào năm 2012, ông Chapman và ông O’Connell đã tham dự một diễn đàn tại Bệnh viện Tương Nhã Số 2, một bệnh viện cũng có liên kết với Đại học Trung Nam.

Vào tháng 11 năm 2013, sau khi tham dự một diễn đàn thúc đẩy cải cách hệ thống cấy ghép của Trung Quốc, ông O’Connell và ông Chapman đã ký một “ý định thư” giữa Bệnh viện Westmead và Bệnh viện Tương Nhã số 3 để hai bên “thường xuyên tiến hành hội nghị trao đổi học thuật, tham gia các chuyến trao đổi nhân sự, và thực hiện các nghiên cứu tiên tiến và giáo dục từ xa trong điều trị y tế, các cuộc biểu diễn phẫu thuật, và tư vấn y tế “, theo một báo cáo trên trang web của bệnh viện Tương Nhã số 3.

Bác sỹ Philip O'Connell (trái), bác sỹ Jeremy Chapman (giữa), và bác sĩ Trần Phương Bình, Giám đốc bệnh viện Tương Nhã số 3, ký ý định thư ở Trường Sa, Trung Quốc vào tháng 11 năm 2013 . (Ảnh: Bệnh viện Tương Nhã số 3, thuộc Đại học Trung Nam)
(Phía trước, từ trái sang) Bác sỹ Philip O’Connell (trái), bác sỹ Jeremy Chapman (giữa), và bác sĩ Trần Phương Bình, Giám đốc bệnh viện Tương Nhã số 3, ký ý định thư ở Trường Sa, Trung Quốc vào tháng 11 năm 2013 . (Ảnh: Bệnh viện Tương Nhã số 3, thuộc Đại học Trung Nam)

Vào năm 2014, mối quan hệ trở nên thân cận hơn với việc ông O’Connell (khi đó là Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép) tới Trung Quốc để tham dự một hội thảo ngày 16/10 về cấy ghép dị chủng (Xenotransplantation), tức là cấy ghép mô, tạng của động vật lên thân thể người. Sau đó, một đoàn đại biểu gồm 14 chuyên gia từ Bệnh viện Tương Nhã số 3 đã sang thăm Bệnh viện Westmead từ ngày 27-30/10 .

Trong chuyến thăm này, ông Chapman và ông Trần Phương Bình (Chen Fangping), Giám đốc Bệnh viện Tương Nhã số 3 đã ký kết một hiệp ước khác, lần này là một “thỏa thuận bổ sung” cho ý định thư năm 2013, trong đó bao gồm “lựa chọn một đội ngũ y tá và nhân viên quản lý đến thăm Westmead để nghiên cứu cấp cao” và “nội dung khác” nhằm “tăng cường hợp tác” giữa hai bên.

Bác sỹ Chapman của bệnh viện Westmead và bác sỹ Trần của Bệnh viện Tương Nhã số 3 bắt tay sau khi ký một "thỏa thuận bổ sung" về hợp tác vào năm 2014. (Ảnh: Bệnh viện Tương Nhã số 3 thuộc Đại học Trung Nam)
Bác sỹ Chapman của bệnh viện Westmead và bác sỹ Trần của Bệnh viện Tương Nhã số 3 bắt tay sau khi ký một “thỏa thuận bổ sung” về hợp tác vào năm 2014. (Ảnh: Bệnh viện Tương Nhã số 3 thuộc Đại học Trung Nam)

Trong số các cán bộ của bệnh viện Westmead tiếp đón đoàn khách Trung Quốc năm ấy, có một nhà nghiên cứu gốc Hoa – bác sỹ Shounan Yi. Sự hiện diện của ông này là đầu mối hé lộ bản chất của mối quan hệ giữa hai bệnh viện.

Cấy ghép dị chủng

Các thử nghiệm liên quan đến cấy ghép dị chủng bị cấm ở Úc từ năm 2004. Đến năm 2010, nước này cho phép thử nghiệm nhưng rất hạn chế. Tuy nhiên bác sỹ Shounan Yi, một nhà nghiên cứu được ông O’Connell nâng đỡ, lại có thể tiến hành những nghiên cứu này nhờ các mối quan hệ với bệnh viện Tương Nhã số 3.

Mối tiếp xúc đầu tiên giữa ông Yi và bệnh viên Tương Nhã số 3 bắt đầu vào tháng 5 năm 2005, khi ông Yi sang làm giáo sư thỉnh giảng ở bệnh viện này, theo phần lịch sử của bệnh viện (ông ta cùng giữ chức này một lần nữa vào năm 2012). Ông Wayne Hawthorne, một giáo sư tại Westmead, cũng tham gia cùng ông Yi một tháng sau đó để dự ba ngày họp.

Ông Yi liên tục nghiên cứu và xuất bản các bài viết về cấy ghép dị chủng trong những năm qua, trong đó có một số ấn phẩm liên kết với ông O’Connell, ông Hawthorne và giáo sư Wang Wei, chuyên gia cấy ghép dị chủng của bệnh viện Tương Nhã số 3.

Năm 2011, bác sỹ Yi đã công bố một nghiên cứu mà dường như không thể thực hiện được tại Úc vào thời gian đó: Tiêm tế bào lợn vào 22 bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Các tế bào sau đó sản xuất insulin và điều chỉnh lượng đường trong máu.

Đây là một thị trường kếch xù. Dù chỉ có 10.000 ca mỗi năm, thì cũng đã kiếm được thu nhập 1 tỷ RMB.” (khoảng 3.400 tỷ đồng), theo Sina Finance, một website lớn của Trung Quốc trong một bài báo vào tháng 5 năm 2016.

Bài báo này trích dẫn lời ông Yi bình luận về nghiên cứu: “Điều này làm cho chúng tôi thấy hy vọng về một bước đột phá trong việc công nghiệp hóa hoạt động cấy ghép dị chủng ở Trung Quốc.

Bác sỹ Yi đã đệ đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm 2010 cùng với GS. Wang của Bệnh viện Tương Nhã số 3 đối với một kỹ thuật y tế có liên quan. Dù vậy, nghiên cứu này không được liệt kê trong danh sách các bài nghiên cứu của ông Yi.

Trong số các bài nghiên cứu của ông O’Connell về cấy ghép dị chủng, mối quan hệ giữa Westmead-Tương Nhã cũng không hề được nhắc đến. Ông Chapman từng xuất bản bốn bài báo về hoạt động cấy ghép ở Trung Quốc (1, 2, 3, 4), một vài trong đó ủng hộ mạnh mẽ những cải cách trong hệ thống cấy ghép của Trung Quốc, tuy nhiên mối quan hệ với bệnh viện Tương Nhã cũng không hề được nhắc đến.

Bệnh viện Tương Nhã số 3 thuộc Đại học Trung Nam ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Hns5j.com)
Bệnh viện Tương Nhã số 3 thuộc Đại học Trung Nam ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Hns5j.com)

Nghi vấn về xung đột lợi ích

Các mối quan hệ đem lại lợi ích cho các bác sỹ của bệnh viện Westmead, không chỉ những bài nghiên cứu, mà còn cả tiềm năng kiếm lời siêu lợi nhuận từ hoạt động cấy ghép dị chủng. Tuy nhiên, họ lại che giấu mối quan hệ này. Chuyên gia Schwarz đã chỉ ra rằng báo cáo điều tra về nạn mổ cướp nội tạng chính là xung đột với mối lợi ích trên của các bác sỹ, khiến họ cảm thấy hằn học khi báo cáo này được công bố.

Ông Schwarz thốt lên khi phát hiện ra điều này: “Chà, giờ thì tôi đã hiểu tại sao Chapman cảm thấy rất tức giận về báo cáo của Kilgour-Gutmann-Matas.

Và vì ông Chapman từng là Chủ tịch của Hiệp hội Cấy ghép, còn ôngO’Connell là Chủ tịch đương nhiệm, nên không khó lý giải khi họ kiên quyết tổ chức Hội nghị cấy ghép quốc tế tại Hồng Kông với những chủ đề ca ngợi hệ thống ghép tạng của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của nhiều bác sỹ thành viên.

Ông Schwarz nhận định: “Chủ tịch hiện tại và quá khứ của Hiệp hội Cấy ghép có ảnh hưởng đáng kể đối với cách thức cộng đồng cấy ghép quốc tế nhìn nhận hệ thống ghép phi đạo đức ở Trung Quốc. Nếu phán xét của họ về hoạt động cấy ghép ở Trung Quốc bị làm thiên vị bởi các lợi ích ở Trung Quốc, phán xét đó không thể được tin cậy nữa.

Một số đồng nghiệp của bác sỹ Chapman sửng sốt khi biết thông tin về mối quan hệ giữa hai Chủ tịch của Hiệp hội và bệnh viện Trung Quốc. Bác sỹ Jacob Lavee, thành viên của Ủy ban Đạo đức của Hiệp hội Cấy ghép cho biết: “Sự hợp tác đó chưa bao giờ được tiết lộ cho Ủy ban Đạo đức của Hiệp hội Cấy ghép“.

Ông nói: “Là một thành viên của Ủy ban Đạo đức của Hiệp hội Cấy ghép, tôi cảm thấy bị xúc phạm khi cả ông ta [Chapman] và ông Phillip O’Connell, Chủ tịch hiện tại của Hiệp hội, đều không cảm thấy họ cần phải có đạo đức cơ bản là thông báo với các thành viên Ủy ban Đạo đức của Hiệp hội về mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa bệnh viện của họ và Bệnh viện ở Trường Sa mà vốn đã được biết đến là sử dụng nội tạng của tử tù.

Ông Lavee cũng từng lên án thái độ thờ ở của lãnh đạo Hiệp hội trước nạn mổ cướp nội tạng của Trung Quốc, và đã tẩy chay Hội nghị tại Hồng Kông mà lãnh đạo Hiệp hội tổ chức.

Tuy nhiên, vẫn còn có hoạt động kinh khủng hơn cả cấy ghép dị chủng đang diễn ra ở bệnh viện Tương Nhã số 3.

7 ca ghép tạng trong một ngày

Trường Sa là một thành phố tương đối kém phát triển ở Trung Quốc, nhưng có tới ba bệnh viện hàng đầu là Tương Nhã, Tương Nhã số 2 và Tương Nhã số 3, tất cả đều liên kết với Đại học Trung Nam.

Năm 2001, một năm của “phát triển siêu tốc” trong ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc, theo trang web của Bệnh viện Tương Nhã số 3 – chính quyền đã đầu tư 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 15 triệu USD) vào việc xây dựng một trung tâm cấy ghép 150 giường ở đó.

Dù khi đó, thống kê cho thấy số lượng tử tù – nguồn nội tạng chính thức mà Trung Quốc khẳng định – lại suy giảm trong bối cảnh các khoản đầu tư xây dựng này diễn ra. Tức là, nguồn cung chính thức thì giảm, nhưng trên thực tế hoạt động cấy ghép vẫn phát triển như vũ bão.

Bệnh viện Tương Nhã số 3 nhanh chóng trở thành một “cơ sở nghiên cứu quốc gia” về công nghệ cấy ghép và thực hiện một số lượng lớn các ca ghép tạng chủ chốt (thận, tim, phổi, gan, ruột), theo trang web của bệnh viện.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cơ sở này từng thực hiện 7 ca cấy ghép trong cùng một ngày khi ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), quan chức cấy ghép đầu của Trung Quốc, đến thăm. Thông tin này sau đó đã bị loại bỏ khỏi trang web của bệnh viện.

7 ca ghép tạng tại Bệnh viện Tương Nhã số 3 thực hiện vào một ngày đặc biệt khi ông Hoàng Khiết Phu xuất hiện để tham dự một lễ kỷ niệm!” ông Schwarz ngờ vực. “Làm sao có thể như vậy nếu không có một ngân hàng người sống chờ bị lấy tạng?

Phó Giám đốc Bệnh viện Tương Nhã số 3 – ông Ye Qifa, và ông Hoàng Khiết Phu cũng được mời tham dự và trình bày tại Hội nghị Hồng Kông của Hiệp hội Cấy ghép vừa qua.

Bệnh viện Westmead tới nay không có bình luận gì về mối quan hệ với Tương Nhã dưới vai trò môi giới của ông Chapman và ông O’Connell, mối quan hệ này cũng không được đề cập trên website của bệnh viện.

Rất có thể mối quan hệ giữa hai bệnh viện đã bị một số bác sỹ lèo lái theo những mưu lợi cá nhân, hoặc cũng có thể họ đã quá ngây thơ trước những lời hứa hẹn cải cách của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi hàng loạt bằng chứng về việc chính quyền và các bác sỹ Trung Quốc tham gia mổ cướp nội tạng, họ lại thờ ơ và cố thủ bảo vệ cho các đối tác Trung Quốc. Đây là một vết nhơ đạo đức của Hiệp hội Cấy ghép, theo nhận định của bác sỹ Jacob Lavee.

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...