Home Tin Nước Úc Người di cư Trung Quốc “lợi dụng” visa “chiếc vé vàng” mang mức giá 5 triệu AUD của Úc
Tin Nước Úc

Người di cư Trung Quốc “lợi dụng” visa “chiếc vé vàng” mang mức giá 5 triệu AUD của Úc

Báo Alo Úc – Thị thực Nhà đầu tư lớn SIV (significant investor visa) được chính phủ Úc ban hành từ năm 2012. Đây là chương trình khuyến khích các công dân bên ngoài nước Úc, không giới hạn độ tuổi, có khả năng đầu tư tối thiểu 5 triệu AUD vào các quỹ đầu tư.

Theo đó, cả gia đình nhà đầu tư, gồm vợ, chồng và con cái dưới 23 tuổi còn độc thân và chứng minh được phụ thuộc tài chính sẽ được cấp visa tạm trú (temporary residency) trong 4 năm, sau đó chuyển đổi sang thường trú nhân vĩnh viễn (PR- visa 888).

Trên thực tế, kể từ khi ban hành, SIV đã trở thành “chiếc vé vàng” cho các di dân Trung Quốc giàu có trên đường trở thành cư dân Úc.

Báo cáo của Ủy ban Năng suất trong năm 2016 cho rằng, chương trình này nên được hủy bỏ bởi đang là mục tiêu cho tội phạm rửa tiền trong khi nó mang lại rất ít lợi ích cho nước Úc.

Cơ quan tình báo tài chính Úc, Austrac, đã báo cáo trong năm 2016 rằng “rất khó khăn trong việc xác minh tài sản của người được cấp SIV, bởi hầu hết tài sản này đều được tạo lập từ nước ngoài”.

Khoảng 87% SIV được cấp cho công dân Trung Quốc kể từ khi chính phủ Gillard đề ra chương trình này vào năm 2012.

Trong ba năm đầu tiên, gần 900 SIV đã được cấp với tốc độ khoảng 28 một tháng. Từ tháng 7/2015, chính phủ Abbott đã đặt ra một loạt các quy định mới như mức vốn tối thiểu phải đầu tư mạo hiểm và hạn chế đổ tiền vào trái phiếu chính phủ nhằm đối phó với lo ngại trong nguồn gốc các khoản đầu tư cũng như các loại hình đầu tư đang thực hiện.

Trong năm tài chính 2015-16, số lượng thị thực đã được phê duyệt đã tăng lên trung bình 46 một tháng. Tỷ lệ cấp visa đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2016-17 xuống còn khoảng 34 một tháng.
Nhưng trong bảy tháng của năm tài chính này, số lượng thị thực được cấp đã giảm xuống dưới 100, trung bình mỗi tháng chỉ cấp 13 SIV.

Các công ty dịch vụ visa tung ra các “gói” đặc biệt dành cho nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên các điều kiện cấp SIV khắt khe hơn từ phía chính phủ đã dội gáo nước lạnh vào nhu cầu thị thực này.

Chính phủ Abbott quy định về mức đầu tư SIV một cách nghiêm ngặt. Trong số 5 triệu AUD, tối thiểu 500.000 AUD phải được đầu tư vào quỹ vốn đầu tư mạo hiểm của Úc dành cho các công ty tư nhân khởi nghiệp và công ty tư nhân nhỏ; 1,5 triệu AUD phải được đầu tư vào các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán; và số còn lại trong một hoặc nhiều quỹ quản lý theo chỉ định hoặc bất động sản. Mức đầu tư vào bất động sản tối đa là 10%.

Ngoài ra, các điều kiện khác lại rất dễ dàng. Không có quy định về trình độ tiếng Anh và các ứng viên chỉ cần đáp ứng trung bình 40 ngày một năm sống ở Úc.

Số liệu thống kê cho thấy kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2012, 1.932 SIV đã được cấp, với 9,6 tỷ AUD đầu tư vào Úc.

Ủy ban Năng suất lập luận rằng chương trình mang lại ít lợi ích cho Australia và dễ bị lợi dụng: “Hiệu quả đối với nền kinh tế Úc đến từ các nhà đầu tư diện SIV không rõ rệt. Thành phần hưởng lợi chủ yếu là người được cấp thị thực này và người quản lý quỹ đầu tư”.

Hơn nữa, SIV không yêu cầu trình độ tiếng Anh tối thiểu cũng như giới hạn độ tuổi của ứng viên dẫn đến đóng góp của họ cho nước Úc ít hơn các đối tượng nhập cư khác.

“Vì những lý do đó, chính phủ nên bãi bỏ thị thực này” .

Mặt khác, Austrac báo cáo có những lo ngại về nguồn vốn đầu tư SIV. Họ đánh giá mức độ vốn bị ảnh hưởng bởi các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố đang ở mức “trung bình”

“Những người được cấp SIV sống ở tầng lớp thượng lưu, một số có vấn đề về chính trị hoặc có nguy cơ cao trong hoạt động rửa tiền, khủng bố”.

Bên cạnh, có những cáo buộc việc lợi dụng chương trình SIV để lừa dối ứng viên tiềm năng.

Fusheng Li, nhà đầu tư Trung Quốc đệ đơn lên tòa án tối cao Queensland cáo buộc Seb Monsour – anh rể của cựu thủ tướng Queensland, Campbell Newman đã kêu gọi khoản đầu tư 5 triệu đô la và chi vào các lĩnh vực mà doanh nhân Trung Quốc không được thông báo trước.

Li đã cáo buộc Monsour về hành vi “lừa đảo”

Để giải quyết tất cả vấn đề trên, người phát ngôn của Bộ nội vụ nêu quan điểm đơn xin SIV phải đáp ứng các yêu cầu về nhân thân và an ninh của Úc, đặc biệt là việc xác minh nguồn tiền.

“SIV là một chương trình đòi hỏi ứng viên phải thỏa mãn điều kiện theo từng giai đoạn xét duyệt. Việc kiểm tra nguồn tiền đầu tư là một phần quan trọng trước khi đưa ra lời mời tới các ứng viên”.

Hà Vy – Báo Alo Úc

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...