Home Tâm Sự - Chia Sẻ Báo chí tiếng Việt – Nước Úc xa và gần
Tâm Sự - Chia Sẻ

Báo chí tiếng Việt – Nước Úc xa và gần

Hồi mới sang Úc, một trong những điều mình háo hức nhất là được đọc báo của người Việt. Mình ở homestay của trường Monash, vùng Clayton không xa lắm với Springvale, là khu người Việt. Mới sang, chưa biết cách đi xe lửa hay xe buýt nên mình quyết định đi bộ một mình. Hôm đó là chủ nhật, mình đi từ sáng sớm, đường xá vắng tanh. Mình lại quên không mang theo bản đồ, tìm được 1 ông Tây để hỏi đường thì ông ta chơi cho 1 tràng chẳng hiểu gì. Thôi đành nhìn mặt trời và hướng nắng để định hướng mà đi.

 

australia
australia

 

Khi mặt trời gần đứng bóng thì mình mới đến Springvale. Việc đầu tiên là mình vào shop Vietnam, vơ tất cả các tờ báo tiếng Việt: Tivi tuần san, Chiêu Dương, Việt Nam thời nay, Nhân Quyền, Dân Việt và Việt Luận. Ăn uống qua quýt một chút rồi mình bắt đầu đi bộ trở về.
Thời gian lúc đi bị lạc đường, lội bộ mất hơn 2 tiếng, nhưng lúc về, đã biết đường mà còn lâu hơn vì vài lần ghé công viên ngồi đọc báo, đến chiều tối mới về đến khu ký túc xá !
Trước khi sang Úc, trong khoảng 1987 đến 1994, mình đã viết được trên 100 bài báo. Mình giao du với một số nhà văn nhà báo, được họ dậy cho cách viết nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, phóng sự, tùy bút, bình luận…Bụng bảo dạ, với hành trang như vậy, nếu muốn mình có thể dễ dàng gia nhập làng báo Úc và kiếm được tiền bằng nghề này. Nhưng khi đọc mớ báo đó thì mình buộc phải thay đổi quan niệm.

Vào lúc đó, báo hải ngoại và báo trong nước khác nhau quá nhiều. Trước hết, báo trong nước viết một cách hết sức khô cứng, như một bản báo cáo mà người đọc không thể tìm thấy sự đam mê và tình cảm của người viết. Trong khi đó, rõ ràng là báo hải ngoại đi vào lòng người hơn rất nhiều. Sau này đọc các báo tiếng Việt bên châu Âu mình cũng thấy sự tương đồng này với báo Úc. Thứ hai, bố cục các bài viết cũng khác với trong nước. Khi tiếng Anh của mình khá hơn, mình đọc báo tiếng Anh thì hóa ra, bố cục báo hải ngoại giống với báo…Tây. Một điều làm mình kinh ngạc nữa là mỗi tờ báo trên 100 trang chỉ có 3-4 người làm ! Họ làm việc với tốc độ nhanh khủng khiếp nên tin khá mới, dù là bán tuần báo hay nhật báo.

Mình từng ao ước làm sao viết được như Danh Đức, một cây bút bình luận quốc tế của báo Thanh niên. Nhưng khi đọc Trần Bình Nam, Nguyễn Tú hay Sông Lô, nhưng cộng tác viên của các báo Úc từ Mỹ và châu Âu, thì rõ ràng “tầm” của các vị này cao hơn hẳn Danh Đức. Các cây bút Úc “xịn” mình thường đọc thời gian này là Nguyễn Tư, Lệ Hằng, Búa Tạ, Lão Ngoan Đồng…trong các thể loại bay bổng và trào lộng.

Được vài năm, mình cũng mon men vào được với làng báo Úc, khi được giao viết cho chuyên mục Thể thao của Việt Nam thời nay. Do chưa có máy tính và máy in ở nhà, mình phải viết tay rồi ra bưu điện fax đến Tòa soạn. Một hôm fax xong thì lại cẩn thận gọi điện hỏi xem người ta đã nhận được chưa. Bên đầu dây bên kia trả lời bằng giọng miền Bắc là đã nhận được rồi. Mình nấn ná:
– Xin lỗi anh tên là gì, anh viết báo lâu chưa ?
– Tôi là Philip. Tôi viết từ hồi tôi ở Hà Nội, khi đi tản cư vào Sài Gòn viết tiếp, sang đến Úc lại viết đến bây giờ.
– Vậy bác gạo cội quá rồi
– Ơ sao đang là anh mà lại thành bác rồi ? Ông già vui tính
– Vậy chắc bác viết từ thời ông cháu…
– Ông anh là ai ?
– Ông cháu là Lương Văn Tuân, chủ bút tờ Tin Tức tại Hà Nội trước năm 1945.
– À, tôi biết ông nhà, ông ấy hơn tuổi tôi
– Ông cháu còn sống thì đã ngoài 90
– Bởi vậy tôi mới bảo ông hơn tuổi tôi.

Gọi là bác vẫn còn hơi láo, vì lúc đó ông đã 83 tuổi, chính là Nhà báo Hoàng Hải Vân. Ở tuổi đó, ông vẫn còn cưỡi xe máy để đi viết thiên phóng sự nhiều kỳ “Cabramatta – Khi màn đêm buông xuống”. Phóng sự là một thể loại khó trong báo chí, nhưng dưới ngòi bút Hoàng Hải Vân, cuộc sống được người Việt tại Cabaramatta được vẽ lên nhiều màu sắc, vui có, buồn có, nhức nhối và hứa hẹn, làm người đọc say mê.

Thời gian qua nhanh, nhưng danh tính mà mình kể trên hoặc đã qua đời, hoặc đã sức yếu. Trong 20 năm qua, báo chí trong nước đã có những bước tiến vượt bậc. Trong khi báo chí ở Úc bây giờ cũng khác trước. Mình ước lượng, trong báo Việt ngữ tại Úc, 40% bài viết đăng lại từ báo “Lề phải” trong nước, cũng khoảng 40% từ “Lề trái“ trong nước, và chỉ có khoảng 20% từ hải ngoại. Trong số 20% ít ỏi này thì quá nửa từ các bài viết từ Mỹ và châu Âu. Như vậy các bài viết tại Úc rất ít, lại phần lớn viết về tin tức và vấn đề địa phương, còn đâu chỗ mà chống Cộng nữa. Bên cạnh đó, truyền thông người Việt đã phát triển rất nhiều sang hướng radio, truyền hình và báo mạng.

Tuy nhiên, những cây viết sung sức nhất hiện tại vẫn coi báo giấy là nơi chủ yếu để giữ “thương hiệu”. Một trong nhữsmbng người đó là anh bạn Nhà báo Phạm Khiêm. “Thấy sang bắt quàng làm họ”, Khiêm chẳng hơn gì mình cả, bằng tuổi, cùng học tại Hà Nội, khi hắn học ĐH ngoại giao thì mình học Kinh tế Kế hoạch, vào thời điểm chuẩn hai trường bằng nhau. Vậy mà bây giờ hắn nổi tiếng đến nỗi không dám ngồi cà phê ở Bankstown vì sợ bị bà con ra bắt tay, còn mình vẫn chỉ là Lương Văn Quang, phải ăn mày dĩ vãng bằng cách dựa hơi vào tên ông ngoại Lương Văn Tuân.
Nói đùa vậy thôi, Khiêm từng là phóng viên BBC, rất đam mê với nghề và là tác giả của hàng ngàn bài báo. Cuộc sống của Khiêm bình dị, chân chỉ hạt bột và có lẽ cũng giản dị như tất cả những người làm báo tiếng Việt ở xứ Úc này.

Nguồn: Xã luận