Home Tâm Sự - Chia Sẻ Tôi bị bố mẹ phản đối việc đi du học vì cái danh “đích tôn”
Tâm Sự - Chia Sẻ

Tôi bị bố mẹ phản đối việc đi du học vì cái danh “đích tôn”

Khát khao đi du học nhưng Chính (Hà Nội) bị bố mẹ phản đối vì họ sợ con trai đi rồi không về và bỏ việc giỗ, thờ họ sau này.

Chính (quận Tây Hồ) tìm đến một trung tâm tâm lý ở phố Vọng, quận Hai Bà Trưng ba tháng trước trong trạng thái bơ phờ, chán nản. “Tôi cảm thấy quá gò bó và mệt mỏi vì cái danh đích tôn”, chàng thanh niên 24 tuổi nói với nhà tư vấn.

Chính cho biết, bố cậu – vốn là trưởng họ – hiện vẫn đứng ra lo liệu mọi việc trong họ nhưng càng lớn, cậu càng thấy hoảng khi chứng kiến nhà mình hầu như cách tháng lại tập hợp cả trăm người với đủ loại giỗ, lễ, nhất là dịp cuối năm. Cậu sợ hãi mỗi lần thấy bố và các chú to tiếng khi có cỗ, bàn chuyện trong họ, đóng góp tiền nong…, mẹ thì tất bật từ gà gáy tới nửa đêm lo mười mấy mâm cỗ mỗi lần. “Các chú ai cũng muốn bố tôi phải làm cỗ to, mời đông nhưng lại không chịu đóng góp nhiều tiền, trong khi gia đình tôi kinh tế cũng eo hẹp”, Chính kể.

Khao khát đi du học, nhưng khi Chính thể hiện ý muốn thì bị bố dọa sẽ từ mặt. “Bố lúc nào cũng nhắc lại điệp khúc, tôi là người nối dõi dòng họ, gánh trách nhiệm rất lớn, không thể đi đâu được”, Chính kể.

Thậm chí từ thời sinh viên, Chính được bố mẹ tính sẵn là phải chọn vợ có những tính nết thế nào để sau này gánh vác được trọng trách lớn. “Tất cả những cô gái tôi đã và đang yêu đều rất hiện đại và họ chỉ cần nghe kể là sau này phải ở chung, lo chuyện giỗ chạp như mẹ tôi là đã muốn chạy rồi”, Chính nói.

Chán nản, căng thẳng và lo lắng về tương lai, Chính stress nặng, mất ngủ, bỏ làm và phải trị liệu tâm lý.

Khao khát có đích tôn nối dõi khiến nhiều người cảm thấy áp lực phải có bằng được con trai. Ảnh: The Straits Times.

Khao khát có đích tôn nối dõi khiến nhiều người cảm thấy áp lực phải có bằng được con trai. Ảnh: The Straits Times.

Thạc sĩ Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục (Hà Nội), cho biết, bà từng gặp không ít nam giới rơi vào tình trạng stress, lo âu vì cảm thấy trọng trách quá lớn khi làm một đích tôn – cháu trai trưởng trong dòng họ. Việc dồn quá nhiều trách nhiệm lên một người gây căng thẳng và đôi khi chi phối cả cuộc sống riêng tư của họ.

Anh Đức Minh, quê ở Quốc Oai, Hà Tây, nhiều lúc thấy đời mình bị trói buộc ngột ngạt vì danh hiệu đích tôn này. Dù cả gia đình đã thoát ly, sống ở Hà Nội nhưng từ nhỏ, anh liên tục phải theo bố về quê mỗi lần có đám hay việc trong họ. Suốt tuổi thơ, thèm được chơi nhưng anh luôn phải vùi đầu học để giỏi giang như kỳ vọng của cả gia đình.

Sau khi tốt nghiệp đại học về công nghệ, anh được giữ lại làm giảng viên. Thấy mình không hợp với nghề, đồng lương lại eo hẹp, anh muốn ra ngoài làm nhưng bị gia đình phản đối vì cho rằng làm giảng viên mới rạng danh dòng họ. Đỉnh điểm là khi vợ chồng lục đục, anh muốn ly dị thì ông bà cũng không đồng ý vì cho rằng như thế là mất thể diện.

“Tôi biết vợ vừa chán chồng làm lương thấp, vừa nản cảnh liên tục phải đưa con về quê dự đủ các đám hiếu, hỉ, giỗ chạp. Thậm chí, bố tôi giờ về quê ở hẳn sau khi nghỉ hưu còn bắt chúng tôi chuyển về đó để thằng cháu đích tôn biết rõ và gần gũi họ hàng”, anh nói.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Kim Xuân (Hà Nội), đặt quá nặng vai trò của đích tôn phản ánh quan điểm trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại dai dẳng và gây nhiều bi kịch cho cuộc sống gia đình.

Là con gái của một trưởng họ ở Thanh Hóa, chị Kim, 30 tuổi, hiện sống ở Hà Đông, Hà Nội, kể, vì không sinh được cháu đích tôn cho dòng họ mà suốt bao năm, bố chị đi đến đâu cũng bị nói khích, chê bai. Cảm thấy tủi nhục, bất mãn, ông lại xả tất cả vào vợ bằng nấm đấm hay tìm quên trong rượu.

“Tôi hiểu nỗi khổ của bố và ám ảnh suốt tuổi thơ vì hai chữ ‘đích tôn’ đã khiến gia đình tôi bế tắc, ai cũng khổ sở. Bố tôi bị người ta coi thường, rồi mọi việc trong dòng họ không ai bàn với ông nữa. Việc cảm thấy bị tước quyền đó khiến ông cảm thấy bất lực và sống tiêu cực”, chị Kim chia sẻ.

Cuộc sống du học thực sự không dễ dàng, làm ơn đừng tô hồng nó bằng những gì các bạn ở nhà tưởng tượng ra nữa

Cũng vì áp lực phải sinh bằng được đích tôn cho nhà chồng, chị Thanh (Chương Mỹ, Hà Nội) chấp nhận bị kỷ luật khi đang làm giáo viên và cắn răng phá thai gái 3 lần, sau hai con gái đầu. Nhưng niềm hạnh phúc vô bờ sau khi sinh quý tử mau chóng biến thành nỗi thấp thỏm, sợ hãi khi chị thấy con mình không chỉ là “cục vàng” của gia đình 4 thế hệ, mà được cả họ quan tâm.

“Tôi cảm giác như mình là bà vú em chăm một ông hoàng nhỏ chứ không phải mẹ chăm con. Hễ tôi có chút sơ sót nào là sẽ bị nói ra nói vào. Tôi căng thẳng tột độ, bế con cũng run”, người mẹ kể. Dần dần, chị rơi vào tình trạng muốn bỏ đi hoặc làm sao để cả mình và đứa con đều biến khỏi cuộc đời.

Theo Vnexpress