Home Tin Nước Úc Hành trình trái vải Việt Nam lần đầu đến Úc
Tin Nước Úc

Hành trình trái vải Việt Nam lần đầu đến Úc

Sau 12 năm đàm phán để Úc cấp phép nhập khẩu cho trái vải Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam và Việt kiều tại Úc lần đầu tiên đã đưa khoảng 30 tấn vải đến thị trường nổi tiếng khó tính này.

Chợ Little Sài Gòn ở Footscray ngày đầu tuần vắng vẻ nhưng vẫn đông người tập trung trước gian hàng giới thiệu vải Lục Ngạn, một phần của sự kiện Ngày Vải thiều Việt Nam tại Úc do Thương Vụ Việt Nam và Hội Doanh nhân Việt Nam ở Úc thực hiện.    

Người Việt ở Úc đều phấn khởi khi thấy trái vải Việt Nam vào được Úc. (ABC)
Người Việt ở Úc đều phấn khởi khi thấy trái vải Việt Nam vào được Úc. (ABC)

Anh Hiếu, nhân viên của một sạp bán trái cây, cho biết trái vải Việt Nam đã được bày bán tại chợ từ hai tuần trước và được khách đón nhận tốt nhưng giá thành cao và chất lượng chưa đồng đều nên mọi người chỉ mua từ nửa ký đến một ký.

Không phải đợt vải Việt Nam nào tại Úc cũng tươi ngon như hàng chào bán tại chợ hôm nay. Và giá  vải bán lẻ cũng không phải luôn ở mức 13-15 đô Úc một ký. Lô vải thành công đầu tiên ở Sydney khi ra chợ được bán với giá hơn 20 đô Úc nhưng có những đợt vải Việt Nam lại chỉ có 6-9 đô.

Lý do có sự khác biệt này là chỉ có một số ít lô hàng vượt được qua sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của cơ quan kiểm dịch Úc, nhiều lô vải thiều buộc phải để phía Úc xử lý lại. Vì thời gian qua khâu kiểm dịch kéo dài, chi phí bị phát sinh nên chất lượng và giá thành của trái vải bị ảnh hưởng rất lớn.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Úc, cho biết quy định kiểm dịnh là vướng mắc lớn nhất của đợt nhập hàng thử nghiệm này.  

“Doanh nghiệp xuất khẩu đã gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với tất cả các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt của Úc, từ vườn trồng, cho đến cơ sở đóng gói, cũng như cơ sở chiếu xạ. Và vì vậy có một số chuyến hàng đầu tiên, vải sang đến đây bị hư hỏng,” chị nói.

Theo như quy định cho phép nhập khẩu của Úc thì trái vải phải không có lá, không cành, không có rác hay bất cứ côn trùng và thuốc trừ sâu không được quá nồng độ cho phép.

Quá trình để có một lô vải đạt chuẩn

Trái vải Việt Nam sau 12 năm đàm phàn cuối cùng cũng có mặt tại thị trường Úc. (ABC)
Trái vải Việt Nam sau 12 năm đàm phàn cuối cùng cũng có mặt tại thị trường Úc. (ABC)

Theo ông Hoàng Huy Khánh, Việt kiều Úc, giám đốc công ty xuất nhập khẩu Đà Lạt, cùng với công ty ông có khoảng 4 công ty xuất nhập khẩu tham gia vào đợt đưa thử nghiệm vải thiều Việt Nam sang Úc lần này.

Số lượng lớn nhất là do Công ty Rồng Đỏ đưa sang, khoảng 13 tấn nhưng ông cho biết 13 công hàng đều không đạt được yêu cầu của kiểm dịch Úc. Công ty Fosti trên Sydney khá thành công với lô hàng qua đường hàng không nhưng cũng vướng chút ít lỗi kỹ thuật ở khâu kiểm dịch.

“Trong ba công ty xuất khẩu Việt Nam tham gia đợt hàng này, hai nhà đầu tiên đã thất bại,” ông Khánh nói.

Và chỉ có lô hàng hơn 2 tấn của ông Khánh là lô vải duy nhất được qua thẳng khâu kiểm dịch của Úc trong ngay ngày hàng đến sân bay, đạt đủ tiêu chuẩn nhập khẩu tại đây.

Thành công của lô hàng này không chỉ nhờ kinh nghiệm 20 năm nhập trái cây tươi vào Úc và từng làm việc với vải từ Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan mà trước khi lô vải này sang Úc, ông đã phải đích thân bay về Việt Nam hai lần.

Trước khi vải chín, ông mất một tuần lễ thăm hết vùng nguyên liệu, kiểm tra và chọn vườn trồng đủ theo tiêu chuẩn của Úc, đảm bảo việc phun thuốc trừ sâu đúng quy định. Chuyến thứ hai khi vải chín, ông đã đồng hành với đối tác Việt Nam, Công ty Đông Phương Vina Imexco, từ nơi thu mua đến nơi xử lý, chiếu xạ và xuất khẩu sang Úc.  

“Người nông dân mình chỉ quen bán bằng bó,” ông nói. “Tôi phải chỉ cho nông dân cách cắt vải mà bên chỗ Thái Lan và Trung Quốc họ cắt, tức là cắt sát.”

“Bên chỗ Đông Phương xử lý cũng phải chọn từng trái, nếu trái nào lộn xộn (có trái non dính liền) phải bỏ ngay vì nếu không qua đây sẽ bị kẹt.”

Công việc rất vất vả nhưng ông Khánh cho biết rất mừng là đối tác của ông tại Việt Nam, Đông Phương đã rất cố gắng để lô vải đạt đúng theo yêu cầu của thị trường Úc. Và với kinh nghiệm từ mùa vải này cùng việc Đông Phương có kế hoạch sẽ chuẩn bị ngay từ đầu cho năm sau thì tương lai của mùa vải sau sẽ có nhiều hứa hẹn.

Và dù lô hàng đầu tiên chắc chắn không có lãi thì đối với ông Khánh quyết tâm đưa trái vải sang đến Úc thành công có một ý nghĩa rất lớn.

“Khi mà có xuất khẩu thì chợ vải của Việt Nam mà nông dân họ bán ra năm nay ổn định được giá từ 20 ngàn đến 24 ngàn đồng một ký. Thay vì năm ngoái giá rớt xuống còn tám ngàn. Đó là cái thành công lớn nhất,” ông nói.

Trái vải được bảo quản tốt nên sau 7 ngày kể từ khi thu hoạch vẫn giữ được màu sắc và hương vị tươi ngon. (ABC)
Trái vải được bảo quản tốt nên sau 7 ngày kể từ khi thu hoạch vẫn giữ được màu sắc và hương vị tươi ngon. (ABC)

Tính cạnh tranh của vải Việt Nam trên thị trường Úc

Mùa vải trồng ở Úc rơi vào những tháng cuối năm nên hiện trái vải Việt Nam có lợi thế là loại quả nghịch mùa. Vì thế tương lai, theo ông Khánh đánh giá, Úc là thị trường tốt nếu Việt Nam có thể đảm bảo chất lượng đầu ra.

“Thị trường vải nội địa Úc sản xuất khoảng 2 nghìn tấn mỗi năm nếu chúng ta chỉ cần dành được 10 phần trăm con số đó thôi thì số lượng cũng lớn lắm – 200 tấn mỗi năm,” ông nói.

Tuy nhiên, năm nay Úc cũng cấp phép cho trái vải Trung Quốc, cùng mùa thu hoạch với Việt Nam.

Về chất lượng, ông Khánh cho biết vải Trung Quốc có vỏ màu xanh, về hình thức kém hấp dẫn hơn và người tiêu dùng tại Úc có sự thận trọng nhất định với thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc nên trái vải Việt Nam hiện có lợi thế tốt hơn.

Nhưng về giá thành, vải Việt Nam có giá thành cao hơn vải Trung Quốc khoảng 3 đô la Úc tại chợ đầu mối của Úc.

Anh Thuận, đối tác giúp phân phối vải Việt Nam tại thị trường Úc cùng ông Khánh, cho biết vải Trung Quốc không phải dùng phương pháp chiếu xạ mà được bảo quản ở nhiệt độ 0 độ C trong vòng 14 ngày và vì thế họ đưa trái vải vào công hàng ở nhiệt độ tiêu chuẩn rồi vận chuyển theo đường biển nên giá thành giảm đáng kể.   

12,99 đô Úc là mức giá thị trường Úc chấp nhận được theo ông Hoàng Huy Khánh, công ty Xuất Nhập khẩu Đà Lạt. (ABC)
12,99 đô Úc là mức giá thị trường Úc chấp nhận được theo ông Hoàng Huy Khánh, công ty Xuất Nhập khẩu Đà Lạt. (ABC)

Ông Khánh cũng đồng ý rằng mùa đầu tiên, số lượng ít nên bắt buộc họ phải vận chuyển trái vải bằng máy bay nên chi phí cao. Đặc biệt giá cước vận chuyển của Vietnam Airline cao so với những nước khác.

“Giá vận chuyển của Vietnam Airline lên đến 3 đô Mỹ một ký trong khi từ Thái Lan qua đây chỉ 1,6 đô Mỹ cho mỗi ký,” ông Khánh nói.   

Vì vậy thách thức của các nhà nhập khẩu trái vải Việt Nam vào Úc sẽ không chỉ là đầu ra đảm bảo chất lượng mà cần hoàn thiện công nghệ bảo quản và vận chuyển hiệu quả hơn.

“Hiện nay bằng đường hàng không, số lượng của chúng ta rất hạn chế. Nếu chuyển tải qua một nước khác thì có thể rẻ hơn một chút nhưng kéo dài thời gian vận chuyển có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng quả vải,” anh Thuận nói.

“Khi mà cách bảo quản của chúng ta đảm bảo giữ được chất lượng quả vải trong ba tuần lễ thì chúng ta có thể đi đường biển từ Việt Nam qua Úc thì chúng ta sẽ giảm được rất nhiều chi phí.”   

Nhưng trước mắt, anh Thuận nghĩ rằng với việc đã có lô hàng đạt chuẩn đầu tiên thì bước đầu những nhà xuất nhập khẩu có thể rút kinh nghiệm để có thể tìm ra cách bảo quản trái vải tươi, giữ hương vị tốt, kéo dài thời gian bán và hạ giá thành của quả vải nên tương lai chắc chắn cơ hội trái vái sẽ được tiêu dùng nhiều hơn ở đây.

Hi vọng rằng trái vải Việt Nam sẽ được tiêu dùng nhiều hơn tại thị trường Úc trong tương lai.  (ABC)
Hi vọng rằng trái vải Việt Nam sẽ được tiêu dùng nhiều hơn tại thị trường Úc trong tương lai. (ABC)

 

Theo : australiaplus

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...