Home Cộng Đồng Việt Nam: ‘Gia đình bà chủ tịch’ 8 người lãnh đạo chung một xã
Cộng Đồng

Việt Nam: ‘Gia đình bà chủ tịch’ 8 người lãnh đạo chung một xã

(www.Alouc.com) – Chuyện xảy ra ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An khi có 8 cán bộ của xã này đều có quan hệ anh em, họ hàng với bà Lương Thị Hồng – chủ tịch UBND xã Thông Thụ.

Theo đơn phản ánh gửi UBND tỉnh và Sở Nội vụ Nghệ An của người dân xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An) tại xã biên giới này, nhiều cán bộ xã đang công tác có quan hệ anh em ruột thịt, họ hàng với bà Lương Thị Hồng – phó Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã Thông Thụ.

Cụ thể, bà Hồng có em trai là ông Lương Văn Hà làm chủ tịch hội nông dân xã; bà Lương Thị Phượng, em gái bà Hồng làm chủ tịch hội phụ nữ xã; em rể bà Hồng, ông Lô Văn Hòa làm phó chủ tịch UBND xã.

Ông Quang Văn Sinh – chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc xã là chú ruột bên chồng của bà Hồng. Ông Quang Văn Thành, trưởng công an xã và ông Quang Văn Quế, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, là anh em bên chồng của bà Hồng.

Ngoài ra, ông Quang Văn Thanh, Bí thư xã Đoàn là em rể bà Hồng; ông Lô Văn Vinh, cán bộ văn phòng xã, là em ruột ông Lô Văn Hòa (phó chủ tịch xã)…Thời gian trước, bố bà Hồng là ông Lương Phiêng từng làm Bí thư Đảng ủy xã Thông Thụ.

Theo đơn thư phản ánh thì người dân trong xã đây là “gia đình bà chủ tịch”.

Trả lời báo chí, bà Lương Thị Hồng xác nhận các mối quan hệ anh em, họ hàng với những người trên. 

Bà Hồng giải thích, trước đây gia đình bà đông anh em nhưng rất hiếu học. Địa phương ít người học cao nên bà và những người này được lựa chọn để quy hoạch, bố trí làm cán bộ.

“Việc những người được bầu và bổ nhiệm làm lãnh đạo xã là hoàn toàn do người dân tín nhiệm và thực hiện đúng quy trình”, bà Hồng nói.

Chiều 15-10, ông Trần Đăng Khoa – trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Quế Phong cho hay, sau khi nhận được phản ánh, huyện ủy đã vào cuộc kiểm tra, rà soát và nhận thấy thông tin về các cán bộ xã Thông Thụ là đúng nhưng việc bổ nhiệm là đúng quy trình.

“Đây là xã miền núi biên giới, ít người đi học nên khó khăn trong công tác cán bộ. Sắp tới, huyện sẽ điều động, luân chuyển một số cán bộ ở xã Thông Thụ nhận công tác ở xã khác”, ông Khoa cho biết thêm.

Năm 2016, báo chí cũng phản ánh câu chuyện 12 người có quan hệ anh em, họ hàng cùng công tác tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Kết quả kiểm tra của phòng Nội vụ huyện Quỳ Hợp khẳng định không có bất thường về quy trình tuyển dụng cán bộ công chức đối với 12 người này.

Sở dĩ xảy ra việc này là do đặc thù Hạ Sơn là xã vùng sâu, khó khăn của huyện, với 90% là người dân tộc Thổ. Sau đó, ban tổ chức huyện ủy Quỳ Hợp cũng thực hiện điều động, luân chuyển một số cán bộ xã Hạ Sơn đi địa phương khác.

Theo Doãn Hòa – Tuổi Trẻ