Home Tâm Sự - Chia Sẻ Năm dấu hiệu của người nghiện mua sắm
Tâm Sự - Chia Sẻ

Năm dấu hiệu của người nghiện mua sắm

Đô la Úc

Mua sắm là một thú vui ưa thích của nhiều người Úc. Tuy nhiên, nghiện mua sắm có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng – từ phá vỡ các mối quan hệ đến phá sản.

Nghiện mua sắm là nhu cầu chi tiêu vượt mức không thể kiểm soát để bù đắp cho những cảm xúc tiêu cực hoặc thể hiện sự thiếu tự tin. Theo số liệu ước tính, khoảng 6 phần trăm người trưởng thành ở Úc mắc chứng rối loạn mua sắm.

Thói quen mua sắm đã ăn sâu vào văn hóa Úc nên các thuật ngữ như “nghiện mua sắm” và “mua sắm thả ga” thường được sử dụng để đùa cợt.

Theo các chuyên gia, khoảng sáu phần trăm dân số Úc mắc chứng rối loạn nghiện mua sắm (chứng oniomania). Chứng bệnh này cũng nghiêm trọng như các hành vi nghiện ngập khác.

Bà Michelle Laving, chuyên gia nghiên cứu về hiện tượng nghiện mua sắm làm việc tại Sydney, mô tả thói quen này là hiện tượng “liên tục mua sắm bất chấp những hậu quả tiêu cực như làm căng thẳng mối quan hệ hoặc đối mặt với những khó khăn về tài chính và các vấn đề pháp lý”.

Theo bà Laving, mặc dù phụ nữ chiếm đa số trong những người cần sự trợ giúp, đàn ông cũng mắc chứng rối loạn này.

Dưới đây là năm dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc chứng nghiện mua sắm.

Nợ chồng chất

Người nghiện mua sắm sẽ chi tiêu nhiều hơn số tiền họ đủ khả năng chi trả, thường phải vật lộn để thanh toán nhiều khoản nợ. (AAP)
Người nghiện mua sắm sẽ chi tiêu nhiều hơn số tiền họ đủ khả năng chi trả, thường phải vật lộn để thanh toán nhiều khoản nợ. (AAP)

Nếu chỉ thỉnh thoảng mua sắm để giải tỏa tâm trạng có thể thực sự tốt cho bạn, nhưng mua sắm sẽ trở thành một vấn đề khi nó dẫn đến gánh nặng tài chính và những khoản nợ trên thẻ tín dụng.

“Những người nghiện mua sắm sẽ tiếp tục dồn nợ và dành nhiều thời gian chuyển đổi tài khoản hoặc cân đối hóa đơn để phù hợp với thói quen chi tiêu của họ”, bà Laving nói.

Cô Madeleine Klaic, một người nghiện mua sắm tự thú nhận rằng cô bị nợ nần chồng chất do chi những khoản tiền khổng lồ mua quần áo và mỹ phẩm.

“Tôi có thể tiêu đến 1,000 hoặc 2,000 đô-la trong một ngày, nếu tôi nhìn thấy những thứ mà tôi thích. Tôi dường như không có ‘nút dừng’, ” Madeleine kể.

“Vì vậy, tình trạng của tôi trở nên rất tồi tệ, có thời điểm tôi cảm thấy rất lo lắng vào ban đêm và căng thẳng với các khoản nợ.”

Cô gái 22 tuổi này hiện đang thực hiện một “nỗ lực có ý thức ngăn chặn chứng nghiện mua sắm” để tiết kiệm tiền mua căn hộ riêng.

“Tôi chuyển tiền thanh toán cho căn hộ để số dư thẻ tín dụng của tôi bằng không. Sau đó, tôi ngừng dùng thẻ đó ngay lập tức, “cô nói.

“Tôi giảm các mức giới hạn khác xuống khoảng 1000 đô-la để thậm chí tôi không có lựa chọn đó để chi tiêu … vì mua sắm là thú vui giống như đam mê một trò chơi cho đến khi bạn phải thanh toán nợ.”

Giấu giếm khó khăn

Người nghiện mua sắm sẽ tiến xa tới mức giữ bí mật các khoản chi tiêu và mua sắm. (ABC: Nic MacBean)
Người nghiện mua sắm sẽ tiến xa tới mức giữ bí mật các khoản chi tiêu và mua sắm. (ABC: Nic MacBean)

Để tránh bị những người khác chỉ trích, người nghiện mua sắm sẽ thường che giấu thói quen này hay nói dối về giá thực của những món đồ họ mua.

“Họ sẽ giữ bí mật việc chi tiêu và mua sắm với những người gần gũi với họ”, bà Laving nói.

“Họ có thể nói dối để che giấu việc mua hàng hay ăn cắp từ những người thân yêu.”

Người thích mua sắm cũng có thể mở nhiều tài khoản thẻ tín dụng hoặc làm thêm một công việc khác để chi trả cho thói quen chi tiêu của họ, để mọi người ảo tưởng rằng việc chi tiêu của họ trong tầm kiểm soát.

Ms Klaic nói cô nhận ra việc chi tiêu của cô có vấn đề khi cô “không thể chất thêm bất cứ thứ gì vào căn hộ nhỏ bé của mình”.

“Vì vậy, một hôm mẹ tôi tới thăm và tôi thú nhận rằng tôi có thẻ tín dụng bởi vì bà không biết – bà nghĩ những món đồ xinh đẹp được mua từ tiền lương của tôi. Tôi và mẹ bỏ thẻ tín dụng của tôi vào một cốc nước đặt nó trong tủ lạnh. Trớ trêu thay, tôi rã đông nó một vài ngày sau đó bởi vì tôi mua tặng mẹ vé Ed Shereen vào Ngày của Mẹ và tôi cần thẻ tín dụng để thanh toán tiền vé. Sau đó, tôi không nhét thẻ vào tủ lạnh nữa. ”

Phá vỡ mối quan hệ

Như với các hành vi gây nghiện khác, chi tiêu tùy hứng có thể gây những hậu quả tiêu cực đối với đời sống gia đình và các mối quan hệ.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần nói rằng sự căng thẳng trong mối quan hệ có thể xảy ra khi một người dành quá nhiều thời gian mua sắm, bao che cho các hành vi của họ bằng sự lừa dối hay cô lập mình với những người khác.

“Điều này có thể phá vỡ mối quan hệ,” Ông Adam Szmerling, nhân viên tư vấn tại Trung tâm trị liệu tâm lý Bayside ở Melbourne, nhận định.

“Mọi người chỉ đến bệnh viện vào thời điểm khủng hoảng, thường là khi nhận được tối hậu thư của vợ hoặc chồng. “Nếu cảm thấy mất kiểm soát và có cảm giác trầm cảm hay vô dụng, lúc đó bạn cần tìm sự trợ giúp của đội ngũ chuyên gia.”

Bù đắp cho cảm xúc tiêu cực

Hứng thú mua sắm thường được xem như là lối thoát cho tâm trạng đau khổ. (ABC: Nic MacBean)
Hứng thú mua sắm thường được xem như là lối thoát cho tâm trạng đau khổ. (ABC: Nic MacBean)

“Thường xuyên mua sắm hoặc chi tiêu quá nhiều là một cách để kiểm soát những cảm xúc như giận dữ, buồn bã, cô đơn và chán nản,” Bà Laving nói.

“Họ cảm thấy tâm hồn trống rỗng. Họ không bao giờ cảm thấy đã mua đủ những gì họ không cần. Một số người tiêu tốn những khoản lớn nhưng họ vẫn cảm thấy không hài lòng và trống rỗng trong cuộc sống. ”

Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang San Francisco phát hiện thấy một người bị chứng nghiện mua sắm bị thúc ép chi tiêu vì họ “hy vọng mua sắm sẽ cải thiện tâm trạng và biến đổi họ”.

Theo Phó giáo sư Ryan Howell, nghiên cứu năm 2013, được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Kinh tế, cho thấy xu hướng nghiện mua sắm cũng có các giá trị vật chất.

Mặc dù nguyên nhân gốc rễ của chứng nghiện mua sắm có thể khác nhau tùy theo từng người, ông Szmerling lưu ý rằng chứng nghiện này thường xảy ra khi có “những khó khăn tiềm ẩn”.

“Thông thường những người này đi một mình khi cần tư vấn,” ông cho biết.

“Tôi cho rằng bệnh nghiện mua sắm hình thành để giải quyết một vấn đề cụ thể mặc dù biện pháp này không thành công vì nó khiến người ta cảm thấy tồi tệ hơn rất nhiều.

“Nếu bạn thấy mình quay lại cửa hàng bách hóa bạn từng thề không bao giờ quay trở lại … nhưng bạn vẫn tiếp tục đi thì bạn đang gặp những vấn đề sức khỏe khác như trầm cảm, lo lắng và thiếu tự tin.”

Cố dừng nhưng không thể

Đối với nhiều người nghiện mua sắm, các mặt hàng bán lẻ - cả trong cửa hàng và trên internet - là yếu tố kích thích chính để họ chi tiêu vượt mức. (ABC Giulio Saggin)
Đối với nhiều người nghiện mua sắm, các mặt hàng bán lẻ – cả trong cửa hàng và trên internet – là yếu tố kích thích chính để họ chi tiêu vượt mức. (ABC Giulio Saggin)

Người nghiện mua sắm có thể nhận ra họ có vấn đề và sẽ cố gắng giữ trong tầm kiểm soát, nhưng cuối cùng lại quay trở về hành vi cũ.

“Thông thường họ sẽ cảm thấy khó giảm hoặc ngừng mua sắm quá đà mặc dù họ đã cố gắng dừng lại,” bà Laving nhận định.

Trong một số trường hợp, có người nghĩ rằng tình trạng của họ trong tầm kiểm soát bởi vì họ không tiêu tiền mua sắm trong các cửa hàng nhưng họ lại chi tiêu số tiền quá lớn khi lướt web.

Bà Laving khuyến cáo những người nghiện mua sắm cần trợ giúp từ một chuyên gia tài chính hay một nhân viên tư vấn chuyên nghiệp để vượt qua chứng nghiện của họ.

“Trước hết, chúng ta cần phải thừa nhận rằng hành vi của họ là có vấn đề,” bà nói.

“Hiểu những nguyên nhân gây nên chứng nghiện mua sắm, ví dụ như tâm trạng, sự căng thẳng trong mối quan hệ, ý muốn thể hiện đẳng cấp, rồi tìm chiến lược đối phó thay thế để giải quyết với các yếu tố kích thích này.

Khi bạn cảm thấy bị lôi cuốn mua sắm, hãy cố gắng tạm dừng bằng cách tự hỏi, “Tại sao tôi lại ở đây? Tôi có cần thứ này không? Tôi sẽ trả tiền bằng cách nào? ”

“Hãy xem xét tình hình tài chính và lên kế hoạch trả nợ – nhân viên tư vấn tài chính có thể hỗ trợ bạn. Và bạn hãy cân nhắc kế hoạch tiết kiệm nữa. ”

Thế Anh – Theo Vietucnews