Home Tâm Sự - Chia Sẻ Tâm sự du học Úc: Ở thì làm gì – Về thì làm gì ?
Tâm Sự - Chia Sẻ

Tâm sự du học Úc: Ở thì làm gì – Về thì làm gì ?

Báo Úc – Trong chứng khoán có một nguyên tắc thế này: ‘Đừng ngược sóng nếu không muốn bị sóng đè”, cho nên đừng cố gắng làm những việc ngoài khả năng của bản thân và gia đình, cũng như đừng máy móc làm theo lời khuyên của ai đó vì chỉ có bạn mới hiểu rõ chính mình và biết cần phải làm gì.

Tâm sự ở hay về

Từ câu hỏi không lời giải

Là du học sinh, hoặc chuẩn bị là du học sinh, chắc ai cũng đau đáu trong mình một câu hỏi muôn thuở “Du học sinh nên ở hay nên về?”. Sự kiện ầm ĩ mới đây rằng chỉ có 1 trong 13 bạn đường lên đỉnh Olympia trở về càng khiến các bạn du học sinh ca bài “hoang mang”. Nhưng tôi nghĩ nguyên nhân chính của là chúng ta đã “đặt sai câu hỏi”, bản thân câu hỏi “Nên ở hay nên về?” đã là một câu hỏi không lời giải vì nó có quá nhiều biến số và tùy thuộc vào quá nhiều hoàn cảnh. Thí dụ như cậu bạn làm cùng chỗ với tôi dân Hà Tĩnh đã muốn ở lại ngay từ đầu nên bạn ấy sẵn sàng trốn học đi làm, làm đủ thứ từ hợp pháp đến không chỉ để ở lại, cô bạn khác sau 7 năm đã có TR (Temporay Visa) 2 năm nhưng được 3 tháng lại phải quay về vì mẹ bị Ung thư vú. Mỗi con người sinh ra khác nhau, lớn lên trong hoàn cảnh khác nhau và có những suy nghĩ khác nhau, nó khiến câu hỏi “nên ở hay nên về?” trở thành bất định và nhảm nhí. Do vậy, hãy cùng tôi trở lại tận cùng và đặt một câu hỏi khác “Du học Úc: Ở thì làm gì?, Về thì làm?”, một câu hỏi mở hơn và tôn trọng sự lựa chọn của mỗi con người. Bài viết này không nhằm tán dương nước Úc cũng không phải gắn cái mác tiêu cực vào nó, mà tôi chỉ mong rằng, bài viết này sẽ thực tế đến mức có thể để dành cho các bạn quyền lựa chọn tương lai của mình.

1-Hoang hon o Canberra

                             Hoàng hôn ở Canberra

Ở thì làm gì?

Đầu tiên, với những bạn chuẩn bị qua hoặc mới qua hãy chấp nhận cái sự thật phũ phàng rằng bạn là người nhập cư, đừng mong chờ rằng bạn sẽ có một công việc “ngon ăn” hay lên được những vị trí cao. Bạn sẽ phải đối mặt với đủ thứ rào cản vô hình từ ngôn ngữ, văn hóa, quan hệ, giao tiếp, cạnh tranh,v.v… cho đến những thứ nặng nề như nạn phân biệt chủng tộc ngầm mặc dù tội “racism” là tội rất nặng ở Úc. Cho nên, dù bạn đã có IELTS 7.0, hãy nhớ rằng tiếng Anh Úc khác với Anh Anh và Anh Mỹ và cái thứ tiếng Anh chúng ta học là International English, nghĩa là nó chỉ là chuẩn chung, nên đừng bối rối khi bạn “như vịt nghe sấm” trong mấy tháng đầu đặt chân tới Úc. Do vậy, đa số du học sinh đặt chân lên nước Úc phải bắt đầu với những công việc nặng nhọc và bị bóc lột nặng nề, lương từ 10-12 AUD (so với $16 tối thiểu), tại các tiệm Tàu hay tiệm người Việt. Dĩ nhiên là sau một thời gian, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn khi bạn đã dần quen với cuộc sống xung quanh.

2-Lam viec o cho Footscray, tu khuan vac den thu ngan

                       Làm việc ở chợ Footscray từ khuân vác đến thu ngân

Tiếp theo, nếu quyết định định cư tại nước Úc, bạn sẽ có một cuộc sống khá thoải mái tại một trong những đất nước đáng sống nhất hàng tinh, với 2 thành phố nằm trong top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới. Bạn sẽ nhận được một trong những hệ thống an sinh xã hội tốt nhất thế giới, thậm chí tốt hơn cả Mỹ, với cuộc sống bình yên, môi trường trong sạch và những công viên bạt ngàn cây xanh. Môi trường giáo dục ở Úc cũng thuộc hàng top của thế giới với đủ thứ trường nghề, trường đại học mà chắc các bạn đã nghe rất nhiều. Nói chung mọi thứ sẽ như trong “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” và bạn “chỉ cần sống tốt thôi, những việc khác cứ để chính phủ lo”.

3-cuoc song yen binh o Uc 1

                             Cuộc sống bình yên ở Úc

Nhưng mọi thứ luôn là một cuộc chơi “được-mất”, là dân nhập cư, bạn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt nếu muốn vươn cao trong hệ thống. Thử nghĩ xem làm sao bạn có thể hiểu rõ người Úc hay có nhiều mối quan hệ bằng chính những người lớn lên tại đó? Và nếu không hiểu họ thì làm sao bạn có thể ngồi vào ghế quản lý được? Những hiện tượng như các đường lên đỉnh Olympia vốn rất hiếm, 13 năm chỉ có 13 người và họ nhận được rất nhiều lợi thế từ học bổng, giáo dục và có nhiều thời gian cho việc học và được tuyển ngay khi ra trường thay vì phải cày cuốc kiếm tiền nuôi thân. Nhìn chung, đa phần mọi người sẽ phải cày 5-7 năm tuổi trẻ chỉ để có được giấy phép định cư lâu dài ở Úc, cho nên hãy nghĩ cho kỹ.

Vậy về thì làm gì?

Tôi đã từng nghe một ông chủ công ty người Việt cho anh con đi học tài chính ở Mỹ rồi về quản lý công ty, rốt cuộc công ty ngày càng đi xuống chỉ vì anh con áp dụng hệ thống kế toán “một sổ” quá minh bạch. Tham nhũng, lương thấp, giao thông lộn xộn, môi trường bẩn, hối lộ,v.v… dĩ nhiên là người Việt Nam chẳng ai mà không biết những trở ngại đó khi trở về. Khác biệt về phong cách làm việc, văn hóa làm việc cũng khiến rất nhiều du học sinh bị sốc nặng khi trở về Việt Nam sau một thời gian dài học tập và làm việc ở nước ngoài. Nếu như có vô vàn lý do để ở lại Úc thì chắc cũng có vô vàn lý do để không trở về Việt Nam.

4-Duong pho sai gon

                              Đường phố Sài Gòn

Nhưng một người anh thân thiết của tôi đã nói như thế này “ở đâu có khó khăn, ở đó có cơ hội”, hãy nhớ Việt Nam là một đất nước đang phát triển nên chắc chắn phải đầy những khó khăn và thách thức từ cơ chế chính sách cho đến môi trường làm việc, nhưng chính sự tồn tại cái “chưa tốt” là cơ hội để “làm tốt hơn” .Thêm nữa vì bạn là người Việt Nam, lợi thế lớn nhất của bạn là biết tiếng Việt, văn hóa Việt đã thấm nhuần trong con người của bạn và chỉ có “người Việt mới hiểu rõ người Việt” mà thôi.  Là một du học sinh trở về, bạn càng có nhiều cơ hội để “tỏa sáng” với đầy đủ những lợi thế từ kiến thức đến ngoại ngữ, bạn có quyền mơ những giấc mơ về xây dựng đất nước và có những mối quan hệ đầy đủ để thực hiện điều đó. Và nếu như đủ sức, bạn hoàn toàn có thể “leo cao, luồn sâu” và trở thành một hiện tượng.

5-30 under 30

                                       30 under 30

Trở lại một chút với thực tại khốc liệt, dù sao nếu trở về, hãy chấp nhận bắt đầu từ vị trí vừa phải, với mức lương vừa đủ, vì bạn sẽ cần một chút thời gian để làm quen lại với môi trường và phong cách làm việc. Hãy bao dung với người khác và khắt khe với bản thân, đừng mong chờ sẽ nhận được sự “chuyên nghiệp” ở một đất nước “không chuyên”, mỗi đất nước có một số phận riêng và nếu bạn muốn trở về hay bắt buộc phải trở về, hãy chấp nhận “số phận” của đất nước.

6-Xem lam thuong binh o Ha Noi

                           Xe lam thương binh ở Hà Nội

Lời kết

Trong chứng khoán có một nguyên tắc thế này: ‘Đừng ngược sóng nếu không muốn bị sóng đè”, cho nên đừng cố gắng làm những việc ngoài khả năng của bản thân và gia đình, cũng như đừng máy móc làm theo lời khuyên của ai đó vì chỉ có bạn mới hiểu rõ chính mình và biết cần phải làm gì. Như một du học sinh, tôi chỉ muốn nêu ra một phần nào đó những nhìn nhận của bản thân về những khó khăn và cơ hội ở 2 nơi, còn câu hỏi “Ở hay về?” thì rất tiếc tôi sẽ để nó cho bạn tự trả lời.

Xem thêm những bài tâm sự – chia sẻ du học Úc:

Theo OZ Du học