Home Tâm Sự - Chia Sẻ Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 1 – Trần trụi ở…. trời Tây
Tâm Sự - Chia Sẻ

Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 1 – Trần trụi ở…. trời Tây

www.Alouc.com – “Rời quê hương theo chồng ra nước ngoài là ‘một cuộc cách mạng’, những phụ nữ Việt như một chiến sĩ đơn độc buộc phải lựa chọn tồn tại hay không tồn tại”, chia sẻ của một người vợ Việt tại Châu Âu. Câu chuyện phụ nữ Việt lấy chồng Tây, ở nước ngoài với sự khác biệt mọi thứ khiến tất cả phải “chiến đấu”. 

lấy chồng tây

Tôi vất vả với Paris, với những ngày đầu không nói bonjour (xin chào – tiếng Pháp) hay merci (cám ơn), chỉ mở miệng với mớ tiếng Mỹ xa xôi làm người Paris có cảm giác, tôi vẫn luôn là một người khách lạ, chỉ «ở» thôi, chứ không «sống» nơi này.
“Ở ” hay là “sống”?
Hôm kia trước khi rời khỏi Paris để chuyển về Bangkok, tôi một mình xuống đường, để có thêm vài bước chân con phố tôi đã đi mòn vẹt gót giày bốn năm qua.
Con phố dài, dốc là là, mà một bên một bên nắng vàng ấm làm người ta cứ vừa đi vừa muốn xoè hai tay ra để sưởi. Một bên bóng râm mát rượi mà đi một hồi, người ta lại rụt tay lại, muốn cho vào tận sâu đáy túi áo để tránh những luồng khí lạnh.
Phía trước, bên trái, bên phải, trên con phố, cái gì cũng quen. Nhưng đôi khắc, tôi đứng chựng lại ngẩn nhìn lên, cái toà nhà này, cái bầu trời xanh ngắt, nắng ruộm vậy mà gió lạnh khủng khiếp, vẫn còn có chút ngỡ ngàng.
Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 1: Trần trụi ở.... Paris - ảnh 1

Paris luôn hoa lệ, nhưng cuộc sống cũng không dễ gần

Paris không dễ gần, đó là câu nói cửa miệng đầu tiên của tôi khi có ai đó bảo tôi nhận xét về Paris. Thời tiết đã đỏng đảnh, có khi hoa nở trước khi mùa xuân đến hay đang giữa hè thì chợt trở mình đổ lạnh, Paris lại tỏ ra khó chịu khi người nào ở Paris rồi mà vẫn chào người Paris bằng tiếng Mỹ. Vậy nên tôi vất vả với Paris, với những ngày đầu không nói bonjour (xin chào – tiếng Pháp) hay merci (cám ơn), chỉ mở miệng với mớ tiếng Mỹ xa xôi làm người Paris có cảm giác, tôi vẫn luôn là một người khách lạ, chỉ “ở” thôi, chứ không “sống” nơi này.
Chẳng nhớ trong suốt thời gian bao lâu, tôi hay rụt rè đứng xếp hàng mua cái bánh mì baguette mỗi chiều tối, như thói quen của người Paris, hay vài cái bánh croissant cho bữa sáng cuối tuần. Lượt người mua trước tôi đi lâu rồi, tôi vẫn còn đứng thừ ngơ ngẩn vì mải tập trung lẩm nhẩm trong đầu để tập phát âm cho đúng tên món bánh muốn mua.
Dùng tay để chỉ thì trong một tủ mấy chục loại bánh lẫn lộn, người bán hàng sẽ cau mày, giọng làu bàu không mượt mà cho mấy: “Cái này à, hay cái này? Cái kia hả? Rốt cuộc là cô muốn cái nào?”.
Ở cửa hàng thịt thì ông chú bán hàng có vẻ thông cảm hơn cho một người nước ngoài mới đến, không nói tiếng địa phương lại còn bị bấn loạn bởi cơ man nào các loại thịt. Thịt bò đâu đơn giản là chỉ nói thịt bò là có thể mua được, mà phải loại nào: bavette, entrecôte, onglet (các phân loại thịt bò của Pháp), không dễ để chọn lựa khi trong đầu người mua, chẳng biết chúng dùng để làm gì.
Ông chú hàng thịt có vẻ kiên nhẫn hơn so với cô hàng bánh mì, nhưng không bằng sự nhẫn nại chọn lựa của cô khách nên mắt châu mày chau. Rốt cuộc, vì ái ngại cho sự chần chừ khá lâu của mình, tôi lắp bắp nói bừa một cái tên món thịt, còn làm gì với nó thì sẽ nghĩ, tìm cách sau.
Bước chân vào cửa hàng ăn nhanh châu Á giữa phố, tôi cố gắng nói rõ ràng, chậm rãi câu tiếng pháp “Con là người Việt Nam” khi cô chủ bán hàng tầm ngoài 60 hỏi. Tôi mừng phát thét lên khi cô đáp lại tôi tiếng Việt “A, tôi nói được tiếng Việt. Nhưng tôi là người Lào”. Cảm giác thân thuộc vô cùng khi được trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ sau nhiều ngày cứ ấp a ấp úng ngoại ngữ.
Cô động viên tôi: “Ừ tiếng Pháp khó lắm con ơi, cố lên. Tôi ở đây 10 năm rồi, cô mới có mấy tháng thôi”. Tôi cám ơn cô rồi mua một cái rouleaux printemps, là gỏi cuốn tôm thịt, ngồi ăn trong lòng có chút buồn bã bởi cái vị ngọt lừ của đường pha trộn với nước lã của chén nước mắm chấm chua cay.
Ném cuốn sách đi và cười ha hả
Tôi vào một trường đại học để bắt đầu khóa vỡ lòng tiếng Pháp. Khóa học hơn 20 người, hầu hết người Ý, Tây Ban Nha. Trong khi tôi còn phải cắm mặt vào bảng chữ cái A, B, C, họ đã có thể cãi nhau bằng tiếng Pháp. Thấy tôi toát mồ hôi vào khi đọc bài, họ nhìn tôi an ủi : “Bọn tao nói tiếng Tây Ban Nha với tiếng Ý, mà Pháp, Ý, Tây Ban Nha cùng hệ ngôn ngữ, tương đồng nhau, nên tụi tao học nói nhanh. Chứ đọc bài không hơn gì mày đâu”.
Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 1: Trần trụi ở.... Paris - ảnh 2

Một cửa hàng bánh mì Paris

Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 1: Trần trụi ở.... Paris - ảnh 3

Khung cảnh Paris

Vợ Việt nơi đất khách: Kỳ 1: Trần trụi ở.... Paris - ảnh 4
Mà thật, khi cầm cuốn sách lên tập đọc, ai cũng là học trò lớp một. Sau mỗi lần ngắc nga ngắc ngứ như gà mắc tóc, chúng bạn cười ha hả ầm lên. Chúng ném sách trêu nhau, rồi tinh nghịch phân trần với cô giáo: “Cô biết mà, tiếng Pháp đâu có dễ”. Còn tôi thì tay chân trở nên luống cuống, tim đập nhanh hơn, mặt nóng bừng. Cô bạn người Hồng Kông và người Thỗ Nhĩ Kỳ hiểu được cảm giác này.
Chúng tôi kết bạn, đi thư viện, làm bài tập tiếng Pháp với nhau, nhưng giờ giải lao hay vào quán cà phê vẫn luôn tâm sự với nhau bằng tiếng Mỹ. Cô bạn Hồng Kông bảo không thích tiếng Pháp, bạn trai người Pháp bảo học thì học thôi. Cô người Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình huống kém tự do hơn, chồng cô vốn là cựu nhà báo, sau trở thành tù chính trị. Cô lưu vong đến Pháp, do đó việc học tiếng Pháp liên quan đến tương lai của cô hơn là một sở thích. Khi được hỏi sẽ theo tiếng Pháp đến cùng không, tôi trả lời không biết nữa.
Nhưng thực sự lúc đó, trong đầu tôi, không phải bài đọc tiếng Pháp khó khăn đến mức nào, chỉ ước mình có thể cười ha hả, ném cuốn sách đi, rồi buông một câu nhẹ tênh, như chúng bạn người châu Âu.
“Cô biết mà, tiếng Pháp đâu có dễ!”
Theo Thanh Niên