Home Cộng Đồng Việt Nam: Tàu hỏng, doanh nghiệp nói ngư dân ‘vận hành không đúng quy trình’
Cộng Đồng

Việt Nam: Tàu hỏng, doanh nghiệp nói ngư dân ‘vận hành không đúng quy trình’

(www.Alouc.com) – Trước việc tàu vỏ thép nhanh chóng xuống cấp, đại diện doanh nghiệp đóng tàu cho rằng ngư dân bảo dưỡng và vận hành không đúng quy trình. Phía ngư dân bức xúc, mong muốn được đối chất.

Mới ra khơi vài chuyến, nhiều tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng theo Nghị định 67 bị gỉ sét, xuống cấp, khiến ngư dân tỉnh Bình Định thua lỗ hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Ân, Trưởng phòng kỹ thuật công ty Đại Nguyên Dương, xác nhận phần sơn vỏ tàu không đúng 100% quy trình. Đơn vị sử dụng sơn tàu biển của Công ty sơn Hải Phòng, do bị ép tiến độ, lại sơn ngoài trời thời tiết không thuận lợi, độ ẩm cao nên độ bám dính kém hơn so với sơn trong nhà xưởng.

tau-hong-doanh-nghiep-noi-ngu-dan-van-hanh-khong-dung-quy-trinh

Theo ông Ân, phía ngư dân do quen sử dụng tàu gỗ, khi chuyển sang tàu sắt đã không lưu tâm đến vấn đề bảo dưỡng. Các tàu khi về bến phải được cọ rửa bằng nước ngọt, sơn phủ các vết bong, tróc, ố vàng do tiếp xúc nước mặn…, nhưng không chủ tàu nào thực hiện.

Đại diện công ty Đại Nguyên Dương cũng cho biết đã “quên” không ký hợp đồng phụ lục thay thế thép Hàn Quốc sang thép Trung Quốc với ngư dân. Trong suốt quá trình đóng, nếu chủ tàu không đồng thuận việc này, công ty không thể tiếp tục đóng và bàn giao tàu được.

Ông Ân khẳng định, tất cả tàu đóng theo Nghị định 67 đều là máy của hãng Mitsubishi, mới 100%, được đại lý của hãng tại Việt Nam cung cấp. “Việc hỏng hóc là do ngư dân vận hành không đúng kỹ thuật, dẫn đến cánh quạt bị vỡ. Hiện lỗi đó đã được khắc phục, máy hoạt động trở lại bình thường”, ông nói.

tau-hong-doanh-nghiep-noi-ngu-dan-van-hanh-khong-dung-quy-trinh-1

Vỏ tàu bị rỉ sét, bong tróc thành từng mảng. Ảnh: Đắc Thành

Việc hầm đá không đủ lạnh, Trưởng phòng kỹ thuật công ty Đại Nguyên Dương giải thích mẫu tàu do ngư dân lựa chọn, được Công ty Việt Hàn tại Hà Nội thiết kế. “Có thể người thiết kế không đi biển đánh cá nên khi đưa tàu vào vận hành lộ một số khuyết điểm. Chúng tôi đóng theo thiết kế, đường ống thoát nước đá chảy tại khoang làm lạnh nhỏ, nước không thoát kịp, không kéo dài thời gian bảo quản thủy sản. Công ty sẽ thay thế bằng đường ống lớn hơn”, ông Ân nói.

Đại diện Công ty Đại Nguyên Dương cũng khẳng định không có chuyện đơn vị ngăn cản, đe dọa ngư dân giám sát quá trình đóng tàu. “Con trai một chủ tàu tên Mạnh đi thẳng vào xưởng, rồi lên tàu chụp ảnh mà không trình báo nên bảo vệ đã ra ngăn cản, yêu cầu xóa hết ảnh và đuổi ra ngoài. May mắn là chưa xảy ra xô xát”, Trưởng phòng Ân nói và thông tin thêm công ty sẽ sửa chữa miễn phí 5 tàu cá ngư dân Bình Định có hư hỏng.

Là một trong hai doanh nghiệp đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân Bình Định, ông Đặng Ngọc Oanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu cho biết, đơn vị đóng gần 30 tàu cá vỏ thép, trong đó Bình Định 20 tàu. Tất cả được đóng bằng thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, sơn nhập khẩu từ Mỹ, máy Mitsubishi của Nhật và Doosan Hàn Quốc, có Vinacontrol kiểm định và Tổng cục Thủy sản giám định. Thời gian qua, chỉ 5 tàu của ngư dân Bình Định phản ánh hỏng hóc.

Công ty Nam Triệu cho biết đã cử cán bộ vào kiểm tra, nhận thấy các chủ tàu không tự bảo dưỡng phần vỏ va quệt bong tróc sơn, nên trong quá trình đánh bắt cá bị nước mặn làm hư, dẫn đến gỉ sét. Mỗi tàu được tặng một thùng sơn của Mỹ, “nhưng không chủ tàu nào sử dụng, vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện”.

Theo ông Oanh, quá trình vận hành tàu của ngư dân không đúng quy trình dẫn đến hỏng hóc máy không đáng có. Có tàu không bố trí thợ máy trực 24/24h, để nước ngập làm hỏng máy phát điện, máy bơm điện; nhiều tàu sử dụng dầu không bảo đảm chất lượng.

Để làm rõ chất lượng tàu vỏ thép, các công ty đã mời đoàn chuyên gia của 2 hãng máy Nhật Bản và Hàn Quốc đến kiểm tra, xác định nguyên nhân. Riêng công ty Nam Triệu hỗ trợ mỗi ngư dân có tàu bị hỏng hóc từ 50 đến 200 triệu đồng trong thời gian nằm bờ kiểm tra, sửa chữa.

Ngư dân muốn được đối chất

Hợp đồng với Công ty Nam Triệu đóng tàu trị giá 18,5 tỷ đồng, ông Đinh Công Khánh (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) bác bỏ ý kiến cho rằng ngư dân không biết sơn những chỗ va quệt. “Khi nhận tàu doanh nghiệp cho một thùng sơn để quét những nơi bong tróc. Thùng sơn được 5 kg, tôi sử dụng chỉ được vài lần là hết”, ông Khánh nói.

Kết quả hình ảnh cho tàu ngư dân bị hư hỏng

Gần 40 năm đi biển, cầm lái 4 đời tàu vỏ gỗ, ông Khánh khẳng định kỹ thuật vận hành máy móc quá quen thuộc. Khi đóng tàu vỏ thép, ông được đào tạo bài bản sử dụng loại mới này. “Máy hư hỏng là không được lắp đồng bộ, tàu tôi tải trọng 165 tấn, hợp đồng ký kết hộp số máy 5.0 nhưng Công ty Nam Triệu chỉ lắp máy 3.0”, ông nói cho rằng vòng tua không đủ để tải trọng con tàu nên bị hư hỏng.

Ông Khánh thông tin tàu luôn có người trông coi, kể cả khi nằm bờ, nên việc doanh nghiệp đổ lỗi không có người túc trực, nước chảy dẫn đến ngập máy, làm hỏng nhiều thiết bị là “hoàn toàn không đúng”.

Hợp đồng với công ty Đại Nguyên Dương đóng tàu trị giá gần 16 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Lý (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho biết, sau mỗi chuyến vươn khơi, bán xong hải sản thuyền viên đều lau chùi tàu sạch sẽ. “Các tàu vỏ thép đóng cùng thời điểm ở doanh nghiệp khác đến nay không bị gỉ sét; hàu hà bám vào, bong tróc sơn rất ít. Trong khi tàu của tôi mới đưa về sử dụng được mấy tháng mà hư hỏng phải nằm bờ”, ông Lý so sánh.

Nhiều chủ tàu ở Bình Định mong gặp lãnh đạo hai công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu để đối chất. “Mới đây có cuộc làm việc với chủ tàu, công ty cử toàn nhân viên vào làm việc, không thấy lãnh đạo”, ông Khánh phản ánh.

Theo Giang Chinh – Đắc Thành / Vnexpress