Home Tin Nước Úc Những lần xử phạt công ty, nhà hàng…vì hành vi bóc lột, trả lương quá thấp cho lao động ở Úc
Tin Nước Úc

Những lần xử phạt công ty, nhà hàng…vì hành vi bóc lột, trả lương quá thấp cho lao động ở Úc

Tin Nước Úc – Nhân viên 7-Eleven bị trả lương thấp là $13/giờ, nhân viên người Việt mới tới Úc làm trong tiệm ăn uống ở Melbourne chỉ nhận được $6/giờ, nhưng đó chưa phải mức lương thấp nhất tại Úc. Bóc lột lao động có thực sự đáng ngại tại Úc?

Trong vài tháng qua, báo chí Úc và trong cộng đồng đã đưa tin về một số vụ thiếu công bằng với người lao động, khi mà chủ nhân trả lương quá thấp so với quy định tại Úc.

Có thể kể đến vụ của 7 Eleven, vụ chủ tiệm cafe ở Brisbane bị phạt đến $180 ngàn vì bóc lột nhân viên, gần đây là các vụ chủ tiệm ăn uống ở Melbourne trả lương cho nhân viên chỉ $6/giờ.

Những vụ này có lẽ ít nhiều đánh động đến giới hữu trách Úc và vấn đề quyền lợi của lao động thời vụ, những người yếu thế trong các cộng đồng đã được điều tra và đưa lên mặt báo cũng như có các biện pháp cứng rắn hơn với những chủ bóc lột lao động.

Trong xu hướng đó, báo Sydney Morning Herald hôm 2/8 đưa tin về một án phạt nghiêm khắc với số tiền phạt kỷ lục lên đến $660 ngàn với chủ tiệm trái cây ở Sunshine, Melbourne.

Nếu so với mức lương $6 gọi là bóc lột ở các vụ trước đây thì lần này mức độ bóc lột nhân viên có lẽ cũng là kỷ lục, người từng là chủ của tiệm trái cây Sunshine Fruit Market đã trả cho nhân viên chỉ khoảng $3.50/giờ.

“Ăn quỵt” $25,000 tiền lương để rồi nộp phạt $660,000

Theo báo Sydney Morning Herald, một chủ tiệm trái cây ở Melbourne đã bị phạt $660,000 vì tội bóc lột lao động là người tị nạn mới đến Úc.

Tính ra thì ông chủ này đã bớt xén tiền lương của một người lao động là $25 ngàn chỉ trong bốn tháng làm việc.

Chủ tiệm tên là Abdulrahman Taleb, ông ta từng điều hành tiệm trái cây Sunshine Fruit Market, chắc là quý vị nào ở vùng Sunshine sẽ biết đến tiệm này.

Ông chủ Taleb bị phát hiện đã trả mức lương không tưởng tượng đượng cho một người tị nạn tư Afghanistan mới tới Úc, đó là $3.50/ một giờ.

Thậm chí, theo thẩm phán Philip Burchardt cho biết trước tòa rằng có những thời gian mà ông chủ này không hề trả lương cho người nhân viên kia.

Nhân viên, cũng là nạn nhân trọng vụ này là anh Syed Jamal Udin Kazemi, được biết là khoảng tuổi đôi mươi.

Theo tòa án thì lúc ban đầu anh này không được trả lương và sau này mới được tính lương ở mức cố định là $10/giờ và tối đa trả $120/ngày, cho công việc anh làm ở tiệm trái cây này.

Theo đúng luật thì nhân viên này, phải được trả mức lương cơ bản là khoảng $17/giờ làm việc vào các ngày trong tuần, và được trả tối đa $35/giờ vào các ngày cuối tuần, và $43/giờ nếu làm việc vào các ngày lễ theo quy định.

“Khoản tiền lương trả thiếu cho nhân viên là rất đáng kể trong một thời gian ngắn.”

“Đây không phải là hoạt động kinh doanh hợp pháp và tiệm đã đồng thời vi phạm một số quy định tại nơi làm việc,” ông Burchardt nói.

Mức phạt nặng nhất của Fair Work Ombudsman

Chính vì lỗi này mà công ty sở hữu tiệm trái cây Sunshine Fruit Market, là công ty Mhoney Pty Ltd đã bị phạt $644 ngàn  trong khi ông Taleb bị buộc phải trả $16.020 trong tổng số tiền phạt, được coi là lớn nhất từng được đưa ra trong một vụ kiện của Cơ quan công bằng nơi làm việc Fair Work Ombudsman.

Luật sư Fatoum Souki của người chủ tiệm thừa nhận mức phạt này và cho biết thân chủ là ông Taleb không thể kháng cáo, nhưng không đưa ra thêm bình luận nào.

Bà Natalie James từ Fair Work Ombudsman cho biết vụ này đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bóc lột những người lao động yếu thế, họ thường là người không nói được thông thạo tiếng Anh rất ít và vẫn còn đang trong quá trình xét tư cách thường trú tại Úc.

Trong số tất cả những yêu cầu được Fair Work Ombudsman hỗ trợ trong năm 2016/17, thì có 18% số vụ là người lao động vẫn trong thời gian xét chiếu khán thường trú ở Úc.

Bà James nói với Fairfax Media, một nửa số vụ phải đưa ra tòa án xét xử là có liên quan đến người lao động di dân,

“Thật là tệ hại và đáng tiếc là chúng ta vẫn thấy những ví dụ về những người có đang được xét thị thực thường trú, vốn dễ bị tổn thương lại còn bị khai thác theo cách này,” bà James nói.

Nếu bị bóc lột, báo ngay Fair Work Ombudsman

Cơ quan đủ khả năng hỗ trợ cho người lao động nếu trong trường hợp thấy mình bị bóc lột tại Úc chính là Fair Work Ombudsman.

Nạn nhân trong vụ này là ông Kazemi đã tiếp cận với Ombudsman sau khi có nghi ngờ bị trả lương thấp vào tháng 1 năm 2013.

Tuy nhiên, theo bà James từ Ombudsman, đối với rất nhiều người lao động, rất khó để nói được ra sự việc của mình và theo đến cùng quá trình điều tra, đặc biệt là khi mà họ không có kỹ năng tiếng Anh đủ tốt.

Theo phán quyết của Thẩm phán Burchardt, ông tin rằng ông Taleb “lợi dụng” sự yếu thế, dễ tổn thương của ông Kazemi.

Ông cho biết, ông Taleb là một nhân vật quan trọng trong cộng đồng Hồi giáo Lebanon ở Melbourne.

Thế nhưng, sau sự việc ông Taleb không tỏ ra hối hận và cũng không xin lỗi nhân viên của mình.

Theo Ombudsman, ông Kazemi đã đến Úc xin tị nạn và phải sống trong trại tầm trú trước khi được phép lưu trú tại Úc vào cuối năm 2010.

Một lời khuyên rất hữu ích cho tất cả mọi người lao động tại Úc là nếu thấy có bất cứ nghi ngờ hay vấn đề gì với mức lương hay điều kiện nơi làm việc, có thể liên lạc ngay với Fair Work Ombudsman qua số điện thoại 13 13 94

Theo SBS Viet Nam

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...