Home Tâm Sự - Chia Sẻ Australia: Nơi bình yên chim hót
Tâm Sự - Chia Sẻ

Australia: Nơi bình yên chim hót

Australia: Nơi bình yên chim hót
Australia: Nơi bình yên chim hót

Một trong những điều cực kỳ thú vị khi sống ở Australia là thiên nhiên ở đây rất phong phú. Tôi sống ở Brisbane, ngay thủ phủ của bang Queensland, Australia, mà việc gặp chim thú hoang thật thường xuyên.

Đi bộ dọc phố, tôi có thể nghe tiếng chim ríu ran. Đến một cái hồ ở trong trường đại học thì gặp vô vàn vẹt, quạ, vịt trời, ngan, rùa, thậm chí có cả mấy con bồ nông to hàng chục cân. Đi ra ngoại thành chừng vài chục km có thể dễ dàng gặp các con chuột túi hoang dã (kangaroo, wallaby). Trong vườn nhà tôi, thỉnh thoảng lại thấy lũ thằn lằn (trông giống con kỳ đà ở mình) bò ra tắm nắng. Các bạn tôi cứ tủm tỉm cười là bọn này bạo dạn quá cơ, vì không lo bị làm mồi nhậu. Các bạn sinh viên Việt Nam hay đùa nhau, tại sao ở đây không ai bắt chim, thú hoang để ăn nhỉ. Thật vậy, người Úc có ưu điểm là bảo vệ thiên nhiên rất tốt. Các bạn sinh viên các nước đến đã được nhắc không được làm hại thú hoang. Bọn trẻ từ nhỏ cũng đã được dạy thế.

 

Một lần vào mùa xuân tôi đi qua công viên gần nhà tôi. Trước đó mấy hôm có một cơn bão nên một cái tổ chim rơi xuống cỏ. Lập tức hôm sau tôi đã nhìn thấy có người đến quây mấy cái cọc tre xung quanh để mọi người khỏi dẫm vào. Tôi vẫn thấy chim bố chim mẹ bay về tổ đó. Một vài tuần sau thấy một lũ chim con luýnh quýnh đi lại. Hóa ra các chim non đã nở. Lũ chim sống bình yên trong công viên, bao người qua lại, cạnh đường xe chạy có vài mét. Rồi khi đủ lông đủ cánh, chúng bay đi, lúc đó người ta mới bỏ đi cái tổ cũ.

 

Photo: một đàn vẹt trắng thảnh thơi cạnh bến sông

 

Có lần đi chơi ở Port Macquarie (thuộc bang New South Wales), tôi thấy ở đó có hẳn một cái bệnh viện cho con koala (con gấu túi). Hôm tôi đến bệnh viện đang cứu chữa vài chục bệnh nhân. Có con bị mắc bệnh trong thiên nhiên, có con thì bị thương khi bị xe chẹt. Trên mỗi cái chuồng, là buồng bệnh của các chú gấu túi có ghi rõ chú gấu túi đó bị thương thế nào, khi nào, chữa trị ra sao, quá trình lành bệnh thế nào. Người ta cũng khuyến khích báo về trung tâm khi gặp những con gấu túi bị thương trên đường.

 

Nhiều nơi, người ta cắm biển là không cho thú hoang ăn. Điều đó là để bảo vệ sức khỏe cho các con thú. Vì lũ chim và thú ở Úc không bị bắt trộm hay giết thịt nên chúng rất dạn người, thấy người đến là xán lại xin thức ăn.

 

Photo: Một đàn vịt trời ung dung đi qua một bãi đỗ xe

 

Trong sông, hồ, biển tại Úc thì rất nhiều tôm, cua, cá. Đi chơi đến các đoạn sông hay đi biển gần các cửa sông bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều người câu cá. Các bạn sinh viên Việt Nam sang Úc, ai có thú vui câu cá sang Úc sẽ vô cùng thích thú vì có thể đi câu ở nhiều nơi, nhiều lúc trong năm. Tuy  nhiên không phải cứ có cá nào cũng được bắt đâu nhé. Luật lệ các bang khác nhau nhưng có chung một điểm là quy định rõ ràng cá nào bắt được, cá nào không. Trong quy định còn chỉ rõ cá to cỡ nào thì được bắt, cá nhỏ câu được thì phải thả trở lại, hoặc loại nào thì được bắt bao nhiêu con một lần. Vào Internet, sẽ tìm thấy rõ các quy định này. Khi đọc quy định đánh bắt cá ở Queensland là bang tôi ở, tôi thấy có một số loài không được bắt trong đó có nhiều loại cá mập như cá mập trắng, cá mập xám. (Thật ra bạn nếu bạn câu được con này thì sợ lắm vì hai loại cá mập này rất to, đã từng tấn công người.) Hay con Monta Ray là loại cá đuối rất lớn ở Úc bạn cũng không được bắt. Tôm thì loại nào, cỡ nào cũng bắt được nhưng chỉ được lấy 10 lít. Con snapper (cá chỉ vàng, cá hanh) loại này rất ngon, bán ở chợ khoảng gần 300.000 VND/cân cũng chỉ được bắt loại dài trên 35cm và chỉ được bắt bốn con trong đó không quá một con dài 70cm. Cua thì chỉ bắt cua đực, còn cua cái phải thả để sinh sản tiếp. Việc thực hiện các quy định này rất tự nguyện. Tôi nhìn thấy mọi người đi câu, ai bắt được cá nhỏ là tự thả xuống, không chờ các chú cảnh sát đến nhắc.

 

Photo: Trong lòng biển, rất nhiều cá và các sinh biển khác, by Andrew and Kelly Anne

 

Chính vì ý thức của con người nên thiên nhiên được gìn giữ rất tốt. Có một bác tôi gặp còn nhận xét là chim thú ở đây thật sung sướng. Bác ấy ở nhà nhớ cháu đang sống ở Úc có làm bài thơ về con chim:

“Tôi với bạn, cùng bay đi khắp thế gian,

Sao chẳng thấy bình an”

Nhưng bác bảo giờ bác qua Úc thăm cháu, thấy chim ríu rít khắp nơi, ra bến sông thì thấy hàng đàn hải âu bay lượn rồi đậu xuống công viên không sợ người, bác bảo bác phải nghĩ lại. Vì chim ở đây thật là bình an, không lo bị bắn trộm.

 

Đúng là sự hài hòa giữa cuộc sống của con người và thiên nhiên đã làm cho nước Úc có một vẻ bình yên thật đáng yêu.

 

Photo: Các con thằn lằn (lizard) tự nhiên làm mẫu ảnh cho các du khách

 

By Bùi Thu Thủy

Endeavour Awardee 2011

PhD Student, Griffith Film School, Griffith University

Brisbane, Queensland, Australia