Home Cộng Đồng Vi phạm nhưng “cho qua” – Công an Việt Nam không rành luật hay bao che?
Cộng Đồng

Vi phạm nhưng “cho qua” – Công an Việt Nam không rành luật hay bao che?

(www.Alouc.com) – Việc công an thả chủ quán cà phê chòi bắt ép 3 thiếu nữ “chiều khách” với lý do đó là “giới thiệu việc làm có thu tiền” đã làm nhiều người nghi vấn. Liệu công an không rành luật hay bao che cho chủ quán và “cò”?

Sao không khởi tố vụ việc?

Chuyện xảy ra với 3 cô bé 13-14 tuổi, quê Bình Thuận, tin lời 1 người trên mạng hứa tìm việc cho nhóm. Sau đó, tên này chở 3 cô đến bán cho chủ quán cà phê Ngọc Lan 79 (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương) với giá 4 triệu đồng/cháu. Chủ quán ép các em tiếp khách, canh giữ không cho đi khỏi quán.

Đến khi hiệp sĩ giải cứu, công an lại cho rằng không thể xử lý hình sự ai vì đó chỉ là “giới thiệu việc làm có thu tiền”. Vị cán bộ công an nhận định: “Mua bán người giống như mình bắt đứa bé rồi mua bán trao đổi lấy tiền. Còn vụ này các cháu muốn có tiền nên đến trung tâm xin việc làm rồi bọn cò lái bắt mối mới dẫn đến quán cà phê” nhưng lại bỏ qua nhiều chi tiết cấu thành tội của chủ quán như canh giữ các thiếu nữ, biết các em còn nhỏ nhưng vẫn sử dụng lao động và ép ngồi tiếp khách. Bạn Quảng Vinh hoài nghi về câu trả lời dựa trên cảm tính chứ không phải dựa trên luật mà nói của cán bộ công an: “Tôi không hiểu công an nghĩ gì khi nói đây chỉ là giới thiệu việc làm và thu tiền môi giới. Cần cho cán bộ công an học luật“.

Cũng vậy, bạn Nguyễn Cao Sơn chất vấn: “Ờ thì mua bán người là phải có người mua và người bán, chủ quán cà phê chòi này thông qua một “cơ sở giới thiệu việc làm” để tuyển nhân viên, bọn cò nhận tiền từ nạn nhân và dẫn nạn nhân đến quán cà phê chòi rồi Cái mà phía công an không đề cập là “nếu muốn nghỉ thì phải trả khoản tiền mà chủ quán cà phê chòi đã trả cho bọn cò“. Việc bắt giữ người trái pháp luật là có, việc sử dụng lao động chưa đủ tuổi, đặc biệt có sử dụng tiếp viên nữ với mục đích bán dâm. Phía công an không làm rõ thì lại thả đối tượng, cần phải khởi tố và điều tra luôn cả những người có liên quan việc thả người“. Bạn Lexuanloi cũng đồng thuận “Thứ nhất giữ người trái pháp luật, thứ hai làm việc chưa đúng tuổi, thứ ba tiếp khách đang mua mua bán dâm. Vậy mà không truy tố là sao?”.

Bạn đọc Khải ký nêu vấn đề: “Vậy là công an muốn tha chủ quán rồi. Điều mà nhiều người nhìn thấy là chủ quán và cò dắt mối là phạm tội lừa dối để mua bán trẻ em. Bắt trẻ em tiếp khách theo kiểu dâm ô .Chỉ có công an địa phương là nói không phạm tội“. 

Không chỉ có 3 cô bé gái …

Bạn đọc tại Bình Dương và nhiều tỉnh thành khác đặt câu hỏi vì sao những quán cà phê trá hình tồn tại khá lâu nhưng cảnh sát lại không biết, dẫn đến việc các quán cà phê này mọc như nấm. Câu trả lời là không quá khó vì ai cũng biết do có sự buông lỏng về quản lý của cấp chính quyền, mà cụ thể là công an khu vực. Như bạn Minh nhận định: “Thường thì các quán chòi này phải có bảo kê và người chống lưng … không tin các bạn chỉ cần mở quán cafe bình thường thôi cũng được công an khu vực hỏi thăm rồi ….Mong công an tỉnh hay có thể Bộ Công an vào cuộc thì biết ngay ai bảo kê quán này“.

Bạn Trần Lan đồng tình: “Có biểu hiện bảo kê đối với những quán này. Tại sao vẫn tồn tại những quán cafe ôm trong khi công an không phát hiện, giờ lại đơn phương thả người dựa vào lập luận mua bán thiếu cơ sở. Không thể tin được những lời này do 1 người chấp pháp nói ra. Đề nghị truy cứu trách nhiệm Trưởng Công an phường“.

Từ vụ việc này, bạn Vo Duc Hoi lên tiếng cảnh báo: “Đây chỉ là một vụ được đăng báo, còn khá nhiều vụ như vậy tại Biên Hòa Đồng Nai. Bạn vào FB của đội SBC săn bắt cướp Biên Hòa xem họ đã giải cứu được bao nhiêu cô gái cũng lâm vào hoàn cảnh như 3 cô gái này và hãy hỏi họ xem lý do vì sao họ không nhờ chính quyền địa phương can thiệp“.

Ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi cho các thiếu nữ trước những ông chủ quán nhiều tiền và các tên cò vô lương tâm, bán và mua người như một món hàng. Còn có kỷ cương luật pháp hay không? Cần lắm một câu trả lời từ ngành công an để bạn đọc và các bé gái được an lòng và tin tưởng hơn vào công lý.

Theo Song Ngọc – Người Lao Động