Home Cộng Đồng Việt Nam: Những tấn tiền tỷ lại tiếp tục đổ xuống để bù lỗ cho những “đại dự án”
Cộng Đồng

Việt Nam: Những tấn tiền tỷ lại tiếp tục đổ xuống để bù lỗ cho những “đại dự án”

(www.Alouc.com) – Sau dự án đường sắt trên cao ở HN phải “điều chỉnh vốn” lần thứ ba, tới lượt Metro số 1 đội vốn từ 19.000 tỉ lên tới 47.000 tỉ đồng. Đứng trước nguy cơ vỡ trận, họ lại đi “xin vốn Trung ương”! Cũng phải đi xin là trường hợp đạm Ninh Bình.

Lỗ cả ngàn tỉ, nhà máy này đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay khoản vay 125 triệu USD từ ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc. 

Xin khách quan chép ra đây trường hợp “đội vốn” của Metro Suối Tiên. Năm 2009, khi dự án này được trình, tổng dự toán là 1,09 tỉ USD (tương đương 19.000 tỉ đồng)!

Xin hãy lưu ý con số 19.000 tỉ đồng rất “số lẻ” này. Bởi nếu là 20.000 tỉ đồng sẽ phải trình Quốc hội. Và với con “số lẻ”, Suối Tiên chỉ cần trình Thủ tướng phê duyệt chứ không cần trình Quốc hội. 

Tới 2010, Quốc hội có nghị quyết mới, theo đó, những công trình trên 35.000 tỉ đồng thì sẽ phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Suối Tiên, năm 2011, “điều chỉnh” tổng mức đầu tư dự án lên con số 2,49 tỉ USD (tương đương 47.000 tỉ đồng), tức là gấp 2,4 lần so với dự toán ban đầu.

Và đến nay, dự án dù đã thi công được gần 5 năm, nhưng đang rơi vào tình cảnh nguy ngập: Không có tiền đầu tư, không có tiền trả nợ, dẫn đến nguy cơ đắp chiếu.

Và tuyến Metro này không còn cách nào khác là lại đi xin Trung ương, dẫu không ai dám chắc 47.000 tỉ đồng đã là con số cuối cùng.

Đạm Ninh Bình cũng ở vào tình thế vỡ trận không kém. Khoản vay để đầu tư dự án Đạm Ninh Bình trị giá 250 triệu USD trong thời hạn 15 năm. (Có “khuyến mại” thêm điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc). Tính đến 3.2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD, đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền là 87,5 triệu USD.

Đạm Ninh Bình đã lỗ ngay từ khi bao hàng đầu tiên còn chưa xuất xưởng và lỗ đến tận bây giờ. Con số đây: Năm 2012 lỗ 75 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỉ đồng, năm 2014 lỗ 500 tỉ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỉ đồng. Tổng mức lỗ “vượt kế hoạch” đã lên tới trên 2.000 tỉ đồng.

Đến hôm qua (4.7), Vinachem đưa ra đề xuất: Tập đoàn này sẽ chỉ trả nợ lãi và phí, còn Chính phủ sẽ trả khoản nợ gốc 125 triệu USD trong 5 năm tới, bắt đầu từ 21.7.2017 đến 21.1.2022. 

Nhưng Đạm Ninh Bình thua lỗ chỉ là một trong căn bệnh đã đến hồi mãn tính của DNNN: Lập dự án cứ lập, vay vốn nước ngoài như vay lấy được và cuối cùng là thua lỗ. Là đổ hết gánh nặng nợ nần lên vai Chính phủ, thực chất là lên chính người dân.

Còn Metro Bến Thành – Suối Tiên, hay Cát Linh – Hà Đông, nó chính là những biểu tượng cho những đại dự án hàng chục ngàn tỉ liên tục chậm trễ tiến độ, liên tục đội vốn. Nó như món “cân kê” nuốt vào không được, nhả ra không xong khi tiền bạc, của cải, và cả nỗi bức xúc cứ nhân mãi theo thời gian và những “tấn tiền” đổ xuống.

Không dân nào chịu mãi cảnh trả nợ thay vô lý đến như vậy. Và có lẽ, đã đến lúc phải có người chịu trách nhiệm chính về những dự án thua lỗ, đội vốn và quá chậm trễ này.

Theo Anh Đào – Lao Động