Home Tin Nước Úc Nói thẳng: Nhiều sinh viên Trung Quốc tại Úc chỉ lo mua sắm kiếm lời chứ không lo học!
Tin Nước Úc

Nói thẳng: Nhiều sinh viên Trung Quốc tại Úc chỉ lo mua sắm kiếm lời chứ không lo học!

Một tờ báo của nhà nước Trung Quốc đã cáo buộc các trường đại học Úc đối xử với sinh viên nước ngoài như “máy rút tiền”, nhưng cũng thừa nhận rằng nhiều sinh viên nước ngoài quá mải làm việc nên không quan tâm tới việc học tập.

Một bài báo trong tờ Global Times – tờ báo ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc – cho biết các trường đại học Úc đã không làm được gì nhiều để giúp sinh viên hòa nhập vào nền văn hóa Úc, và đang chưa thể thắt chặt được tình trạng sinh viên thuê những người khác viết hộ bài luận hoặc thi hộ.

Nhà báo Lilly Wang ở Bắc Kinh cho biết: “Tôi thành thật khuyên các trường đại học Úc nên chú ý đến chất lượng giáo dục và ngừng coi học sinh Trung Quốc như một chiếc máy rút tiền.” “Tôi hiếm khi thấy các giáo sư hoặc giảng viên giúp họ hiểu thêm về văn hóa Úc hoặc có ý cho họ ngồi chung với các sinh viên người Úc trong lớp.”

Tuy nhiên, bà thừa nhận sinh viên Trung Quốc cũng không nỗ lực để hòa nhập. Bà Wang cũng cho biết hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc ở Úc đã lập nên cửa hàng với tư cách một “daigou” – nghĩa là những người mua các mặt hàng xa xỉ ở đây thay mặt cho những người ở Trung Quốc rồi gửi về – để giúp trang trải học phí đại học của họ.

“Một số sinh viên quá bận rộn mua sắm, vì vậy họ thuê người giúp viết bài luận, hoặc thuê người thi hộ, để giúp họ hoàn thành bằng cấp của mình”, bà viết.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao của Úc là bà Frances Adamson đã cảnh báo các trường đại học vào tháng 10 rằng họ cần phải tự bảo vệ mình tốt hơn trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bà cũng cảnh báo các sinh viên nước ngoài rằng họ phải tham gia vào các cuộc tranh luận với thái độ tôn trọng, hơn là cố gắng tuyên truyền lan rộng hoặc cố chế giễu những quan điểm mà họ không đồng ý.

Bà Wang đã nhắm vào quan điểm này và những quan điểm tương tự, nói rằng nếu Úc là một quốc gia có quyền tự do ngôn luận và tự do học thuật, mọi người nên được phép phát biểu ý kiến của mình.

“Các sinh viên Trung Quốc lớn lên dưới hệ thống giáo dục và văn hóa do Đảng Cộng sản chi phối, họ được giáo dục để yêu nước, để suy nghĩ và tin tưởng giống như Chính phủ Trung Quốc”, bà viết. “Họ ủng hộ quan điểm chính trị của Chính phủ Trung Quốc, và điều đó không đồng nghĩa với việc họ là gián điệp.”

Cách đây không lâu, những giảng viên Úc cho biết họ đang ngày càng chịu nhiều áp lực từ các sinh viên Trung Quốc, làm tăng thêm mối quan ngại về ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc đối với các trường đại học tại Úc. Các sinh viên đã công khai than phiền về phương pháp và ý tưởng giảng dạy phương tây, và công khai yêu cầu các giáo viên xin lỗi hoặc thay đổi cách thức dạy các môn học.

Xu hướng này đã làm dấy lên mối lo ngại rằng hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang len lỏi vào hệ thống giảng dạy học thuật của Úc thông qua các sinh viên nước ngoài. Các sinh viên Trung Quốc thậm chí còn đăng tải một đoạn phim lên mạng – được quay bí mật trong các lớp học – với cảnh cách giáo sư dạy những khái niệm mâu thuẫn với hệ tư tưởng của đảng cầm quyền Trung Quốc.

Do các đoạn video nhạy cảm này được đăng lên các trang web và mạng xã hội Trung Quốc, một vài sinh viên đã nhận được lời xin lỗi từ giảng viên. Hồi cuối tháng 8, một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Newcastle đã đăng một đoạn video lên Youtube ghi lại cảnh anh này đang tranh cãi với một giảng viên, người cho rằng Đài Loan và Hồng Kông là những quốc gia độc lập.

“Thầy đang khiến chúng tôi cảm thấy không thoải mái,” người học sinh nói với giảng viên kinh doanh Nimay Khaliani. “Thầy phải coi trọng tất cả học sinh.” Giáo sư Khaliani trả lời: “Đúng vậy, tất cả học sinh, không phải chỉ một nhóm học sinh.” Đoạn video được đăng tải trên nhiều website Trung Quốc và gây ra làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng mạng của nước này, khiến cho Đại học Newcastle sau đó đã phải liên lạc với tổng lãnh sự quán Trung Quốc để giải quyết vụ việc.

Một vài ngày trước sự cố tại Đại học Newcastle, một website Trung Quốc đã ghi nhận vụ việc một số sinh viên tại Đại học Sydney đã tức giận với giáo sư IT Khimji Vaghjiani vì cho hiển thị một tấm bản đồ với những khu vực đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ được tính là một phần của Ấn Độ.

Ông Vaghjiani nói trong một tuyên bố: “Mới chỉ 18 tháng trước, tôi đã sử dụng một tấm bản đồ lỗi thời, được tải về từ internet…

Tôi không hề biết việc tấm bản đồ này là không chính xác và lạc hậu. Đây là một sai lầm thực sự và tôi lấy làm tiếc vì bất cứ sự không hài lòng nào mà tấm bản đồ này gây ra.” Báo Global Times của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó viết: “Cuộc tranh chấp biên giới Trung – Ấn vừa xảy ra ở Úc, và Trung Quốc đã dành chiến thắng!”

Tranh cãi khác cũng xảy ra khi Nhà xuất bản Đại học Cambridge đồng ý kiểm duyệt một tập chí chuyên ngành cho Trung Quốc, loại bỏ 300 bài báo. Vào ngày 21/8, họ đã phục hồi lại chúng.

Và vào hồi tháng 6, một nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney cho biết cơ quan lãnh sự của Trung Quốc đã yêu cầu họ xem xét lại việc tổ chức một diễn đàn về các cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn.

Theo Báo Úc

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...