Home Tin Nước Úc Du Học Úc Du học sinh tại Úc bị bóc lột với mức lương 8 đô la một giờ
Du Học ÚcTin Nước Úc

Du học sinh tại Úc bị bóc lột với mức lương 8 đô la một giờ

Nhiều du học sinh tại thành phố Sydney, Úc phải chấp nhận làm việc với mức thù lao bèo bọt do nhu cầu cấp thiết về công việc để trang trải chi phí.

Du học sinh ở Sydney và các thành phố khác đang bị bóc lột trầm trọng bởi các chủ tiệm với mức lương thậm chí chỉ 8 đô la một giờ. Lý do là bởi họ quá cần công việc để trang trải chi phí sinh hoạt vốn rất đắt đỏ tại Úc, và họ cũng ít có hiểu biết về các quyền lợi hợp pháp của mình.

Mức lương tồi tệ dưới mức tối thiểu mà luật pháp quy định đã đẩy nhiều người vào việc vi phạm các hạn chế về visa vốn chỉ cho phép họ làm việc 20 tiếng một tuần và đối diện với nguy cơ bị trục xuất bất cứ lúc nào nếu bị phát hiện.

Phóng viên của Fairfax Media đã đến tìm hiểu tại một trường dạy tiếng Anh ở trung tâm thành phố Sydney, tại đó họ được hơn 50 du học sinh cho biết bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu 16,87 đô la một giờ.

Ít nhất hơn 10 người trong số các sinh viên quốc tế này cho biết họ chỉ được trả 10 đô la một giờ tại các nhà hàng Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam ở các khu vực Marrickville, Haymarket, Chatswood, v.v…

Một du học sinh Việt Nam cho biết cô chỉ được trả 9 đô la, trong khi nhiều người cho rằng họ biết bạn bè của họ chỉ được trả 8 đô la một giờ.

Một sinh viên người Ý cho biết cô làm việc 70 tiếng một tuần tại một shop cà phê Ý trong khi mỗi ngày vẫn phải đến lớp 4 tiếng đồng hồ.

“Tôi có thể làm gì đây? Tôi phải làm việc”, cô nói. “Tôi biết như vậy là phạm luật, nhưng tôi không thể làm việc ít hơn hay 20 tiếng một tuần. Tôi sẽ không tồn tại nổi.”

Dường như đến nay tình hình vẫn không khá hơn kể từ năm 2013 khi Fairfax Media tổ chức một cuộc điều tra và phát hiện hơn 40 nhà hàng ở Sydney trả lương cho nhân viên chỉ 8 đô la một giờ.

Trung tâm Pháp lý Redfern (Redfern Legal Centre) cung cấp dịch vụ trợ giúp sinh viên quốc tế và năm ngoái đã phải thụ lý 53 trường hợp bóc lột lao động sinh viên.

Giám đốc Trung tâm Jo Shulman cho biết, sinh viên thường không dám tố cáo vì sợ bị trả thù.

“Các ông chủ thường dọa sẽ báo Bộ Di trú để trục xuất họ nếu họ dám phàn nàn,” bà nói.

Wan tố cáo nhà hàng PappaRich trên đường Broadway trả lương thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu pháp luật quy định. (Ảnh: SMH)

Năm ngoái Fair Work Ombudsman (cơ quan bảo đảm quyền lợi cho người lao động) đã truy thu được 1,1 tỷ đô la tiền lương bị trả thiếu cho khoảng 700 du học sinh.

Một người phát ngôn cho biết, các du học sinh thường không nhận thức được quyền tại nơi làm việc của họ được luật pháp nước Úc bảo vệ và các rào cản về tuổi tác, ngôn ngữ, văn hóa làm cho họ dễ trở thành đối tượng bị bóc lột sức lao động.

Fair Work Ombudsman hiện đang điều tra nhà hàng Malaysia PappaRich trên đường Broadway sau khi nhận được tố cáo của các cựu nhân viên tại đây.

Một trong những người tố cáo là Wan, 25 tuổi, người Malaysia hiện đã tốt nghiệp đại học. Anh này cho biết chỉ được trả 13 đô la một giờ và không được trả superannuation cũng như bất kỳ quyền lợi khi làm ngoài giờ hay cuối tuần nào cả. Theo mức lương tối thiểu của ngành này do luật pháp quy định (industry award), lẽ ra Wan phải được trả 21 đô la một giờ.

“Có lẽ họ cứ nghĩ vì chúng tôi là sinh viên nên chúng tôi không biết quyền của mình,” anh nói. “Nhà hàng này là một thương hiệu nhượng quyền quốc tế lớn, chứ không còn là một cơ sở buôn bán nhỏ.”

Đồng nghiệp của Wan tên là Michelle, người mới tốt nghiệp Đại học Sydney, cho biết, cô tìm việc ở nhà hàng Malaysia vì nghĩ nơi đó sẽ làm cho cô cảm thấy gần gũi và có kết nối với quê nhà hơn.

“Chúng tôi tưởng chúng tôi sẽ là một phần của cộng đồng tại đây, nhưng tôi cho rằng họ không nghĩ như vậy,” cô nói. “Thi thoảng tôi làm 30 tiếng một tuần khi có nhiều hóa đơn đến hạn trả, sau đó giảm xuống còn 10 tiếng một tuần để không vượt quá mức cho phép 40 tiếng cho hai tuần. Tôi đã sống như vậy trong 4 tháng và gần như phát điên. Đó không phải là sống nữa.”

Chính phủ và ngành giáo dục Úc đang khuyến khích ngày càng nhiều sinh viên quốc tế đến Úc, và điều này làm cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng bởi vì nhu cầu công việc tăng lên, nhưng nguồn cung công việc lại gần như không được cải thiện.

Úc là một điểm đến đắt đỏ nhất cho sinh viên quốc tế, với học phí và chi phí sinh hoạt rất cao. “Du học sinh không thể vui về điều này, nhưng họ cảm thấy họ không có nhiều sự lựa chọn,” Jason Stewart, một giáo viên dạy tiếng Anh cho biết.

Nguồn: SMH

Related Articles

Quán quân Olympia 2019: Không đi du học Úc, không muốn bị coi là “nhân tài”

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 Trần Thế Trung...

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...