Home Tâm Sự - Chia Sẻ Hoảng loạn, tủi nhục & đơn độc – Cơn ác mộng bị hiếp dâm của các du học sinh Úc
Tâm Sự - Chia Sẻ

Hoảng loạn, tủi nhục & đơn độc – Cơn ác mộng bị hiếp dâm của các du học sinh Úc

Báo Alo Úc – Hình ảnh một nước Úc tươi đẹp, an toàn và lý tưởng chào đón các du học sinh toàn thế giới đang dần mất đi bởi vấn nạn tấn công tình dục ngày càng phổ biến.

Khi Leu rời xa gia đình tại Trung Quốc để theo đuổi tấm bằng đại học ở thủ đô Canberra, cô rất mơ hồ về những gì đang chờ đợi mình.

Tưởng tượng của Leu về đất nước Úc chỉ là những người da trắng, cao lớn và ưa thích món thịt nướng. Leu không có chút ý niệm nào về văn hóa ngập tràn bia rượu phía sau cánh cổng trường đại học.

Khi mới chập chững bước vào Đại học Quốc gia Úc, một biến cố khủng khiếp đã xảy đến với cô.

Một đêm nọ, gã người quen của bạn cô đã đi theo cô về phòng ký túc xá.

“Tôi bị đẩy lên giường và bị hãm hiếp … Hắn ta gằn giọng, ‘Tao đã thích là phải được’… Tôi cố gắng cầu cứu. Nhưng vô ích. Tôi không thể với tới chiếc điện thoại, không thể nhúc nhích… Tôi chỉ có thể gào thét trong tuyệt vọng”.

Nạn nhân không biết đến đâu để được trợ giúp

Giống như Leu, có hàng triệu sinh viên nước ngoài đang học tập tại Úc. Ngành công nghiệp du học đem lại lợi ích lên tới 18 triệu đô cho đất nước.

Vậy nhưng, việc du học sinh bị tấn công tình dục ngày càng phổ biến đang làm xấu đi hình ảnh nước Úc an toàn và lý tưởng.

Kết quả khảo sát mới đây của Ủy ban Nhân quyền Úc cho thấy 1,6% học sinh bị tấn công tình dục trong môi trường đại học trong năm 2015, 2016. Nếu tính theo tổng số học sinh trên toàn quốc, con số này lên đến 22.000 người.

Một phần năm số nạn nhân là du học sinh.

Theo các chuyên gia y tế, sinh viên quốc tế là đối tượng đặc biệt, họ dễ bị tổn thương và thậm chí không dám lên tiếng khi bị tấn công. Họ quá hoảng loạn và xấu hổ.

Alison Coelho, người điều hành chương trình phổ biến kiến thức sức khỏe tình dục cho sinh viên quốc tế ở Melbourne thì cho rằng. “Du học sinh bị coi là những “con mồi” bởi các em không biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị tấn công tình dục”,.

Nhưng giờ đây, nữ sinh đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Philippin có cơ hội kể những câu chuyện của họ với Al Jazeera. Không một ai trong số họ cáo buộc hình sự kẻ tấn công mình, và các trường đại học đã không đáp lại lời khẩn cầu của họ.

Trong nền văn hóa của họ, nạn nhân bị quấy rối thậm chí còn bị kỳ thị; vậy nên rất khó khăn để họ lên tiếng về các vụ việc, ngay cả với người thân của mình. Nishi, một sinh viên 25 tuổi mới tốt nghiệp nói:

“Bởi vì từ nhỏ đến lớn, bạn được răn dạy rằng: “đừng có ăn mặc hở hang, đừng có phóng túng thế, coi chừng hậu quả”. Vậy nên nếu như có chuyện xấu xảy ra mọi người đều nói một phần là lỗi của bạn. Bạn phải chấp nhận “ôi, đó là do mình đã sai lầm”.

Sinh viên quốc tế hiếm khi báo cáo các vấn đề tấn công tình dục

Coelho, quản lý tại Trung tâm Văn hóa, Dân tộc và Sức khỏe cho biết sinh viên quốc tế hiếm khi báo cáo cảnh sát sau khi bị tấn công tình dục.

Leu nói rằng các du học sinh khuyên cô đừng báo cảnh sát hay trường đại học của cô.

“Chúng tôi bảo nhau là luật pháp Úc chỉ bảo vệ người Úc. Nếu như bị cuốn vào các vụ việc, có thể chúng tôi sẽ bị trục xuất hoặc dừng việc học”.

 Cuối cùng, Leu quyết định tường trình với cảnh sát, nhưng không đề nghị truy tố kẻ phạm tội.

“Nữ cảnh sát an ủi tôi, rằng đừng lo, đó không phải lỗi của tôi, và lần sau hãy cẩn thận hơn”.

“Điều đó có ích gì chứ. Tôi phải cẩn thận hơn sao? liệu còn có “lần sau”nữa sao?”

Leu nói rằng trường đại học cũng không đáng tin tưởng để cầu khẩn sự giúp đỡ.

“Tôi ước mình có thể nhanh chóng quên đi mọi chuyện … Tôi đâu có thể nói chuyện đã xảy ra với giảng viên của mình. Còn hàng đống bài luận đang chờ tôi nữa. “

Trợ giúp từ các trường đại học còn quá ít ỏi

Các trường đại học ở Úc không bắt buộc phải công khai dữ liệu về các khiếu nại liên quan đến tình dục.

Tuy vậy, họ có quyền trục xuất các sinh viên vi phạm nội quy của nhà trường cũng như bị chứng minh là có hành vi sai trái liên quan đến tình dục.

Báo cáo toàn ngành cho thấy, chỉ có sáu người bị đuổi học. Các hình phạt khác bao gồm phục vụ công ích tám tiếng cho mỗi vụ việc hoặc ghi vào hồ sơ sinh viên.

Anastasia Powell, một nhà nghiên cứu tội phạm tại Đại học RMIT cho rằng các trường đại học cần một phương án thống nhất trên toàn quốc để đối phó với vấn đề này.

“Khi chúng ta không giải quyết vấn đề xâm hại tình dục một cách triệt để, nó sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường học tập của các sinh viên. Điều đó tạo nên bất bình đẳng trong cơ hội học tập của các em”.

Emma Hunt, một sinh viên mới tốt nghiệp từ Melbourne, nói rằng trường đại học không trợ giúp gì nhiều sau khi cô bị hãm hiếp.

“Đó là quãng thời gian quá dài khi tôi tìm kiếm sự trợ giúp. Đến sau cùng, trường đại học chẳng giúp ích gì cả.”

“Họ thậm chí còn không có dấu hiệu nào về việc sẽ xử lý tên tội phạm đó”

Là một người Úc sống tại Trung Quốc trong suốt những năm trung học, Emma trở lại Úc lấy bằng Đại học và bị cưỡng hiếp sau ba tuần nhập học. Cô nói:

“Việc thực hiện các bước để báo cáo với cảnh sát hoặc một trường đại học có thể là điều khó khăn nhất mà bạn từng làm”.

“Các chỉ dẫn ở trường Đại học cũng quá ít ỏi. Họ không cho bạn biết đâu là cách để báo cảnh sát, đâu là cách được an toàn trong trường học”

Một môi trường tích cực để sống và học tập

Hiện nay, một số trường Đại học và Cao đẳng đang mở các khóa đào tạo hướng tới cả học sinh nam và nữ trong việc điều chỉnh các mối quan hệ cũng như nhận biết các đối tượng nguy hiểm.

Nhóm đại diện các nhà quản lý trường học, Universities Australia, cho biết họ sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết các vấn đề tội phạm tình dục trong nhà trường.

Theo lời bà Margaret Gardner, chủ tịch của nhóm:

“Quấy rối tình dục cần phải bị loại bỏ trong toàn xã hội. Giờ đây, khi có sự hiểu biết rõ ràng về hậu quả của tình trạng này, bất cứ một vụ việc nào cũng cần được xử lý.”

Universities Australia đã thông qua một kế hoạch hành động gồm 10 điểm và đồng ý thực hiện  khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền trong việc xử lý các hành vi sai trái.

Bà Gardner cho rằng, sức mạnh của tập thể sẽ đẩy lùi tội phạm tình dục để các trường đại học Úc trở thành nơi tích cực để sống và học tập.

“Sẽ đến lúc các du học sinh ở Úc kết thúc khóa học với câu cảm thán “đó là trải nghiệm tuyệt vời”. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình vì tương lai đó”.

Còn riêng đối với Leu, ký ức về nước Úc đã mãi mãi bị tàn phá bởi một đêm kinh hoàng đó. Nhưng điều ấy sẽ không ngăn được bước chân của cô:

“Chúng ta nên tự hào về bản thân. Chúng ta phải mạnh mẽ đứng dậy, đạp lên tất cả những xấu xa. Chúng ta là những người sống sót.”

Hà Vy – Báo Alo Úc