Home Tin Nước Úc Sydney Cabramatta – Sydney và sự tranh đấu của người Việt tại Úc
SydneyTin Nước Úc

Cabramatta – Sydney và sự tranh đấu của người Việt tại Úc

www.Alouc.com – “Ngày xưa ở Cabramatta” là bộ phim tài liệu kể lại những thăng trầm của cộng đồng người tị nạn gốc Việt tại Sydney trong bối cảnh xã hội Úc sau khi chính phủ Australia quyết định từ bỏ Chính sách Da trắng.

Được trình chiếu trong dịp Tết Nhâm Thìn trên truyền hình SBS, “Ngày xưa ở Cabramatta” (Once upon a time in Cabramatta) là câu chuyện chưa từng được kể về những thất bại, mất mát và thành công tại khu vực người Việt lớn nhất nằm tại vùng ngoại ô Sydney.

Cabramatta

Trả lời phỏng vấn của Bay Vút, cô Sue Clothier, một trong hai đạo diễn của bộ phim, nói: “Chúng tôi không muốn kể câu chuyện về thế giới xã hội đen của những người Châu Á”.

“Đoàn làm phim muốn đưa đến cho người xem cả quá trình 35 năm, từ những phút ban đầu đến ngày nay, của cộng đồng người Việt tại Australia”.

Bộ phim không phải được kể từ người ngoài cuộc mà là chuyện của những cá nhân gồm những người Việt cùng cảnh sát, chính trị gia và những nhân viên xã hội… tạo thành một tiếng nói đáng tin cậy. Với cá nhân Sue Clothier, đây là điều khó thực hiện nhưng tâm đắc nhất đối với cô.

<>Thế hệ bị đánh cắp

Bộ phim mở đầu với những hình ảnh dòng người tị nạn từ Việt Nam đổ vào Australia sau 1975, bắt đầu thay đổi hoàn toàn châu lục này. Đây là thời điểm nước Úc mới bắt đầu công nhận những người di dân và xóa bỏ Chính sách Da trắng. Cộng đồng người Việt được xem như một bằng chứng cho việc liệu đa văn hóa có phù hợp với nơi này.

Câu chuyện của các gia đình Hoàng và Lê trong phim cho thấy cuộc sống khó khăn trên vùng đất mới khiến những ông bố bà mẹ phải xa rời những đứa con thơ và làm việc không ngừng nghỉ bất cứ thời gian nào họ có thể. Thiếu sự hướng dẫn và sống trong những mặc cảm, khác biệt trong văn hóa gia đình giữa người Việt và xã hội Úc khiến cho một bộ phận thế hệ trẻ bị lạc bước và sa ngã vào tội lỗi.

Tony Hoàng và Joe Lê từng gia nhập giới giang hồ khi còn là những thiếu niên, xuất hiện trong phim như những đại diện của thế hệ bị đánh cắp.
“Có rất nhiều các huyền thoại xung quanh cái tên 5T”, Joe kể trong phim. “Tuy nhiên, tôi sẽ nói cho bạn nghĩa mà chúng tôi hiểu, đó là “tuổi thơ thiếu tình thương”.

Joe từng là thành viên của 5T – băng đảng tội phạm thiếu niên người Việt khét tiếng nhất tại Cabramatta một thời.

Mất phương hướng, không hiểu truyền thống và giá trị gia đình Việt khiến họ tìm đến hơi ấm ở những băng đảng xã hội đen của những thiếu niên như họ. Cuộc sống đường phố, đâm chém, cướp bóc và ma túy bủa vây và trói chặt họ.

Không nói được tiếng Việt là một lý do khiến Tony Hoàng tách rời gia đình.

“Điều khó chịu nhất với tôi là không thể nói chuyện với ba má khi tôi muốn”, Tony nói. “Đến tận bây giờ tôi cũng không thể hiện tình cảm với cha mẹ mình… vì rào cản ngôn ngữ…”

Rào cản ngôn ngữ cũng được xác định trong phim là nguyên nhân tạo nên một “bức tường câm”, cản trở quá trình hòa nhập của cộng đồng di dân người Việt cũng như sự phát triển của xã hội đa văn hóa tại Australia.

<>Những chương đen tối

Sự xuất hiện của những người Châu Á tại khu vực ngoại ô Sydney không những tạo nên những xáo trộn xã hội, tranh cãi chính trị mà còn mang theo cả những vấn nạn với nghiện ngập, ma túy và băng đảng xã hội đen. Trên thực tế, Cabramatta xuất hiện trên báo chí vào thập niên 80 và 90 như là một điểm đen của tội phạm và là “thủ đô bạch phiến” của Australia. “Ngày xưa ở Cabramatta” lần đầu tiên mở cánh cửa về những bí mật về hoạt động xã hội đen của các băng đảng người Việt tới người xem.

Cao trào của câu chuyện được đẩy lên với vụ ám sát chính trị đầu tiên trong lịch sử nước Úc. John Newman, một thành viên chính phủ bang New South Wales, bị bắn chết ngay trước mắt vợ chưa cưới của ông.

 

Ông Newman là nhân vật luôn lớn tiếng đả kích và phê phán cộng đồng người Việt không hòa nhập, đặc biệt là giới tội phạm người Việt không tuân thủ pháp luật Úc.

Cái chết của John Newman lúc đó không những đánh dấu sự bành trướng của hoạt động băng đảng tại Cabramatta mà còn là dấu chấm hỏi đối với sự tồn tại của chủ nghĩa đa văn hóa trên nước Úc vì đằng sau vụ ám sát chính là Phương Ngô. 

Phương Ngô là người mà cộng đồng người Việt từng hi vọng sẽ lãnh đạo và đại diện cho họ tại miền đất mới này.

Tại thời điểm đó, Cabramatta thực sự trở thành bản sao của thế giới ngầm tại Sài Gòn trong mắt xã hội Úc. Cảnh sát cũng như chính phủ nhìn khu vực này như một căn bệnh nan y khó chữa và dần mất kiên nhẫn.

Cabramatta tiếp tục bị nhấn chìm trong bóng đêm của ma túy và tội phạm.

Đây chính là điểm gút trong phim mà từ đó cộng đồng người Việt tại Cabramatta nhận thấy cần phải đứng lên để đòi quyền được bảo vệ.

<>Hòa nhập và được công nhận


“Chúng tôi đã tranh đấu rất lâu để được chấp nhận, để được đối xử công bằng như những người khác. Và rất nhiều lần chúng tôi từng nghĩ rằng điều này sẽ không xảy ra vì bất kể chúng tôi nỗ lực đến đâu cũng chẳng đem lại kết quả nào hết ”, Thắng Ngô nói khi nước mắt lưng tròng trong “Ngày xưa ở Cabramatta”. Đó là một cuộc đấu tranh bền bỉ của từng cá nhân như Tony Hoàng, Joe Lê hay gia đình Nguyễn chống lại ma túy cũng như của cả cộng đồng người Việt đòi quyền bình đẳng trong xã hội.

>>>Xem thêm clip giới thiệu ngắn về bộ phim “Ngày xưa ở Cabramatta”

Thắng Ngô là dân biểu chính quyền địa phương tại khu vực Fairfield thành phố Sydney từ năm 1999–2008 và là tiếng nói nỗ lực phá vỡ “bức tường câm” để cộng đồng người Việt hòa nhập vào xã hội đa văn hóa Úc.

Thắng Ngô kể rằng người Việt khi mới đặt chân tới Úc từng chấp nhận mình là công dân hạng hai và suy nghĩ rằng chính phủ, dịch vụ xã hội và cảnh sát không dành cho họ. Chính suy nghĩ này cộng với sự thờ ơ của những người Australia đương nhiệm đã tạo cơ hội để thế giới ngầm hoành hành cũng như cô lập cộng đồng người Việt trong giai đoạn đó.

Theo ông, thành công đến với người Việt khi họ xác định mình là người Australia chứ không phải chỉ là người di dân sống tại một Việt Nam thu nhỏ ở Cabramatta.

“Khi chúng ta đứng dậy và nói rằng “Chúng tôi cũng quan trọng như những người dân khác tại nước Úc. Chúng tôi cần cảnh sát bảo vệ, chúng tôi cần các dịch vụ hỗ trợ từ chính quyền”. cũng là lúc mọi chuyện bắt đầu thay đổi…”, ông nói.

“Đó là thời điểm chúng ta không còn xem mình là cộng đồng di dân nữa mà là những người Australia, chấp nhận tất cả các trách nhiệm và nghĩa vụ cũng như đòi hỏi tất cả quyền lợi của mình”.

Cabramatta

Giờ đây Cabramatta là một nơi hoàn toàn khác biệt so với thập niên 80-90. Theo Sue Clothier, nơi đây trở thành một phần của xã hội đa văn hóa của Australia và Việt Nam là một cộng đồng hết sức năng động.

“Cabramatta có rất nhiều nét ẩm thực thú vị và thu hút rất nhiều khách du lịch cũng như người dân đến đây vào mỗi tuần tham gia vào các hoạt động khác biệt. Đây trở thành một nơi tuyệt vời ”, cô nhấn mạnh.

Thắng Ngô thì khẳng định: “Nếu hỏi người dân hiện nay thì họ sẽ nói rằng người Việt là một trong những cộng đồng dân tộc tốt nhất tại Úc”.

Phần cuối của bộ phim tài liệu ba tập về cộng đồng Việt “Ngày xưa ở Cabramata” sẽ được trình chiếu trên kênh SBS vào ngày 22.1.2012. Trong kỳ tới về loạt bài Cabramatta này, Bay Vút sẽ có cuộc phỏng vấn khán giả Việt tại Úc về bộ phim này.

 

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...