Home Tâm Sự - Chia Sẻ Tâm Sự : Câu chuyện của chúng tôi sau 40 năm tại Úc
Tâm Sự - Chia Sẻ

Tâm Sự : Câu chuyện của chúng tôi sau 40 năm tại Úc

Tâm Sự : Câu chuyện của chúng tôi sau 40 năm tại Úc
Tâm Sự : Câu chuyện của chúng tôi sau 40 năm tại Úc

Bốn mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, một nhóm thanh niên Úc gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai đã gặp mặt để đọc và chia sẻ với nhau những mẩu, qua đó nhìn lại sự kiện này cũng như căn tính của mình. 

Ngày 30 tháng Tư, kỷ niệm ngày Sài Gòn Thất thủ, có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng người Việt tại Úc. Hàng nghìn người đã bị buộc phải bỏ quê hương, với rất ít chuẩn bị trước đó và trong một hoàn cảnh bi thương, không biết tương lai về đâu.

Bốn mươi năm sau, khi một nhóm nhà văn trẻ người Úc gốc Việt gặp mặt và chia sẻ về những câu truyện mà họ viết, họ nhanh chóng nhận ra rằng quan điểm và mối quan tâm của họ về sự kiện này rất khác biệt.

Họ nhận thấy ngày kỷ niệm này là một cơ hội để  tìm hiểu và cho thấy sự đa dạng trong những trải nghiệm của cộng đồng người Việt ở Úc từ thập niên 70 bằng việc tổ chức một sự kiện với tên gọi ’40 years on: a night of Vietnamese Australian stories’ (40 năm sau: đêm về những câu chuyện của người Việt ở Úc).  

Chúng tôi đã đề nghị sáu nhà viết văn trẻ này chia sẻ với chúng tôi về công việc của họ, những câu truyện họ sẽ đọc và cảm nhận về sự kiện đã thay đổi gia đình và cộng đồng người Việt mãi mãi.

Sheila Ngọc Phạm
Sheila Ngọc Phạm
Sheila Ngọc Phạm (Ảnh được cung cấp).

Sheila Ngọc Phạm cho biết ba má cô là người miền Nam và vượt biên bằng thuyền đến Úc năm 1980. Kể từ đó đến nay họ chưa từng quay lại Việt Nam.

“Tôi sinh ra tại Úc và chỉ đi du lịch Việt Nam lần đầu tiên vài năm trước và chuyến đi đầu tiên đó là một trong những trải nghiệm ngoài sức tưởng tượng trong cuộc đời của tôi.”

“Tôi hiện vẫn đang tìm kiếm mối quan hệ của mình với Việt Nam ngày nay và tôi nghi ngờ rằng tôi sẽ không bao giờ thật sự hiểu được mối quan hệ của tôi với đất nước này, vì quá nhiều phần trong con người như hiện nay của tôi đã được hình thành bên ngoài nơi đấy.”

Cô cũng cho biết rất khó để tả được cảm giác của cô đối với sự kiện này.

“Một mặt, sự kiện này hết sức bi thương vì chiến tranh Việt Nam đã chia cắt đất nước trên mọi mặt với số thương vong không thể đếm được.”

“Nhưng mặt khác, với một người như tôi, được hưởng những lợi ích trực tiếp từ cuộc chiến, được lớn lên ở Úc, thì điều này không thể xảy ra nếu không có sự kiện đó.”

Shelia cho biết ngoài những cảm xúc phức tạp, kỷ niệm ngày ANZACmới đây cũng đóng vai trò tác động đến cô về kỷ niệm 30 tháng Tư.

“Một lý do khác tại sao sự kiện này lại đọng lại trong suy nghĩ của tôi trong nhưng năm gần đây là tôi có thể thấy mọi người chú ý rất nhiều với kỷ niệm 100 năm Gallipoli (Chiến tranh thế giới I) và là một xã hội chúng ta rất bình thường với điều đó; tuy nhiên chiến tranh Việt Nam lại có vẻ như là một sự kiện mà chúng ta không cảm thấy thoải mái để nói chuyện với nhau, mặc dù nó có một ảnh hưởng rất lớn đến Úc.”

Đối với Shelia, câu chuyện về những người di dân và người tị nạn đóng một vai trò quan trọng và hiện bị xem nhẹ trong lịch sử nước Úc. Điều này cũng khiến sự kiện 40 Years On càng có ý nghĩa lớn hơn.

“Có rất nhiều những câu chuyện ý nghĩa mà chúng ta chưa từng được nghe trong một sự kiện dành cho công chúng, và tôi tin điều này đặc biệt đúng với những câu chuyện của người di dân ở Úc. Dành thời gian lắng nghe câu chuyện của nhau là cách để chúng ta hiểu được những người chúng ta gặp mặt mỗi ngày tốt hơn.”

Shirley Lê
Shirley Lê
Shirley Lê (Ảnh được cung cấp).

Shirley Lê được sinh ra ở Úc nhưng ba má cô là người Việt Nam và cô được dạy để nói, đọc và viết tiếng Việt thành thạo.

“Đối với tôi, 40 Years On có ý nghĩa rất quan trọng đối với những thanh niên người Úc gốc Việt như tôi vì có rất ít những sự kiện được tổ chức cho đối tượng khán giả này,” cô nói.

Shirley giải thích rằng cô muốn qua sự kiện này cho thấy rằng người Việt ở Úc không phải chỉ là một định nghĩa. Theo cô, cộng đồng luôn luôn thay đổi, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

“Ngày nay, tôi có cảm thấy có một cảm giác ngày càng gia tăng giữa những người trẻ, từ các cộng đồng thiểu số, từ chối thể hiện mình theo những định kiến có trước. 40 Years On, theo cách của riêng nó, là một khoảng khắc tự thể hiện mình của chúng tôi, với tư cách là những cá nhân trong một cộng đồng hải ngoại đặc biệt.” 

Shirley nhận ra rằng việc nhắc lại sự kiện kết thúc chiến tranh thường đem lại những cảm xúc rối ren và thường là những ký ức bi thương.

“Kỷ niệm chiến tranh Việt Nam (kết thúc) mang lại một khoảng khắc nhìn lại cái quá khứ mà ba má tôi ghi nhớ là một giai đoạn đau thương,” cô nói.

Tuy nhiên, cô giải thích rằng hiểu được trải nghiệm của họ cũng giúp cô hiểu được lý do đã hình thành nên cách mà ba má nuôi dưỡng và dạy dỗ cô. Và theo một cách nào đó nó tiếp tục ảnh hưởng đến căn tính của cô hôm nay.

“Rộng hơn, tôi nghĩ đến một câu nói cũ rằng lịch sử sẽ lập lại chính nó. Tôi thắc mắc rằng sẽ có bao nhiêu cộng đồng khác nữa sẽ phải đối diện và chịu đựng với số phận và hoản cảnh tương tự.”

Katherine Lê
Katherine Lê
Katherine Lê (Ảnh được cung cấp).

Katherine Lê là một người Việt tị nạn đến Úc năm 1979. Cô nói sự kiện 40 Years On có một vai trò quan trọng, đảm bảo rằng những trải nghiệm của người Việt không bị lãng quên.

“Sau khi Sài Gòn thất thủ, cả hai ông nội và ngoại của tôi đều bị đưa đến trại cải tạo, ba má tôi thì bị buộc không được theo học đại học nữa và tôi thì được thụ thai không lâu sau đó,” cô kể.

Cô sẽ đọc một câu chuyện về bản thân tại sự kiện, kể lại những phương thức độc đáo mà ba má cô từng dùng để dạy các con.

“Nó cũng là một câu chuyện thương tâm về những khó khăn của họ vì là những người tị nạn với một chút hài hước và cách thức đối phó mà chúng tôi phát triển trong gia đình để có thể tìm đường vượt lên.”

Kim Huỳnh
Kim Huỳnh
Kim Huỳnh (Ảnh được cung cấp).

Kim Huỳnh là tác giả của quyển Where the Sea Takes Us: A Vietnamese-Australian Story (HarperCollins 2007) (Biển đưa chúng ta về đâu: câu chuyện Việt-Úc) kể về cuộc sống của ba má anh trong và sau cuộc chiến ở Đông Dương. Anh rời Việt Nam với ba má và anh trai khi chỉ mới lên hai.

Kim cho biết sự kiện này là một cơ hội để những người viết văn gốc Việt nhìn lại cuộc sống và căn tính Việt-Úc của mình. Nhưng anh cũng nói rằng ý nghĩa của ngày kỷ niệm này không lớn đối với anh.

“Chủ yếu vì nó không còn nằm trong ký ức trực tiếp của tôi nữa,” anh giải thích. “Và vì tôi ở Canberra nơi có ít người Việt và có rất nhiều những sự kiện khác xảy ra.”

“Đó cũng là một lý do nữa để ngồi và nghe những câu chuyện và ngẫm nghĩ về ý nghĩa của nó.”

 

Tường-Vi Phan
Tường-Vi Phan
Tường-Vi Phan (Ảnh được cung cấp).

Ba má của Tường-Vi Phan sinh ra ở Việt Nam. 

Cô cho biết mình sẽ đọc một mẩu truyện về cuộc sống của cô tại vùng phía Tây Nam Sydney trong thập niên 90. 

“Sự kiện đọc truyện này nhằm thể hiện lòng thành kính đối với trải nghiệm cuộc sống đa dạng của những người đã phải từ bỏ Việt Nam sau chiến tranh,” cô nói.

“Sự kiện này cũng là cơ hội để tiếng nói của thế hệ của tôi được lắng nghe.”

Cô nói việc nhìn lại những gì đã qua có ý nghĩa quan trọng đối với thế hệ người Việt thứ hai ở Úc.

 

Stephen Phạm
Stephen Phạm
Stephen Phạm (Ảnh được cung cấp).

Stephen Phạm cho biết sự kiện 40 Years On cố ý thể hiện sự đa dạng.

 “Thay vì đưa ra một định nghĩa toàn diện về trải nghiệm của người Việt ở Úc, chúng tôi có ý định minh họa một loạt những câu chuyện đa dạng khác nhau, có thể tồn tại dưới một danh xưng (người Việt-Úc),” anh nói.  

“Chúng tôi muốn gợi cho người đọc nhìn lại một cách sâu sắc về cuộc sống của họ và những mẩu chuyện ‘nhỏ’ của họ có liên quan đến một sự kiến ‘lớn’ như Sài Gòn Thất thủ như thế nào cũng như nó thêm vào câu chuyện của người Úc gốc Việt ra sao.”

Stephen nói hiểu được lịch sử của những sự kiện ‘lớn’ đôi khi rất khó.

“Ở trường, khi người Serb nói về người Croatia hay người Nam Việt Nam nói về người Bắc Việt Nam thì phản ứng của người da trắng (nếu ai đó hỏi họ) luôn không đổi: ‘Hãy để vấn đề của nước bạn trong quá khứ. Bạn đang ở đây bây giờ.’”

Stephen nói rằng không phải anh chối bỏ quá khứ nhưng anh nghĩ rằng sự thật có thể tồn tại giữa hai thái cực, hai căn tính.

“Không tồn tại dưới dạng hoàn toàn Việt Nam hay Úc, mà ở dấu nối giữa,” anh nói.

“Kỷ niệm 40 năm Sài Gòn Thất thủ, vì thế, cho tôi một cơ hội hoàn hảo để chiêm nghiệm xem chúng ta những người Việt-Úc thế hệ thứ hai đứng ở đâu, không chỉ trong tương quan với lịch sử Việt Nam mà còn đối với lịch sử Úc.”