Home Bí ẩn Lịch sử Chiến tranh Việt Nam dưới con mắt người Úc
Bí ẩnTin Nước Úc

Lịch sử Chiến tranh Việt Nam dưới con mắt người Úc

Với lời lẽ bộc trực, bộ sử mô tả hoạt động của Quân đội Úc ở Việt Nam từ giữa 1968 đến cuối 1971. Đây là tập hợp các câu chuyện về người cầm súng – những thử thách, những thành quả cũng như những mất mát thảm thương của họ.

Trong quá trình soạn nên bộ sử, hai tác giả là Ashley Ekins và Ian McNeil đã tiếp cận được nhiều tài liệu mà trước đây chưa hề được biết. Sử gia McNeil đã mất trước khi bộ sử được hoàn tất.

Đài ABC đã phỏng vấn sử gia Ekins, nay làm việc ở Viện Bảo tàng Chiến tranh Australia (Australian War Memorial – AWM).

ABC: Xin ông cho biết, bộ sử này có bật mí được những gì về Chiến tranh Việt Nam?

EKINS: “Có… trong mức độ nào đó, bởi vì theo truyền thống Úc, sử gia thường có quyền tham khảo những tài liệu chưa hề được công bố. Thêm vào đó, chúng tôi cũng tham khảo tài liệu ở nước ngoài, kể cả từ phía Việt Nam mà một thời là đối thủ của Australia”.

“Từ năm 1998, khi Việt Nam còn là một xã hội khép kín, Ian McNeil là một trong những sử gia đầu tiên đến đó để tham khảo về Chiến tranh Việt Nam. Ông vốn là một quân nhân trong đội huấn luyện Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ông đã được phép phỏng vấn nhiều người Việt can dự vào cuộc chiến”.

Binh sĩ Australia thảm sát dân trong chiến tranh Việt Nam' - Thế ...

ABC: Vậy thì ông ta đã khám phá được những gì?

EKINS: “Nói chung, tư liệu của Quân đội Nhân dân Việt Nam thường hay có tính tự tôn và hầu hết đều nhằm giải thích tại sao họ chiến thắng. Cụ thể là những tư liệu về tỉnh Phước Tuy là nơi có căn cứ chính của Quân đội Úc trong suốt cuộc tham chiến. Tài liệu bên quân đội cộng sản thường phóng đại những chiến tích của họ trong những trận giao tranh với quân Úc ở đó. Tuy vậy, những tư liệu đó vẫn rất có giá trị vì chúng cho thấy ý đồ của ban chỉ huy cộng sản, kế hoạch tiếp vận, sức mạnh cũng như sự điều động của những đơn vị trên địa bàn hoạt động, cùng với tinh thần chiến đấu của binh sĩ họ”.

ABC: Công bằng mà nói, lịch sử thường bị bóp méo trong chiến tranh khi phe nào cũng xuyên tạc sự thật và tự tôn tự đắc, nhưng nay nhìn lại thời gian đó một cách bình thản và công tâm, theo ông thì Quân đội Úc đã đạt được nhũng thành quả nào trong khoảng 3 năm cuối ở Việt Nam?

EKINS: “Từ giữa 1968 đến giữa 1972, có thể nói đó là giai đoạn bị lịch sử lãng quên. Vào cuối năm 1972, hình như ai cũng xem Chiến tranh Việt Nam là chuyện đã rồi và chiến thắng của phe cộng sản vào năm 1975 là điều tất nhiên. Nhưng thật ra, đó là thời gian đầy biến động. Quân số Úc lúc bấy giờ gia tăng đến khoảng 6000, tức là 11 tiểu đoàn với đầy đủ lực lượng kể cả thiết giáp, công binh, trọng pháo, v.v… Đối với quân Úc, thời gian này là cao điểm với nhiều trận đánh lớn diễn ra như ở xã Bình Ba. Nhưng thành quả rõ rệt nhất của Quân đội Úc ở Việt Nam là họ đã áp dụng hữu hiệu học thuyết quân sự về chiến tranh chống du kích tại tỉnh Phước Tuy”.

ABC: Xin ông cho biết vài ví dụ cụ thể.

EKINS: “Quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam với kinh nghiệm chiến trường ở Triều Tiên – tức là họ đã quen với trận địa chiến với nhiều binh đoàn được điều động trên một địa bàn lớn. Trong khi đó, Quân đội Úc đã dạn dày kinh nghiệm trong cuộc chiến chống du kích ở Malaysia và Borneo, cho nên họ biết áp dụng những chiến thuật điều binh nhanh nhạy với những đơn vị cấp nhỏ vốn thường xuyên tuần tiểu chung quanh căn cứ của họ và tổ chức phục kích gần làng mạc, với mục tiêu không cho quân địch trà trộn vào thường dân. Chiến thuật này đã làm quân địch nao núng trong một khu vực nhỏ. Nhưng cuối cùng thì họ đã không thể trở ngược ván cờ khi quân đội Đồng minh bắt đầu ồ ạt rút khỏi Việt Nam”.

ABC: Nói cho cùng, đó là một mất mát lớn đối với Australia – 500 binh sĩ tử trận và bao nhiêu hậu quả tiêu cực khác, phải không thưa ông?

EKINS: “Vâng. Quả thật như một chiến binh miền Nam Việt Nam đã từng thốt lên: “chúng ta đã thắng trong tất cả các cuộc giao tranh nhưng đã bại trong cuộc chiến”.

ABC: Chiến tranh Việt Nam vốn đã gây ra nhiều tranh cãi và chia rẽ. Từ cuối năm 1969 trở đi, phong trào phản chiến ở Australia và ở Hoa Kỳ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Ông có cho rằng bộ sử của ông sẽ tạo thêm tranh cãi và chia rẽ hay không?

EKINS: “Có thể có, bởi vì nhiều người vẫn giữ nguyên lập trường có tính phe phái của họ. Tuy nhiên ai cũng công nhận rằng trong cuộc chiến đó, quân nhân Úc là thành phần chỉ biết tuân hành mệnh lệnh và thực hiện sứ mạng mà đất nước họ đòi hỏi với tất cả khả năng của họ. Họ tin tưởng rằng đó là sứ mạng bảo vệ Nam Việt Nam để nước cộng hòa nhỏ bé này được sống tự do. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, nhiều quân nhân Úc trở nên bất mãn vì họ thấy chính quyền cũng như Quân đội Việt Nam Cộng hòa đầy tham nhũng thối nát. Nhưng phần đông đều tỏ vẻ thương cảm đối với thường dân miền Nam.”

 

Related Articles

Chuyện gì đang xảy ra ở New Zealand vậy?

Bão Gabrielle quét qua đảo Bắc ở New Zealand đã khiến hạ...

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...