Home Cộng Đồng Truyền thông Trung Quốc bị chỉ đạo không chửi ông Trump về vấn đề chiến tranh thương mại
Cộng Đồng

Truyền thông Trung Quốc bị chỉ đạo không chửi ông Trump về vấn đề chiến tranh thương mại

Alo Úc – Bắc Kinh rõ ràng rất tức giận trước chính sách thương mại cứng rắn của Washington nhưng vẫn cố gắng kiềm chế trên bình diện công khai, hạn chế các bài bình luận và cấm báo đài công kích Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chỉ đạo nêu trên xuất phát từ nỗi lo các bài viết thiếu kiềm chế có thể thổi bùng sự bất ổn hoặc làm xáo trộn thị trường tài chính, vốn đã khiến các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa vì các diễn biến liên tiếp từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vừa mới bùng nổ.

“Trong khi tiếp tục vạch trần và chỉ trích các ngôn từ lẫn hành động của Mỹ, phải cẩn thận đừng liên kết chúng với ông Trump, thay vào đó hãy nhắm vào chính phủ Mỹ”, một đoạn trong công văn chỉ đạo báo chí nhà nước Trung Quốc nhắc nhở.

Không rõ bằng cách nào hãng tin Reuters đã có được công văn trên. Một số nguồn tin am hiểu vấn đề xác nhận với Reuters ngày 12-7 rằng một chỉ đạo như vậy là có thật, với mục đích cơ bản là “ổn định tư tưởng, kỳ vọng của nhân dân”.

Quan trọng hơn là truyền thông phải giúp “ổn định kinh tế, tăng trưởng và việc làm; ổn định giao thương quốc tế, đầu tư nước ngoài, tài chính; ổn định thị trường chứng khoán, các sàn giao dịch, thị trường nhà ở”.

Một viên chức làm việc tại một tờ báo mạng hàng đầu Trung Quốc tiết lộ chỉ đạo trên chỉ vừa mới được đưa ra hồi tuần rồi, sau khi Washington áp thuế 25% lên 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. 

Người này nhấn mạnh rằng đây là chỉ đạo “nghiêm nhất từ trước đến nay trong vấn đề này”, với việc liệt kê ra cụ thể từng chuyện phải làm và không được làm.

Vị này yêu cầu giữ kín danh tính bởi ông ta không có quyền phát ngôn với truyền thông nước ngoài, cũng giống như các nguồn tin khác của Reuters ở Trung Quốc.

Theo đó, ban biên tập của tờ báo nói trên bị yêu cầu chỉ được đăng lại các bài viết về chiến tranh thương mại với Mỹ đã được xuất bản trên Tân Hoa xã – hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc. Việc tự xuất bản các bài bình luận riêng về vấn đề này có thể đối mặt với một số hệ quả không báo trước.

Ngoài ra, cũng theo nguồn tin của Reuters, dàn lãnh đạo tờ báo được yêu cầu phải “chôn” các bài viết về chiến tranh thương mại, hạn chế để chúng xuất hiện trên mặt trang chủ và kiểm soát một cách thận trọng các bình luận.

Ứng dụng đọc báo trên điện thoại của tờ này cũng bị cấm gửi thông báo tới người đọc nếu có bài viết mới về chiến tranh thương mại. Người đọc cũng đừng mong tìm thấy tập hợp các bài viết về chủ đề này trên trang chủ tờ báo.

Không được chửi ông Trump

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài suốt nhiều tháng trời, với các biện pháp đáp trả kiểu ăn miếng trả miếng giữa hai bên. Truyền thông Trung Quốc được chính quyền bật đèn xanh đã liên tục có các bài bình luận, chỉ trích sự liều lĩnh và hoang tưởng của Mỹ. 

Trong khi chính phủ Mỹ bị chỉ trích như “kẻ khát máu” và hành xử như “đám du côn”, việc chửi thẳng ông Trump là rất ít nếu không muốn nói là gần như không có. 

Reuters dẫn hai nguồn tin đang làm việc tại một cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc tiết lộ họ bị chỉ đạo không được nhắc tới thiệt hại của các doanh nghiệp Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tại một cơ quan báo chí lớn, các cây bút được yêu cầu không được khuấy động vấn đề, tạo ra cảm giác tiêu cực hay tệ hơn là “vô tình để lộ bài tẩy” của các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc.

Điều này là hoàn toàn khác hẳn với các tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản trong mấy năm gần đây. Bắc Kinh khi đó chọn cách tiếp cận quyết liệt hơn, thậm chí có lúc kích động và lợi dụng sự tức giận của người dân.

Nhưng Mỹ không phải Hàn Quốc và Nhật Bản, sự “phi truyền thống” và khó đoán định của Tổng thống Trump khiến lãnh đạo Trung Quốc phải chọn thái độ mềm dẻo, mềm nắn rắn buông.

Họ biết tính nghiêm trọng của vấn đề và những hậu quả có thể có. Họ không muốn các bài viết của truyền thông gây ra thêm bất cứ hậu quả nào khác

“Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn người dân bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến, việc làm bị mất, giá cả lên cao, sự tức giận sẽ tự nhiên bộc phát. Bất kỳ sự khuấy động nào của truyền thông vào lúc đó sẽ tạo ra những hậu quả cực kỳ xấu”.

Hiện vẫn chưa rõ chỉ đạo này có thay đổi gì hay chưa khi ngày 10-7 Washington tiếp tục cuộc chiến của mình bằng việc tuyên bố có kế hoạch áp thêm 10% thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo Tuổi Trẻ