Home Tin Nước Úc GS Nguyễn Văn Tuấn: Con đường từ phụ bếp đến giáo sư gốc Việt thành danh ở Úc
Tin Nước Úc

GS Nguyễn Văn Tuấn: Con đường từ phụ bếp đến giáo sư gốc Việt thành danh ở Úc

(www.Alouc.com) – Từ phụ bếp, ông Tuấn học đại học, làm trợ lý nghiên cứu rồi theo đuổi chương trình tiến sĩ, trở thành giáo sư danh tiếng thế giới.

Bất kỳ bác sĩ nào ở Việt Nam và trên thế giới điều trị bệnh loãng xương hay nghiên cứu về nó đều làm quen hoặc sử dụng mô hình đánh giá nguy cơ gãy xương tên “Garvan Fracture Risk Calculator”. Nhưng ít người biết tác giả mô hình là người Việt – giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ông vừa được Đại học New South Wales (Australia) trao học vị tiến sĩ cao nhất vì những đóng góp xuất sắc cho chuyên ngành loãng xương thế giới. Nhưng đằng sau vinh dự đó là quãng thời gian đầy gian truân và vượt lên nghịch cảnh của ông.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Giáo sư Tuấn sinh ra trong gia đình làm nghề nông ở Kiên Giang, quê gốc Bình Định. Đầu năm 1982, ông sang Australia định cư. Khi được viên chức tòa đại sứ Australia hỏi lý do muốn đến đất nước này, sau một vài vấp váp, ông hồn nhiên: “Tôi muốn nhìn thấy con Kangaroo”. Người phỏng vấn bật cười và nói: “Ok, tôi nhận anh. Qua bên kia làm thủ tục”.

Sau 8 giờ bay, ông đặt chân đến thành phố Sydney đúng vào ngày Quốc khánh. Trong khi mọi người mang theo hành lý sang trọng thì ông chỉ có một túi xách chứa hai bộ quần áo; chân đi bata, mặc áo màu trắng và quần tây màu đen. “Hai Lúa còn hơn tôi, vì lúc đó tôi chẳng có nổi một đồng xu”, ông nhớ lại.

Bắt đầu là phụ bếp

Đến Australia, việc đầu tiên ông làm là học tiếng Anh, nhưng ông thấy chán khi ngày nào cũng “How are you”, “I am fine, thank you”, “I am looking for a job”. Bỏ học, ông quyết tâm tự học, mỗi ngày chỉ một từ nhưng tìm hiểu tường tận về nó. Từ nào không hiểu ông lại lôi từ điển ra tra.

Khi tự tin hơn trong giao tiếp với người bản địa, ông bắt đầu đi tìm việc và được nhận vào làm phụ bếp trong bệnh viện nổi tiếng St Vincent’s. Công việc hàng ngày là rửa nồi niêu, chén bát và thái hành tây. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy đống hành tây lớn như vậy. Vừa gọt nước mắt vừa chảy giàn giụa vì cay quá, nhưng tôi không dám kêu, bởi có một công việc lúc đó là may mắn lắm rồi”, ông nói.

Xong công việc chính, ông tiếp tục lau chùi nhà bếp và gần như không có thời gian nghỉ. Mỗi ngày hai lần được nghỉ giải lao thì mỗi lần chỉ 15 phút để ăn sáng hoặc uống cà phê. Nếu nghỉ quá giờ, dù là 5 phút nhân viên đó sẽ bị trừ lương. “Con người ở đây làm việc như cái máy, rất mệt nhưng tôi lại thấy vui vì vừa có việc làm lại có tiền gửi về Việt Nam”, ông nói. Công việc này cũng giúp ông định hình tính cách – dù là việc nhỏ nhưng phải rất cẩn thận và làm cho tốt, gọt củ hành cũng phải cho dễ nhìn, sắp xếp chén bát sao cho đẹp mắt.

Sau thời gian ở St Vincent’s, với kinh nghiệm phụ bếp, ông tìm thêm việc làm thứ hai trong nhà bếp của một khách sạn 5 sao mới mở, mức lương cao gấp đôi. Chỉ thời gian ngắn, ông đã tích góp đủ tiền mua được ôtô.

Không yên phận là phụ bếp, ông xin vào học Đại học Sydney bán thời gian nhưng không được nhận vì cho rằng ông không có khả năng học. Sau đó, ông ghi danh học ở Đại học Macquarie, nơi mới mở môn dịch tễ học và thống kê học mà ông muốn theo đuổi, vì có liên quan trực tiếp với công việc mới – trợ lý nghiên cứu ở Phòng nghiên cứu và kế hoạch thuộc Bộ Y tế bang New South Wales.

Quá trình theo học, ngôn ngữ chính là yếu tố gây khó khăn nhất cho chàng sinh viên gốc Việt. Ông chỉ biết dựa vài dòng giảng viên ghi trên bảng để đoán xem ông ta đang nói gì. Để theo kịp các bạn, hàng đêm ông thường ngồi lại thư viện đọc sách và làm bài. Suốt 3 năm liền, đêm nào ông về đến nhà cũng 22-23h.

Sau khi hoàn tất luận án masters ở trường Macquarie, ông quay lại Đại học Sydney để làm trợ giảng và theo chương trình tiến sĩ. Đầu năm 1990, ông được “chiêu dụ” về làm tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan (Garvan Institute of Medical Research), thuộc Bệnh viện St Vincent’s. Viện là trung tâm đào tạo chuyên khoa cho Đại học New South Wales và Bệnh viện St Vincent’s – nơi ông làm đầu bếp hơn 9 năm trước.Giáo sư tại trường danh tiếng 

Lúc đó, Viện Garvan đang thực hiện nghiên cứu quy mô lớn về loãng xương. Họ cần người điều hành nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu phục vụ cho công bố quốc tế. Ông làm cùng giáo sư hàng đầu trong chuyên ngành, cũng là người sau này hướng dẫn luận án cho ông. Suốt 8 năm, ông dồn tâm trí vào việc học hành và nghiên cứu về nội tiết, xương và bệnh loãng xương, từ các vấn đề căn bản sinh học tới di truyền lâm sàng.

Năm 1994, trong một khám phá tình cờ, ông và một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ nảy ra ý tưởng nghiên cứu vai trò của di truyền tố thụ thể vitamin D (gọi tắt là VDR gene) trong xương. Nghiên cứu được công bố trên nhiều tạp chí hàng đầu thế giới và mở ra hướng đi mới trong chuyên ngành. Ông và thầy nhận được nhiều giải thưởng quốc tế từ công trình nghiên cứu về di truyền loãng xương.

Năm 2007, ông và một nghiên cứu sinh gốc Việt sử dụng các thành tựu nghiên cứu trước đây để xây dựng mô hình tiên lượng nguy cơ gãy xương, dựa trên nguyên lý “cá nhân hóa”. Mô hình có tên là “Garvan Fracture Risk Calculator” hay “Nguyen’s Model”, được giới bác sĩ khắp thế giới sử dụng trong quản lý lâm sàng bệnh nhân loãng xương. Mới đây, ông cùng nghiên cứu sinh khác tạo ra một “chữ ký gen” để tiên lượng gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh, và công trình được giải thưởng năm 2017. Năm 2015 khi Viện Garvan kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, ông là một trong 25 người được ghi nhận công trạng.

Năm 2008, sau nhiều năm phấn đấu cùng các thành tựu, ông được Hội đồng Quốc gia y khoa và y tế Australia (NHMRC) thưởng một “ghế nghiên cứu” gọi là research fellowship, trong 5 năm được cấp tiền để nghiên cứu khoa học. Mỗi năm chỉ 50-70 người trong số 2.000 ứng viên được nhận “ghế nghiên cứu” và ông là người Việt duy nhất ở Australia được trao.

Tiếp đó, Đại học New South Wales – tốp 50 thế giới – bổ nhiệm giáo sư cho ông. “Thời kỳ đó, người châu Á được phong giáo sư khó lắm. Tôi luôn đặt mục tiêu phải cố gắng làm sao cao hơn người bản xứ gấp 2 lần. Tức là, nếu tiêu chuẩn của họ đòi hỏi x thì mình cố gắng đạt 2x”, ông nói.

Hiện ông đồng thời là giáo sư ở Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Đại học Notre Dame Australia, nhận được nhiều lời mời giảng và hợp tác nghiên cứu từ các trường, viện của Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông có hơn 250 công trình khoa học công bố trên các tập san danh tiếng thế giới và là một trong những giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

Luôn hướng về Việt Nam

Dù mang quốc tịch Australia nhưng chưa bao giờ ông xem mình là người Australia. “Tôi nghiệm ra bản thân đang ở vị trí chông chênh giữa một bên là quê hương và một bên là nơi an cư lạc nghiệp. Australia đã cho tôi tất cả và tôi cũng đóng góp cho đất nước này hết mình, song vẫn khó gọi đất nước này bằng hai chữ quê hương”, ông nói.

Vì vậy khi có cơ hội, ông đều muốn đóng góp cho quê hương. Giáo sư Tuấn đã dùng kinh nghiệm cùng với nghiên cứu sinh viết bài về dioxin và công bố trên tập san y khoa quốc tế. Những bài viết đó sau này giúp cho vụ kiện dioxin ở Mỹ và được tổng hợp in thành sách.

Ngoài hàng chục lớp học chuyên ngành giảng dạy cho hàng nghìn bác sĩ trong nước, ông còn dành thì giờ hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam. Ông đã giúp đồng nghiệp và nghiên cứu sinh trong nước công bố hơn 35 bài báo khoa học trên các tập san hàng đầu trong thế giới y khoa.

Năm 2015, được Đại học Tôn Đức Thắng mời thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu về xương và cơ, ông cùng đồng nghiệp trong nước đã thực hiện công trình nghiên cứu loãng xương lớn nhất ở Việt Nam – “Vietnam Osteoporosis Study”. Ông muốn giải mã toàn bộ hệ gen cho 200 người Việt từ công trình nghiên cứu này. Và một trong những mục tiêu hướng tới là xây dựng mô hình tiên lượng bệnh tật cho người Việt dựa trên gen và các yếu tố môi trường, từ đó có những đóng góp mang tính đột phá mang tên Việt Nam cho y học thế giới.

Hàng ngày ông vẫn theo dõi tin tức từ Việt Nam. Ông tin rằng nếu hàng triệu người Việt Nam có được cơ hội và điều kiện học hành thì sẽ là ngôi sao của thế giới khoa học. “Tôi rời quê hương không phải là sự chối bỏ, mà bắt đầu cho việc trở về tốt đẹp hơn. Tôi tin một ngày không xa, tôi sẽ quay về quê nhà, để làm tròn bổn phận của một người được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam”, ông nói.

Theo Phạm Hương – Vnexpress

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...