Home Tin Nước Úc Du Học Úc Du học sinh Việt với nỗi ám ảnh khi thuê nhà tại Úc
Du Học ÚcTin Nước Úc

Du học sinh Việt với nỗi ám ảnh khi thuê nhà tại Úc

(www.Alouc.com) – Đi ở nhà thuê, bị chủ nhà chèn ép theo cách này hay cách khác là điều không có gì xa lạ đối với các bạn du học sinh. Nhưng có phải lúc nào du học sinh cũng là “nạn nhân” trong các rắc rối này? 

Mời cùng nghe chia sẻ của cựu du học sinh Ngọc Hân, đã từng trải qua cảnh đi ở thuê, và hiện giờ có nhà để cho sinh viên thuê lại.

Xem thêm: Những lưu ý sinh viên thuê nhà ở Úc sau vụ cựu vô địch Olympia bị kiện

Xem thêm: Du học sinh Úc và mẹo để tránh rắc rối khi đi thuê nhà

Phóng viên: Xin chào chị Ngọc Hân. Bình thường mỗi khi tìm đến chị Ngọc Hân là Kim Cúc muốn tìm hiểu thông tin về du học và di trú. Nhưng hôm nay thì chúng ta sẽ cùng trò chuyện về một đề tài khác, đó là việc đi thuê nhà và cho thuê nhà.

Hân thấy đề tài ngày hôm nay rất là thú vị vì ít nhiều liên quan đến hầu hết du học sinh tại Úc. Nó cũng làm cho Ngọc Hân nhớ đến những ngày đầu mình mới qua Úc với rất nhiều bỡ ngỡ khi thuê nhà và bây giờ nhà mình cũng thỉnh thoảng làm homestay host cho một số bạn du học sinh mới sang.

Phóng viên: Trước hết thì hãy nói từ phía người đi ở thuê, những năm tháng làm sinh viên đi ở thuê của chị như thế nào?

Có rất nhiều kỷ niệm vui buồn thời sinh viên đi thuê nhà. Trước khi bay khoảng vài tuần thì mình liên hệ được một anh đang là sinh viên cùng trường khi đó, mình hỏi anh xem mình học campus trong city thì nên ở chỗ nào để thuận tiện đi lại.

Rất may là nhà anh đang ở lúc đó còn phòng trống, thế là anh kết nối với chủ nhà cho mình để mình đặt phòng. Nhà mình ở với 4 sinh viên khác và ở cùng với chủ nhà luôn. Cô chú chủ nhà rất thân thiện và quan tâm tụi mình như con cái trong nhà và hướng dẫn tụi mình về văn hóa và phong cách sinh hoạt của Úc.

Một trong những điều đầu tiên mà mình học được khi đó là việc sử dụng năng lượng và tài nguyên có trách nhiệm. Thời điểm đó tiểu bang Queensland trải qua đợt khô hạn kéo dài nên nguồn nước rất khan hiếm, chính phủ làm rất nhiều tuyên truyền về việc giảm lượng nước sinh hoạt hàng ngày, thiết thực nhất là mỗi người nên cố gắng tắm trong 4 phút thôi. Nhiều bạn có thói quen tắm rất lâu nên có khi đang tắm thì không hiểu sao hết nước, vài lần như vậy thì tự điều chỉnh thời gian tắm của mình và làm quen dần.

Thỉnh thoảng chủ nhà cũng nhắc nhở mọi người về việc phân chia lịch trực dọn vệ sinh nhà cửa để bảo đảm công bằng cho tất cả sinh viên và mọi người trong nhà sạch sẽ sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

Mình ở đó khoảng 1 năm thì dọn ra ngoài thuê chỗ gần nơi mình đi làm để tiết kiệm thời gian đi lại. Mình thuê nhà qua real estate agent – một công ty quản lý nhà cho thuê. Lúc này mình mới bắt đầu để ý đến các thủ tục pháp lý rất chặt chẽ và có phần khắc khe về trách nhiệm của người thuê nhà.

Lúc thuê trực tiếp từ chủ nhà, mọi thủ tục rất đơn giản, hợp đồng thuê nhà cũng ngắn gọn và có phần dễ thở hơn so với sinh viên thuê phòng.

Còn khi thuê qua agent, giai đoạn nộp application xin thuê nhà, phía agent yêu cầu rất nhiều thứ, như chứng minh tài chính, chứng minh thu nhập để bảo đảm mình có khả năng trả tiền thuê nhà đều đặn và đúng hạn.

Họ còn yêu cầu check reference từ các chủ nhà hoặc agent trước đây mình đã thuê để xem việc ăn ở của mình có chấp nhận được hay không, mình có trách nhiệm trong việc gìn giữ nhà cửa, tài sản cho chủ nhà hay không, và quan trọng là chủ nhà cũ có recommend mình cho chủ nhà mới hay không. Ở Úc reference check rất quan trọng, và người cung cấp reference cũng đề cao uy tín cá nhân mình bằng cách cho reference đúng với những gì mình nghĩ.

Ví dụ, một sinh viên trước đây từng ở nhà họ mà thói quen sinh hoạt ồn ào, bừa bãi, không sạch sẽ hoặc bất cẩn làm ảnh hưởng đến người khác thì khả năng cao là chủ nhà sẽ không cho reference tốt về người này, và nếu bạn là người quản lý hoặc chủ nhà mới, bạn chắc cũng không muốn giao nhà của mình cho những người như thế đúng không?

Rồi đến khi kết thúc hợp đồng mình phải thuê người cleaner chuyên nghiệp để dọn phòng theo đúng tiêu chuẩn mà agent đề ra, trả lại hiện trạng phòng ốc như lúc mới dọn vào. Khoản tiền cleaning này cũng không phải ít so với thu nhập của sinh viên, nhưng đã là quy định thì mình không được làm khác. Nếu không agent sẽ tự thuê người cleaning cho mình và trừ chi phí vào tiền cọc của mình.

Cho nên, thuê nhà cũng là một cơ hội để sinh viên trau dồi thêm kỹ năng sống của mình, tập sống hòa đồng với mọi người, và sống có trách nhiệm với những người xung quanh và biết tôn trọng và gìn giữ tài sản mà mình thuê của người khác.

Phóng viên: Lúc đó chị có thấy chủ nhà khắt khe không?

Trước khi sang Úc mình cũng đã từng thuê nhà tại Sài Gòn hơn 5 năm nên cá nhân mình thấy chủ nhà không có gì khắc khe, ở đâu cũng phải có nội quy và mọi người phải tôn trọng và làm theo. Nếu ai cũng muốn sống theo ý mình mà không để ý đến người khác thì mình nghĩ các bạn ấy không nên ở nhà share với người khác mà hãy tự mua nhà và sống 1 mình.

Phóng viên: Bây giờ, sau khi có nhà và cho sinh viên thuê lại, ở vị trí chủ nhà chị thấy sao?

Nhà mình chỉ có 2 vợ chồng nên nhiều lúc sinh viên mới sang không quen biết ai hoặc gặp khó khăn trong việc tìm nhà trọ, tụi mình cũng sẵn lòng host các bạn cho đến khi các bạn quen thuộc với cuộc sống mới ở đây thì các bạn có thể tự tìm nơi ở mà các bạn thấy phù hợp.

Vì mình từng thuê nhà trong hơn 10 năm, nên mình rất hiểu tâm tư của du học sinh và cố gắng tạo điều kiện cho các bạn cảm thấy an tâm và thoải mái. Tuy nhiên, trong vai trò là chủ nhà, mình cũng phải có những quy định chung mà mọi người trong nhà, kể cả mình, phải tuân theo như chia sẻ trách nhiệm vệ sinh nhà cửa, dùng năng lượng có trách nhiệm, giữ gìn tài sản chung và tôn trọng người khác.

Những điều này nghe có vẻ bình thường, nhưng thực tế là không phải du học sinh nào cũng chủ động tuân theo. Nhất là những du học sinh lần đầu sống xa nhà và phong cách sinh hoạt lúc ở nhà được chiều chuộng, cái gì cũng có người khác làm cho.

Nhiều bạn 18, 20 tuổi mà chưa từng biết rửa cái chén hay không biết dùng nồi cơm điện như thế nào. Thật sự các bạn này rất thiếu kỹ năng sống cơ bản và cần rất nhiều thời gian để tự lập và trưởng thành.

Phóng viên: Chị có góp ý gì cho các bạn sinh viên để có thể sinh sống “hòa bình” với các bạn chung nhà và chủ nhà?

Ông bà mình có câu 9 người 10 ý. Ngay cả anh chị em ruột trong nhà nhiều lúc cũng không tránh khỏi xích mích, cãi vã, huống chi là du học sinh mỗi người có một nền tảng văn hóa, trải nghiệm và nhận thức khác nhau. Sống chung là một nghệ thuật. Cá nhân mình nghĩ đây là một cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ trải nghiệm, va chạm và trưởng thành.

Không nhất thiết là khi sống cùng với bạn bè đồng hương hay khác quốc gia các bạn phải hiểu hết mọi thứ về họ, nhưng điều tối thiểu là mọi người phải tôn trọng người khác và tôn trọng nội quy của cả nhà để không khí được thoải mái nhất.

Trong hơn 10 năm ở nhà thuê, mỗi nơi mình đều có những kỷ niệm vui buồn, nhưng phần nhiều đều là kỷ niệm đẹp đáng nhớ và mình có được những người bạn thân thiết như anh em.

Để được như vậy mình luôn cố gắng làm quen với nơi ở mới, sống cởi mở với bạn cùng nhà, cái gì chưa hiểu hoặc lấn cấn tụi mình đều nói ra một cách chân thành chứ không giữ trong lòng để rồi cảm thấy bực bội về nhau. Với mình, nhà phải là nơi mà bạn cảm thấy bình yên nhất khi quay về mỗi ngày. Mình thường nói với các em ở cùng nhà là dù các em chỉ ở đây thời gian ngắn, mình muốn các em xem đây là nhà chứ không phải là nhà trọ.

Phóng viên: Có những thủ tục hoặc giấy tờ gì mà 2 bên nên làm ngay từ đầu để tránh việc đưa nhau ra tòa khi có tranh chấp như trường hợp của một nữ du học sinh Việt Nam tai Melbourne cách đây chưa lâu?

Trong vai trò là người đi thuê phòng, các bạn cần hiểu rõ những cam kết về trách nhiệm và quyền lợi của mình trong hợp đồng và cần tuân thủ theo hợp đồng.

Trong vai trò là người cho thuê phòng, người cho thuê (dù là chủ nhà hoặc là cho thuê lại) cũng cần phải rạch ròi về các điều khoản và thỏa thuận với người đi thuê.

Thực tế có khá nhiều du học sinh đứng tên thuê nhà nguyên căn, sau đó share lại với các bạn khác. Rủi ro trong trường hợp này lớn hơn so với các bạn chỉ thuê 1 phòng cho cá nhân mình. Các bạn thuê nhà nguyên căn cũng phải chịu nhiều ràng buộc khắc khe từ agent và chịu trách nhiệm toàn bộ về tài sản thuộc về căn nhà.

Về phía các bạn thuê phòng lại từ người thuê chính, các bạn cũng nên có sự chia sẻ về trách nhiệm giữ gìn nhà cửa, tôn trọng hợp đồng và các nguyên tắc trong nhà.

Khi có xảy ra bất đồng, hãy nói chuyện cởi mở và chân thành với nhau. Thực sự khi phải đưa nhau ra tòa thì thiệt hại cho cả 2 bên là khó tránh khỏi.

Theo SBS

Related Articles

Quán quân Olympia 2019: Không đi du học Úc, không muốn bị coi là “nhân tài”

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 Trần Thế Trung...

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...