Home Tin Nước Úc Mang thai hộ và những quy định nghiêm ngặt khi định cư tại Úc
Tin Nước Úc

Mang thai hộ và những quy định nghiêm ngặt khi định cư tại Úc

Úc có công nhận việc mang thai hộ nhưng thủ tục này phải tuân theo các điều khoản khắt khe vì Úc hiện vẫn là thành viên của Công Ước La Hay (Hague Convention) và Liên Hiệp Quốc (United Nations) nhằm mục đích phòng chống bắt cóc và buôn bán trẻ em.

 

Chào anh Tạ Quang Huy
Tôi tên là Liên, hiện đang sống tại Việt Nam và có quen với anh Tùng là quốc tịch Úc. Tôi đã từng có chồng từ lúc 17 tuổi khi cha mẹ gả tôi cho một đàn ông đáng tuổi cha tuổi chú khi gia đình còn ở quê. Cuộc sống ban đầu tôi cũng nghĩ thôi thân phận con gái cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, bởi vậy tôi đã rất cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người con có hiếu và một người vợ. Tôi đã được lên chức mẹ vào tuổi 20. Cuộc sống đẹp như một bức tranh khi chồng mình lo cho vợ con chu đáo, còn tôi thì cứ chỉ ở nhà lo cơm nước cho chồng và con. Nhưng rồi những buổi công tác xa của chồng đã khiến cho cuộc hôn nhân chúng tôi đổ vỡ khi tôi phát hiện ra anh ta liên tục ngoại tình. 
Nuôi con một mình trong hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, thiếu thốn tình cảm và không biết tương lai trôi dạt về đâu. Tôi quyết định trả thù đời bằng cách làm việc chăm chỉ, xa lìa đàn ông và chỉ tập trung vào kiếm tiền. Tôi cần tiền để tiếp tục đi tiếp, bước tiếp và sống tiếp. 
Sau 10 năm cố gắng và bằng thực lực của chính mình, tôi đã đủ tự tin trong công việc, đủ kinh tế nuôi dạy cho con trai tôi ăn học đàng hoàng. Có lẽ những gì tôi có vào thời điểm đó với tôi chưa có đủ nên tôi cố gắng và cố gắng hơn nữa. Tôi cho rằng những gì đàn ông làm được thì tôi cũng làm được và còn hơn nữa. Tôi chỉ sợ tham vọng của tôi không còn tồn tại nữa và tôi cũng sợ rằng một ngày nào đó tôi không còn sức khoẻ để bước tiếp.
10 năm tiếp theo có thể nói đánh dấu những bước chân kinh doanh của tôi. Sự thành công của tôi chưa hẳn phải là xuất sắc nhưng tôi đã nhận được sự kính nể trong giới kinh doanh mà nhiều người cho rằng chỉ có đấng mày râu mới làm được. 
Khi tôi nhìn lại mọi thứ xung quanh thì cậu con trai tôi đã lớn và cháu đã lấy vợ. Nhìn lại bản thân tôi cũng đã ngoài 40 rồi, hơn một nửa chặng đường của tôi đã lao vào kinh doanh. Đôi khi tôi đã rất sợ và lo lắng cho chặng đường kế tiếp của cuộc đời mình. 

 

Mang thai hộ và hệ lụy
Rồi trong một lần tới Úc, tôi đã tình cờ gặp được anh Tùng. Gặp được người Việt Nam tại khu du lịch hẻo lánh đã khó, tôi còn gặp được người cùng quê và cùng sở thích nữa. Những cử chỉ lịch sự của anh cộng thêm tính ít nói đã thu hút được sự chú ý của tôi…. và từ đó chúng tôi bắt đầu hẹn hò.
Chỉ được vài ngày tại Úc thì tôi phải trở về Việt Nam và tiếp tục công việc. Anh đã theo tôi về Việt Nam và bỏ hết tất cả công việc của mình bên Úc. Chúng tôi đã quấn quýt bên nhau suốt một thời gian dài mặc dù công việc kinh doanh của tôi cũng vẫn diễn ra bình thường. Đây cũng là lúc, tôi nhận ra rằng lúc này tôi mới thật sự hạnh phúc vì có người chân thành yêu thương mình. Chúng tôi sống với nhau như vợ chồng mặc dù chưa có đăng ký kết hôn. Sau 3 năm chung sống với nhau, yêu thương nhau và kinh doanh chung với nhau, tôi cảm thấy chúng tôi còn thiếu một đứa con chung. Anh Tùng chưa từng có vợ và kém tôi gần chục tuổi. Lúc này tôi cũng 45 tuổi rồi. Mọi thứ cứ xoay đảo nhưng tôi cương quyết làm tròn trách nhiệm của một người vợ… và một lần nữa tôi muốn làm mẹ…
Tuy nhiên, trái với sự cố gắng của chúng tôi mong ước có con đã không thành vì thời điểm mãn kinh này tôi rất khó có thể có thai tự nhiên. Gặp bác sỹ thì tôi được biết mình có thể làm thủ tục ‘mang thai hộ’. Chúng tôi đã triển khai việc này, sau vài tháng bác sỹ thông báo rằng đã thành công và thai nhi đang rất tốt. 
Sau bao nhiêu năm cật lực làm việc giờ tôi đã kiệt sức và chỉ mong sao sống với anh Tùng và đứa con chung của chúng tôi tại Úc. Có lẽ đây là ước mơ lớn nhất của tôi từ trước tới nay. Tuy nhiên, thủ tục thế nào, việc mang thai hộ sẽ ảnh hưởng gì đến đời sống của chúng tôi sau này, thì tôi chưa được rõ lắm. Tôi hy vọng anh giúp đỡ cho gia đình tôi và mong hồi âm sớm của anh.
Kim Liên

 

Mang thai hộ và hệ lụy

 

Chị Kim Liên mến,
Chúc mừng chị đã tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Quả thật trong giới kinh doanh từ trước thì mọi người luôn nghĩ chỉ có đàn ông mới làm lên được tất cả nhưng thực tế thì có những phụ nữ mạnh mẽ như chị đã chứng minh được điều này là hoàn toàn ‘sai’. Hệ thống chính trị, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác trên thế giới hiện nay thì phụ nữ cũng chiếm được một phần khá lớn ấy. Hiện tại thì phụ nữ Việt Nam không hẳn chỉ để ‘ngắm’ hay đối với một số đàn ông thì cho rằng vai trò phụ nữ là chỉ để đẻ và nội trợ cơm nước cho gia đình.
Việc chị xin định cư dựa trên mối quan hệ vợ/chồng của chị với anh Tùng là việc dễ nhưng Tạ Quang Huy cũng xin tư vấn cho chị thêm một số việc liên quan tới chính phủ Úc công nhận việc ‘mang thai hộ’ cho chị như sau:
Úc có công nhận việc mang thai hộ nhưng thủ tục này phải tuân theo các điều khoản khắt khe vì Úc hiện vẫn là thành viên của Công Ước La Hay (Hague Convention) và Liên Hiệp Quốc (United Nations) nhằm mục đích phòng chống bắt cóc và buôn bán trẻ em.
Mang thai hộ có 2 loại, thứ nhất theo diện vị tha và thứ hai là có tính chất thương mại hoá.

Vị tha

Hình thức này khi người mang thai hộ không nhận được bất cứ lợi nhuận nào ngoài việc nhận tiền để chi trả cho thủ tục y tế hoặc pháp lý.

Thương mại

Hình thức này có tính chất giao dịch và còn được gọi là ‘đẻ mướn’ khi người mang thai hộ nhận được lợi nhuận.

 

Mang thai hộ và hệ lụy

Mang thai hộ tại Úc

Nếu trẻ em sinh đẻ tại Úc theo diện mang thai hộ thì thủ tục pháp lý liên quan tới chuyển đổi dòng dõi thuộc trách nhiệm của chính phủ tiểu bang. Đa số các tiểu bang tại Úc đã hợp pháp hoá thủ tục này. Căn cứ theo điều 60HB của Luật Gia Đình 1975 của Úc thì sự việc chuyển đổi dòng dõi này hoàn toàn hợp pháp.

Mang thai hộ ngoài lãnh thổ Úc

Cũng như tôi viết trên, bởi Úc hiện là thành viên của Công Ước La Hay (Hague Convention) và Liên Hiệp Quốc (United Nations), việc xét hồ sơ kỹ lưỡng của Bộ Di Trú Úc cũng sẽ áp dụng với những đối tượng này nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi trẻ em cũng như phòng chống sự lạm dụng của luật quốc tịch, hệ thống an sinh xã hội và nhận con nuôi của Úc.
Các độc giả nên lưu ý rằng không hẳn phải thích thủ tục ‘mang thai hộ’ rồi đem con về Úc nuôi là được vì còn các thủ tục pháp lý phải tuân theo. Có những trường hợp sau khi sinh, chính phủ Úc cũng chưa chắc công nhận về dòng dõi khi việc sinh đẻ đó có tính chất thương mại hoá. Dưới đây tôi có tóm tắt một số hình phạt nếu những cặp vợ chồng có thủ tục ‘mang con hộ’ ngoài lãnh thổ Úc theo diện ‘thương mại’:
New South Wales: hình phạt theo bộ Luật Surrogacy Act 2010 hình phạt tối đa là 2 năm tù
Canberra: hình phạt theo bộ luật Parentage Act 2004 hình phạt tối đa 1 năm tù 
Queensland: hình phạt theo bộ luật Surrogacy Act 2010 hình phạt tối đa 3 năm tù

 

Mang thai hộ và hệ lụy

Tôi có thể làm gì để đem bé tới Úc?

Sau khi thủ tục pháp lý được thực hiện tại quốc gia mà người mang thai hộ được hoàn tất thì cha/mẹ của bé sẽ phải xin quốc tịch hoặc visa thường trú cho bé. Trong trường hợp xin được quốc tịch Úc thì người cha/mẹ có quốc tịch Úc đó xin hộ chiếu Úc cho bé. Mặc dù bé được sinh ra ngoài lãnh thổ Úc nhưng điều này không có nghĩa bé tự động được quốc tịch các bạn nhé. Cha/mẹ vẫn phải xin quốc tịch cho bé theo diện huyết thống căn cứ theo bộ luật Citizenship Act 2007.
Luật hiện hành chỉ áp dụng và cấp quốc tịch cho bé nếu trong trường hợp một trong hai cha/mẹ có quốc tịch Úc. Nếu trong trường hợp cha/mẹ đó chỉ có thường trú thì rất tiếc bé phải xin visa riêng đi cùng với chị Liên theo diện con phụ thuộc. Nếu trường hợp đó cũng không được thì anh Tùng vẫn có thể xin bảo lãnh cho bé theo diện cha bảo lãnh con theo visa tiểu loại 101.
Nếu trong trường hợp Bộ Di Trú có nghi ngờ về tính chất xác thực của cha/mẹ đứa bé là ai thì Bộ có thể yêu cầu anh chị thử DNA.
Tạ Quang Huy chúc anh chị may mắn!

Tạ Quang Huy

Nguồn: Báo Tin Nhanh

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...