Home Cộng Đồng Việt Nam: “Có vấn đề” trong chi trả tiền đền bù sau sự cố Formosa
Cộng Đồng

Việt Nam: “Có vấn đề” trong chi trả tiền đền bù sau sự cố Formosa

(www.Alouc.com) – Nhiều đối tượng không bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Formosa gây ra nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền bồi thường. Câu chuyện xảy ra tại một số thôn của xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Bà H. ở thôn Xuân Bắc cho biết chị Nguyễn Thị Hoa, ở thôn này, chuyên buôn bán thịt bò ở chợ, lúc họp thôn được tổ rà soát thông báo tên chị Hoa để lấy ý kiến thì hầu như người dân không đồng ý nhưng vẫn được nhận tiền bồi thường 17.460.000 đồng.

Ở thôn này còn có bà Nguyễn Thị Thuận chuyên bán giá, dưa cà muối ở chợ cũng được nhận số tiền như chị Hoa.

Bán cà, dưa cũng được bồi thường

Ông Nguyễn Tiến Hoan, trưởng thôn Xuân Bắc, thừa nhận chị Hoa bán thịt bò, bà Thuận bán dưa, cà muối ở chợ. Lúc họp thôn người dân không đồng ý nhưng sau đó được tổ rà soát bổ sung tên chị Hoa vào danh sách nhận tiền đợt 1 vì được xác nhận làm thủ quỹ ở hợp tác xã đóng tàu của chồng.

“Có vấn đề” trong chi trả tiền đền bù sự cố Formosa
Bà Bùi Thị Tỵ (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chuyên buôn bán ngư cụ chưa được kê khai nhận tiền đền bù, trong khi có những người không liên quan gì đến nghề biển thì được nhận tiền đền bù -Ảnh: VĂN ĐỊNH

 

Lúc được hỏi vì sao trong danh sách nhận tiền lại đề chị Hoa làm nghề chế biến nước mắm, ông Hoan giải thích: “Ghi nghề khác là xã, huyện không duyệt”.

Ở thôn Hải Bắc có bà Nguyễn Thị Bình chuyên nấu rượu bán, chị Lại Thị Dung bán cửa hàng tạp hóa, bà Nguyễn Thị Sữu gần 80 tuổi, không buôn bán gì cũng được nhận tiền đền bù.

Khi PV Tuổi Trẻ hỏi về những trường hợp này, ông Đinh Văn Tới, trưởng thôn Hải Bắc, nhớ lẫn lộn người này sang người khác. Xem tấm hình chụp chị Dung đang bán hàng tạp hóa thì ông Tới mới nhận ra.

“Chị này thường nhờ người trông coi quầy hàng để chạy xuống gò buôn bán hải sản mà…” – ông Tới đáp.

Ông Tới giải thích thêm lý do bà Bình được nhận đền bù vì vừa nấu rượu vừa buôn hải sản ở gò cá, còn bà Sữu bán cần câu cho tàu thuyền đi biển. Hỏi tại sao lại kê khai bà Sữu thu mua hải sản, ông Tới nói: “Nếu người này ghi bán cần câu thì sẽ không được thẩm định”.

Ông Hoàng Ngọc Tín, bí thư thôn Trung Hải, cho biết trong danh sách kê khai nhận tiền đền bù đợt 1 có một số đối tượng không được người dân đồng tình. Đó là Nguyễn Thị Hà Khuyên, con gái ông Nguyễn Tiến Thông (trưởng thôn Trung Hải), làm kế toán ở Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhưng vẫn được kê khai, nhận 17.460.000 đồng.

Ngoài ra còn có trường hợp Nguyễn Thị Như Quỳnh ở thôn này nhưng làm ở địa bàn khác cũng được nhận tiền bồi thường…

“Có vấn đề” trong chi trả tiền đền bù sự cố Formosa
Ông Nguyễn Tiến Phương (xã Cẩm Nhượng) là hộ sản xuất đá cung cấp cho ngư dân nhưng không nhận được tiền đền bù – Ảnh: VĂN ĐỊNH

Ngăn chặn chi sai địa chỉ

Ông Lê Xuân Bé, ở thôn Xuân Bắc, đã làm đơn tố cáo, ngăn chặn kịp thời hộ dân Trần Hữu Lượng (thôn Hải Bắc) và ông Nguyễn Tiến Quý (thôn Xuân Bắc) nhận sai hơn 330 triệu đồng tiền đền bù sự cố môi trường biển.

Chuyên làm nghề thu mua hải sản, ông Bé biết những ai trong xã cùng làm nghề với mình. Ông Bé cho biết ông Lượng và ông Quý có thuyền nhưng chỉ dùng để đi thu mua hải sản, thế mà kê khai thuyền đi biển đánh bắt cá.

Ngoài ra, hai hộ dân này còn kê khai mỗi thuyền có hai lao động để được nhận tiền đền bù.

“Tôi thấy bất cập quá nên làm đơn gửi đi các cấp chính quyền, vậy mà lãnh đạo xã đến vận động tôi rút đơn, ngay cả hai hộ dân này cũng đến vận động tôi nếu đồng ý sẽ chia phần trăm nhưng bị từ chối” – ông Bé nói.

Ông Nguyễn Sỹ Huyền – bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch xã Cẩm Nhượng – cho biết hai hộ dân bị ông Bé tố cáo đã bị dừng chi trả tiền bồi thường.

“Chúng tôi vẫn biết họ thu mua hải sản nhưng khi thẩm định thì họ vẫn có lưới chài đầy đủ. Hiện công an kinh tế huyện đang điều tra làm rõ vụ này” – ông Huyền cho hay.

Ông Trần Hữu Duyệt, phó chủ tịch huyện Cẩm Xuyên, cho biết huyện đã nhận được thông tin phản ảnh về việc chi trả đền bù sự cố môi trường biển.

Ông Duyệt hứa sẽ giao cho tổ công tác đặc biệt (công an, viện kiểm sát, cán bộ chi trả đền bù…) làm rõ vụ việc và các đối tượng liên quan. Nếu phát hiện sai trái sẽ giao cho công an điều tra xử lý.